Thứ Bảy, 21/09/2024 21:49 CH
Bài tham gia cuộc thi “Phú Yên - Ký ức và ước vọng”:
Sơn Hòa qua rồi thời gian khó
Thứ Năm, 07/04/2011 10:00 SA

Tôi chọn Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên) làm quê hương thứ hai đến nay đã 32 năm, sau khi rời cố đô Huế thơ mộng. Ngần ấy thời gian chưa phải là dài, nhưng cũng đủ để tôi nhìn lại chặng đường qua, mà tự hào với nơi mình đang sinh sống.

aSHoa110407.jpg
Xe hoa huyện Sơn Hòa tham gia diễu hành tại Đại lễ kỷ niệm Phú Yên 400 năm. - Ảnh: H.CHƯƠNG

THỜI GIAN KHÓ

Nhớ lại 32 năm trước, tuổi trẻ chúng tôi xốc ba lô, đu ô tô than, vượt dốc Đá Đề thuộc tỉnh lộ 7 (nay là quốc lộ 25) lên huyện Tây Sơn (Phú Khánh cũ) nhận công tác theo quyết định đào tạo của ngành Giáo dục mà thấy tự hào. Nói như thế không ngoa, bởi ở thời điểm đất nước vừa mới giải phóng, khó khăn chồng chất, thiếu cơm lạt muối, sốt rét triền miên, tuổi trẻ có mấy ai chịu xa phố thị lên núi, dù chỉ đi chơi mấy ngày, nói gì đến chuyện đi công tác lâu dài theo tiêu chuẩn 5 năm đối với nam, 4 năm đối với nữ.

Đầu năm học 1979-1980, chiếc ô tô than cũ kỹ qua nhiều giờ đồng hồ ì ạch trên quãng đường đất bụi mù gần 50 cây số, cũng dừng lại trước cổng Trường Tiểu học Sơn Bình (Tây Sơn) nay là Trường Tiểu học số I thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa). Tài xế bảo: “Đã tới nơi rồi, xuống xe”. 14 giáo sinh chúng tôi ra khỏi toa xe chật chội ngột ngạt, vừa ngơ ngác dưới cái nắng thu vàng, vừa lạ lẫm với khung cảnh núi rừng bao quanh, vừa phủi bụi đường bạc phếch từ tóc đến chân và cả hành lý mang theo. Một người trong đoàn đi về phía quán nước gần đó dò hỏi lối vào phòng giáo dục. Cô chủ quán tay bưng ly nước, chưa kịp trả lời thì có một người đàn ông đứng tuổi đầu đội mũ cối lệch nghiêng, đi về phía chúng tôi, chào hỏi: “Có phải các thầy, cô là giáo sinh lên nhận công tác?”.

- Dạ phải! - Tôi lễ phép trả lời.

- Mời các thầy, cô theo tôi vào phòng giáo dục.

Tất cả chúng tôi đi theo ông trên con đường mòn về phía sông Ba. Vào ngôi nhà rộng chừng vài chục mét vuông, có ba chiếc giường cá nhân kê sẵn, ông bảo. “Các thầy, cô nghỉ tạm ở đây, chờ hiệu trưởng các trường về nhận”. Đi đường giằng, xóc, mệt mỏi, không mấy hứng thú chuyện trò, ai nấy cố tìm cho mình một chỗ ngã lưng, thì người đàn ông lúc nãy quay lại bảo: “Các thầy đi theo tôi đến nhà dân ở tạm, còn các cô ở đấy”. 8 nam sinh chúng tôi một lần nữa đi theo ông đến nhà của một người dân gần đó. (Sau này chúng tôi mới biết người đàn ông ấy là thầy Trần Luyến, Phó Phòng Giáo dục huyện Tây Sơn, còn người kia là dì Năm Bò – người mẹ tinh thần của những thầy, cô giáo đang công tác tại huyện Tây Sơn). Hai hôm sau, chúng tôi được tổ chức phân công mỗi người về một trường, kẻ Cà Lúi, Phước Tân, KrôngPa; người Sơn Long – Sơn Định, Đức Bình, Ea Bá, Ea Bia… Còn tôi theo thầy hiệu trưởng Kbá Vương, ngược hướng tây nam hàng chục cây số đến xã Suối Trai. Mặc dù giao thông cách trở, đói cơm, lạt muối nhưng ai nấy cũng lạc quan yêu đời bám trường, bám lớp.

Những năm sau giải phóng huyện Tây Sơn dân cư còn thưa thớt, người Kinh chỉ tập trung một số xã: Sơn Bình, Đức Bình, Thành Hội, Sơn Long, Sơn Định. Còn các xã vành đai như: Phước Tân, Tân Lương, Cà Lúi, KrôngPa, Suối Trai hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số. Tất cả họ đều phải gồng mình vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa ra sức xây dựng quê hương, vừa lao động sản xuất chăm lo cuộc sống. Nói sản xuất cho nó oai, nhưng thực tế vào thời điểm ấy toàn huyện chỉ có vài chục hécta đất thổ rẫy, trồng lúa một vụ hưởng nước trời, khó khăn chồng lên khó khăn.

Nhìn vào bữa cơm thường ngày của người dân, thầy, cô giáo mới xót xa làm sao. Cơm ít, sắn, bắp nhiều, miễn sao cái bao tử chịu nằm yên là được. Lo cho miếng ăn còn chưa đủ, nói chi chuyện học hành. Thầy, cô giáo đến từng nhà vận động học sinh ra lớp, thường gặp sự phản ứng của bà con: “Con chữ không no được cái bụng đâu, cái rẫy mới no được cái bụng đấy”. Vậy là phía sau câu nói mà chúng tôi cho là nửa đùa nửa thật ấy, học sinh bỏ học theo các ma, mí lên nương rẫy.

ÐỔI THAY TỪNG NGÀY

Sau khi Phú Yên tách tỉnh, huyện Tây Sơn trở thành huyện Sơn Hòa và điều kiện phát triển kinh tế có phần thay đổi, nhất là nông nghiệp. Ruộng, rẫy hoang hóa bấy lâu nay đã giao toàn quyền sử dụng cho nông dân; cán bộ nông nghiệp huyện mở ra nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho từng tổ, đội hợp tác xã nông nghiệp và từng hộ gia đình áp dụng thực hiện. Tiếp theo là các công trình thủy lợi được xây dựng phục vụ tưới tiêu cánh đồng lúa 1 vụ ở Củng Sơn dần dần nâng cấp cải tạo thành 2 vụ với sản lượng hàng năm từ 65-70 tạ/ha/vụ và diện tích tăng dần đến nay 500 hécta. Ruộng lúa 2 vụ không chỉ ở Củng Sơn mà còn nhân rộng đến Sơn Hà và các xã vùng sâu vùng xa trong huyện và diện tích trồng mía cũng tăng dần hàng năm.

Mấy năm sau đó khi Chính phủ thẩm định phê duyệt các dự án xây dựng cụm dân cư, như trung tâm cụm xã Sơn Hội, Phước Tân, Cà Lúi tại xã Sơn Hội; Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân tại xã Sơn Long; Ea Chà Rang, Suối Trai, Krông Pa tại xã Ea Chà Rang, theo Chương trình 135 đưa “điện – đường, trường – trạm” đến tận vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; Nhà máy đường KCP hoạt động để đưa Sơn Hòa trở thành vùng nguyên liệu mía trọng điểm; nhà máy phân vi sinh; nhà máy đá granit… giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng ngàn lao động là con em trong huyện. Tiếp theo là công trình thủy điện Sông Ba Hạ xây dựng và hoạt động, hòa vào lưới điện quốc gia đưa Sơn Hòa bước sang giai đoạn mới, giai đoạn “công nghiệp hóa – hiện đại hóa”.

Nhìn phố xá khang trang, nhà cao thẳng đứng, điện chiếu sáng khắp nơi trong huyện, các em tung tăng đến lớp đều đặn ngày 2 buổi, xe cộ thông thương, trung tâm thương mại Sơn Hòa nhộn nhịp sầm uất, tôi thầm biết ơn những người con Sơn Hòa chẳng tiếc máu xương sẵn sàng ngã xuống để hôm nay Sơn Hòa từng ngày vươn lên.

TRẦN CAO TRÍ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Vẻ đẹp biển đảo Phú Yên
Thứ Sáu, 01/04/2011 19:00 CH
Triển lãm cổ vật Phật giáo
Thứ Sáu, 01/04/2011 10:25 SA
Tạm chia tay về xuôi công tác
Thứ Năm, 31/03/2011 07:14 SA
Tạm chia tay về xuôi công tác
Thứ Tư, 30/03/2011 07:20 SA
Nghĩa tình Phú Yên
Thứ Ba, 29/03/2011 09:56 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek