Chủ Nhật, 22/09/2024 04:27 SA
Khởi nghĩa Lê Thành Phương - đỉnh cao phong trào Cần Vương Phú Yên (1885 -1887)
Thứ Bảy, 29/01/2011 10:02 SA

Tại vịnh Xuân Đài, nghĩa quân thiết lập nhiều pháo đài phòng thủ như Phú Vĩnh, Mỗi Tra, Gành Dương, đặt nhiều khẩu thần công nhằm ngăn không cho quân Pháp tiến sâu vào nội địa. Dưới sự chỉ huy của Bùi Giảng, Võ Hữu Phú nghĩa quân chống trả quyết liệt, các khẩu đại bác nòng trơn của nghĩa quân không thể địch lại sức công phá của pháo 80 ly của địch. Sau 70 phút bắn phá kịch liệt, các công sự ở đây bị phá hủy nhanh chóng. Bùi Giảng ra lệnh cho nghĩa quân lùi sâu vào tuyến sau cố thủ. Trước khi rút, nghĩa quân đã đốt cháy các kho thuốc súng để khỏi rơi vào tay giặc.

 

Trong lúc quân Pháp và Trần Bá Lộc bắn phá các vị trí tiền tiêu ở vịnh Xuân Đài, một cánh quân khác tiến ra phía bắc đánh vào đồn Bình Tây nhằm khống chế sự liên kết giữa nghĩa quân Phú Yên với Bình Định. Tại đây,Võ Thiệp chỉ huy nghĩa quân lợi dụng hệ thống công sự được xây dựng len trong núi đá, cản phá các cuộc tấn công của địch, tiêu diệt một số tên Pháp và lính trong đội quân “hổ lốn” của Trần Bá Lộc. Nhưng trước sự hơn hẳn về hỏa lực của địch, sau khi giáng cho chúng những đòn choáng váng, nghĩa quân rút lui về phòng tuyến sau.

 

Sau khi phá hủy toàn bộ hệ thống phòng thủ tiền duyên tại vịnh Xuân Đài, quân Pháp tập trung lực lượng tấn công vào Định Trung, tổng hành dinh quân khu Bắc, nơi đặt sở chỉ huy của Bùi Giảng. Trần Bá Lộc cũng như thiếu tá Chevreux biết rằng Bùi Giảng là một trong những chỉ huy quân sự có tài nên thận trọng khi tiến đánh căn cứ Định Trung. Suốt trong hai năm (1885 -1886) Bùi Giảng đã tiến quân trên khắp chiến trường các tỉnh cực nam Trung Kỳ gây kinh hoàng cho những chính quyền không theo lực lượng Cần Vương. Vẫn theo cách đánh ở các đồn binh khác, quân địch dùng pháo bắn dồn dập vào hai đồn Cây Kông và Bà Trang phá hủy toàn bộ các công sự, nghĩa quân rút lực lượng về căn cứ Định Trung.

 

Để đánh Định Trung, Trần Bá Lộc chia quân làm hai hướng tấn công: một cánh quân dọc theo sông Cái lên Phong Hậu đánh thẳng vào mặt bắc, một cánh quân khác từ Chí Thạnh vượt lên Dốc Thị từ phía đông đánh vào Hòn Đồn. Mặc dù căn cứ Định Trung được bố trí rất kiên cố, Bùi Giảng không ngờ địch tiến đánh nhanh như vậy và không chịu nổi những trận pháo kích dữ dội của chúng nên cuối cùng ông rút toàn bộ lực lượng lên La Hai, bỏ lại sau lưng các kho hậu cần lương thảo đang bốc cháy.

 

Trong các trận đánh ở quân khu Bắc, sau khi nghĩa quân rút đi, dân làng cũng đi theo và họ đã làm một cuộc tiêu thổ bằng việc thiêu cháy hết nhà cửa để không lọt vào tay quân Pháp và Trần Bá Lộc. Vì không chiếm được dân nên Trần Bá Lộc đã ra lệnh đốt cháy các làng còn sót lại làm cho “bầu trời vào lúc 5 giờ 30 phút đã rực sáng”(1) .

 

Ngày 8-2-1887, sau khi dẹp tan quân khu Bắc, địch tập trung lực lượng đánh vào căn cứ trung tâm Xuân Vinh, nơi có các cánh quân lớn do Lê Thành Phương, Lê Thành Bính chỉ huy. Nhờ có sự dẫn đường của cha con đề đốc Dương Văn Đính và Dương Văn Đôn (hai người này khiếp sợ trước hỏa lực của địch ở trận Xuân Đài đã đầu hàng), địch đã giành được thắng lợi lớn. Các phòng tuyến Tam Giang, Cửa Yến, núi Ông Hùng, Bãi Ngao, đầm Ô Loan bị vỡ. Các làng chiến đấu ở Đồng Đức, Đồng An, Mỹ Phú, Phong Phú, Hòa Đa đều bị phá hủy. Toàn bộ các cứ điểm xung quanh căn cứ Xuân Vinh bị địch đánh chiếm. Lê Thành Phương cùng với Lê Thành Bính trực tiếp chỉ huy chặn địch trên đèo Quán Cau. Đây là trận đánh diễn ra quyết liệt một mất một còn của nghĩa quân để bảo vệ căn cứ trung tâm của cuộc khởi nghĩa.

 

Để tấn công đèo Quán Cau, quân Pháp tập trung toàn bộ lực lượng (gồm cả đội quân đánh thuê của Trần Bá Lộc) do Chevreux chỉ huy. Tại đây nhiều trận chiến đấu diễn ra ác liệt: nghĩa quân chặn đánh địch trên đèo Quán Cau, phục kích tại núi Một, đánh giáp lá cà tại Phiên Thứ, Tân An nhưng không ngăn nổi bước tiến của địch. Tại đèo Quán Cau, nghĩa quân rải ổi trên mặt đường rồi phủ rơm lên trên chờ cho lính Pháp đạp phải ổi trượt ngã, rồi xông lên đánh giáp lá cà làm nhiều lính Pháp phải bỏ mạng. Nhờ ưu thế pháo binh, quân Pháp nã đạn vào các cứ điểm tại căn cứ Xuân Vinh khiến kho hậu cần và nhiều nhà dân vùng Chợ Thứ bị trúng đạn bốc cháy. Lê Thành Phương chỉ huy nghĩa quân cầm chân địch, đánh nhau nhiều trận ròng rã suốt một ngày từ sáng đến tối. Cuối cùng do quân số thương vong quá nhiều, vũ khí hư hỏng nặng, Lê Thành Phương ra lệnh rút lên căn cứ địa Vân Hòa mưu tính cuộc kháng chiến lâu dài.

 

Như vậy, sau thất bại trên đèo Quán Cau, căn cứ Xuân Vinh bị quân Pháp đánh chiếm, cuộc chiến đấu ở quân khu Bắc và quân khu Trung tâm cơ bản đã kết thúc, nghĩa quân rút về miền núi cố thủ.

 

 * Lê Thành Phương bị bắt, lực lượng nghĩa quân tan rã

 

Những ngày tiếp theo sau khi căn cứ Xuân Vinh thất thủ, nghĩa quân liên tiếp bị thất bại. Các cứ điểm phòng thủ ở quân khu Nam Phú Yên bị địch tấn công. Nhiều căn cứ và đồn trại trấn giữ vùng đồng bằng Tuy Hòa rơi vào sự kiểm soát của quân Pháp. Quân thứ các tổng do Nguyễn Đức Thảo, Trương Chính Đường, Đặng Đức Vĩ chỉ huy tiến hành chặn đánh nhưng không ngăn được bước tiến của địch nên rút dần về miền bán sơn địa hoặc tự giải ngũ hòa trong dân chúng chờ thời cơ khôi phục. Đến ngày 15-2-1887, hầu hết các cánh  quân ở quân khu Nam tan rã, mọi sự chống cự dường như kết thúc. Trần Bá Lộc một mặt triệt đường tiếp tế của nghĩa quân và ra sức khủng bố dân chúng, đồng thời kêu gọi các chỉ huy ra hàng, hứa hẹn đề cử với người Pháp thăng quan tiến chức. Lộc cho lính đến các làng nổi trống mõ, tập trung dân tại đình, chùa. Nhà nào có người tham gia nghĩa quân phải gọi ra đầu thú, nếu không thì của cải, ruộng vườn bị tịch thu, nhà cửa bị đốt cháy, người thân bị giết chết. Ai không chấp hành lệnh gọi người nhà trong nghĩa quân về đầu hàng sẽ bị Lộc hành hình man rợ với các hình thức “phanh thây, mổ bụng bất kể già trẻ gái trai, con đỏ quăng vào cối giã gạo, quết như quết nem” hoặc cho lính kéo ngọn tre xuống vấn tóc nạn nhân vào rồi bật lên lơ lửng làm bia cho lính bắn thi hoặc chặt đầu bêu ở ngã ba đường, nơi đông người để đe dọa. Trần Bá Lộc còn dùng kiểu tra tấn dã man gọi là “vuốt ngang” chẻ dây giang thồ lồ rất bén, bắt tù nhân nắm tay vào đó rồi đá đầu tay, người tù bị vuốt xuống, buốt tận xương, sau đó đem đi chém. Sự tàn bạo của Trần Bá Lộc đến ngay cả những tên thực dân như Lanessan cũng phải thốt lên: “Trần Bá Lộc là một con người hung bạo, có toàn quyền tự do hoạt động, đã đối xử với đồng bào của ông ta như người ta vẫn thường áp dụng trong những trường hợp tương tự ở Viễn Đông và ở Đông Dương trước khi người Pháp chinh phục. Đó là những cảnh tượng man rợ mà những kẻ thượng lưu một khi chứng kiến phải câm lặng hoặc nhắm mắt lại”, hoặc: “ông Phủ Lộc chém rất nhiều người…, chỉ trong một làng tôi đến quan sát, 10 tên phiến loạn đã rơi đầu” .

 

Chính sách đàn áp khốc liệt của Trần Bá Lộc đã dồn ép các thủ lĩnh nghĩa quân phải buông vũ khí, giải tán lực lượng và quy thuận: “Toàn thể phía nam xứ này đã được bình định, tất cả các làng đã quy thuận, mang vũ khí, đại bác, cờ nộp cho tổng đốc”(2).

 

(Còn nữa)

___________________________  

(1) (2) Charles Fourniau, “Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định-Phú Yên (1885-1887)”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 6/1982, tr.41\

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek