Thứ Bảy, 21/09/2024 21:43 CH
Bài tham gia cuộc thi “Phú Yên - Ký ức và ước vọng”:
Dõi theo nhịp bước quê hương
Thứ Hai, 04/04/2011 10:00 SA

Tôi sinh ra và lớn lên khi quê hương đã sạch bóng quân thù. Trong tôi, kiến thức về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc chỉ qua những bài học ở lớp, qua lời kể. Vậy thôi, mà sao tôi yêu quê hương đất Phú quá đỗi.

chv110404.jpg
Đường và cầu Hùng Vương tạo nên vóc dáng hiện đại cho đô thị Tuy Hòa. - Ảnh: N.QUANG

QUÊ HƯƠNG QUA LỜI KỂ

Quê tôi ở vựa lúa Tuy Hòa. Tuổi thơ gắn liền với lũy tre làng, ruộng lúa thanh bình, những điệu hò ru của bà và má. Tôi nhớ hồi còn nhỏ, vào những đêm hè trời nóng bức, các chú, các bác trong xóm thường tập hợp ở nhà tôi để uống trà và nói chuyện với nội và ba. Ngồi trên chiếc chõng tre, bên chén trà, mọi người thường kể cho nhau nghe mông lung nhiều chuyện từ việc đồng áng, hiếu hỷ đến những câu chuyện thời chiến tranh. Những lần như vậy, tôi thường ngồi chen vào lòng nội để được “nghe ké”. Và trong vô số những câu chuyện được nghe, tôi thích nhất là những câu chuyện về chiến tranh. Nội tôi tham gia cách mạng từ năm 1945 cho đến ngày đất nước thống nhất ở chiến trường Phú Yên và Tây Nguyên. Tuy nội không phải là người chỉ huy, chỉ đơn thuần là người lính cầm súng bảo vệ Tổ quốc, nhưng có thể nói nội là nhân chứng sống của đời tôi về vô số những chiến công để giành giữ từng tấc đất, tấc làng của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Trong đó có chiến dịch Át Lăng, bản anh hùng ca dưới chân núi Hiềm, vùng đất thép An Xuân có địa đạo gò Thì Thùng, huyền thoại mẹ Hòa Đồng chặn xe tăng, chiến thắng Đường 5. Nội tôi kể: Sau ngày toàn quốc kháng chiến, ở Phú Yên có phong trào tự cấp tự túc. Thời đó, học sinh, cán bộ học tập và làm việc năm ngày/tuần, hai ngày còn lại đi lao động sản xuất. Miền núi đất rẫy trồng bắp, sắn, đồng bằng thâm canh cây lúa, miền biển ngư dân bám biển đánh bắt cá. Gạo, mắm của Phú Yên không chỉ đảm bảo được nhu cầu tại chỗ mà còn cung cấp cho chiến trường Tây Nguyên, cho bộ đội đánh giặc. Bài hát sản xuất tự túc, có câu: “Lúa khoai to gắng trồng, sườn non đến bờ sông… anh em ơi! Chúng ta góp muôn bàn tay, gắng sức làm sướng vui rồi đây có ngày”. Chín năm kháng chiến chống Pháp, dù bị cắt đứt và phong tỏa, nhưng quân và dân Phú Yên đã phát huy tinh thần tự lực cánh sinh sản xuất tự túc lương thực, vũ khí và các nhu cầu tiêu dùng khác, đánh thắng chiến dịch Át Lăng, góp phần cùng cả nước đánh bại thực dân Pháp.

