Chủ Nhật, 22/09/2024 10:23 SA
Phú Yên thời các chúa Nguyễn (1611 - 1772) (Tiếp theo kỳ trước)
Chủ Nhật, 17/10/2010 10:30 SA

Trên bản đồ “Giáp Ngọ niên Bình nam đồ” do Đoan quận công Bùi Thế Đạt vẽ năm 1774 có phủ Phú Yên với hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa (xem bản đồ trang 80 và 81).

 

Cấp tổng và thuộc:

 

Đứng đầu mỗi huyện có Tri huyện nắm giữ các việc từ tụng trong huyện. Các thuộc viên có Đề lại, Huyện thông lại có nhiệm vụ theo quan Tri huyện sai phái và tra xét các việc từ tụng trong huyện.

 

Dưới huyện là tổng và thuộc. Huyện Đồng Xuân và huyện Tuy Hòa đều có 3 tổng: Thượng tổng, Trung tổng và Hạ tổng. Đến đầu thế kỷ XIX, huyện Đồng Xuân chia ba tổng: Xuân Đài, Xuân Sơn và Xuân Vinh, còn huyện Tuy Hòa có bốn tổng là: Hòa Mỹ, Hòa Lạc, Hòa Đa ở phía nam sông Đà Rằng (thường gọi là Tam tổng) và Hòa Bình ở phía bắc sông Đà Rằng. Đứng đầu tổng là Cai tổng.

 

Đương thời, phủ Phú Yên có nhiều thuộc hơn cả, 38 thuộc. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn có ghi rõ số thuộc của các phủ khác đều ít hơn Phú Yên như sau: Thăng Hoa 15 thuộc, Điện Bàn 4 thuộc, Quảng Ngãi 4 thuộc, Qui Ninh 13 thuộc, Bình Khang 20 thuộc, Diên Ninh 14 thuộc và Bình Thuận 20 thuộc(25).

 

Thuộc cùng với các tổng đồng nhau, có quyền trưng thâu lúa điền tô, có quyền thâu tiền đại nạp. Khác nhau ở chỗ tổng thì gồm các quan chức do dân cử ra, còn thuộc thì gồm quan chức chính quyền.

 

Sách Phủ biên tạp lục ghi rõ một số thuộc ở Phú Yên như: “Các thuộc Kim Hộ, Sông Ba, Cảnh Dương, Phúc Lộc, Tân Dân của phủ Phú Yên có chánh hộ, khách hộ 1.154 người(26). Hàng chục thuộc khác của Phú Yên được nói đến trong Phủ biên tạp lục là: Tân An Hạ, Xuân Xưởng, Tân Họp, Tô Tượng, Cảnh An, Thương Nhân, Tống Sơn, Sĩ Thần, Đại Ninh, Vạn An, Võng Nhi, Chư Sơn Nội, Chư Sơn Ngoại, Hà Bạc. Có thuộc gồm nhiều phường, thôn đánh cá ở ven biển (Hà Bạc), có thuộc ghép những hộ dân đãi vàng (Kim Hộ), những gia đình làm nghề dệt chiếu (Tịch Tượng), thợ đóng thuyền (Chu Tượng), làm dầu (Thủy Du), lấy nhựa (Cảm Lãm)…

 

Nhiều thuộc chỉ tồn tại một thời gian rồi các thôn ấp được nhập vào tổng. Đến đầu thế kỷ XIX, chỉ còn thấy thuộc Hà Bạc, huyện Đồng Xuân với 28 thôn, ấp, phường ở ven biển từ Cù Mông tới Long Thủy và thuộc Hà Bạc ở huyện Tuy Hòa với 5 xã, thôn, phường ở cửa sông Đà Rằng(27).

 

Đứng đầu thuộc có Cai thuộc. Thuộc có 500 người trở lên đặt một Cai thuộc và một Ký thuộc, 450 người trở xuống đặt một Ký thuộc, 100 người trở xuống đặt một Tướng thần. Duy có các thuộc Hoa Châu, Phú Châu, Kim Hộ, Võng Nhi, Hà Bạc thì đặt thêm một Đề lãnh, các thuộc khác thì thôi(28).

 

Cấp cơ sở:

 

Đơn vị hành chánh cấp cơ sở là xã, thôn. Cùng với sự gia tăng quy mô dân số và phát triển sản xuất, các xã thôn ở Phú Yên thời Chúa Nguyễn tăng nhanh. Trong sách Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - Phú Yên, Nguyễn Đình Đầu viết: “Tại Phú Yên xưa mỗi làng là một đơn vị hành chánh được làm sổ địa bạ riêng, dù mang những danh xưng khác nhau như xã - thôn - giáp - phường - ấp”(29).

 

Khi mới thành lập, phủ Phú Yên năm 1611 có khoảng 100 xóm, ấp mới lập, quy mô nhỏ (mỗi ấp chỉ 50 người). Đến cuối thế kỷ XVIII, phủ Phú Yên đã có hơn 150 xã, thôn với dân cư đông đúc, nhà cửa ổn định.

 

Trong sách Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn chép tên một số xã thôn ở phủ Phú Yên như: An Toàn, Phước Toàn, Thuận An, Mỹ An, Thạch An, Thạch Bình, Thạch Thành, Thanh Tân, Thanh Tuyền, Đá Bạc, Bạc Má, Lôi Cối,… Các xã này đều có trong danh mục 176 xã thôn có địa bạ ở Phú Yên được lập vào năm 1815.

 

Trong số 164 đơn vị hành chánh cơ sở có địa bạ nói trên có 124 thôn (chiếm 70%) và 36 xã. Một số ít còn lại là giáp, phường, ấp… sau cũng thành xã, thôn:

 

- Xã Tây Lộc nguyên Phú Lộc xã Tây giáp.

- Xã Đông Lộc nguyên Phú Lộc xã Đông giáp, ở tổng Thượng, huyện Đồng Xuân.

- Xã Đông Phước nguyên Phước Toàn xã Đông giáp.

- Xã Tây Hậu nguyên Phước Toàn xã Tây giáp.

- Xã Phước Hậu nguyên Phước Toàn xã Trung giáp.

- Thôn Xuân Sơn nguyên phường An Sơn, ở tổng Trung, huyện Đồng Xuân.

- Thôn Sông Nhiễu nguyên phường Nhiễu Giang, ở tổng Trung, huyện Tuy Hòa.

 

(Còn nữa)

 

(25) Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.155

(26) Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.156.

(27) Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - Phú Yên, TP.HCM, 1977 (từ sau sách chỉ ghi là Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - Phú Yên), tr.132-135.

(28) Đại Nam thực lục, Sđd, tr.140.

(29) Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - Phú Yên, Sđd, tr.108.

 

PGS. NGUYỄN QUỐC LỘC

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek