Thứ Bảy, 21/09/2024 07:15 SA
Sơn Hòa: Ký ức hào hùng, tương lai tươi sáng
Thứ Hai, 02/04/2012 00:00 SA

Trong cuộc tổng tiến công làm nên chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975, quân và dân Sơn Hòa đã chiến đấu anh dũng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương anh hùng, 37 năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện miền núi Sơn Hòa đã đoàn kết, chung tay ra sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Từ một địa phương nghèo, Sơn Hòa đang chuyển mình đi lên theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

mia120401.jpg

Mía là cây trồng chủ lực của huyện Sơn Hòa, đang giúp cho nhiều nông dân vươn lên làm giàu - Ảnh: N.TRƯỜNG

QUÁ KHỨ HÀO HÙNG

Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, ngoài phát triển đa dạng các ngành nghề, chủ trương của huyện là phát triển vùng nguyên liệu mía, sắn, gắn với công nghiệp chế biến, nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế toàn diện. Đây cũng là mục tiêu, hướng đi bền vững trong xóa đói, giảm nghèo, cũng như xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Tháng 3/1975, sau khi thất thủ mặt trận Tây Nguyên, quân Ngụy Sài Gòn rút lui chiến lược về giữ vùng đồng bằng ven biển miền Trung theo tỉnh lộ 7 (nay là quốc lộ 25). Sơn Hòa được địch chọn làm địa bàn tập kết để chuẩn bị vượt qua sông Ba. Nắm được ý đồ của địch, ta chủ động tấn công quận lỵ Củng Sơn. Trung đoàn 64 và Tiểu đoàn 96 tấn công địch ở Chi khu Củng Sơn, núi Một, đánh chiếm bãi xe Thạnh Hội và giải phóng hoàn toàn huyện Sơn Hòa. Chiến thắng đường 7, giải phóng Sơn Hòa là chiến thắng quan trọng làm cho cuộc rút quân chiến lược của địch trở thành cuộc tháo chạy hoảng loạn, góp phần to lớn giải phóng tỉnh Phú Yên vào ngày1/4, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.

Anh Nguyễn Văn Tý, một chiến sĩ tham gia giải phóng Củng Sơn nay là Chủ tịch UBND xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa nhớ lại: Khi quân địch tháo chạy, nhiều người dân đổ ra đường ăn mừng chiến thắng của bộ đội ta với khí thế hừng hực, tiến quân rầm rộ. Còn nguyên Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa Sô Minh Nũng: “Trong suốt cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Sơn Hòa đã không tiếc máu xương, kiên cường đấu tranh. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quân dân Sơn Hòa thi đua lao động, sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh, cảnh giác và sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch”.

Chiến tranh đã đi qua nhưng ký ức về một thời hào hùng, oanh liệt vẫn còn in đậm trong tiềm thức mỗi người dân Sơn Hòa. Tinh thần cách mạng tiến công là hành trang của cán bộ, chiến sĩ trên con đường xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước của người dân nơi đây.

PHÁT TRIỂN VƯỢT BẬC

Những năm đầu giải phóng, Sơn Hòa là một trong những địa phương nghèo khó, nhà cửa thưa thớt, đường sá đi lại khó khăn, đất sản xuất nông nghiệp đa phần hoang hóa, đời sống nhân dân hết sức khó khăn. Giờ đây, địa phương đã có nhiều công trình thủy lợi, mở rộng diện tích lúa nước, từng bước giải quyết lương thực tại chỗ cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với tổng vốn đầu tư hàng chục tỉ đồng.

Theo Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa Cao Minh Hòa, trong chiến lược xóa đói giảm nghèo, huyện chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục được đầu tư mở rộng, nhiều ngành nghề, dịch vụ được hình thành và phát triển, thu hút, giải quyết, tạo thêm việc làm cho hàng ngàn lao động mỗi năm. Thành tựu nổi bật của huyện là đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp với cây mía và con bò làm chủ lực đã bảo đảm cuộc sống cho hàng ngàn hộ dân. Khoảng 5 năm trở lại đây, nhờ cây mía cho năng suất cao, giá cả ổn định, đời sống nhân dân có nhiều khởi sắc. Hầu hết bà con đồng bào dân tộc thiểu số đều xây được nhà ngói khang trang, sắm sửa được các vật dụng, phương tiện đắt tiền, nhiều hộ còn đầu tư mua xe ô tô tải trị giá hàng trăm triệu đồng để chủ động vận chuyển nông sản.

Các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Sơn Hòa đã có nhiều thay đổi. Từ xã Sơn Phước đi Trà Kê, xã Sơn Hội, hay lên các xã vùng cao Phước Tân, Cà Lúi với tỉnh Gia Lai, đường giao thông được duy tu, nâng cấp bằng phẳng; trường, trạm khang trang, thông thoáng. Hai bên đường, nhà ngói tường xây mọc san sát, xen lẫn những cánh đồng mía, sắn bạt ngàn. Theo nhiều người dân, Tết Nguyên đán Nhâm Thìn là năm người dân miền núi Sơn Hòa được đón một cái Tết no đủ nhất, vì cây mía cho thu lãi bình quân từ 20 đến hơn 40 triệu đồng/ha, nhiều diện tích đạt hơn 100 tấn/ha, lãi ròng 100-200 triệu đồng; cây sắn cũng cho lợi nhuận 15-20 triệu đồng/ha.

PHƯƠNG NAM

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ngày ấy bây giờ...
Chủ Nhật, 01/04/2012 07:30 SA
Ấm áp nghĩa tình quê hương Đồng Khởi
Thứ Ba, 20/03/2012 07:45 SA
Ra Hòn Nưa
Chủ Nhật, 04/03/2012 14:00 CH
“Vua” cá ngừ đại dương
Thứ Bảy, 11/02/2012 09:00 SA
Những người Phú Yên ở đất Sài Gòn
Thứ Tư, 25/01/2012 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek