Thứ Bảy, 21/09/2024 18:34 CH
Hơn cả niềm tin cậy
Thứ Ba, 31/05/2011 10:00 SA

Trong suy nghĩ của tôi, một quân nhân viết sử, ông không chỉ là một lãnh đạo kỳ cựu, một tấm gương ngời sáng về người đảng viên tận tụy, gương mẫu, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, mà trên hết, điều tôi quý nhất ở ông là tấm lòng nhân hậu. Ông chính là Nguyễn Duy Luân, mà cán bộ nhân dân trong tỉnh thường gọi bằng cái tên mộc mạc: bác Chín Cao.

 

9_cao110531.jpg

Đồng chí Nguyễn Duy Luân - Chín Cao - Ảnh: X.HIẾU

 

Hòa Thịnh, một miền quê giàu truyền thống cách mạng, nơi ông sinh ra và lớn lên. Chính tại mảnh đất này, ông đã sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng từ những năm tiền khởi nghĩa, góp phần cùng Đảng bộ, quân và dân Phú Yên làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất, giành lấy chính quyền cho người dân nô lệ. Trong kháng chiến chống Pháp, với nhiều chức trách, nhiệm vụ khác nhau, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần lớn trong việc xây dựng và bảo vệ vững chắc vùng tự do Phú Yên, đảm bảo là hậu phương vững chắc cho chiến trường cực Nam Trung Bộ và các tỉnh Tây Nguyên.

 

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, ông không lên đường tập kết ra Bắc mà ở lại quê hương tiếp tục gầy dựng phong trào cách mạng. Có thể cũng như bao người khác, ông không hình dung hết âm mưu tráo trở, lật lọng, dã man của kẻ thù đối với những người kháng chiến. Nhưng nếu biết, tôi tin, ông vẫn sẵn sàng ở lại. Chính trong giai đoạn kẻ thù đã dồn toàn lực để bóp chết phong trào cách mạng miền Nam, ông và các đồng chí ở lại vẫn âm ỉ nhóm lên ngọn lửa cách mạng, nhóm lên niềm tin cho quần chúng nhân dân, âm thầm xây dựng các tổ chức cơ sở cách mạng. Kẻ thù đã trao giải rất cao để bắt hoặc tiêu diệt ông và các đồng chí của ông. Cuộc đấu tranh khốc liệt, trực diện với kẻ thù đã trui rèn cho ông một bản lĩnh kiên cường. Có thể nói đây là giai đoạn hoạt động cách mạng khó khăn nhất trong cuộc đời ông. Với chính sách “tố cộng, diệt cộng” dã man, tàn bạo, kẻ thù ngỡ đã tiêu diệt được phong trào cách mạng. Và rồi bất ngờ bùng lên Đồng khởi Hòa Thịnh, một cuộc cách mạng lật đổ chính quyền “mở đầu cho đồng khởi ở đồng bằng các tỉnh trên địa bàn Quân khu 5”. Cuộc Đồng khởi gióng lên một hồi chuông báo động với kẻ thù: thời kỳ tạm ổn của chính quyền tay sai đã chấm dứt, phong trào cách mạng Phú Yên bắt đầu phát triển. Vinh quang đó thuộc về Đảng bộ, nhân dân Phú Yên mà ông là người đóng góp rất lớn.

 

Nói đến những chiến công thầm lặng của ông trên mặt trận xây dựng tổ chức Đảng, tổ chức lực lượng vũ trang, không thể không nói đến giai đoạn sau Mậu Thân (1968). Đó là giai đoạn mà thế hệ trẻ chúng tôi nói riêng, quân dân Phú Yên nói chung cần trân trọng biết ơn ông. Thắng lợi của cuộc tổng tấn công và nổi dậy trên chiến trường Phú Yên trong dịp Tết Mậu Thân 1968 là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược. Cùng với chiến trường miền Nam, quân dân Phú Yên đã góp phần đập tan chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của địch, buộc địch phải ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Pa-ri, rút quân Mỹ về nước. Tuy nhiên, để làm nên cuộc tổng tấn công này, lực lượng ta cũng bị tổn thất khá nặng nề (chỉ tính riêng trong cuộc tổng tấn công, lực lượng ta đã bị tổn thất bằng 7 năm 1960-1967 cộng lại) (1). Phong trào cách mạng gặp muôn vàn khó khăn, một số cán bộ, quần chúng có thái độ e dè, lo sợ. Trước tình hình đó, ông được Thường vụ Tỉnh ủy phân công làm Chính trị viên Tỉnh đội để xây dựng lại lực lượng vũ trang. Bằng kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, nhiệt tình cách mạng cùng với uy tín của mình, ông đã có công rất lớn trong việc từng bước củng cố xây dựng lại lực lượng vũ trang ngày càng lớn mạnh để lập nên những chiến công oanh liệt, góp phần đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên địa bàn tỉnh đi đến thắng lợi cuối cùng.

 

Trong cuộc Tổng tấn công nổi dậy xuân 1975, sau khi Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn ra lệnh rút bỏ Tây Nguyên, thực hiện kế hoạch “rút lui chiến lược” đưa lực lượng về chốt giữ đồng bằng, ngày 17/3/1975, Sở chỉ huy tiền phương Phú Yên nhận được điện thông báo và mệnh lệnh của Bộ tư lệnh Quân khu 5 “... toàn bộ quân địch ở Tây Nguyên đang rút xuống theo đường 7, lệnh cho Phú Yên phải điều động toàn bộ lực lượng của địa phương sang tập trung đánh tiêu diệt quân địch trên đường 7, không cho chúng chạy thoát về thị xã...”. Với cương vị là Bí thư Tỉnh ủy, là người lãnh đạo cao nhất của Sở chỉ huy tiền phương, ông đã đồng ý với đề xuất của Ban Tham mưu Tỉnh đội báo cáo tình hình với Tư lệnh Quân khu 5 đề nghị giữ nguyên lực lượng ở Tuy Hòa 1 để chuẩn bị đánh địch trên đường 5, không đưa lực lượng tập trung ở đường 7. Quyết định đúng đắn của Sở chỉ huy tiền phương, mà ông là người đứng đầu, là cơ sở để lãnh đạo lực lượng vũ trang và nhân dân làm nên chiến thắng đường 5 oanh liệt - chiến thắng to lớn nhất của quân dân Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, “đòn quyết định cuối cùng” đánh bại cuộc rút lui chiến lược của địch từ Tây Nguyên xuống co cụm giữ duyên hải miền Trung. 

 

Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Phú Yên cùng Khánh Hòa hợp nhất thành tỉnh Phú Khánh. Sau đó, để đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân, cán bộ tỉnh Phú Khánh, ngày 4/3/1989, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 83 NQ/TW chia tỉnh Phú Khánh thành hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Ông nhớ lại: “Lúc bấy giờ, sau 14 năm sáp nhập tỉnh, chúng ta tập trung xây dựng chủ yếu ở địa phận Khánh Hòa - nơi đặt tỉnh lỵ của Phú Khánh, bởi vậy, Phú Yên nhiều khó khăn lắm. Khi chúng tôi - những người con của Phú Yên - trở về để xây dựng quê hương mình, thì khó khăn chồng chất khó khăn. Khó khăn lớn nhất là thiếu thốn nghiêm trọng về cơ sở vật chất, cơ quan làm việc, chỗ ăn, chỗ ở cho hàng ngàn gia đình cán bộ, công nhân viên chức, bộ đội, công an từ Khánh Hòa về. Đa số chúng tôi chỉ hai bàn tay trắng với chiếc ba lô trên vai mang về quê. Phải nói còn khó khăn hơn lúc mới giải phóng về, bởi khi đó mình chỉ một mình, còn bấy giờ có cả gia đình, cha mẹ, vợ con; khi đó còn có cơ sở vật chất của địch để lại dù hư hỏng nhưng có thể sửa chữa, xây dựng lại để dùng, còn lúc bấy giờ chẳng có gì cả” (2). Ông đã cùng các đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách sau khi chia tỉnh, giải quyết ngay những bức xúc, băn khoăn, lo lắng chính đáng của cán bộ và nhân dân, nhất là về mặt tư tưởng, tinh thần, về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, chỗ ăn, chỗ ở cho anh chị em. 

 

Bây giờ ông đã nghỉ hưu nhưng vẫn canh cánh dõi theo từng bước phát triển của tỉnh nhà. Ông nói: “20 năm là khoảng thời gian không dài, nhưng sự thay đổi, phát triển chung của đất nước và của Phú Yên là quá lớn, quá nhanh. Tôi thấy, Phú Yên đã thực sự vươn vai đứng dậy để “bằng chị bằng em”. Tôi vui mừng và phấn khởi khi thấy quê hương đã có bước phát triển vượt bậc như vậy. Với những hoạch định chiến lược của Đảng bộ, chính quyền và sự quyết tâm của nhân dân Phú Yên, phát huy tiềm năng và sức mạnh nội lực, cùng với sự chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, tôi tin Phú Yên sẽ hoàn thành mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa…” (3)

 

Hơn 60 năm cống hiến sức lực, trí tuệ cho dân, cho Đảng, sức khỏe nay đã giảm sút nhiều nhưng ông vẫn còn quan tâm đến tất thảy mọi người. Trong buổi nghiệm thu Lịch sử lực lượng vũ trang 1945-2010, có ý kiến cho rằng cuốn lịch sử viết hơi dài, ông chỉ nhẹ nhàng bảo: “Không dài bằng sự nghiệp kháng chiến của quân dân Phú Yên đâu, đề cập được nhiều đến vai trò của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân bao nhiêu cũng không đủ. Hãy viết để động viên những người đã âm thầm hy sinh để làm nên sự nghiệp cách mạng càng nhiều càng tốt”. Chỉ thế thôi, mà tôi cảm thấy mình như còn mắc nợ nhiều với quá khứ của ông cha ta. Tôi nhận ra rằng, trong cuộc sống với bao bon chen bận rộn lớn nhỏ hàng ngày, mỗi chúng ta thường lo vun vén cho gia đình, bản thân mà quên đi bao chuyện khác. Cần biết bao những người như ông, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân. Và trên hết, cần có một tấm lòng nhân ái, độ lượng, hy sinh tất cả để thực hiện mục tiêu, lý tưởng đó.

 

Tự đáy lòng tôi xin cảm ơn ông. Cảm ơn ông đã cho tôi và mọi người một điều gì đó còn lớn hơn cả niềm tin cậy.

 

----------------------------

(1) Bộ CHQS tỉnh Phú Yên. Lịch sử lực lượng vũ trang tỉnh Phú Yên 1945-2009. Nhà  xuất bản QĐND, Hà Nội 2009, trang 293.

(2),(3) Bài phỏng vấn đồng chí Nguyễn Duy Luân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên đăng trên Báo Phú Yên, số ra ngày 1/7/2009.

 

NGUYỄN ĐÌNH MINH VŨ

(Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek