Chủ Nhật, 22/09/2024 04:43 SA
Khởi nghĩa Lê Thành Phương - đỉnh cao phong trào Cần Vương Phú Yên (1885 -1887) (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Ba, 25/01/2011 10:00 SA

Sau khi đánh chiếm Phan Thiết và Phan Rí, Bùi Giảng giao lại cho nghĩa quân Bình Thuận đảm nhận và huy động 3.000 quân tiến về khu vực Tánh Linh – gần ranh giới Nam Kỳ. Cuộc động binh này làm cho quân Pháp ở Nam Kỳ lo ngại, buộc chúng phải bố trí binh lực đóng giữ các điểm trên đường ranh giới giữa Nam Kỳ với Bình Thuận. Sự kiện này, Verneville đã báo cáo với cấp trên của hắn trong bức điện tín ngày 5-5-1886 khi “ông ta thấy 3.000 người tiến về Tánh Linh gần ranh giới Nam Kỳ, buộc ông phải bố trí tại các đường phân giới tỉnh Bình Thuận một lực lượng 128 lính Tây và 2 cỗ pháo” (1).

 

Như vậy, bằng những đợt tiến quân liên tục vào Khánh Hòa, Bình Thuận từ cuối năm 1885 đến 7-1886, các đạo quân Cần Vương Phú Yên do Bùi Giảng chỉ huy đã đập tan mọi sự chống cự của chính quyền thân Pháp, hỗ trợ cho lực lượng Cần Vương tại chỗ nổi dậy giải phóng tỉnh thành. Trên một mặt trận trải dài gần 500km, tài năng quân sự của Bùi Giảng được phát huy cao độ, ông trở thành hình tượng tiêu biểu cho nghĩa quân Cần Vương Phú Yên trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược và tay sai ghi những thắng lợi vang dội: đập tan thành Diên Khánh giải phóng Khánh Hòa, chiếm Phan Rí đuổi Trà Quý Bình giải phóng Bình Thuận. Với những chiến công đó, nghĩa quân Cần Vương Phú Yên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong việc liên kết phong trào các tỉnh nam Trung Kỳ thành một khối thống nhất, đồng thời những thắng lợi này đánh dấu giai đoạn nghĩa quân Cần Vương đã thực sự làm chủ khu vực nam Trung Kỳ. Trong Việt Nam những sự kiện lịch sử 1858 – 1918,  Dương Kinh Quốc đã ghi nhận thực tế này: “Kể từ tháng 7-1886 các tỉnh Phú Yên, Bình Thuận, Khánh Hòa nổi dậy đánh chiếm tỉnh thành và làm chủ ba tỉnh, đánh bại mọi cuộc phản công nhằm giành lại 3 tỉnh đó của quan quân triều Đồng Khánh” (2).

 

* Kế hoạch tiến quân vào Nam Kỳ của nghĩa quân Phú Yên

 

Các cuộc tiến công của nghĩa quân Bình Định, Phú Yên trên đất Thuận - Khánh không chỉ nhằm mục đích giải phóng hai tỉnh này thoát khỏi chính quyền tay sai thân Pháp, tạo thành một khu vực ứng nghĩa Cần Vương xuyên suốt các tỉnh nam Trung Kỳ, mà còn nhằm tạo thế và lực trong cuộc đương đầu với thực dân Pháp sẽ tấn công ra các tỉnh này trong âm mưu sát nhập vào Nam Kỳ của chúng. Bùi Giảng từng tuyên bố sứ mệnh của mình khi đưa ngọn cờ Cần Vương vào đến Bình Thuận là tiếp tục sự nghiệp của Hàm Nghi (3).

 

Song song các cuộc tấn công và hỗ trợ nghĩa quân Khánh Hòa, Bình Thuận nổi dậy, lực lượng Cần Vương Bình Định, Phú Yên đã cử người vào Nam Kỳ liên kết với phong trào ở đây hoặc làm nhiệm vụ do thám, xách động sự nổi dậy trong nhân dân làm cho tình hình bất ổn, thực dân Pháp không rảnh tay để can thiệp vào các tỉnh nam Trung Kỳ.

 

(Còn nữa)

 

----------------------

(1) Ch.Fourniau(1983), Les contacts Franco-Vietnamies en Annam et au Tonkin de 1885 à 1896-Thèse de Doctorat d’Etat, Paris (GS.Nguyễn Phan Quang lượt dịch),tr.26

(2) Dương Kinh Quốc (1999), Việt Nam những sự kiện lịch sử (1858-1918), Nxb Giáo dục, tr.170

(3) Général X***(1901), L’Anam du 5 Juillet 1885 au 4 Avril 1886, Chapelot Paris,p.178

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek