Chủ Nhật, 22/09/2024 04:36 SA
Phú Yên 400 năm - đôi điều suy ngẫm lịch sử
Thứ Hai, 31/01/2011 11:00 SA

Năm 1611, tên gọi Phú Yên chính thức xuất hiện với đơn vị hành chính cấp phủ, thuộc dinh Quảng Nam và trở thành vùng đất trấn giữ biên cương phía nam của Đại Việt.

 

nui-nhan110222.jpg
Núi Nhạn. - Minh họa: Đ.LÊ

 

Từ đó, Phú Yên nhiều lần thay đổi về tên gọi khi thì dinh Trấn Biên, dinh Phú Yên, trấn Phú Yên, phủ Tuy An, đạo Phú Yên, tỉnh Phú Yên. Có khi sáp nhập với Bình Định thành tỉnh Bình Phú hoặc sáp nhập với Khánh Hòa thành Phú Khánh. Trải qua những biến động lịch sử, vùng đất và con người Phú Yên đã hình thành những giá trị, tạo nên sắc thái một Phú Yên kiên cường, bất khuất trong hành trình 400 năm phát triển của mình. Trong mỗi giai đoạn hoặc thời khắc lịch sử, Phú Yên từng đảm nhận vai trò, vị trí quan trọng, đặt dấu ấn đậm nét trong dòng chảy lịch sử dân tộc và có những đóng góp to lớn trong việc giải quyết những nhiệm vụ cấp bách mà lịch sử đặt ra.

 

1. Lịch sử Phú Yên thời mở đất còn mãi khắc ghi vai trò của Lương Văn Chánh, người có công đầu trong việc quy dân, lập ấp, tiến hành khai khẩn đất hoang, tạo những cơ sở đầu tiên cho việc hình thành tỉnh Phú Yên, đưa ranh giới quốc gia Đại Việt vào đến Thạch Bi Sơn. Công sức của ông sánh ngang bằng những bậc công huân như Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Cư Trinh trong việc mở rộng lãnh thổ dưới triều Nguyễn. Đó là những người con ưu tú của dân tộc mà tên tuổi gắn liền với từng vùng, miền đất nước, nơi họ khai sáng mở mang. Lần giở những trang sử cũ, sự nghiệp vĩ đại của Lương Văn Chánh trong vai trò mở đất Phú Yên được ghi lại bằng những sự kiện lịch sử đặc biệt:“Năm Mậu Dần (1578), người Chiêm Thành đến lấn cướp, Lương Văn Chánh tiến quân đến sông Đà Diễn, đánh lấy được thành Hồ” (1) để rồi sau đó ông đã “chiêu tập dân Chiêm khai khẩn đất hoang ở Cù Mông, Bà Đài, cho di cư đến đây. Lại mộ dân khai hoang ở trên dưới triền sông Đà Diễn, chia lập thôn ấp, ngày càng đông đúc” (2). Đến năm 1597, tổng trấn Nguyễn Hoàng đã giao trọng trách cho Lương Văn Chánh đẩy mạnh công cuộc di dân, khẩn hoang lập làng trên vùng đất Phú Yên bằng sắc lệnh mà ngày nay còn lưu giữ tại đền thờ ông: “Báo cho Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh tòng quân lâu ngày có công, quyền uy huyện Tuy Viễn, An Biên trấn quan, sức nhơn số xã Ba Thê đến hạn và khách hộ các thôn phường tùng hành ứng vụ, nhưng sức các hộ dân mới đến tựu các xứ cù Mông, Bà Đài, Đà Diễn từ trên đầu nguồn cho đến cửa biển, kết lập gia cư địa phận, khai khẩn đất hoang thành thục nộp thuế theo lệ. Nếu sanh sự nhiễu dân, điều tra ra sẽ bị xử tội. Nay báo cho” (3).

