Tượng gỗ dân gian là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Bằng những dụng cụ thô sơ như rìu, đục, những nghệ nhân buôn làng đã đục, đẽo, trau chuốt những khối gỗ vô tri thành những con vật, đồ vật gần gũi với con người như nồi đồng, cối đá, con khỉ, con voi, người giữ rẫy, người mặt buồn… Những tượng gỗ này được trang trí ở nhà sàn, nhiều nhất là ở nhà mồ, nơi đồng bào quan niệm rằng người thân của họ cũng có một đời sống khác ở thế giới bên kia. Tuy nhiên hiện nay, nét bản sắc này đang bị mai một dần vì nhiều lý do, trong đó có phần là lớp trẻ không được truyền dạy những nét tinh hoa văn hóa của cha ông. Mới đây, lần đầu tiên huyện Sông Hinh đã khơi dậy nét bản sắc này thông qua cuộc thi đẽo tượng gỗ dân gian và chế tác nhạc cụ dân tộc. Đây là dịp để các nghệ nhân buôn làng trổ tài khéo léo của mình, học hỏi những kinh nghiệm của bạn, đồng thời cũng là cơ hội để vực dậy một nét bản sắc đang có nguy cơ bị mai một.
Bằng chiếc rìu, các nghệ nhân sẽ biến những khối gỗ vô tri thành những đồ vật, con vật trông rất sinh động Nghệ nhân Oi Tiên (xã Sông Hinh) đẽo tượng gỗ người giã gạo Khéo léo chạm trổ những hoa văn Nghệ nhân Y Thiện (xã Sơn Giang) đẽo tượng con voi đứng Nghệ nhân Ma Thú (xã Sông Hinh) đẽo tượng con khỉ Miệt mài thổi hồn vào gỗ
DƯƠNG THANH XUÂN (thực hiện)