Chủ Nhật, 22/09/2024 00:38 SA
Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975 (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Bảy, 19/03/2011 10:00 SA

- Thôi thế này, lũ mày ngồi tạm nghỉ dưới gốc cây kia, tao đi gỡ cạm về, nấu cơm ăn rồi hẵng hay. Chờ khoảng ba bốn mươi phút nghe lạo xạo bước chân người trên lá cây. Tôi và Sơn quay đầu nhìn anh năm Huề và anh Lê Đài cùng bước ra từ sau lùm cây. Nhìn thấy anh nào cũng xanh xao, vàng vọt, ngồi đâu gãi ghẻ đó mà thương.

 

Anh Lê Đài hỏi:

 

- Thế nào kể cho bọn mình nghe tình hình dưới ấy ra sao? Bà con xuống tàu nhiều chưa? Trời ơi! Gần cả tháng nay tụi mình mù tịt, khác nào nằm trong hũ! Đài điện mất sạch, chẳng biết mô tê gì cả! Muốn ra ngoài đó nhưng chẳng đứa nào biết đường. Lớ xớ đi mà nó túm được thì khốn.

 

Tôi và Sơn lần lượt kể lại đầu đuôi các biến cố xảy ra từ sau cuộc Hội nghị Sơn Định tháng 10/1954.

 

Nghe xong Lê Đài nhẹ nhõm, miệng nở nụ cười buồn buồn. Sáng hôm sau tạm biệt vợ chồng Ma Tí, các đồng chí Huyện ủy Sơn Hòa, cả bọn lên đường trở ra Quy Nhơn.

 

Đường đi vào đã khó nhưng đường trở ra lại khó hơn. Đi vào chỉ có hai đứa, hai trai tơ mệt đâu nghỉ đó, gọn nhẹ! Khi đi ra còn kéo theo cả một đoàn toàn là mấy ông đứng tuổi, khó tính, ốm yếu, gặp trở ngại một chút thì gắt gỏng, bắt nạt mấy đứa thanh niên cấp dưới.

 

Chuyến đi cực kỳ gian khổ và nguy hiểm nhưng trót lọt. Đến buôn Ma Kham gần địa phận Bình Định, anh Hà Phùng ở lại chuẩn bị địa điểm để cất dấu tiền, vàng, vũ khí ở khu vực tập kết chuyển vào cho cuộc đấu tranh.

 

Sở dĩ chuyến đi thành công là do thông thạo núi rừng, quen biết đồng bào và cán bộ địa phương. Vùng đồng bào các dân tộc ít người địch còn sơ khoáng, chúng chưa tổ chức bộ máy chính quyền cơ sở. Giai cấp phục thù hình như chưa xuất hiện. Hơn nữa miền Tây Phú Yên vốn là căn cứ địa cũ, quần chúng được cách mạng giáo dục kỹ đường lối, chủ trương của Đảng. Tuy nhiên bọn thương lái phản động sống trà trộn trong dân nắm tình hình, phát hiện nơi ăn ở đi lại của cán bộ, cơ quan thì không hiếm. Nếu chủ quan, liều lĩnh rất dễ bị sa lưới. Chuyến đi này được một công hai việc, vừa dẫn được bí thư vừa đưa hàng chục cán bộ huyện, xã bị lạc đường ra vùng tập kết.

 

Ngày mai đây, chuyến tàu cuối cùng tạm thời xa bến, vượt sóng gió đưa các anh, các chị ra ngoài ấy, chia tay nhau không nói ra lời, lặng thầm xót xa và ghi sâu hận thù trước mỗi tội ác của giặc đối với quê hương yêu dấu.

 

GIỮA GIÁP RANH SỰ SỐNG VÀ CÁI CHẾT

 

Miền Nam đi trước về sau, cuộc chiến đấu hôm nay là sự tiếp tục mạnh lên gấp bội tiến tới toàn thắng. Điều mà chúng ta cần nhớ và tự hào nhất là lá cờ đỏ sao vàng ra đời trong máu lửa quê hương. Nhiều người trong các anh, các chị, các chú, các bác còn nhớ thuở nhỏ, ở quê nhà trong tiếng chày giã gạo rộn ràng, nghe ba má và các cụ già kể chuyện thầm thì về người chiến sĩ phong trào Cần Vương Lê Thành Phương bị giặc bắt vẫn chửi giặc. Các sĩ phu yêu nước như các ông Bá Sự, Võ Trứ phất cờ khởi nghĩa sa vào tay giặc chúng đưa ra pháp trường xử bắn. Đứng trước mũi súng quân thù, kiên cường bất khuất như thế nào và nói những gì với đồng bào, bà con cô bác hồi đó còn nhớ hết.

 

Sau này khi Đảng Cộng sản ra đời, ý thức cách mạng, ý thức về một lẽ sống chân chính của nhân dân ta, đã thấm vào các anh hùng chiến sĩ, thấm vào mỗi chúng ta cùng với dòng sữa mẹ, không có gì lạ nếu chúng nó bịp bợm xoen xoét cái mồm “quốc gia”, “dân tộc” chi chi nữa cũng là bọn tội phạm chiến tranh, bọn lường gạt lịch sử.

 

Khi tầm mắt vươn lên nhìn thẳng về phía trước thì con người ta càng có thêm muôn ngàn lý do để tin yêu và chiến thắng, thù nhà hận nước, khối than hồng sẽ phát ra ngọn lửa chiến đấu bình dị và dữ dội.

 

Trong giai đoạn cực kỳ khó khăn này nếu không có cách mạng, có Đảng, nếu không có tâm hồn và sức mạnh nòng cốt già dặn mà tươi trẻ đó của Tổ quốc ta, thì cả cuộc đời ta đi đến đâu? Kẻ địch đang lồng lộn như bầy hổ đói tìm mồi, biết bao lần chúng xông tới nhưng dễ gì chúng có thể đớp được mồi. Người Cộng sản có mặt khắp mọi nơi, ở đâu có dân thì ở đó có người Cộng sản ngẩng cao đầu không chút do dự, hiên ngang mà bình tĩnh đang đi giữa Phú Yên, đi giữa miền Nam.

 

Tính đến 15/5/1955, ngoài các chiến sĩ bộ đội và công an, Tỉnh ủy đã đưa 860 cán bộ dân chính Đảng chưa kể vợ con cán bộ và các cháu học sinh lên đường đi tập kết.

 

Khi hoàn thành công việc chuyển quân, Khu và Tỉnh ủy quyết định phân công một số cán bộ ở lại hoạt động bí mật gồm các đồng chí:

 

- Tuy Hòa: Nguyễn Đình Thành, Công Minh, Trần Quang Hiệu, Bùi Thị Vân, Lương Thúc Quý, đồng chí Giáo, Nguyễn Kiết, Phụng…

 

- Tuy An: Nguyễn Như, Tư Tý, Đặng Cược, Lương Đạt, Võ Lô, Lê Chí, Nguyễn Đức…

 

- Sông Cầu: Đỗ Hòa Thái, Nguyễn Bảo, Nguyễn Thị Hữu…

 

- Đồng Xuân: Nguyễn Thế Vĩnh, Châu Phước Khanh, Bùi Tân, Võ Mậu, Nguyễn Hứa, đồng chí Giao…

 

- Sơn Hòa: Lương Công Huề, Lê Hàm, Nguyễn Duy Luân, Đinh Từ, đồng chí Thung…

 

- Khu B (miền Tây): Võ Mông, Cao Xuân Thiêm (Văn Công), Ma Noa, Ma Cử, Tô Trát, đồng chí Bô…

 

- Văn phòng Tỉnh ủy:

 

+ Thường vụ: Lê Đài, Sáu Suyền…

 

+ Văn phòng: Ba Vinh, Sơn, Sa, Dung, Phong Liêm, Thông, Khánh, với số cán bộ đảng viên toàn tỉnh. Ở lại hoạt động bí mật lúc bấy giờ chưa được 50 đồng chí. Đầu năm 1960 khi Nghị quyết 15 ra đời lúc đó các bộ máy mới được tăng cường.

 

Hiệp định Giơ-ne-vơ chưa ráo mực, chỉ tính từ tháng 9 đến tháng 11/1954 toàn tỉnh bị giặc thủ tiêu 720 người. Nhà lao Ngọc Lãng chật kín cán bộ, đảng viên và những người kháng chiến cứu nước. Từ nay đến tổng tuyển cử, hai miền thống nhất còn hy sinh biết bao sinh mạng nữa?

 

Mỗi cán bộ ở lại tùy theo trình độ, năng lực, vị trí công tác, quen thuộc địa bàn nào được phân công bám địa bàn ấy gọi là cán bộ “nằm vùng”. Tuyệt đối phải giữ bí mật, bí mật là sinh mệnh sống còn. Cán bộ công tác vùng nào chỉ biết vùng ấy. Công việc của địa phương nào chỉ biết địa phương ấy. Nơi ăn chốn ở của người nào chỉ biết người ấy.

 

Cấp trên phổ biến tình hình nhiệm vụ cho cấp dưới phải trực tiếp đến chỗ hẹn, gặp riêng từng đồng chí. Sinh hoạt chi bộ cơ sở thường sinh hoạt đơn tuyến không hợp chung. Những vấn đề quan trọng chỉ bí thư, phó bí thư biết. Đi lại phải xoi nhiều đường, ở phải chọn nhiều hướng, nhiều địa điểm. Khi muốn đi ngang qua khu vực cơ quan đóng phải rút dép, nhón gót chân hoặc phải bẻ cành lá vừa đi vừa quét để xóa dấu vết.

 

Cột võng vào thân cây không để dấu lằn trên vỏ cây. Hút thuốc xong phải vò tàn. Nấu ăn xong phải đào lỗ (phi tang) dấu vết. Không được dùng sổ tay ghi chép linh tinh. Khi nghe cơ sở hay một đồng chí nào bị sa vào lưới giặc, lập tức phải dời chỗ ngay. Những đồng chí được cấp vũ khí chỉ trường hợp địch nổ súng trước mới được bắn trả…

 

Giai đoạn từ cuối 1954-1959, cán bộ nằm vùng cuộc sống vô cùng cơ cực. Có nhiều lúc phải ăn củ nầng, sắn hoang, rau rừng, nước suối, đốt rễ tranh ăn thế muối.

 

Số đồng chí hoạt động ở miền Tây, sống giữa rừng núi thâm u, gia tài mang trên vai vỏn vẹn chỉ có cái gùi, tấm nilông và tấm võng chống chèo với mưa nắng, đến bữa treo cà mèn lên cành cây nấu ăn, thậm chí không có ống diêm, ống quẹt phải dùng một thanh thép nhỏ cọ vào đá cho bật lửa ra mới có lửa nấu cơm.

 

(Còn nữa)

 

Hồi ký VĂN CÔNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bát cơm chưa đầy đã lưng
Thứ Tư, 16/03/2011 07:09 SA
Tuy Hòa của tôi
Thứ Ba, 15/03/2011 10:30 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek