Chủ Nhật, 22/09/2024 10:39 SA
Phú Yên thời các chúa Nguyễn (1611 - 1772) (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Sáu, 15/10/2010 08:15 SA

Cuộc chiến năm 1655-1660, quân Nguyễn chiếm được 7 huyện ở phía nam sông Lam là: Kỳ Hoa, Thạch Hà, Thiên Lộc, Nghi Xuân, La Sơn, Hương Sơn và Thanh Chương. Trong thời gian chiếm đóng 5 năm và khi rút quân về, có rất nhiều gia đình nông dân từ đây được đưa vào an tháp ở Phú Yên. Đó là hai cuộc tháp cư khá lớn vào đất Phú Yên từ cuộc chiến chống Trịnh.

 

Ở vị trí chiến lược, dinh Trấn Biên ở Phú Yên không chỉ là bình phong trấn giữ mà chủ yếu là bàn đạp để xuất quân cả thủy và bộ mở mang về phía nam.

 

Vào năm 1651, vua Chiêm Thành là Po Rome (1627-1651) qua đời. Người kế nhiệm là Po Nrop (1651-1653), gọi là Bà Tấm, vừa lên ngôi đã đem quân xâm lấn vào đất Phú Yên.

 

Phủ biên tạp lục chép: “Tháng 9 năm Quý Tỵ (1653) vua nước Chiêm Thành là Bà Tấm quấy rối đất Phú Yên. Chúa sai Cai cơ Hùng Lộc hầu làm Tổng binh và Xá sai Minh Vũ làm tham mưu đem 3.000 quân đi đánh… nhân đêm qua đèo Hổ Dương núi Thạch Bi, ruỗi thẳng đến trại của Bà Tấm, phóng lửa đánh gấp, phá tan, đuổi dài đến sông Phan Lang (tức Phan Rang). Bà Tấm sai con là Xác Bà Ân nộp lễ xin hàng. Chúa (Nguyễn Phước Tần) cho, bắt chia địa giới, lấy đất từ phía đông sông ấy đến Phú Yên đặt làm hai phủ Thái Khang và Diên Ninh, đặt dinh trấn thủ Thái Khang, phía tây sông vẫn là nước Chiêm Thành, khiến giữ bờ cõi mà nộp cống”(15).

 

Như vậy, từ năm 1653, dinh Thái Khang mới lập là địa đầu, nhưng trọng trách trấn biên của Phú Yên vẫn còn nặng nề và kéo dài đến năm 1698.

 

Nước Chiêm Thành còn lại từ sông Phan Rang đến sông Dinh. Đến triều vua Po Thot (1660-1693), gọi là Bà Tranh, lại làm phản.

 

Đại Nam thực lục chép: “Năm 1693, mùa thu, tháng 8, vua nước Chiêm Thành là Bà Tranh làm phản, họp quân, đắp lũy, cướp giết cư dân ở phủ Diên Ninh” (vùng đất Bà Tấm đã chấp nhận dành cho Chúa Nguyễn từ năm 1653)(16).

 

Chúa Nguyễn Phước Chu cử Cai cơ Nguyễn Hữu Kính (con Nguyễn Hữu Dật) làm Thống binh đem quân “đánh bại Chiêm Thành, Bà Tranh bỏ thành chạy”, sau đó bị bắt đem về giam ở núi Ngọc Trản (Huế), đến năm 1694 thì chết. “Chúa sai đổi nước ấy làm trấn Thuận Thành”.

 

Năm 1693 là năm đánh dấu một mốc quan trọng, Chiêm Thành không còn tồn tại với tư cách là một quốc gia riêng biệt mà trở thành một phần lãnh thổ của Đàng Trong thời các chúa Nguyễn.

Trong các sự kiện lịch sử năm 1653 và 1693 đối với Chiêm Thành, dinh Trấn Biên ở Phú Yên giữ vai trò bàn đạp tiến quân.

 

Vai trò của dinh Trấn Biên ở Phú Yên còn to lớn hơn trong các sự kiện lịch sử bình định vùng đất Chân Lạp vào nửa sau thế kỷ XVII.

 

Năm Mậu Tuất (1658) vua Nặc Ông Chân của Chân Lạp cho quân xâm lấn vào biên thùy thuộc đất chúa Nguyễn quản lý. Đây là vùng đã có khá đông cư dân người Việt sinh sống và vua Chey Chetta II của Chân Lạp đã cho chúa Nguyễn lập hai sở thuế ở Prei Nokor và Kas Krobey để quản lý và bảo vệ cư dân của mình.

 

Đại Nam thực lục chép rõ sự kiện này: “Vua nước Chân Lạp là Nặc Ông Chân xâm lấn biên thùy. Dinh Trấn Biên (ở Phú Yên) báo lên. Chúa sai Phó tướng dinh Trấn Biên là Tôn Thất Yến, Cai đội là Xuân Thắng, Tham mưu là Minh Lộc đem 3.000 quân từ Phú Yên vào đến thành Hưng Phúc (bấy giờ gọi là Mỗi Xuy) đánh phá được, bắt Nặc Ông Chân đưa về. Chúa tha tội cho và sai hộ tống về nước, khiến làm phiên thần, hằng năm nộp cống(17).

 

Bắt đầu từ đây Chân Lạp trở thành phiên thần của chúa Nguyễn. Không chỉ là phiên thần, hằng năm nộp cống đầy đủ mà Chân Lạp còn phải có nghĩa vụ bảo vệ cư dân người Việt đang làm ăn sinh sống ở Chân Lạp.

 

Sự kiện trên đây đã ghi nhận một mốc quan trọng đầu tiên của Chúa Nguyễn trong việc xác lập chủ quyền của mình trên vùng đất Thủy Chân Lạp hồi giữa thế kỷ XVII.

 

Năm Giáp Dần (1674), Nặc Ông Đài nước Chân Lạp mưu làm phản, ngầm cầu viện nước Xiêm La để chống lại vua Nặc Nộn. Đình thần đem việc báo lên Chúa Nguyễn Phước Tần nói: “Nặc Nộn là phiên thần, có việc nguy cấp, không thể không cứu”. Bèn sai Cai cơ Nguyễn Dương Lâm làm Thống binh đem quân cứu nước Chân Lạp. Quân của Nguyễn Dương Lâm phá được các lũy, chặt cầu phao và xích sắt, vây thành Nam Vang. Nặc Ông Đài hoảng sợ chạy chết, Nặc Thu đến quân môn xin hàng. Tin thắng trận báo về, triều đình bàn rằng: Nặc Thu là dòng đích thì phong làm vua chính đóng ở thành Long Ức (U Đong), Nặc Nộn làm vua nhì đóng ở thành Sài Gòn, cùng làm việc nước, hằng năm triều cống. Nước Chân Lạp được yên(18). Thống binh Nguyễn Dương Lâm thắng trận khải hoàn, thăng làm trấn thủ dinh Thái Khang.

 

Năm Đinh Mão (1688) dinh Trấn Biên ở Phú Yên đã gửi trạm dâng lên Chúa thư của Nặc Nộn (vua thứ nhì của Chân Lạp) báo việc Nặc Thu (vua thứ nhất của Chân Lạp) mưu bỏ triều cống, đắp ba lũy Bích Đôi, Cầu Nam và Nam Vang, chằng xích sắt ngăn cửa sông, làm kế cố thủ chống lại.

 

Chúa Nguyễn Phước Thái liền cử Phó tướng dinh Trần Biên là Mai Vạn Long làm Thống binh, Cai cơ Nguyễn Thắng Long và Nguyễn Tân Lễ làm tả hữu vệ trận kéo quân từ Phú Yên vào cửa biển Mỹ Tho dẹp được loạn, đốt xích sắt, lấy được cả ba lũy. Nặc Thu lui giữ thành Long Úc rồi bàn mưu cầu hoãn binh(19).

 

Năm sau (1690), Chúa cử Cai cơ Nguyễn Hữu Hào làm Thống binh, Văn chức Hòa Tín làm tham mưu, Thủ họp Diệu Đức làm Thị chiến, Nguyễn Thắng Sơn làm Tiên phong, kén thêm quân ở Phú Yên và Thái Khang vào thay Mai Vạn Long dẹp yên Chân Lạp(20).

 

Vào thời điểm cuối những năm 70 của thế kỷ XVII, trên đất Thủy Chân Lạp, ngoài người Việt còn có thêm hai nhóm lớn di dân người Hoa đến làm ăn cư trú. Những nhóm di dân này ngày càng phát triển đến đâu thì càng tăng ảnh hưởng của chính quyền Chúa Nguyễn trên đất Thủy Chân Lạp tới đó.

 

Năm Mậu Dần (1698), Chúa Minh Nguyễn Phước Chu “sai thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đi kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn”(21).

 

Dinh Trấn Biên trước ở Phú Phú Yên, nay ở huyện Phước Long mới lập. Sự thuyên chuyển danh xưng không có nghĩa là thay đổi nơi đóng dinh mà lập ra một dinh mới nơi địa đầu biên giới vừa thu phục.

 

Như vậy, dinh Trấn Biên ở Phú Yên trong 69 năm qua (1629-1698) đã đảm lãnh vai trò cực kỳ quan trọng: vừa hỗ trợ bảo vệ phía bắc vừa là bàn đạp phát triển về phía nam.

 

(Còn nữa)

------------------------------

(15) Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.48

(16) Đại Nam thực lục, Sđd, tr.106

17) Đại Nam thực lục, Sđd, tr.72

(18) Đại Nam thực lục, Sđd, tr.89

(19) Đại Nam thực lục, Sđd, tr.99

(20) Đại Nam thực lục, Sđd, tr.102

(21) Đại Nam thực lục, Sđd, tr.111

 

PGS NGUYỄN QUỐC LỘC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek