Chủ Nhật, 22/09/2024 04:34 SA
Khởi nghĩa Lê Thành Phương - đỉnh cao phong trào Cần Vương Phú Yên (1885 -1887) (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Sáu, 28/01/2011 10:00 SA

Trong lúc các chính khách thực dân đang âm mưu sáp nhập các tỉnh Nam Trung Kỳ vào Nam Kỳ, ở Phú Yên phong trào Cần Vương phát triển mạnh mẽ. Nghĩa quân làm chủ trong toàn tỉnh, các quan lại được triều đình Đồng Khánh cử đến đây đều không dám cung chức. Bố chánh mới được bổ đến Phú Yên là Lương Xuân Huyến xin tạm hoãn rồi cáo bệnh xin về kinh. Án sát Đinh Duy Tân từ nơi ẩn trốn ở Khánh Hòa đáp thuyền về Quảng Ngãi, quyền tổng đốc Bình - Phú Lê Tiến Thông vào đến Hoài Nhơn thì bị bắt, các tổng đốc tiếp theo có ông được thăng đến thượng thư thì xin về bộ hoặc cáo bệnh; có ông từ tuần phủ thăng lên tổng đốc vẫn xin ở lại nhiệm sở cũ làm tuần phủ. Triều đình Đồng Khánh tỏ ra bất lực trong việc lập lại “trật tự” ở Phú Yên và” trông chờ vào sự can thiệp của Nhà nước bảo trợ” (1) và đội quân Nam Kỳ sau khi đánh dẹp các tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa sẽ chuẩn bị tiến ra đàn áp phong trào Cần Vương ở Phú Yên. Do đó cuộc chiến đấu của nghĩa quân Lê Thành Phương chống thực dân Pháp có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là cuộc đấu tranh không chỉ bảo vệ những thành quả của phong trào mà còn chống lại chủ trương biến các tỉnh cực nam Trung Kỳ thành thuộc địa như ở Nam Kỳ.

 

* Cuộc chiến đấu của nghĩa quân ở quân khu Bắc và trung tâm

 

Từ ngày 3-7 đến 19-8-1886, quân Pháp tiến hành đàn áp phong trào Cần Vương ở Bình Thuận. Ngày 20-8-1886 chúng tiến đánh Khánh Hòa, các thủ lĩnh Cần Vương ở đây như Trịnh Phong, Lê Nghị, Nguyễn Khanh lần lượt bị bắt, bị giết, phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa coi như thất bại. Đội quân Bùi Giảng từ Bình Thuận lui về Khánh Hòa cũng phải rút về Phú Yên cố thủ, chuẩn bị cho trận đánh quyết định tại tỉnh nhà.

 

Trong lúc chiến sự diễn ra ở Khánh Hòa, một kế hoạch “giải quyết Phú Yên đã được quyết định” (2) tại Sài Gòn. Theo kế hoạch này, quân Pháp sẽ đổ bộ lên vịnh Xuân Đài tiến công đánh chiếm khu vực bắc Phú Yên để cắt đôi sự liên kết giữa lực lượng Cần Vương ở hai tỉnh Phú Yên và Bình Định, sau đó dốc toàn bộ lực lượng đánh vào phía nam, tập trung vào căn cứ Xuân Vinh- đại bản doanh của nghĩa quân do Lê Thành Phương trực tiếp chỉ huy và truy kích lên miền tây tiêu diệt các cứ điểm còn lại. Kế hoạch này với mục đích tiêu diệt hoàn toàn lực lượng Cần Vương ở Phú Yên, tiến tới cô lập, tiêu diệt phong trào ở Bình Định.

 

Ngày 4-2-1887, đội quân Nam Kỳ làm lễ xuất phát trên đại lộ Norodom rồi lên tàu ra Phú Yên trên chiến hạm Clocheterie. Đội quân này gồm 1.500 người, trong đó có 500 lính chính quy (200 lính Âu và 300 lính bản xứ) do thiếu tá Chevreux chỉ huy và 1.000 lính tình nguyện mới được tuyển mộ dưới quyền của tổng đốc Trần Bá Lộc.

 

Trần Bá Lộc sinh tháng 2-1839 ở làng Tân Đức, cù lao Giềng, Long Xuyên (nay thuộc An Giang) là con một sĩ phu theo đạo Thiên Chúa bị triều Nguyễn bắt giam. Trần Bá Lộc có tên Thánh là Emmanuel. Năm 1861, khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông, Lộc ở Mỹ Tho (nay thuộc Tiền Giang) làm nghề bán cá cho quân đội Pháp. Nhờ một thầy tu bản xứ đỡ đầu, Lộc gia nhập đội lính của đô đốc Charner. Do hoạt động tích cực trong các chiến dịch đàn áp, xâm lược của Pháp, nên năm 1867 Lộc được bổ nhiệm làm đốc phủ sứ cai quản một phủ. Lộc đã từng được nhân dân Nam Kỳ gọi là “con hổ Cai Lậy” cho những hành động đẫm máu của ông ta.

 

Toàn bộ gia đình Lộc đều hợp tác làm tay sai cho Pháp. Người anh của Lộc là Trần Bá Hữu bị ám sát năm 1885. Trần Bá Lộc bị nhân dân căm ghét, thù oán nên chính quyền Mỹ Tho (nơi Lộc đóng trụ sở) phải cấp cho y một đội binh bảo vệ (khoảng 15-20 tên). Trong thư ngày 6-11-1886 gởi Pardon, giám đốc nội vụ Nam Kỳ, Trần Bá Lộc than phiền với chủ: “Tôi đã phụng sự cho chính phủ nước Pháp được 26 năm nay. Do những sứ mạng tôi đã hoàn thành tốt đẹp và trung thành mà đồng bào tôi – những địch thủ của nền thống trị Pháp – đã căm thù tôi và tất cả những kẻ xấu đã trả thù tôi”. Ngoài ra Pháp còn cử Tirant cạnh Trần Bá Lộc. Tirant là viên cai trị hạng hai về những vấn đề bản xứ, có nhiệm vụ cùng đi với quân lính và tiến hành việc tổ chức lại nền hành chính, trao đổi thư từ, báo cáo với thống đốc Nam Kỳ.

 

Ngày 5-2-1887, quân Pháp đến vịnh Xuân Đài. Khoảng 5 giờ sáng ngày 6-2-1887, quân địch đổ bộ lên cửa biển Tiên Châu - cửa ngõ quan trọng nhất của Phú Yên bấy giờ, mở đầu cuộc tiến công vào quân khu Bắc, cắt đôi Phú Yên và Bình Định. Phần lớn dân chúng ở các làng Hội Phú, Tiên Châu đã tản cư mang theo của cải, để lại vườn không nhà trống. Vì vậy sau khi đổ bộ, đội lính Nam Kỳ phải tự bốc dỡ quân dụng lên bờ. Phó soái Bùi Giảng sau khi từ Khánh Hòa về nhanh chóng củng cố hệ thống phòng thủ khu vực bắc Phú Yên và trực tiếp chỉ huy các trận đánh đầu tiên với quân Pháp tại vịnh Xuân Đài.

 

Với trang bị vũ khí hơn hẳn và sự chỉ đường làm nội ứng của một số giáo dân có thù oán với nghĩa quân, quân Pháp và Trần Bá Lộc đã nhanh chóng giành thế áp đảo. Các pháo đài Tiên Châu, Phú Vĩnh, Tân Thạnh do lãnh binh Nguyễn Bảy và tướng thủy quân Lê Nhàn chỉ huy cũng phải rút lui trước những trận pháo kích dữ dội của địch. Ở một số cứ điểm, nghĩa quân tổ chức kháng cự quyết liệt trước những cuộc tấn công với hỏa lực mạnh của quân Pháp và Trần Bá Lộc.

 

(Còn nữa)

 

------------------------

(1)(2) Durrwell (1900), Trần Bá Lộc, Tổng đốc Thuận-Khánh Sa vie et son oeuvre. Notice biographique d’apres documents de famille, BSEI, (2), p.45,47.

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Độc đáo đá Phú Yên
Thứ Hai, 07/02/2011 07:00 SA
Với tôi, Phú Yên là quê nhà
Chủ Nhật, 06/02/2011 07:00 SA
Một vòng biển đảo Phú Yên
Thứ Bảy, 05/02/2011 07:07 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek