Ông Lê Hồng Lĩnh sinh năm 1933, cán bộ cách mạng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hiện ông đã nghỉ hưu sống tại khu phố 3, phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông luôn nhớ và rất đỗi tự hào khi cùng đồng đội tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ông Lê Hồng Lĩnh - Ảnh: H.ANH
Ông Lê Hồng Lĩnh tham gia cách mạng từ năm 20 tuổi tại quê hương Phú Yên. Tháng 12/1954, ông tập kết ra Bắc, được biên chế vào đơn vị pháo binh thuộc Sư đoàn 351 đóng quân ở Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Năm 1961, ông là một trong số ít người được trở lại miền Nam chiến đấu và được điều động về Quân khu bộ (Quân khu V). Từ năm 1969 đến năm 1972, ông trở về Phú Yên, giữ cương vị Trưởng ban Tác chiến Tỉnh đội Phú Yên. Sau đó một năm, Quân khu V thành lập Trung đoàn Tăng thiết giáp thì ông lại được điều về Quân khu làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tăng thiết giáp 177.
Sau khi ra Bắc tham gia khóa huấn luyện chỉ huy, khoảng đầu tháng 4/1975, ông Lê Hồng Lĩnh trở lại Quân khu 5, đúng lúc các tỉnh thuộc Quân khu V đã giải phóng. Đây cũng là lúc ông nhận được lệnh Tiểu đoàn Tăng thiết giáp 177 được tăng cường quân số cho Lữ đoàn 203 Tăng thiết giáp thuộc Quân đoàn II tiến vào giải phóng Sài Gòn. Lữ đoàn 203 lúc này chỉ có 4 tiểu đoàn là: Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 3 và Tiểu đoàn 4. Khi được bổ sung vào Lữ đoàn 203, Tiểu đoàn Tăng thiết giáp 177 được gọi là Tiểu đoàn 5. Nhận được lệnh, toàn bộ Lữ đoàn 203 với gần 100 xe tăng hành quân thần tốc, không kể ngày đêm vượt hàng ngàn cây số tiến quân vào miền Nam để kịp đúng ngày giờ đã định. Bởi vì lúc này vẫn còn một số tỉnh, thành miền Nam chưa được giải phóng nên toàn bộ đơn vị của ông vừa hành quân vừa phối hợp với lực lượng địa phương tham gia chiến đấu giải phóng một số nơi như TX Phan Rang (Ninh Thuận), căn cứ Nước Trong (Bà Rịa -Vũng Tàu) và sáng 30/4 toàn bộ Lữ đoàn 203 đã chặn đánh địch để giải phóng khu căn cứ Thủ Đức cách dinh Độc Lập (TP Hồ Chí Minh) khoảng 15km. Sau khi giải phóng Thủ Đức, đơn vị tiếp tục hành quân tiến vào trung tâm thành phố. Lúc này hai bên đường, người dân Sài Gòn tập trung rất đông để vỗ tay chào mừng quân giải phóng. Ông Lĩnh cho biết: Thực tình thì anh em chúng tôi không ai biết đường đi tới dinh Độc Lập mà chỉ nghe truyền đạt là khi vào cửa ngõ Sài Gòn bỏ 7 ngã tư rồi rẽ phải. Rất may, lúc đó trong số dân chúng đứng hai bên đường có một cô gái dáng người nhỏ nhắn, da hơi ngăm đứng trà trộn trong đám học sinh, sinh viên xung phong chỉ đường. Cô gái nhanh nhẹn leo lên xe không một chút do dự. Sau này ông và nhiều đồng đội mới biết đó không phải là ngẫu nhiên mà cô gái ấy là cô Bảy, một nữ biệt động thành được tổ chức phân công nhiệm vụ dẫn đường để các đơn vị quân giải phóng tiến thẳng vào dinh Độc Lập. Hơn 11g30 ngày 30/4, Tiểu đoàn 5 có mặt tại dinh Độc Lập nhận nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài. Tiểu đoàn 2 đã vào trước, chiếc xe tăng mang số hiệu 390 húc đổ cổng chính và tiến vào dinh Độc Lập, còn chiếc xe tăng mang số hiệu 843 bị mắc kẹt trước cổng phụ. Nhìn lên đỉnh nóc dinh Độc Lập, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, giờ phút thiêng liêng nhất đã hiện diện trước mắt. “Lúc này tôi thấy không có gì sung sướng hơn trong cuộc đời binh nghiệp của mình, thành quả bao năm nếm mật nằm gai của cả dân tộc nay trở thành hiện thực: đất nước Việt Nam hoàn toàn giải phóng, non sông liền một dải đúng như ý nguyện của Bác Hồ hằng mong ước”, ông Lĩnh vui cười nói.
Sau Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975, trong một trận tham gia tảo trừ Phun Rô tại khu căn cứ Long Bình, ông Lê Hồng Lĩnh bị thương nặng do vướng mìn của địch cài lại, tổ chức điều ông về lại Tỉnh đội Phú Yên. Ông tiếp tục công tác và nghỉ hưu vào năm 1978.
HÀ ANH