 

Công cuộc di dân lập làng trên vùng lãnh thổ từ Cù Mông cho đến Đèo Cả được tiến hành nhanh chóng, hơn 100 thôn ấp được tạo lập. Để rồi bằng kết quả ban đầu ấy, năm 1611 phủ Phú Yên chính thức ra đời với hai đơn vị hành chính cấp huyện đầu tiên là Tuy Hòa và Đồng Xuân. Đánh giá về công lao của Lương Văn Chánh, sách Đại Nam liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi rõ: “Lương Văn Chánh là công thần hồi quốc sơ, khai thác đất đai, mở rộng biên giới, công lao rõ rệt” (4).

 

2. Phú Yên trong những trang sử đầu thời mở cõi từng giữ vai trò là bàn đạp để cha ông ta tiếp tục tiến về phía nam hoàn thành sứ mạng mở mang lãnh thổ, đồng thời là phên dậu ổn định đời sống nhân dân khu vực Thuận - Quảng suốt một thời gian khá dài (1611-1698).

 

Năm 1611, phủ Phú Yên được thành lập, sau đó không bao lâu chúa Nguyễn Phúc Nguyên nâng lên thành dinh Trấn Biên (1629) đảm nhận vị trí bảo vệ biên cương phía nam của Tổ quốc. Từ đây với vai trò là Trấn Biên dinh, Phú Yên không chỉ là bình phong trấn giữ mà chủ yếu là bàn đạp để chúa Nguyễn tiến hành những cuộc xuất quân mở mang đất đai về phía nam.

 

Sự kiện mở đầu cho việc Phú Yên giữ vai trò trấn biên, bảo vệ vùng đất của chúa Nguyễn trước sự xâm lấn của người Chiêm được Lê Quý Đôn chép lại trong Phủ Biên tạp lục: “Tháng 9 năm Quý Tỵ (1653) vua nước Chiêm Thành là Bà Tấm quấy rối đất Phú Yên. Chúa sai Cai cơ Hùng lộc hầu làm Tổng binh và xá sai Minh Vũ làm tham mưu đem 3000 quân đi đánh... nhân đêm qua đèo Hổ Dương núi Thạch Bi, ruổi thẳng đến trại Bà Tấm, phóng lửa đánh gấp, phá tan, đuổi dài đến sông Phan Lang, lấy đất từ phía đông sông ấy đến Phú Yên đặt làm hai phủ Thái Khang và Diên Ninh, đặt dinh trấn thủ Thái Khang” (5). Như vậy, từ năm 1653 dinh Thái Khang mới lập trở thành vùng đất phên dậu tiếp giáp với Chiêm Thành, nhưng trọng trách trấn biên của Phú Yên vẫn nặng nề kéo dài đến năm 1698.

 

Tiếp sau đó, năm 1693 vua Chiêm Thành là Bà Tranh lại làm phản, đem quân cướp phá phủ Diên Ninh. Lần này, chúa Nguyễn Phúc Chu cử cai cơ Nguyễn Hữu Kính đem quân đánh bại Chiêm Thành, bắt sống Bà Tranh, đổi làm đất Thuận Thành. Đến đây, Chiêm Thành không còn là quốc gia riêng biệt mà trở thành bộ phận của xứ Đàng Trong dưới quyền các chúa Nguyễn.

 

Ngoài ra, Phú Yên là nơi xuất phát của các cuộc tấn công vào thủy Chân Lạp trong các năm 1658, 1674, 1688 mở đầu quá trình di dân để xác lập chủ quyền người Việt trên vùng đất này. Trong số những người Phú Yên vào khai phá vùng Nam Bộ phải kể đến bà Nguyễn Thị Rịa đã có công giúp chúa Nguyễn mở mang đất Bà Rịa mà lịch sử đã ghi tên tuổi rõ nét. Đến năm 1698, bằng chuyến kinh dinh của Nguyễn Hữu Cảnh trên xứ Đồng Nai, dựng làm dinh Trấn Biên, thì lúc này Phú Yên đã hoàn thành xuất sắc vai trò là phên dậu của xứ Đàng Trong.

 

3. Cuối thế kỷ XVIII, lịch sử Việt Nam chứng kiến cuộc cách mạng nông dân Tây Sơn bùng nổ. Cùng với Bình Định, Phú Yên một thời là căn cứ Tây Sơn trung đạo - cái nôi phát khởi phong trào Tây Sơn vĩ đại năm 1773. Các tầng lớp nhân dân Phú Yên đã góp phần to lớn trong cuộc cách mạng Tây Sơn, lần lượt đánh đổ ách thống trị của tập đoàn phong kiến Trịnh-Nguyễn chia cắt đất nước gần 200 năm, vươn lên đảm nhận nhiệm vụ dân tộc đánh tan quân xâm lược Xiêm-la, Mãn Thanh bảo vệ đất nước. Nằm ở vị trí tiếp giáp với đất thang mộc của Tây Sơn tam kiệt, Phú Yên là chiến trường giao tranh ác liệt giữa hai lực lượng Nguyễn Ánh -Tây Sơn, đồng thời là nơi Nguyễn Huệ làm nên chiến công lẫy lừng tiêu diệt 2 vạn quân chúa Nguyễn khi tròn 23 tuổi, mở đầu cho sự nghiệp hiển hách của người anh hùng Quang Trung. Ngày nay những địa danh như Đất Đỏ, Vũng Lắm, Xuân Đài, La Thai, Hà Nhao, Đà Diễn.... vẫn còn lưu lại dấu tích chiến thắng vang dội mà nhân dân Phú Yên đã đóng góp vào giai đoạn lịch sử hùng tráng này.

 

4. Năm 1885, hưởng ứng lời kêu gọi chống Pháp của vua Hàm Nghi, phong trào Cần Vương ở Phú Yên bùng nổ dưới sự lãnh đạo của Lê Thành Phương, Nguyễn Bá Sự và trở thành trung tâm kháng chiến khu vực các tỉnh nam Trung kỳ. Chỉ trong thời gian ngắn, nghĩa quân Phú Yên đã lật đổ chính quyền thân Pháp do án sát Hoàng Cân đứng đầu, thiết lập chính quyền do nghĩa quân làm chủ trong toàn tỉnh. Với vai trò là trung tâm của phong trào kháng chiến phía nam Huế, nghĩa quân Cần Vương Phú Yên thường xuyên có mặt trong các trận đánh quyết định của lực lượng kháng chiến Khánh Hòa, Bình Thuận. Trong trận đánh tỉnh thành Diên Khánh (ngày 14-12-1885) hay tấn công đánh chiếm Phan Rí (ngày 27-4-1886), Phan Thiết (ngày 28-6-1886), nghĩa quân Phú Yên do Bùi Giảng, Nguyễn Đức Thảo chỉ huy đã làm cho thực dân Pháp và tay sai ở đây khiếp sợ phải giao nộp chính quyền cho nghĩa quân. Từ việc bắt sống bọn chóp bu chính quyền tay sai đến việc thu nạp dân chúng xin tham gia nghĩa quân, sau đó giao lại cho lực lượng kháng chiến địa phương, nghĩa quân Phú Yên là chỗ dựa quan trọng của phong trào Cần Vương các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận.

 

Nét nổi bật của phong trào Cần Vương ở Phú Yên là tồn tại trong thời gian khá dài so với các tỉnh khác ở nam Trung kỳ. Phong trào các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận chỉ tồn tại đến năm 1887 thì tan rã trước sự đàn áp của kẻ thù, còn ở Phú Yên cuộc chiến đấu kéo dài đến năm 1892 mới kết thúc. Sự tồn tại kéo dài của phong trào Cần Vương ở Phú Yên góp phần làm chậm quá trình “bình định” của thực dân Pháp, gây khó khăn cho chúng trong việc thiết lập chính quyền cai trị và triển khai chính sách khai thác ở Phú Yên và các tỉnh nam Trung kỳ. Thắng lợi của phong trào Cần Vương Phú Yên còn góp phần đập tan âm mưu của giới thực dân hiếu chiến Pháp muốn sáp nhập các tỉnh nam Trung kỳ (Bình-Phú-Khánh-Thuận) vào Nam kỳ trực trị.

 

5. Kế tục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất, nhân dân Phú Yên trong những năm đầu thế kỷ XX đã viết nên những trang sử sôi động, hào hùng. Cuộc khởi nghĩa Võ Trứ năm 1900 đánh dấu phong trào đấu tranh của nhân dân Phú Yên sau khi phong trào Cần Vương thất bại không hề tàn lụi, mà nhanh chóng được nhem nhóm từ rừng núi các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa lan rộng ra khắp tỉnh, mở đầu một giai đoạn đấu tranh mới với các hệ tư tưởng mới. Võ Trứ đã gương cao ngọn cờ Phật giáo để tập hợp lực lượng chống Pháp và ông “đã cố gắng tìm ra con đường đấu tranh mới trong hoàn cảnh đen tối của đất nước, thực dân Pháp đã đặt xong nền cai trị ở nước ta, phong trào Cần Vương đã thất bại hoàn toàn” (6). Cuộc khởi nghĩa thể hiện tinh thần đoàn kết chiến đấu giữa người Kinh và người Thượng, đoàn kết tôn giáo một cách sâu sắc và có vị trí quan trọng trong phong trào yêu nước của cả nước và nhân dân Phú Yên những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

 

Các phong trào yêu nước sau đó ở Phú Yên tiếp tục được duy trì và phát triển mạnh mẽ với Phong trào chống sưu thuế năm 1908, Cuộc vận động khởi nghĩa Duy Tân năm 1916, cho đến các phong trào đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Đảng Cộng sản ở Phú Yên sau năm 1930, Phong trào “nước xu” của Sămbrăm những năm 1936-1939... biểu hiện tính liên tục của dòng chảy phong trào yêu nước ở Phú Yên trong những thập niên đầu thế kỷ XX. Trong bối cảnh lịch sử mới, phong trào yêu nước ở Phú Yên chịu sự chi phối chủ yếu của tư tưởng vô sản và hệ tư tưởng này ngày càng ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Trong thực tế, với sự ra đời chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên (5-10-1930), mở ra thời kỳ mới trong lịch sử Phú Yên-thời kỳ những thắng lợi to lớn của nhân dân Phú Yên trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

 

6. Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam nửa sau thế kỷ XX khép lại với chiến công to lớn vào bậc nhất trong lịch sử thế giới đương đại: đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ trong cuộc chiến tranh thần thánh mà nhân loại phải cúi đầu khâm phục trước “ý chí Việt Nam”. Góp phần vào thắng lợi trong cuộc trường chinh 30 năm giải phóng dân tộc (1945-1975), nhân dân Phú Yên đã làm nên những kỳ tích vang dội, tiêu biểu: đó là cùng nhân dân nam Trung bộ đánh bại Chiến dịch Át-lăng của thực dân Pháp (1-1954) góp phần vào thắng lợi Điện Biên Phủ (5-1954) chấn động địa cầu; Phong trào Đồng khởi Hòa Thịnh (12-1960) phá vỡ từng mảng lớn chính quyền Mỹ Diệm mở ra thời kỳ phát triển mới của cách mạng Phú Yên và các tỉnh đồng bằng khu V - thời kỳ giữ gìn lực lượng chuyển sang tiến công; Phú Yên với việc mở bến Vũng Rô đón nhận những chiến tàu không số cập bến cung cấp vũ khí trong những năm 1964-1965 góp phần cùng cả nước đánh bại chiến tranh cục bộ của Mỹ; Phú Yên vinh dự ba lần giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ- vị chủ tịch Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; đặc biệt Chiến thắng Đường số 7 và Đường số 5 (3-1975) được ví như trận “Bạch Đằng giang trên cạn” góp phần kết thúc thắng lợi sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn tỉnh Phú Yên (1-4-1975). Những thắng lợi to lớn của nhân dân Phú Yên lập nên trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ là bản anh hùng ca bất hủ nhất trong hành trình lịch sử 400 năm xây dựng và phát triển của vùng đất kiên cường, bất khuất này và đó là hành trang để Phú Yên bước vào thời kỳ xây dựng, phát triển và hội nhập.

 

da-bia110222.jpg

Đá Bia. - Ảnh: T.Ngọc

 

7. Xuyên suốt lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Phú Yên, chúng ta thấy rằng nơi đây tuy không phải là trung tâm của đất nước nhưng đã có những đóng góp quan trọng vào tiến trình lịch sử dân tộc. Trong những thời điểm lịch sử đặc biệt, Phú Yên đã làm nên những điều kỳ diệu, đóng vai trò quyết định những bước nhảy vọt của lịch sử dân tộc, tạo nên những biến chuyển quan trọng thúc đẩy lịch sử đi lên... Có một điều gì đó dường như là huyền thoại ẩn chứa ở vùng đất này mới làm nên những kỳ tích như vậy? Phải chăng khí thiêng sông núi đã hội tụ về đây? hay là cha ông ta đã biết khơi dậy sức mạnh ngàn năm của dân tộc tiềm ẩn ở vùng đất và con người Phú Yên, để rồi vùng đất này trở thành chứng nhân kiến tạo những sự kiện oai hùng của đất nước.

 

Ngày nay trước vận hội mới, Phú Yên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, nâng cao vị thế của mình ở khu vực các tỉnh duyên hải Trung bộ và cả nước. Vùng đất Phú Yên vốn đa dạng về địa hình: sông, núi, biển, rừng, đồng bằng, hải đảo. Sản vật Phú Yên phong phú về chủng loại trên rừng dưới biển, các loại thủy hải sản, gia cầm, gia súc. Con người Phú Yên thông minh, cần cù và giàu nghị lực. Nếu như xưa kia Phú Yên bị ngăn trở bởi hai đèo cao gây khó khăn trong giao lưu tiếp xúc bên ngoài, ảnh hưởng đến sự phát triển thì nay sự trở ngại đó được xóa bỏ thay bằng hệ thống đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường không nối liền các trung tâm kinh tế, chính trị lớn của đất nước. Tất cả những điều kiện thuận lợi ấy cho phép Phú Yên thời đương đại sẽ có những “cú hích” mang tính lịch sử để vùng đất này vươn lên, bay xa. Đặc biệt những giá trị lịch sử, văn hóa, những kinh nghiệm của cha ông được khơi dậy, phát huy triệt để và nâng lên trên tầm cao mới sẽ là những di sản vô cùng quý báu để Phú Yên hôm nay tiếp tục trở thành vùng đất “kiến tạo nên những điều kỳ diệu”  trong giai đoạn phát triển và hội nhập của đất nước.

 

Nhìn lại lịch sử 400 năm hình thành và phát triển tỉnh Phú Yên, mỗi người dân sống trên vùng đất này không những tự hào về quá khứ vẻ vang với những chiến công mà cha ông đã giành được trong sự nghiệp chinh phục vùng đất mới, đấu tranh, xây dựng, tạo ra những tiền đề để bao lớp người kế tục viết tiếp những trang sử đương đại, mà suy tư, trăn trở phải làm gì để phát huy tiềm năng, nội lực đã hội tụ trên vùng đất này trong suốt chiều dài 400 năm. Từ đó đoàn kết, quyết tâm xây dựng Phú Yên ngày càng giàu đẹp, trù phú, yên bình, sánh vai với các tỉnh trong khu vực như mơ ước, kỳ vọng của tiền nhân từ thời đi mở cõi.

 

----------------------------

Chú thích:

(1) (2) (4)Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, Nxb Thuận Hóa, Huế 1993,tr.89.

(3) Sắc lệnh hiện lưu tại đền thờ Lương Văn Chánh, thôn Long Phụng, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa.

(5) Lê Quý Đôn, Phủ Biên tạp lục, Nxb KHXH, Hà Nội 1964, tr.48.

(6) Trần Văn Giàu, “Phú Yên - yên định trong phú cường”, Tạp chí Xưa &Nay, số 106, 2001, tr.5.

 

TS. ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Buôn Thu đón chào xuân mới
Thứ Ba, 08/02/2011 07:00 SA
Độc đáo đá Phú Yên
Thứ Hai, 07/02/2011 07:00 SA
Với tôi, Phú Yên là quê nhà
Chủ Nhật, 06/02/2011 07:00 SA
Một vòng biển đảo Phú Yên
Thứ Bảy, 05/02/2011 07:07 SA
Phú Yên luôn trong tim chúng tôi
Thứ Năm, 03/02/2011 11:45 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek