Chủ Nhật, 22/09/2024 04:24 SA
Khởi nghĩa Lê Thành Phương - đỉnh cao phong trào Cần Vương Phú Yên (1885-1887)
Thứ Năm, 27/01/2011 07:12 SA

Sau khi hiệp ước Patenôtre được ký kết (1884) phái thực dân thôn tính ở Nam Kỳ tìm mọi cách để mở rộng lãnh thổ thuộc địa ra đến Bình Thuận và cả nam Trung Kỳ (Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định). Ý định này vấp phải sự chống đối của phái bảo hộ. Nếu “thi hành chính sách như vậy đã hủy hoại sự cố gắng của phái bảo hộ định mang lại cho vua Đồng Khánh- do Pháp lập nên một vẻ bề ngoài có quyền lực”(1). Tất nhiên ý đồ khác biệt này giữa hai lực lượng chống đối nhau trên bàn cờ chính trị Pháp cuối cùng cũng phải thỏa hiệp với nhau, nhưng ít nhiều đã gây cản trở cho phái thôn tính muốn sát nhập Thuận – Khánh cũng như các tỉnh nam Trung Kỳ vào chế độ trực trị Nam Kỳ.

 

Phong trào chống Pháp của nhân dân các tỉnh nam Trung Kỳ phát triển mạnh mẽ trong những năm 1885-1886 khiến cho phái thực dân chủ trương thôn tính càng ráo riết chuẩn bị cho sự xâm nhập vào Khánh-Thuận và nam Trung Kỳ. Để thực hiện việc sát nhập có cơ sở, thống đốc Nam Kỳ Thomson đã cử Aymonier với danh nghĩa một nhà dân tộc học nghiên cứu sinh hoạt và phong tục người Chăm tiến hành điều tra về chính trị, quân sự ở Khánh – Thuận vào cuối năm 1884. Khi trở về, Aymonier yêu cầu chính phủ Nam Kỳ cần phải chiếm bằng được hai tỉnh Bình Thuận và Khánh Hòa với lý do phong trào Cần Vương phát triển nhanh chóng ở hai tỉnh này và gây ra tình trạng “những người theo đạo Gia Tô đang bị tàn sát và dân chúng đang bị quân nổi loạn (nghĩa quân Cần Vương-TG chú)  tiêu diệt... Chưa có tin tức gì lọt ra ngoài về những gì đang xảy ra tại các tỉnh phía nam Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, mà các con chiên nếu còn bình yên đã trốn tránh đi thành từng nhóm nhỏ ra Quy Nhơn, vì đang lúc gió mùa thuận lợi. Đây là một sự im lặng chẳng lành, một sự im lặng của thần chết. Nhất thiết cần phải dựa vào tất cả các thành phần không phải An Nam để cầm cự… Việc chiếm đóng các tỉnh đối với Nam Kỳ thuộc Pháp trở thành một biện pháp hoàn toàn tự vệ. Cái chính phủ ma đóng ở Huế không hành động gì ngoài tầm súng của quân đội chúng ta. Và rất có thể toàn bộ Trung Kỳ sẽ nằm trong khói lửa” (2).

 

Ngày 27-8-1885, trong bản báo cáo gửi cho Bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa, thống đốc Nam Kỳ đã thống nhất chủ trương sát nhập của Aymonier: “Các tỉnh Bình Thuận và Khánh Hòa quá xa Huế mà lại gần Sài Gòn. Việc sát nhập hai tỉnh này vào Nam Kỳ sẽ... bảo đảm cho an ninh thuộc địa chúng ta(3). Đây chỉ là bước đầu trong việc chuẩn bị để thực hiện âm mưu sát nhập Thuận-Khánh vào Nam Kỳ của phái “thôn tính”.

 

Việc chính phủ Freycinet đổ, phái của Gambetta lên nắm quyền, tạo điều kiện cho nhà cầm quyền Pháp ở Nam Kỳ thực hiện chủ trương sát nhập. Giờ đây chúng không chỉ muốn sát nhập Thuận-Khánh mà còn muốn kéo dài đến Phú Yên, Bình Định, thậm chí muốn với tay ra Huế để chuẩn bị tiến tới thành lập Liên bang Đông Dương. Tham vọng này được tỏ rõ qua bức thư Tirant viết cho Pardon, giám đốc nội vụ Nam Kỳ: “Tôi cho rằng cần phải đặt ba tỉnh nam Trung Kỳ (Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên) vào trong guồng máy cai trị ở Nam Kỳ và cả Bình Định nữa” (4).

 

Trước âm mưu của thực dân Pháp muốn can thiệp vào phần đất còn lại dưới quyền cai trị của mình, triều đình Huế hết sức hoảng sợ, đã “ủy quyền cho tiễu phủ sứ Hoàng Bá Trinh mang các đạo dụ, thương dụ đi ban bảo, đáp tàu thủy đến ngay Gia Định trình cho tướng của Pháp biết và tìm đường chuyển về Bình Thuận-Khánh Hòa đem hiểu dụ đi ngăn cấm khắp nơi để cho chóng được xong việc” (5). Rõ ràng triều Nguyễn đã không có chính sách tích cực để ngăn cản âm mưu thôn tính của Pháp mà còn “hùa” với chúng trong việc chống lại phong trào của nhân dân ta, tự đặt vào vị trí đối lập với quyền lợi dân tộc. Tuy nhiên, triều đình Huế cũng phản đối một cách yếu ớt với chính phủ Pháp và được Paul Bert an ủi “đó chỉ là biện pháp tạm thời(6).

 

Ngày 11-3-1886, cựu công sứ Quy Nhơn là Navelle, trong một báo cáo đã gợi ý thành lập tại Nam Kỳ một đạo quân tình nguyện chọn trong lính khố đỏ cũ và họ sẽ tạo thành lực lượng lính tập của Bình Thuận, Khánh Hòa. Ngay cả giới thực dân Bắc Kỳ cũng “chấp nhận để Nam Kỳ đảm nhiệm việc đàn áp ở Bình Thuận, Khánh Hòa” (7). Như vậy âm mưu thôn tính Bình Thuận, Khánh Hòa mở đầu cho việc đưa các tỉnh nam Trung Kỳ vào chế độ trực trị Nam Kỳ đã rõ ràng và được thực dân Pháp ở cả Nam, Bắc Kỳ xúc tiến mạnh mẽ, chúng chỉ chờ có cơ hội là can thiệp.

 

Ngày 22-4-1886 phủ thành Ninh Thuận bị nghĩa quân Cần Vương đánh chiếm và những toán quân của Bùi Giảng tiến về ranh giới trực tiếp đe dọa sự ổn định của chế độ trực trị Nam Kỳ. Sự kiện này được phái “thôn tính” xem như là cơ hội chín muồi cho việc xuất quân can thiệp vào nam Trung Kỳ.

 

Ngày 31-5-1886, tổng trú sứ Bắc –Trung Kỳ là Paul Bert điện cho thống đốc Nam Kỳ: “Tôi không thể bố trí bất kỳ một lực lượng nào cho các tỉnh nam Trung Kỳ… tôi dành cho ngài mọi quyền tự do xử trí nhằm bảo đảm an toàn cho Trung Kỳ”(8).

 

Như vậy kế hoạch can thiệp vào nam Trung Kỳ có thể bắt đầu với mục tiêu đầu tiên là Bình Thuận. Ngày 19-5-1886, Aymonier trên chiếc tàu Lutin do khâm sứ Trung Kỳ trưng tập tiến hành thị sát ở Nha Trang, Phan Rang, Phan Rí. Và cuối cùng ngày 15-6 tướng Bégin giao cho Aymonier phụ trách việc cử các đạo binh tiến ra Bình Thuận, Khánh Hòa.

 

Có thể nói rằng, sau một thời gian chuẩn bị từng bước thăm dò, chính sách “thôn tính” khu vực nam Trung Kỳ để sát nhập vào Nam Kỳ đã được chấp nhận và thực thi. Lần này những người chủ trương không cần nêu những lý do như trước nữa bởi vì đã quá rõ ràng phong trào Cần Vương phát triển với quy mô ngày càng mở rộng đã làm chủ toàn bộ vùng cực nam Trung Kỳ và hơn thế nữa, các văn thân yêu nước còn có ý định giải phóng Nam Kỳ. Trong kế hoạch thôn tính này, Aymonier được giao trách nhiệm chính với Chevreux, Tirant và đạo quân của Trần Bá Lộc.  

 

(Còn nữa)

 

(1) Charles Fourniau, “Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định - Phú Yên (1885-1887)”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 6/1982, tr.40

 

(2)(3) Cao Huy Thuần, Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam (1857-1914), Nxb Tôn giáo,tr.491,491

 

(4) Ch.Fourniau(1983), Les contacts Franco-Vietnamies en Annam et au Tonkin de 1885 à 1896-Thèse de Doctorat d’Etat, Paris (GS. Nguyễn Phan Quang lượt dịch), tr.18

 

(5)  Quốc sử quán triều Nguyễn (1978), Đại Nam thực lục, Tập 37, Nxb Khoa học xã hội, tr.168

(6) Viện sử học (2003), Lịch sử Việt Nam 1885-1892, Nxb Khoa học xã hội, tr.630

 

(7) Charles Fourniau, “Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định - Phú Yên (1885-1887)”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 6/1982, tr.40

 

(8) Général X***(1901), L’Anam du 5 Juillet 1885 au 4 Avril 1886, Chapelot Paris,p.180

 

Tiến sĩ  ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek