Chủ Nhật, 22/09/2024 10:29 SA
Phú Yên thời các chúa Nguyễn (1611 - 1772) (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Năm, 14/10/2010 10:00 SA

Sau cuộc chiến năm 1627 bị thua, họ Trịnh lại nghĩ cách đem quân đánh họ Nguyễn. Tháng 10 năm Kỷ Tỵ (1629), Trịnh Tráng bàn đem đại binh xâm lược miền Nam. Bầy tôi là Nguyễn Danh Thế hiến kế rằng: “Nay phương Nam vua tôi hòa thuận, nước giàu binh mạnh, mà ta thì hàng năm đói kém, quân nhu không đủ. Không bằng sai sứ vào tiến phong (Chúa Nguyễn) tước Quốc công, ủy cho trấn thủ hai xứ, lại khiến đem quân ra đánh Cao Bằng. Nếu vâng mệnh mà đến thì ta lấy rất dễ. Nếu không nghe mệnh thì ta đem quân đánh là có danh nghĩa” (11).

 

bando101014.jpg

Bản đồ Đàng Trong và Đàng Ngoài do Tavernier vẽ năm 1643.

 

Trịnh Tráng liền sai Lại bộ Thượng thư Nguyễn Khắc Minh đem sắc tiến phong Nguyễn Phước Nguyên làm Tiết chế Thuận Hóa - Quảng Nam nhị xứ thủy bộ chư dinh kiêm Tổng nội ngoại bình Chương quân quốc trọng sự Thái phó công và giục đến Đông Đô để đi đánh họ Mạc ở Cao Bằng.

 

Chúa Sãi – Nguyễn Phước Nguyên phải tạm nhận sắc để họ Trịnh không ngờ, có thời gian phòng thủ, chuẩn bị lực lượng đối phó.

 

Công cuộc phòng thủ được gấp rút thực hiện bao gồm việc xây thành đắp lũy ở địa đầu phía bắc (Quảng Bình) và thiết lập dinh Trấn Biên ở địa đầu phía nam (Phú Yên).

 

Khi lực lượng đã được chuẩn bị, phòng tuyến tự vệ đã hoàn thiện, Nguyễn Phước Nguyên mới sai Lại Văn Khuông đem lễ vật và sắc phong ra Bắc tìm kế trả lại vua Lê.

 

1. THIẾT LẬP DINH TRẤN BIÊN Ở PHÚ YÊN:

 

Sách Đại Nam thực lục ghi: Năm Kỷ Tỵ (1629), “Văn Phong ở Phú Yên dùng quân Chiêm Thành để làm phản, Phó tướng Nguyễn Phước Vinh đi đánh dẹp yên và lập dinh Trấn Biên. Khi mới mở mang, những nơi đầu địa giới đều gọi là Trấn Biên” (12). Việc “dùng quân Chiêm Thành để làm phản” của Văn Phong như thế nào không thấy sử chép rõ hơn, nhưng phải mau chóng ổn định phủ Phú Yên là việc có ý nghĩa rất quan trọng. Hơn thế nữa, Phú Yên phải được xây dựng thật vững chắc để giữ yên địa đầu và làm bàn đạp cho công cuộc mở mang về phía nam, đồng thời góp phần phòng thủ trong cuộc chiến chống Trịnh ở phía bắc đã thực sự bắt đầu.

 

Chúa Nguyễn Phước Nguyên sai Phó tướng Nguyễn Phước Vinh - một tướng lĩnh cao cấp có tài - đi đánh dẹp yên loạn ở Phú Yên. Ngay sau đó, Chúa cho lập thành một dinh mới, mang tên dinh Trấn Biên.

 

Danh từ “dinh” thời Chúa Nguyễn ở Đàng Trong được dùng để chỉ các thực thể khác nhau.

 

Lúc đầu, nơi tọa lạc cơ quan quản trị của Chúa Nguyễn gọi là dinh. Khi mới vào Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng đóng ở Ái Tử, chỗ ở gọi là dinh. Năm 1570, dinh dời đến Trà Bát, tục gọi là Cồn dinh, năm 1600 chuyển đến dinh Cát. Năm 1626, Nguyễn Phước Nguyên chuyển dinh vào Phước Yên (huyện Quảng Điền), từ đây gọi nơi Chúa ngự là phủ. Các đời sau dời tới Kim Long (1635), đến Phú Xuân (1687), đến Bác Vọng (1712), trở lại Phú Xuân (1739). Từ đây, thủ phủ của Chúa Nguyễn ở Đàng Trong cố định. Như vậy, nơi đóng dinh Chúa Nguyễn có một nhưng dời đổi qua nhiều địa điểm khác nhau.

 

Dinh là đơn vị hành chính lớn thời Chúa Nguyễn. Năm 1602, Chúa Nguyễn Hoàng đặt dinh Chiêm (Quảng Nam). Chúa Nguyễn Phước Nguyên chia đặt thành các dinh : Chính dinh, Cựu dinh, Quảng Bình dinh, Bố Chính dinh, Quảng Nam dinh. Năm 1629, lập mới dinh Trấn Biên, cộng cả Đàng Trong lúc này có 7 dinh.

 

Dinh Trấn Biên quản phủ Phú Yên với hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa. Trấn thủ dinh Trấn Biên là Phó tướng Nguyễn Phước Vinh. Ông nguyên là Mạc Kính Vinh, con của Mạc Cảnh Huống. “Năm Mậu Ngọ (1558), Nguyễn Hoàng vào Nam làm trấn thủ Thuận Hóa, Mạc Cảnh Huống đem gia quyến đi theo, làm quan đến thống binh, tham mưu trong màn trướng. Giúp việc lúc khai quốc, Cảnh Huống mất khi đang tại chức” (13). Con là Vinh lấy hoàng nữ Ngọc Liên - con Chúa Sãi - làm đến chức Phó tướng, nên được theo quốc tính gọi là Nguyễn Phước Vinh. Do có công lớn và giữ trọng trách nơi biên cương, Phó tướng Nguyễn Phước Vinh được quyền dùng ấn son.

 

Trị sở dinh Trấn Biên đặt ở gần thôn Hội Phú (nay thuộc xã An Ninh Tây, huyện Tuy An). Địa điểm xây dựng dinh Trấn Biên nằm gần đường thiên lý, bên bờ phải sông Cái và gần sát cửa biển Tiên Châu. Đó là một vị trí chiến lược không đâu bằng trong địa bàn Phú Yên lúc bấy giờ.

 

Năm 1641, giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã đi thuyền từ Hội An đến cửa biển Tiên Châu rồi vào dinh Trấn Biên. Ông được quan trấn thủ Nguyễn Phước Vinh tiếp đón và cho giảng đạo tại nhà nguyện mới xây cất ngay trong dinh Trấn Biên. Alexandre de Rhodes đã ghi lại: “Tại Phú Yên (Ran Ran) nhà vương có nhiều chiến thuyền để phòng ngừa những cuộc xâm lấn của Chiêm Thành, ở giáp giới tỉnh này (14)”. Trận bản đồ vẽ năm 1650, ông đề “Ran Ran” tức Đà Rằng và “Dinh Phoan” (dinh Phú Yên) tức là dinh Trấn Biên. Trước đó, trên bản đồ do Tavernier vẽ năm 1643 cũng có ghi “Dinphoan” (tức dinh Phú Yên).

 

2. VAI TRÒ CỦA DINH TRẤN BIÊN Ở PHÚ YÊN:

 

Dinh Trấn Biên giữ vai trò chủ yếu về mặt quân sự bảo vệ nơi địa đầu biên cương. Trong 69 năm, từ khi thành lập (1629) đến khi lập dinh Trấn Biên mới ở Phước Long (1698), dinh Trấn Biên ở Phú Yên giữ vai trò rất quan trọng, vừa hỗ trợ bảo vệ ở phía bắc vừa làm bàn đạp mở mang về phía nam.

 

Cuộc nội chiến chống Trịnh kéo dài, diễn ra thêm 6 trận đánh lớn vào các năm: 1633,1643, 1648, 1655-1660, 1611-1662 và 1672. Sau gần nửa thế kỷ đánh nhau, cuối cùng hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn phải lấy sông Gianh làm giới tuyến phân chia hai miền Nam, Bắc làm Đàng Trong - Đàng Ngoài.

 

Về binh lực, tuy họ Trịnh có hơn họ Nguyễn, nhưng cuộc nội chiến đã kết thúc với sự tấn công thất bại của quân Trịnh và sự chống trả thắng lợi của quân Nguyễn. Họ Nguyễn đã giữ vững và làm chủ được cả một miền đất rộng lớn ở Đàng Trong mà họ đã mất bao công gây dựng.

 

Việc xây dựng thành lũy kiên cố và tổ chức lực lượng phòng thủ mạnh ở Quảng Bình cùng với tác dụng hỗ trợ của dinh Trấn Biên ở Phú Yên làm cho công cuộc phòng thủ ở cả hai đầu được vững chắc.

 

Trận đánh năm Mậu Tý (1648) ở Quảng Bình, quân Nguyễn thắng to. Chúa Nguyễn Phước Lan đã tha cho 60 tỳ tướng Trịnh trở về Bắc, còn 3 vạn tù binh bắt được đã đưa đi an tháp vào vùng dân cư còn thưa thớt, trong đó có Phú Yên. Số tù binh này được chia nhỏ ra ở các nơi, cứ 50 người lập làm một ấp, cấp cho lương ăn nửa năm, để khai khẩn ruộng hoang.

 

(Còn nữa)

-----------------------------------

(11).  Đại Nam thực lục, Sđd, tr.44

(12). Đại Nam thực lục, Sđd, tr.44

(13). Đại Nam liệt truyện, Sđd, tr.81

(14). Phạm Đình Khiêm, Đi tìm địa điểm và di tích hai thành cổ Quảng Nam và Phú Yên đầu thế kỷ XVII, Khảo cổ tập san, Tập 1, 1960, tr.93

 

PGS NGUYỄN QUỐC LỘC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek