Với tầm nhìn chiến lược đối với thế hệ trẻ trong sự nghiệp cách mạng, Bác Hồ đã giao nhiệm vụ cho Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam tổ chức một đội thanh niên tập trung dài ngày phục vụ chiến dịch lấy tên Đội Thanh niên xung phong (TNXP) công tác cho phù hợp với đặc điểm của thanh niên là luôn hăng hái xung phong đi đầu trong mọi nhiệm vụ. Trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc, lực lượng TNXP Việt Nam vàlực lượng TNXP Phú Yên đã liên tục phát triển, cống hiến và trưởng thành, xây dựng nên những truyền thống cách mạng vẻ vang.
Các đội viên cựu TNXP Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ gặp mặt truyền thống - Ảnh: V.TÀI
Sinh ra ở miền quê Thạnh Phú, xã Hòa Mỹ Tây (Tây Hòa), cũng như nhiều thanh niên thời đó, ông Nguyễn Công Đào đã sớm giác ngộ cách mạng. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông gia nhập lực lượng TNXP khi 23 tuổi. Gian khổ, thiếu thốn trăm bề nhưng ông và đồng đội vẫn hăng say, hát vang bài ca lao động giữa núi rừng hùng vĩ để hoàn thành nhiệm vụ. Ông Đào nhớ lại: “Ngày đó, công việc của chúng tôi là chuyển hàng viện trợ từ đường 9 vào Trạm 316, đưa thương binh từ trung tuyến về hậu cứ, vận chuyển lương thực và xây dựng các lán trại cho hội nghị Tỉnh ủy”. Công việc cứ thế tất bật hết ngày này đến ngày khác. Mùa khô năm 1967, sự thiếu thốn lại càng lên cao điểm và công việc lại càng nặng nề, gian khổ vì sự đánh phá ác liệt của kẻ thù.
Ông Đào kể: Trung tuần tháng 3/1969, đồng chí Linh, Ủy viên thường trực Ban Giao vận tỉnh gọi tôi lên truyền đạt nhiệm vụ chuẩn bị quân trang lên đường đến địa điểm tập trung tại Suối Ché (Sơn Hòa). Tôi biết có trên 200 nam nữ thanh niên các cơ quan, ban ngành của tỉnh được triệu tập. Tối hôm ấy hành quân ngay, hướng công tác đi B3, từ Phú Yên đi đến địa điểm cuối cùng là Trạm 17B3 giáp đường mòn Hồ Chí Minh mất 15 ngày. Sau một ngày dừng chân thì đồng chí tiểu đoàn trưởng ở trạm mời tôi đến giao nhiệm vụ. Đơn vị nhận hàng viện trợ từ miền Bắc vào, để tại Trạm 1 (giáp Lào - Campuchia - Việt Nam), cách Trạm 17 khoảng 17 ngày đường. Sau chuyến hàng đầu tiên, đoàn tách ra hai bộ phận: TNXP thường trực ở lại tiếp tục công tác, còn lực lượng cán bộ công nhân viên của tỉnh nhận hàng về. Chúng tôi tiếp tục nhận hàng viện trợ từ miền Bắc giúp Phú Yên trong thời gian công tác tại Trạm 17. Vào khoảng tháng 8/1969, Tây Nguyên bắt đầu mưa dầm, chiến trường Đắk Lắk ác liệt hơn do địch tăng cường phòng thủ từ xa, trong đó tập trung quyết liệt nhất từ tháng 6 đến tháng 10. Địch không đưa được quân càn quét nên dùng không quân. Lúc đầu, chúng đánh có điểm, có diện, sau chúng điên cuồng đánh phá, dùng B52 rải thảm. Đơn vị chúng tôi thiếu ăn, mất ngủ, nhưng vẫn bám trụ, tranh thủ đưa hàng từ Trạm 1 đến Trạm 17 tập kết. Có lúc địch thả bom đốt sạch hàng hóa. Chuyến công tác ở chiến trường B3 là một trong những chuyến đi đặc biệt. Năm ấy, đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; được tặng huân chương, nhiều anh, chị em được công nhận chiến sĩ thi đua”.
Cũng như ông Đào, gia nhập TNXP năm 1969, bà Hồ Thị Cửu quê ở Long Yên (xã An Dân, Tuy An) nhớ như in những năm tháng vào sinh ra tử của mình. Năm ấy, bà cùng đồng đội Phan Ngọc Dũng được đơn vị cử xuống An Định (Tuy An) mua thực phẩm. Trên đường về, đến trảng sim Gò Rộng (xã Hòa Trị, Phú Hòa), cả hai bị máy bay địch phát hiện. Hàng rất nặng, không thể mang chạy kịp, họ đành bỏ hàng thoát thân. Địch thả bom làm cháy rừng và cháy luôn cả hàng hóa, quần áo tư trang, mỗi người chỉ còn một bộ đồ. Sau đó, đơn vị phân công bà xuống Tuy Hòa 2 nhận lương thực. Về đến trên dốc Gò Rộng thì gặp biệt kích. Bà và đồng chí Long bàn cho anh em tạt vào rừng, nếu không sẽ trở thành mục tiêu “ngon” để máy bay địch thả bom. Vừa chạy vào khu rừng nhỏ thì máy bay thả bom xăng, anh em chạy đến đâu bom xăng thả đến đó. “Chạy đến suối thì gặp đồng chí Hồng Quang và đồng chí đưa chúng tôi về căn cứ an toàn. Riêng các đồng chí Hồng, đồng chí Quả đến Gò Rộng thì gặp bọn biệt kích, cả hai hy sinh…” - bà Cửu nhớ lại.
Cũng gia nhập TNXP trong những ngày đầu chống Mỹ, đối với cựu đội viên TNXP ở Đại đội C37 Huỳnh Trung Chánh (phường 2, TP Tuy Hòa) thì ký ức về những năm tháng gùi hàng, tải đạn vẫn còn như mới hôm qua. Với ông, kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi đơn vị phối hợp với C5, C7 làm cầu vượt Rào Bội (Sơn Hòa). Đây là phần việc hết sức vất vả, các đội viên phải dầm mình trong nước, trên đầu là pháo của địch bắn phá liên tục nhưng không khí lao động vẫn tất bật, khẩn trương, quyết tâm hoàn tất công trình trước thời hạn để phục vụ vận chuyển vũ khí, đạn dược vào Nam. Nhiều đồng chí ở đại đội đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ. Ngày đó, đạn bom ác liệt, địch đánh phá liên tục nhưng không ngăn được ý chí căm thù và lòng quả cảm của ông Chánh khi đó vừa tròn đôi mươi. “Tuy sự sống và cái chết luôn cận kề, nhưng lúc nào chúng tôi cũng cõng mấy chục ký hàng, băng mình trong lửa đạn, bằng lòng nhiệt tình và ngọn lửa tuổi trẻ không bao giờ tắt, nó cứ vang vọng cả núi rừng. Chính điều này đã thôi thúc nhiều thanh niên tiếp tục tình nguyện đi TNXP”, ông Chánh thổ lộ.
Theo thống kê của Hội Cựu TNXP Phú Yên, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có trên 400 cựu đội viên TNXP. Phần lớn đội viên là đảng viên, cán bộ hưu trí, lão thành cách mạng, hội viên cựu chiến binh, phụ nữ… được tôi luyện qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong thời kỳ xây dựng đất nước. Họ là lớp người sống có lý tưởng, có ý chí, nghị lực, trách nhiệm và luôn khát khao hòa nhập cộng đồng, mong được sống vui, sống khỏe, sống có ích. Sau khi chiến tranh kết thúc, nhiều người trong số họ gặp rất nhiều khó khăn phải bươn chải để kiếm sống. Nhưng phẩm chất của TNXP vẫn luôn ngời sáng và họ luôn là nhân tố tích cực trong mọi hoạt động của địa phương, tích cực tham gia vào việc giáo dục truyền thống, văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ hôm nay bằng chính những công việc thường xuyên, hàng ngày của mình.
LỆ VĂN