Trong kháng chiến chống Mỹ, quân và dân Phú Yên cũng đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, cùng đất nước đi đến ngày toàn thắng. “Những năm đầu thập niên 60, chiến trường Tuy Hòa bước vào giai đoạn quyết liệt. Quân đội ngụy được Mỹ trang bị vũ khí tối tân, hống hách tung hoành như không biết sợ ai trên đời, trong khi bộ đội ta chưa có vũ khí chống tăng, ai cũng lo lắng tìm mọi cách giảm tổn thất cho cách mạng?. Giữa lúc khó khăn, một tin vui làm nức lòng chiến sĩ: nhân dân xã Hòa Đồng đã dùng hình thức đấu tranh chính trị chặn đường chi viện bằng xe tăng của địch, tạo điều kiện cho bộ đội tiêu diệt giặc. Đó là vào một ngày cuối tháng 7/1964 đoàn xe tăng của Mỹ ngụy ngang nhiên băng qua cánh đồng thôn Phú Phong phá lúa của bà con. Thấy hành động hung hãn của bọn giặc, cụ Lê Thị Kính ngoài bảy mươi tuổi và nhân dân địa phương kéo ra phản đối. Cụ Kính nằm dài trước mũi xe tăng, khiến bọn địch phải chùn chân. Hành động dũng cảm của cụ Kính đã dấy lên phong trào đấu tranh chính trị của đội quân tóc dài các xã phía tây huyện Tuy Hòa thời đó”, nội kể…

 Từ những mẩu chuyện nội kể, con người quê hương đất Phú của tôi hiện ra thật kiên cường và bất khuất. Có lần tôi hỏi: “Sao thực dân Pháp và đế quốc Mỹ với vũ khí tối tân mà không thắng nổi quân cách mạng với vũ khí thô sơ hả nội?”. Nội vò đầu tôi và bảo: “Đó là chiến thắng của tinh thần dân tộc cháu à. Cháu phải biết và sống sao cho xứng đáng với tinh thần đó của ông cha đã ngã xuống vì độc lập dân tộc”. Thú thật, lúc đó cụm từ “Tinh thần dân tộc” còn xa lạ đối với một đứa trẻ mới lên chín, lên mười như tôi, nhưng không hiểu sao sau này trong mỗi việc làm – dù những việc làm nhỏ hàng ngày tôi luôn nghĩ đến cụm từ ấy để làm cho tốt.    

NỖ LỰC HÀN GẮN VẾT THƯƠNG CHIẾN TRANH

Ký ức tuổi thơ tôi không chỉ là những bản anh hùng ca giữ nước của ông cha, mà cả những năm tháng khó khăn khi đất nước vừa thống nhất, hàn gắn lại vết thương chiến tranh. Tôi nhớ những năm nửa cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, mỗi tuần ba tôi làm việc ở hợp tác xã nông nghiệp bốn ngày, ba ngày còn lại ông đáp xe lên khu kinh tế mới của xã ở Lạc Sanh (huyện Tây Hòa) trồng sắn, bắp, đỗ và nhận heo giống về nhà nuôi để lấy công điểm của hợp tác xã. Sau mỗi vụ mùa, ba tôi nhận về nào là lúa, bắp, sắn... Ba tôi bảo, đó là công lao động của ba má được hợp tác xã trả cho sau một vụ mùa. Số lúa, bắp, sắn này đủ để gia đình tôi gói gém ăn cho đến vụ sau. Chả vậy mà trong những bữa ăn của gia đình tôi hồi đó cơm thường độn thêm với sắn, bắp vào để cho khỏi “hao” gạo. Ban đầu mùi thơm của cơm quyện vào mùi thơm của bắp, sắn làm anh em chúng tôi háo nức ăn ngon lành, nhưng dần dần thấy ơn ớn và sau đó không ăn nổi nữa…

Ấy là Phú Yên của những tháng năm vừa khôi phục sản xuất, vừa hàn gắn lại vết thương chiến tranh. Còn Phú Yên bây giờ đã thay da đổi thịt. Kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng rộng khắp từ các phường ở nội thành Tuy Hòa đến các xã vùng sâu vùng xa của các huyện nông thôn, miền núi, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện cuộc sống người dân. Bây giờ, cảnh nhà tranh vách đất, bữa cơm trong mỗi gia đình của người dân quê tôi không còn cảnh độn thêm sắn, bắp nữa, thay vào đó là những ngôi nhà mái ngói đỏ, nhà tầng khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt; 100% thôn, buôn trong tỉnh điện lưới quốc gia được kéo đến phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Đi trên những con phố của Tuy Hòa hôm nay với điện đường sáng chói với dải cây xanh, hoa thẳng tắp, hay những con đường được bê tông hóa nối các làng quê với nhau mà nhớ đến người dân đất Phú sống trong cảnh không điện, không đường của những năm của thập niên 70, 80 thế kỷ trước mà cám cảnh. Thế mới hiểu hết được sự cần cù, chịu thương, chịu khó nỗ lực vươn lên trong lao động của người dân quê tôi. 

Tôi còn nhớ, năm 2007 trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin tỉ trọng công nghiệp - xây dựng của Phú Yên sau nhiều năm bám đuổi đã vượt qua tỉ trọng nông - lâm - thủy sản với 32,3%/32,1% trong cơ cấu GDP của nền kinh tế tỉnh. Có thể gọi đây là bước chuyển lịch sử. Tính lịch sử được xác lập ở đây, bởi lẽ, chỉ với sự kiện này thì “chiếc áo” của một tỉnh nông nghiệp truyền đời mới được cởi bỏ. Cũng từ đó, ấn tượng về một địa phương thuần nông chỉ giỏi độc canh lúa nước, với đồng bằng Tuy Hòa “vựa lúa miền Trung” - niềm tự hào của ngày xưa và là hình ảnh tụt hậu của ngày nay càng thêm lùi dần vào quá khứ. Và, từ đây, báo hiệu một “điểm sáng” đã hình thành trên đường băng của tiến trình công nghiệp hóa quê hương. Và “điểm sáng” ấy đang ngày càng tỏa sáng, mà điểm nhấn là hạ tầng khu đô thị Nam thành phố Tuy Hòa và Khu kinh tế Nam Phú Yên đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước; tạo nên một vóc dáng bề thế đối với nền kinh tế của tỉnh. 

ÐÁNH THỨC TIỀM NĂNG

Nhiều người ở xa khi đến Phú Yên thường nói, tiềm năng kinh tế của Phú Yên lâu nay đang ngủ quên, trong đó có ngành “công nghiệp không khói”. Nhưng tôi nghĩ, tiềm năng ấy không hề ngủ quên, bởi Phú Yên chỉ mới tròn 400 năm tuổi, cái tuổi của sự vạm vỡ và đầy nhựa sống so với chiều dài 4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2025 có “ngắm” đến việc khai thác những tiềm năng mà Phú Yên đang sở hữu, trong đó có ngành “công nghiệp không khói”. Vậy thì tại sao lại nói ngủ yên!. 

Không có bề dày lịch sử nghìn năm như Thăng Long - Hà Nội hay các tỉnh, thành phía bắc của Tổ quốc, song với 400 năm hình thành và phát triển, vùng đất Phú Yên gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Có thể nói, mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau đều ghi dấu những thay đổi to lớn của đất và chưa bao giờ Phú Yên đứng trước cơ hội phát triển như hiện nay. Tôi ước mong rằng trong tương lai gần diện mạo của TP Tuy Hòa và các huyện nông thôn, miền núi của tỉnh sẽ có nhiều đổi thay theo hướng hiện đại, sông – núi – biển luôn hát bài ca của thiên nhiên như vốn dĩ đã hát bao đời nay; cuộc sống của người dân ngày được cải thiện và luôn sống với “Tinh thần dân tộc” như nội đã từng dạy tôi từ thuở nhỏ.

MINH ĐĂNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Vẻ đẹp biển đảo Phú Yên
Thứ Sáu, 01/04/2011 19:00 CH
Triển lãm cổ vật Phật giáo
Thứ Sáu, 01/04/2011 10:25 SA
Tạm chia tay về xuôi công tác
Thứ Năm, 31/03/2011 07:14 SA
Tạm chia tay về xuôi công tác
Thứ Tư, 30/03/2011 07:20 SA
Nghĩa tình Phú Yên
Thứ Ba, 29/03/2011 09:56 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek