Chủ Nhật, 22/09/2024 04:38 SA
Về Suối Mây ăn cúng Đổ Đầu
Thứ Tư, 02/02/2011 21:00 CH

Một năm dài bôn ba ngược xuôi với bao nỗi lo cơm áo, cuối năm, nhớ lời hẹn cũ, tôi lại về thôn Suối Mây (xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân) để cùng ăn cúng Đổ Đầu với đồng bào Chăm Hroi.

 

SUOI-MAY-110202.jpg
Lễ tưới huyết rượu với lá chùm hôi lên đôi tay người trụ cột gia đình

 

Già làng Mười đón tôi ở đầu thôn. Năm nay, vụ mùa bội thu hơn nên không khí Tết rộn ràng, thể hiện rõ nét nhất ở những tấm váy hoa thổ cẩm thấp thoáng bên liếp nhà sàn và mùi rượu cần thơm ngây ngất.

 

Lễ cúng Đổ Đầu được tiến hành từ 25 tháng Chạp trở đi và được coi như lễ tất niên của người Chăm Hroi. Tùy vào hoàn cảnh gia đình mà có thể bày biện lễ khác nhau song nhất thiết phải có rượu cần, 3 con gà trống và một cành lá chùm hôi.

 

Theo già làng Mười, người Chăm Hroi vốn chăm chỉ lao động, suy nghĩ và mong muốn của họ cũng mộc mạc và chân chất. Đổ Đầu là ước vọng mọi thứ mở đầu trong năm đều thuận lợi và cả năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Cúng Đổ Đầu cũng là cúng tiễn cái xui rủi, điều không may của năm cũ đi. Bởi vậy, nếu nhà nào không cúng Đổ Đầu, năm mới sẽ không được đi đâu vì vẫn còn mang cái không tốt của năm cũ, chưa đón cái may mắn mới. Anh La Mo Tiến, phó thôn Suối Mây cho biết: “Lễ Đổ Đầu làm vào ngày nào, thì nhà đó đàn ông, đàn bà và trẻ con đều phải có mặt đầy đủ. Đàn ông dọn nhà, đàn bà lo bếp núc và sau đó làm lễ”

 

Lễ của người Chăm Hroi  không quá cầu kỳ nhưng đầy tôn nghiêm và thành kính. Gà  trống sau khi cắt tiết, làm lông, rửa sạch, cắt lấy hai chân để luộc riêng. Tiết gà được giữ lại một ít để làm lễ, khoảng hai phần ba còn lại đem luộc chín với gà. Tiết tươi giữ lại hòa thêm chút rượu cần lấy lần đầu từ ché rượu và lá chùm hôi vò nát.

 

Khi bắt đầu lễ Đổ Đầu, rượu cần được chiết ra, đem đặt giữa nhà. Gà luộc chín đem đặt vào sàn, miếng huyết chín đặt sau lưng gà, hai chân gà được buộc lại băng một sợi dây mành để sau đuôi gà. Ba con gà được đặt trên ba sàn hoặc mâm để ngang hàng với nhau. Sau khi khấn vái Giàng, thần linh tổ tiên về chứng giám và phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, người cúng sẽ xin xăm để biết là thần linh đã về đủ mặt chưa bằng hai miếng lá chùm hôi. Nếu hai mặt lá khi thảy xuống một mặt sấp, một ngửa thì xem như họ đã sum họp đủ đầy bên con cháu. Nếu không phải xin lại cho kỳ được. Đó như một nghi thức chứng tỏ lòng thành của con người. Được sự chứng giám của thần linh, người cúng sẽ tiến hành làm lễ cầu may bằng cách lấy rượu đã hòa với tiết gà cùng lá chùm hôi vò nát nhỏ lên trán, đầu các thành viên trong gia đình để cầu may cho mọi người trong năm mới. Tuy nhiên nếu ai là trụ cột gia đình, thường là vợ với chồng thì người cúng lấy rượu tiết tưới lên đôi bàn tay - tượng trưng cho sự lèo lái, chống đỡ và  xây dựng gia đình. Tất cả mọi công cụ lao động trong nhà như rìu, búa, dao rựa, chày cối... đều đem ra nhà sàn tưới rượu huyết để tạ ơn một năm ròng đã gắn bó làm ra lúa mới. Đó cũng bao hàm sự cầu an năm mới để chúng không làm trúng tay trúng chân khi trồng trọt, phát dọn mùa màng... Sau khi cúng xong, đến phần rót rượu cần mời tổ tiên, mời các thành viên và người có mặt theo thứ tự từ lớn đến nhỏ. Đặc biệt với ly rượu mời này, mọi người trước lúc uống phải nghiêng miệng ly tưới một ít xuống đất qua liếp nhà sàn để tạ ơn đất. Ngày xưa, nhà nào cũng mời thầy cúng với nhiều nghi lễ rất phức tạp, thậm chí đôi lúc còn quá cầu kỳ. Bây giờ, mọi người vẫn giữ lại truyền thống và lòng tin như cũ song họ cũng nghĩ miễn cái bụng chân thành là đủ. Các nhà đều nhờ người lớn tuổi như già làng, người có uy tín và biết cách cúng khấn Giàng là có thể tiến hành cúng Đổ Đầu.

 

Mó Ba, vợ già làng Mười cho biết thêm: “Ngày xưa, lễ cúng Đổ Đầu như ngày hội. Các nhà thường cùng nhau cúng, cúng xong cùng nhau ăn uống và nhảy múa. Đàn ông đóng khố, đàn bà mặc váy thổ cẩm. Tan lễ là say men rựợu, say mắt nhìn của nhau và cũng từ đó mà nhiều người thành đôi thành cặp”

 

Người Chăm Hroi thật thà cái bụng, không thể chối từ nên tan lễ tôi cũng chuyếnh choáng men rượu . Dù vậy, trên nếp nhà sàn của già làng, tôi vẫn nhớ mình đã hẹn năm sau sẽ trở lại để uống rượu cần và ăn Đổ Đầu cùng Suối Mây.

 

NGUYÊN HẬU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Buôn Thu đón chào xuân mới
Thứ Ba, 08/02/2011 07:00 SA
Độc đáo đá Phú Yên
Thứ Hai, 07/02/2011 07:00 SA
Với tôi, Phú Yên là quê nhà
Chủ Nhật, 06/02/2011 07:00 SA
Một vòng biển đảo Phú Yên
Thứ Bảy, 05/02/2011 07:07 SA
Phú Yên luôn trong tim chúng tôi
Thứ Năm, 03/02/2011 11:45 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek