Chủ Nhật, 22/09/2024 04:39 SA
Khởi nghĩa Lê Thành Phương - đỉnh cao phong trào Cần Vương Phú Yên (1885-1887) (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Tư, 26/01/2011 10:00 SA

Đầu năm 1886, Mai Xuân Thưởng đã cử tổng đốc Lê Công Chánh, người tổng Phú Vĩnh (Xuân Vinh) tỉnh Phú Yên cùng 4 người khác vào Nam Kỳ liên lạc với các lãnh tụ chống Pháp tại đây. Họ đã gặp Năm Thiếp và Nguyễn Xuân Phong. Các lãnh tụ này đã họp tại núi Dùm (núi Thất Sơn) bàn kế hoạch vận động dân chúng và tổ chức cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Kỳ.

 

Tại đây, Lê Công Chánh được sĩ phu Nam Kỳ bầu làm “Nam Kỳ Chánh hội” và đứng ra thảo mật lệnh kêu gọi nhân dân Nam Kỳ nổi dậy. Cuộc vận đôïng chống Pháp ở Nam Kỳ được triển khai nhanh chóng và lan rộng ra các tỉnh Gia Định, Tân An, Mỹ Tho…(1). Lê Công Chánh còn liên lạc với Đào Công Bửu tiến hành cuộc khởi nghĩa ở Bến Tre và một số tỉnh miền tây Nam Kỳ trong những năm 1885-1886 và 1893. Tại các cuộc vận động này, Lê Công Chánh đã lấy danh nghĩa vua Hàm Nghi để quy tụ nhân dân vào công cuộc chống Pháp (2).

 

Như vậy, ngọn cờ Cần Vương của các sĩ phu nam Trung Kỳ đã được Lê Công Chánh đem vào Nam Kỳ và được sĩ phu và nhân dân ở đây nhiệt liệt hưởng ứng. Bước đầu kế hoạch xách động sự nổi dậy từ trong lòng hậu phương của thực dân Pháp đã được thực hiện, chuẩn bị cho các bước tiếp theo sẽ phối hợp giữa hai lực lượng tấn công và nổi dậy giải phóng Nam Kỳ.

 

Cùng lúc nghĩa quân Bình Định cử Lê Công Chánh tiến hành các hoạt động liên kết trên đất Nam Kỳ, thì các sĩ phu, văn thân Phú Yên cũng đưa một số nghĩa quân tiến vào Nam Kỳ với các nhiệm vụ do thám, phát động sự nổi dậy ở đây. Phiên xét xử ngày 24/2/1887 của tòa án Nam Kỳ lúc bắt được các nghĩa quân Phú Yên là Nguyễn Văn Khá, Đặng Văn Hữu đã kết tội họ làm gián điệp khi giả danh là người đi buôn cùng với hàng hóa trên thuyền bị thu giữ. Họ bị kết án là những phần tử “nguy hiểm cho an ninh” (3) của xứ Nam Kỳ. Ngoài ra, đốc binh Nguyễn Văn Bửu cũng được nghĩa quân phái đến vùng Sa Đéc để kích động sự nổi dậy ở đây và khi bị bắt, thực dân Pháp cho rằng “sự hiện diện của tên này ở Nam Kỳ có thể là nguyên nhân lộn xộn do các thủ đoạn bí mật của y” (4).

 

Những hoạt động trong tháng 5-1886 của Bùi Giảng trên đất Bình Thuận đã chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch đột nhập, khi lực lượng nghĩa quân đã áp sát ranh giới Nam Kỳ. Bên cạnh đó nghĩa quân còn “tung thám tử vào các vùng phụ cận... nhằm kích động một cuộc nổi dậy tại những điểm khác nhau trên đất Nam Kỳ” (5).

 

Liệu Bùi Giảng có tấn công vào Nam Kỳ hay không, khi mà các hành động chuẩn bị như ban hành bố cáo, yêu cầu mọi người phải tuân lệnh trong một vùng rộng lớn đến ranh giới Nam Kỳ đã được thực hiện? Aymonier dự đoán: “Tôi thấy con người này có đủ tầm cỡ để tiến hành một việc như vậy” và “dân chúng An Nam trước đây còn lưỡng lự và cho đến mấy tháng gần đây vẫn còn phân vân, thì nay họ đã hăng hái hưởng ứng cuộc nổi loạn” (6).

 

Kế hoạch tiến quân vào Nam Kỳ của nghĩa quân Phú Yên và các tỉnh nam Trung Kỳ đang triển khai, thì ngày 3/7/1886 quân Pháp và Trần Bá Lộc đã tấn công ra Bình Thuận, Khánh Hòa. Vì vậy, nghĩa quân nam Trung Kỳ đành bỏ dở kế hoạch đột nhập Nam Kỳ, sắp xếp lực lượng chuẩn bị đối phó với các cuộc tấn công của thực dân Pháp.

 

Mặc dù ý định đem quân vào Nam Kỳ chưa được thực hiện, nhưng kế hoạch trên biểu hiện ý chí giải phóng dân tộc mạnh mẽ của nghĩa quân Cần Vương Phú Yên và các tỉnh nam Trung Kỳ. Điều đó cũng cho thấy phong trào Cần Vương các tỉnh này không chỉ chủ trương liên kết trong khu vực mà còn vươn tới sự liên kết tận Nam Kỳ, vùng đất được coi là thuộc địa của Pháp. Qua đó có thể thấy thực chất phong trào Cần Vương không chỉ là phong trào ủng hộ vua Hàm Nghi mà là một phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân ta cuối thế kỷ XIX diễn ra mạnh mẽ trong phạm vi cả nước.

 

3. Những cuộc chiến đấu của nghĩa quân Lê Thành Phương trong thời gian cuối (từ tháng 7/1886 đến 25/2/1887)

 

* Âm mưu của thực dân Pháp khi đưa quân ra các tỉnh nam Trung Kỳ

 

Khi tiến hành cuộc chiến xâm lược nước ta, trong giới chính trị Pháp tồn tại hai quan điểm về chính sách thuộc địa: phái “bảo hộ” (Bộ Ngoại giao) muốn duy trì một chính quyền bù nhìn tay sai để thực thi những chính sách cai trị của chính quốc. Ngược lại, phái “thôn tính” (Bộ Hải quân và Quốc vụ khanh phụ trách thuộc địa) muốn thiết lập chế độ cai trị trực tiếp đối với thuộc địa (như Nam Kỳ).

 

(Còn nữa)

 

-----------------------

(1,2) Nguyễn Phan Quang (1995), Việt Nam cận đại, những sử liệu mới, Tập 1, Nxb TP.Hồ Chí Minh, tr.176,185

(3) Arrêté internant à Pouulo-Condre les nommés Kha et Hưu, du Phu Yen, Trung tâm lưu trữ Quốc gia I,KH.J.989,p.276

(4) Arrêté portant que l’annamite Nguyen-van-bưu, originaire de Phu-yen, sera interne à Poulo-Condore pendant une année. Trung tâm lưu trữ Quốc gia II,KH. J.105,p.804.

(5)(6) Ch.Fourniau(1983), Les contacts Franco-Vietnamies en Annam et au Tonkin de 1885 à 1896-Thèse de Doctorat d’Etat, Paris (GS.Nguyễn Phan Quang lượt dịch),tr.26, 27

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek