Thứ Bảy, 21/09/2024 07:09 SA
Chuyện về chiếc cầu phao bắc qua sông Ba
Chủ Nhật, 01/04/2012 18:00 CH

Chuyện về chiếc cầu phao bắc qua sông Ba để đưa phương tiện và lực lượng của cánh quân Tây Nguyên rút lui theo đường 7 đến đoạn cuối bắc cầu phao để vượt sang đường 5 là một quyết định táo bạo, bất ngờ của tướng lĩnh ngụy quyền Sài Gòn nhưng đã dẫn đến thất bại thảm hại.

cau120401.jpg

Chiếc cầu phao bắc qua sông Ba và bãi xe tại Thạnh Hội chuẩn bị vượt sang đường 5, ngày 19/3/1975 - Ảnh: T.L

Ngày 10/3/1975, TX Buôn Ma Thuột bị quân ta tấn công bất ngờ làm chúng thất thủ nên ngày 12,13/3/1975, thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn 2 – Quân khu II điều động hai Trung đoàn 44 và 45 thuộc Sư đoàn 23 ngụy được không quân yểm trợ đổ bộ xuống Phước An, phản kích hòng đánh chiếm lại TX Buôn Ma Thuột, nhưng bị ta tấn công tiêu diệt. Chiến trường Tây Nguyên bị cô lập, buộc Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nghĩ đến phương án bỏ Tây Nguyên, đưa lực lượng về giữ đồng bằng ven biển.

Theo lời tường trình của chuẩn tướng Phạm Duy Tất – Chỉ huy trưởng biệt động quân, sáng ngày 14/3/1975 Nguyễn Văn Thiệu – Tổng thống, Trần Thiện Khiêm – Thủ tướng, Cao Văn Viên – Tổng tham mưu trưởng, Đặng Văn Quang – Phụ trách an ninh của Tổng thống bay ra Cam Ranh để chủ trì cuộc họp bàn về chiến trường Tây Nguyên.

Tại Tây Nguyên, thiếu tướng Phạm Văn Phú – Tư lệnh Quân đoàn 2, Quân khu II đang tìm cách củng cố lực lượng sau thất bại thảm hại cuộc phản kích, thì nhận được lệnh về ngay Cam Ranh để gặp Tổng thống, đi cùng tướng Phú có chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang – Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân số 6.

Tại cuộc họp, Phạm Văn Phú trình bày tình hình chiến sự đang xảy ra tại Tây Nguyên và khẳng định: “Nếu rút khỏi Tây Nguyên năm nay thì cuộc tấn công khác của cộng sản có thể vào năm tới, sẽ mất duyên hải và mất nước”. Ông ta còn nhấn mạnh bốn sư đoàn quân giải phóng đang tỏa khắp vùng Pleiku và Buôn Ma Thuột, mọi đường đi ra biển đều bị cắt, rồi Phú đề nghị: Yểm trợ không quân tối đa, được tiếp tế đầy đủ, được bổ sung quân số bù đắp những thiệt hại nặng nề vừa qua. Sau khi nghe Phú trình bày, Nguyễn Văn Thiệu lắc đầu: không có gì hết, không có người, không có thiết bị để cung cấp cho anh, quân đội đang bị phân tán một cách nguy hiểm ra khắp đất nước, cho nên phải rút khỏi hai tỉnh KonTum và Gia Lai để bảo tồn lực lượng, lấy quân đưa về giữa đồng bằng ven biển tiếp tế thuận lợi hơn và từ đó phản công lấy lại Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên. Cả cuộc họp không ai có ý kiến gì? Vấn đề còn lại là bàn phương án rút lui như thế nào cho an toàn.

Tướng Cao Văn Viên nói: chỉ còn lại duy nhất tuyến đường số 7, một con đường cũ kỹ đi về phía đông qua tỉnh Phú Bổn từ lâu đã bỏ không, tuy không được tốt nhưng lực lượng công binh có thể hoàn thành sửa chữa nhanh chóng, đồng thời rút theo đường số 7 sẽ tạo được yếu tố bất ngờ đối với đối phương, đến đoạn cuối đường 7 bắc cầu phao vượt qua sông Ba sang đường 5 về Phú Lâm - Đông Tác an toàn hơn, Cao Văn Viên giao toàn quyền quyết định về thời gian, tổ chức lực lượng và kế hoạch rút quân cho Phạm Văn Phú.

Phạm Văn Phú về Pleiku triệu tập cuộc họp ngay trong đêm để phổ biến ý định của Nguyễn Văn Thiệu. Cuộc họp gồm: Phạm Ngọc Sang, Trần Văn Cẩm, Phạm Duy Tất, đại tá Lê Khắc Lý – Tham mưu trưởng Quân đoàn II do Phạm Văn Phú chủ trì, Phú phổ biến quyết định rút khỏi Tây Nguyên của Tổng thống Thiệu, gây bất ngờ cho những người dự họp, Phú giao cho Trần Văn Cẩm soạn thảo kế hoạch hành quân, Phú nhấn mạnh tuyệt đối giữ bí mật và giao cho Phạm Duy Tất – Tư lệnh biệt động quân chỉ huy hành quân, đại tá Lê Khắc Lý được giao điều động lực lượng công binh bắc cầu phao vượt sông Ba sang đường 5 để tránh đoạn cuối đường 7, và Phú bay về Nha Trang trong đêm.

Như vậy, theo tường trình của chuẩn tướng Phạm Duy Tất và các tài liệu của địch để lại, trong kế hoạch rút lui theo đường 7 đều có kế hoạch vượt sông Ba sang đường 5 về Phú Lâm - Đông Tác, được Cao Văn Viên - Tổng tham mưu trưởng vạch ra ngay từ đầu. Để đảm bảo cho kế hoạch, Phú điều động phương tiện bắc cầu phao từ Nha Trang ra sân bay Đông Tác, lệnh cho Tỉnh trưởng Phú Yên Vũ Quốc Gia điều động Liên đoàn bảo an 924 từ TX Tuy Hòa sang chốt giữ trục đường 5 từ Phú Lâm lên Hòn Kén - Sơn Thành, Phú điều động tiểu đoàn biệt động quân từ Khánh Hòa ra để chốt từ đèo Cả đến Hòa Vinh. Ngày 17/3/1975, Chỉ huy tiền phương phát hiện máy bay của địch vận chuyển phương tiện từ sân bay Đông Tác lên Thạnh Hội - Sơn Hòa để chuẩn bị bắc chiếc cầu phao. Ngày 18/3/1975, bộ phận đi đầu của cánh quân Tây Nguyên xuống theo trục đường 7 đến địa phận quận Củng Sơn khoảng 8km thì làm đường cấp phối (đoạn vào Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ hiện nay) theo đường mòn vào Lỗ Lương xuống thôn Tây Hòa đến quận lỵ Củng Sơn, xuống núi Một (nay là Nhà máy đường KCP) đến Thạnh Hội dừng lại để chờ bắc cầu phao vượt sông Ba. Trưa ngày 19/3/1975 chiếc cầu phao đã bắc xong, nhưng do quân đông, phương tiện nhiều, nhiều đơn vị hỗn hợp có cả gia đình binh lính, sĩ quan, và dân di tản nên rất phức tạp không chỉ huy được, đã tranh nhau vượt cầu phao nên chiếc cầu bị lật phải sửa chữa nhiều lần, mất thời gian buộc chúng phải tổ chức vượt từng chiếc một, ưu tiên các phương tiện phục vụ cho chiến đấu và lực lượng chiến đấu, do đó mà kéo dài thời gian không còn yếu tố bí mật, bất ngờ có điều kiện và thời gian cho ta cơ động lực lượng tổ chức chiến đấu đánh địch trên trục đường số 5.

Như vậy, từ chiều ngày 19/3 đến ngày 24/3/1975 địch di chuyển qua cầu phao để vượt sông Ba mới được 2/3 phương tiện và lực lượng cơ động đến tập kết tại Hòn Kén - Sơn Thành, tổ chức phản kích để phối hợp với quân địa phương đánh chiếm trục đường 5 nhưng đều bị ta đánh bại, buộc chúng phải lui lại và co cụm ở Hòn Kén. Ngày 24/3/1975 Trung đoàn 64 của Sư đoàn 320 phát triển tấn công đến Củng Sơn, hợp đồng với Tiểu đoàn 96 địa phương tổ chức tấn công quận lỵ Củng Sơn, đánh quân địch co cụm ở núi Một và phát triển đánh quân địch ở khu vực Thành Hội. Địch hoảng hốt cho máy bay thả bom phá cầu phao và hủy bãi xe ở Thành Hội, kết thúc số phận cánh quân từ Tây Nguyên xuống đường 7 bắc cầu phao vượt qua sông Ba sang đường 5 trong một tuần lễ, mà các tướng lĩnh của ngụy thừa nhận cuộc rút lui thảm hại trong lịch sử của quân đội ngụy Sài Gòn.

Kế hoạch rút quân theo đường số 7 khắc phục đoạn cuối bắc cầu vượt sông Ba sang đường 5 về Phú Lâm – Đông Tác là sự lựa chọn yếu tố bất ngờ, là sự đánh giá chủ quan, ỷ lại phương tiện hiện đại, có điều kiện cơ động nhanh, nhưng chúng không tính đến tính phức tạp, ô hợp của một đội quân thất bại, tư tưởng giao động, tổ chức chỉ huy không chặt chẽ dẫn đến thất bại chiến thuật, chiến dịch, chiến lược đi đến mất nước, như lời thú nhận của các tướng lĩnh ngụy quyền Sài Gòn.

Sau 37 năm có điều kiện kiểm chứng lại những sự kiện chiến thắng oai hùng của quân và dân Phú Yên, phân tích làm rõ nguyên nhân thất bại của địch trên chiến trường, rút ra bài học chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu về sự linh hoạt, sáng tạo, bám sát nhiệm vụ, ý đồ của cấp trên để giành thắng lợi.

Chiến thắng đường 5, kết thúc số phận của quân địch với ý đồ rút lui về phòng giữ các tỉnh duyên hải trong điều kiện chưa được chuẩn bị, chưa được tổ chức chỉ huy chặt chẽ, chưa được sự đồng tình của tướng lĩnh và sự đánh giá đối phương không đúng nên đã thất bại thảm hại, làm tan rã 20 vạn quân và hơn 2 nghìn xe các loại, làm phá sản kế hoạch rút lui chiến lược, dẫn đến thất bại hoàn toàn miền Nam.

TRẦN VĂN MƯỜI

Chủ tịch Hội CCB tỉnh Phú Yên

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ngày ấy bây giờ...
Chủ Nhật, 01/04/2012 07:30 SA
Ấm áp nghĩa tình quê hương Đồng Khởi
Thứ Ba, 20/03/2012 07:45 SA
Ra Hòn Nưa
Chủ Nhật, 04/03/2012 14:00 CH
“Vua” cá ngừ đại dương
Thứ Bảy, 11/02/2012 09:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek