Chủ Nhật, 22/09/2024 10:36 SA
Phú Yên thời các Chúa Nguyễn (1611 - 1772)
Thứ Tư, 13/10/2010 10:00 SA

I. THÀNH LẬP PHỦ PHÚ YÊN NĂM 1611

 

Từ năm Canh Tý (1600), Thái tổ Nguyễn Hoàng bắt đầu đường lối cai trị mới để khai thác và mở rộng đất đai vùng Thuận Quảng. Một loạt quyết định quan trọng được ban hành.

 

Nguyễn Hoàng cho cải đặt và đổi tên một số đơn vị hành chính ở hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam: đổi phủ Tiên Bình thành phủ Quảng Bình, phủ Tư Nghĩa thành phủ Quảng Nghĩa, phủ Hoài Nhơn thành phủ Qui Nhơn. Tách huyện Điện Bàn ra khỏi phủ Triệu Phong (thuộc xứ Thuận Hóa), thăng làm phủ và cho lệ vào dinh Quảng Nam (1).

 

den-tho101013.jpg

Di tích lịch sử đền thờ Lương Văn Chánh ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa - Ảnh: D.T.XUÂN

 

Nguyễn Hoàng để ý kinh dinh xứ Quảng Nam. Ông nói: “Quảng Nam đất tốt dân đông, sản vật giàu có, số thuế nộp vào nhiều hơn Thuận Hóa mà số quân thì cũng bằng quá nửa” (2). Sau khi đi thị sát phía nam Hải Vân, Chúa khen “chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận Quảng” (3), liền cho thiết lập dinh trấn ở xã Cần Húc (huyện Duy Xuyên), xây kho tàng chứa lương thực. Dinh trấn mới có tục danh là dinh Chiêm (dinh Thanh Chiêm).

 

Việc chuyển dinh trấn Quảng Nam từ bên bờ sông Trà Khúc (phủ Quảng Ngãi) về bên bờ sông Thu Bồn, gần cửa Đại Chiêm là một quyết định mang tầm nhìn xa trông rộng.

 

Chúa Tiên - Nguyễn Hoàng cử người con thứ sáu và là người sẽ nối nghiệp mình là Nguyễn Phước Nguyên làm trấn thủ dinh Quảng Nam. Định lệ lấy dinh Thanh Chiêm làm nơi thực tập thí điểm của Chúa tương lai.

 

Năm 1611, Nguyễn Hoàng cho lập phủ Phú Yên. Sách Đại Nam thực lục chép: “Tân Hợi, năm thứ 54 (1611) bắt đầu đặt phủ Phú Yên. Bấy giờ quân Chiêm thành xâm lấn biên giới. Chúa sai chủ sự là Văn Phong đem quân đi đánh lấy được (đất ấy), bèn đặt làm một phủ, cho hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa lệ thuộc vào. Nhân sai Văn Phong làm lưu thủ đất ấy” (4).

 

Năm đó, Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh vừa qua đời. Quân Chiêm Thành dưới triều vua Po Nít (1601 - 1613) lấn chiếm, bị Văn Phong đánh bại phải rút về lại phía nam núi Đá Bia.

 

Việc thiết lập phủ Phú Yên đồng nghĩa với việc Chúa Nguyễn Hoàng xác lập chủ quyền vững chắc của mình trên vùng đất mà từ hơn ba mươi năm qua đã có mấy ngàn người Việt vào khai phá rừng rú lập nên ngót trăm xóm ấp, sinh sống an lành. Đó cũng là để chấm dứt vĩnh viễn sự tranh chấp trên vùng đất đệm giữa hai bên gần một thế kỷ rưỡi nay, từ năm 1471. Phủ Phú Yên ra đời là điều tất nhiên phải đến, bất kể vì lý do gì và có “quân Chiêm Thành xâm lấn biên giới” hay không.

 

Phủ Phú Yên trải rộng từ đèo Cù Mông đến núi Đá Bia. Về phía bắc, phủ Phú Yên giáp với phủ Qui Nhơn, còn ở phía nam giáp với nước Chiêm Thành, phía tây là nước Nam Bàn và ở phía đông là biển. Phủ Phú Yên có vị thế là địa đầu ở cả ba phía: đông, tây và nam, mà phía nam là quan yếu nhất.

 

Phủ Phú Yên khi thành lập bao gồm hai huyện: Đồng Xuân và Tuy Hòa. Huyện Đồng Xuân là vùng đất Cù Mông và Bà Đài (nay gọi là Xuân Đài), huyện Tuy Hòa là đất Bà Diễn (nay gọi là Đà Diễn) và Đà Niễu (nay gọi là Đà Nông).

 

Hằng trăm thôn xóm ở cả hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa từ nay đều có danh xưng chính thức trong hệ thống tổ chức hành chánh của phủ Phú Yên.

 

Thành lập phủ Phú Yên được hai năm thì Thái Tổ Nguyễn Hoàng qua đời. Trước lúc lâm chung, ông đã nói với các thân thần đứng bên giường: “Ta với các ông cùng nhau cam khổ đã lâu, muốn dựng lên nghiệp lớn. Nay ta để gánh nặng lại cho con ta, các ông nên cùng lòng giúp đỡ cho thành công nghiệp”. Rồi Chúa cầm tay con là Nguyễn Phước Nguyên căn dặn: “Đất Thuận Quảng phía bắc có núi Ngang (Hoành Sơn) và sông Gianh (Linh Giang) hiểm trở, phía nam có núi Đá Bia (Thạch Bi Sơn) vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được, thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dặn của ta”. (5). Hoàng tử thứ sáu và các thân thần đều khóc lạy vâng mệnh.

 

Nguyễn Hoàng qua đời ngày 3 tháng 6 năm Quý Sửu (1613), thọ 89 tuổi, trấn thủ Thuận Quảng 56 năm.

 

Nguyễn Phước Nguyên lên nối ngôi.

 

II. CHÚA NGUYỄN PHƯỚC NGUYÊN THIẾT LẬP DINH TRẤN BIÊN Ở PHÚ YÊN:

 

Nguyễn Phước Nguyên lên ngôi Chúa lúc 51 tuổi. Ông là một người tài giỏi, nhân hậu, thường gọi là Chúa Sãi. Ngay sau khi được nối nghiệp lớn, Chúa Sãi đã hết lòng lo việc “xây dựng cơ nghiệp muôn đời” theo lời dặn của cha. Ông ra sức “dạy dân luyện binh” để “chống chọi với họ Trịnh” và tiếp tục mở rộng bờ cõi về phía nam.

 

Năm 1614, Nguyễn Phước Nguyên đã tiến hành một loạt cải cách quan trọng:

 

- Cho sửa đổi bộ máy hành chính, tự bổ dụng tất cả quan lại, thải hầu hết các thuộc tướng của họ Trịnh cử vào trước đây.

 

- Cải tổ quân đội, tăng cường binh bị để chuẩn bị cho cuộc ly khai với chính quyền Lê - Trịnh.

 

- Chia đất Thuận Quảng làm nhiều dinh và bắt đầu đặt tam ty (Xá sai, Tướng thần lại và Lệnh sử) (6).

 

Năm 1615, Nguyễn Phước Nguyên bắt đầu quy định về chức vụ của quan lại ở phủ huyện, chăm lo xây dựng cơ sở vững chắc tới vùng đất mới Phú Yên.

 

Chúa Sãi - Nguyễn Phước Nguyên đã sớm quan tâm việc mở mang bờ cõi về phía nam và đã nhiều thành công trong thời trị nhậm. Năm 1620, Chúa gả hoàng nữ Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp Chey Chetta II. Sách Vương quốc Chân Lạp viết: “Công chúa rất đẹp, được nhà vua (Chân Lạp) sủng ái và lập làm hoàng hậu với tước hiệu Somdách Prea Peaccac Vodey Prea Voreac Khsattey” (7). Biên niên sử hoàng gia Chân Lạp gọi là Hoàng hậu Ang Cuv.

 

Chúa Nguyễn không những đặt quan hệ với Chân Lạp qua việc hôn nhân mà còn trợ giúp vua Chân Lạp chống lại người Xiêm. Giáo sĩ C.Borri đã ghi lại: “Chúa Nguyễn phải luôn luyện tập binh lính và gửi những đạo quân đi giúp vua Chân Lạp... Theo yêu cầu của quốc vương Chân Lạp, sứ thần thường trú của Đàng Trong tại kinh đô Udong của Chân Lạp về nước rồi mang sang một đoàn tàu chiến chuyên chở mấy trăm tướng sĩ với đầy đủ quân trang vũ khí sang giúp nhà vua Chân Lạp chống trả quân Xiêm La” (8).

 

Trong thời gian này đã có nhiều lưu dân người Việt từ vùng đất Đàng Trong của Chúa Nguyễn vào sinh sống ở vùng lưu vực sông Đồng Nai và Mêkông. Nhiều người vào khai khẩn đất hoang, có người lập xưởng thợ, buôn bán. Chúa Nguyễn đã từng bước hợp thức hóa việc kiểm soát cũng như việc mở rộng uy quyền của mình một cách êm thấm trên vùng đất đã có mặt người Việt.

 

Năm 1623, vua Chân Lạp đồng ý cho Chúa Nguyễn lập hai sở thu thuế thương chính đặt tại Prei Nokor (nay thuộc quận 5, TP Hồ Chí Minh) và Kas Krobey (tức Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh).

 

Cùng với chú ý mở mang về phía nam, Chúa Nguyễn Phước Nguyên đẩy nhanh công cuộc cát cứ, cắt đứt dần quan hệ lệ thuộc vào họ Trịnh. Quan hệ giữa hai bên ngày càng căng thẳng.

 

Tháng 3 năm Đinh Mão (1627), trận đánh lớn đầu tiên giữa quân Trịnh và quân Nguyễn nổ ra. Chúa Trịnh Tráng xuất quân đưa vua Lê cùng đi, mượn tiếng xem xét các địa phương, cho tướng Nguyễn Khải bày trận ở bờ bắc sông Nhật Lệ.

 

Chúa Sãi - Nguyễn Phước Nguyên sai Nguyễn Phước Vệ và Nguyễn Hữu Dật đem bộ binh cùng công tử thứ tư Nguyễn Phước Trung đem thủy quân ra chặn. Quân Nguyễn dùng đại bác và đem cả tượng binh ra chống cự quyết liệt làm quân Trịnh tan vỡ, chết rất nhiều. Trịnh Tráng phải cho rút quân về (9).

 

(Còn nữa)

-----------------------------------

1. Đại Nam thực lục, Sđd, tr.35

2. Đại Nam thực lục, Sđd, tr.35

3. Đại Nam thực lục, Sđd, tr.36

4. Đại Nam thực lục, Sđd, tr.36

5. Đại Nam thực lục, Sđd, tr.37

6. Đại Nam thực lục, Sđd, tr.38

7. Moura, Royaume du Cambodge, Tom II, Paris 1883, p.57.

8. C.Borri, Relation de la Cochinchine, Lille, 1631, p.151-173.

9. Đại Nam thực lục, Sđd, tr.43.

 

PGS NGUYỄN QUỐC LỘC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek