Chủ Nhật, 22/09/2024 00:25 SA
Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Hòa bình mà máu vẫn chảy
Thứ Sáu, 18/03/2011 07:25 SA

Sau khi hiệp định Giơ-ne -vơ được ký kết, bao nhiêu công việc phải hoàn thành trong vòng ba mươi ngày (1/8-30/8/1954). Trước khi đối phương tới ta phải chuyển giao vùng tự do cho đối phương, chính quyền tự giải thể, lực lượng vũ trang tập kết ra Bắc, chuyển cán bộ về địa phương hoạt động hợp pháp. Tổ chức Đảng và các đoàn thể quần chúng được sắp xếp gọn nhẹ, chia nhỏ chi bộ, lựa chọn những đồng chí trung kiên làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh chính trị, lập các tổ chức biến tướng để đấu tranh hợp pháp. Số lượng cán bộ chủ trương rút hẹp, chú trọng chất lượng, cả tỉnh khoảng năm mươi đồng chí.

 

Lề lối làm việc chưa có gì thay đổi vẫn theo nề nếp cũ, hội ý hội báo, ra thông báo, chỉ thị mở mít tinh ở nông thôn…

 

Thời gian gấp quá! Thật đau lòng, đứt ruột khi vùng tự do của ta “tạm thời” trở thành vùng dịch kiểm soát. Đấu tranh vũ trang chuyển sang đấu tranh chính trị. Những người cộng sản phải rút vào hoạt động bí mật. Nhân dân miền Nam bao năm ròng chưa hưởng được một ngày hòa bình, hôm nay lại chịu cảnh Bắc – Nam chia cắt.

 

Hiệp định Giơ-ne-vơ chưa ráo mực thì Trung đoàn 32 của Liên hiệp Pháp đã gây ra vụ thảm sát đẫm máu đồng bào Ngân Sơn – Chí Thạnh (Tuy An – Chí Thạnh ngày 7/9/1954).

 

Bộ máy phản động được thiết lập, tha hồ bắt bớ, tù đày, tàn sát cán bộ kháng chiến và những người yêu nước, phong trào cách mạng xuống dốc. Tổ chức Đảng tan rã từng mảng. Cán bộ tỉnh, huyện, xã bật khỏi quần chúng, hệ thống thông tin liên lạc bị đứt.

 

Trước tình hình cực kỳ đen tối, Tỉnh ủy đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn kế hoạch và phương pháp đấu tranh hạn chế sự khủng bố và phá hoại của kẻ địch. Đáng chú ý là cuộc họp ngày 28/10/1954 ở Sơn Định (thôn Hòa Trinh, nhà cụ giáo Tấn). Bọn phản động địa phương theo dõi biết được, chúng mật báo cho công an ngụy chuẩn bị bao vây đánh úp cuộc họp. Nhờ có cơ sở báo tin, hội nghị kịp thời giải tán. Chiều ngày 29/10/1954, anh Nghị Bí thư Tuy An, anh Hương cán bộ Chính trị Tỉnh Đội, anh Lê Chơi liên lạc dẫn đường qua đường số 6 (xã Sơn Long) gặp địch phục kích bắn chết tại truông Bà Viên. Sáng 30/10/1954, địch tiếp tục bao vây, truy lùng khu vực hội nghị, nhưng cán bộ ta đã rút tứ tản ra. Vùng quân ta tập kết ở Diêu Trì (Bình Định). Còn lại bộ phận anh Lê Đài, Phó Bí thư Tỉnh ủy và một số cán bộ xuyên rừng chạy lên buôn Ma Ti (xã Cà Lúi) ở chung với các đồng chí Huyện ủy Sơn Hòa. Đài, điện bị hỏng, không liên lạc được với bộ phận Thường vụ tỉnh chỉ đạo công tác chuyển quân ở Bình Định.

 

Cuối tháng 11/1945, Khu ủy có tổ chức cuộc họp ngắn ngày tại Diêu Trì do đồng chí Võ Chí Công đại diện Khu ủy trực tiếp chủ trì. Thế nhưng anh Lê Đài và một số đồng chí Thường vụ tỉnh mắc kẹt trong vùng địch chưa có liên lạc dẫn đường. Cuộc họp phải chậm lại mấy hôm chờ tìm người bí mật dẫn các anh ra mới họp được. Vì anh Lê Đài được Khu ủy chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy, nếu thiếu anh Lê Đài là không được.

 

Trong lúc tỉnh loay hoay tìm người chưa có, ngành giao bưu thì giải thể chẳng còn ai! Lớp đã xuống tàu ra Bắc, lớp cầu an nằm im, lớp chuyển vùng sinh sống biết đâu mà tìm.

 

Mỗi người dễ nhớ ra đồng chí đội trưởng vũ trang công tác 250. Anh ba Vinh nguyên Chủ nhiệm chính trị Tỉnh Đội Phú Yên, hiện nay là Tỉnh ủy viên kiêm Chánh Văn phòng Tỉnh ủy bí mật giới thiệu. Các anh Thường vụ Phú Yên nhất trí bảo anh ba Vinh sang Tỉnh Đội yêu cầu chuyển đồng chí đội trưởng 250 về Tỉnh ủy đảm nhiệm công việc này: “vào vùng địch tìm cách liên lạc đưa bộ phận anh Lê Đài ra Bình Định”.

 

Thế là một Chính trị viên Đại đội ở lại miền Nam làm công tác của một giao liên viên. Cùng đi với đội trưởng 250 có anh Sơn ở xã Xuân Lộc (*).

 

Hai người trao đổi với nhau: Khi vào vùng địch phải tỉnh táo, thận trọng. Tụi mình đi chuyến này chẳng khác gì mấy người “ngậm ngãi tìm trầm”. Nếu chủ quan mất cảnh giác thế nào cũng bị địch nắm đầu, cuộc chiến đấu này đừng có ảo tưởng “chờ hai năm” như hiệp định Giơ-ne-vơ quy định là ngây thơ! Nhưng không sao, phải khẳng định trước, rồi đây không may xảy ra chuyện gì khỏi ân hận.

 

Bọn tôi phải cải trang “người buôn thượng” mỗi đứa mang trên vai 30 cân lương thực và thức ăn đủ sống dọc đường vừa chi viện cho anh chị em bị đau ốm ở lại.

 

Vào đến ga Vân Canh, dạo qua một vòng rồi chui vào rừng ngủ. Mới xa Vân Canh vài tháng nay trở lại thấy quang cảnh khác hơn xưa. Con mắt mình chưa kịp nhắm lại trước cảnh trớ trêu đó đã mở ra nhìn bao cảnh đau thương tan tóc khắp nơi trên những đoạn đường đi qua.

 

Những bà mẹ, những chị em phụ nữ tay bồng, tay bế trẻ thơ vượt qua nhiều tuyến kiểm soát của địch từ trong La Hai, Phước Lãnh, Mục Thịnh hợp pháp ra Vân Canh thăm cha, thăm chồng, thăm con. Nhiều người chít khăn tang lên đầu, môi mím chặt, nước mắt lưng tròng... chỉ mới trong vài tháng, với bấy nhiêu ngày mà đã chảy biết bao là máu.

 

Dẫu múc hết nước sông Ba cũng không thể nào rửa hết mối thù “trời không dung, đất không tha”. Hàng trăm trai gái, thanh niên và các cháu thiếu nhi, người đi hợp pháp, kẻ lội suối trèo đèo, tạm biệt quê hương chạy ra vùng tự do.

 

Tôi và Sơn phải tránh mặt nhiều người quen, để phòng những chuyện bất trắc xảy ra.

 

Mới canh tư, gà rừng cất tiếng gáy, hai chúng tôi dậy sớm vượt qua khỏi buôn Cà Te hết địa phận tỉnh Bình Định. Nhắm hướng tây nam trèo dốc suối Gấm băng qua rừng Thồ Lồ, bỏ lại hàng chục khe suối lớn nhỏ.

 

Mặt trời gác núi, gặp dòng sông Cái nước lớn phải dồn đồ đạc vào túi ni lông, vượt qua sông tới buôn Ma Kham. Trời tối như mực, củi ướt nấu cơm không được, cột võng nằm ngủ đói.

 

Còn hai ngày nữa mới tới Phước Tân, vừa đi vừa bẻ cành cây làm dấu để nhớ đường đi ra mà không dám đi theo đường mòn sợ gặp biệt kích. Qua bãi cát phải rút dép, nhón chân hoặc bẻ cành lá vừa đi vừa quét để xóa dấu vết. Cột võng không để dấu hằn trên vỏ cây. Hút thuốc xong phải  vò tàn, nấu cơm ăn xong phải đào lỗ vùi phi tang...

 

Khi đến Phước Tân chúng tôi liên lạc được đồng chí Võ Mông Bí thư ban cán sự Khu B. Qua đồng bào dân tộc hỏi Võ Mông cũng chẳng biết. Chúng tôi xuyên rừng vào thẳng xã Cà Lúi, nếu tìm bộ phận anh Lê Đài không được sẽ xoi đường trở ra báo cáo lại với các anh Thường vụ Tỉnh ủy đang ở Bình Định.

 

Từ Phước Tân vào Cà Lúi khoảng gần một ngày đường, nơi tôi thường lên công tác ở đó, hồi đánh Pháp tôi quen nhiều người. Nếu tìm được Huyện ủy Sơn Hòa thế nào cũng tìm ra được anh Lê Đài.

 

Khoảng ba giờ chiều cùng ngày, đến đầu dốc Màng Giàng, tôi và Sơn cầm ống nhòm nhìn xuống buôn Ma Tí, xa xa thấp thoáng những đám bắp đang trổ cờ phất phơ trước gió có bóng người ra vào. Tôi và Sơn len lỏi giữa những luống bắp, xuyên qua mười mấy đám rẫy cũ, thạc ngay vào chòi.

 

Tôi ôm chầm lấy Ma Tí. Ma Tí nhếch miệng cười:

 

- May mo! Ôi biết bao vui mừng! Vợ chồng Ma Tí nắm tay tôi và Sơn dắt vào rừng để tâm sự. Ma Tí cho biết ở đây địch thường xuyên lùng sục, lơ mơ là chết tươi với chúng! Bọn bay lên đây có việc gì không? Làm cách gì mà lên đây được?

 

Biết vợ chồng Ma Tí là cán  bộ cũ, là người nhân hậu trung thực, tôi không úp mở nói thẳng vấn đề:

 

- Anh năm Huề Bí thư Huyện ủy có ở đây không?

 

- Không!

 

- Chết cha rồi không có anh Năm thì nguy lắm!

 

Ma Tí nghe tiếng nguy lắm vội hỏi dồn dập.

 

- Nguy lắm nghĩa là sao? Sao?                        

 

(Còn nữa)

(*) Đội trưởng vũ trang 250 tức là đồng chí Thiêm

 

Hồi ký VĂN CÔNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek