Chủ Nhật, 22/09/2024 12:46 CH
Đại tá Nguyễn Sĩ Kỳ, người cắm cờ trên đỉnh Tháp Nhạn ngày 1/4/1975:
“Phú Yên ấm mãi trong tim tôi”
Thứ Năm, 01/04/2010 07:00 SA

Đầu xuân 2010, người cựu chiến binh xưa cùng vợ từ Thủ đô Hà Nội hành hương về Phú Yên thăm chiến trường xưa, thư thả và trầm ngâm trước Tháp Nhạn uy nghi, trầm mặc - nơi 35 năm trước ông đã treo lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng tung bay trên đỉnh tháp Nhạn, tạo dấu ấn biểu tượng Phú Yên hoàn toàn giải phóng. Người cựu chiến binh ấy là đại tá Nguyễn Sĩ Kỳ - nguyên Đại đội phó Đại đội súng cao xạ 12,7 ly thuộc Tỉnh đội Phú Yên thời kỳ chống Mỹ.

 

cam-co-nui-nhan.jpg

Đại đội phó Nguyễn Sĩ Kỳ cắm cờ giải phóng lên đỉnh tháp Nhạn trưa 1/4/1975 - Ảnh: TƯ LIỆU

 

Đại tá Nguyễn Sĩ Kỳ sinh năm 1950 (Canh Dần) ở thôn Nhân Hòa, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Cùng với cả thế hệ thanh niên thời ấy hừng hực khí thế “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, vừa tròn 18 tuổi, vào tháng 9/1968, ông hăng hái nhập ngũ. Sau 3 tháng rèn luyện, đến tháng 12/1968 ông xung phong vào Nam chiến đấu. Tháng 3/1969, ông được điều động về chiến trường Phú Yên, được Tỉnh đội Phú Yên phân công về Đại đội 22 súng máy cao xạ 12,7 ly (còn gọi là Đại đội pháo cao xạ 22 hay Đại đội pháo phòng không 22).

 

Trong những năm 1969-1975, Đại đội 22 súng máy cao xạ 12,7 ly đã tham gia nhiều trận đánh oai hùng ở Hòn Lúp, Xuân Phước (Đồng Xuân), An Ninh (Tuy An)... bắn rơi nhiều máy bay địch, ghi đậm dấu ấn chiến công trong trang quân sử Tỉnh đội Phú Yên. Từ một chiến sĩ được tôi luyện ở chiến trường ác liệt, Nguyễn Sĩ Kỳ trở thành sĩ quan chỉ huy, Đại đội phó Đại đội 22 súng máy cao xạ 12,7 ly.

 

Trong kế hoạch tiến công giải phóng TX Tuy Hòa, Đại đội 22 được cấp trên phân công đánh máy bay địch yểm trợ các mũi tiến công của ta và sau khi quân ta làm chủ thị xã, nhanh chóng xây dựng trận địa phòng không trên núi Nhạn để bảo vệ thị xã vừa giải phóng.

 

5 giờ sáng ngày 1/4/1975, quân ta bắt đầu nổ súng tiến công TX Tuy Hòa từ các hướng; các trận địa pháo của ta dội bão lửa vào các vị trí đã định. Từ phía tây TX Tuy Hòa, quân ta có xe tăng chi viện nhanh chóng đánh chiếm cầu Ông Chừ, cầu Đà Rằng và tiến công làm chủ núi Nhạn, ngả 5 diệt gọn địch từ tiểu khu kéo lên phản kích; ta đánh chiếm xóm Đạo, sân bay khu chiến, phát triển theo đường Nguyễn Huệ, đường Lê Lợi, chiếm Ty Ngân khố, khu công chức... Từ hướng bắc, quân ta tiêu diệt địch ở Gò Đá, núi Chóp Chài, phát triển về hướng Ninh Tịnh, tiến công như vũ bão đánh chiếm Trung đoàn bộ 47, Ty Cảnh sát, tiểu khu và Tỉnh đường... Cờ Mặt trận giải phóng tung bay rợp trời thị xã.

 

Sau khi quân ta làm chủ TX Tuy Hòa, Đại đội 22 súng máy cao xạ cấp tốc hành quân lên núi Nhạn xây dựng trận địa phòng không, sẵn sàng đánh trả máy bay địch đến phản kích, bảo vệ vững chắc bầu trời thị xã vừa giải phóng.

 

Giữa trận địa pháo núi Nhạn của địch còn vương mùi thuốc súng, Đại đội phó Nguyễn Sĩ Kỳ nhanh chóng phân công nhiệm vụ cho cán bộ chiến sĩ Đại đội pháo cao xạ 22 xây dựng trận địa phòng không và tự mình trực tiếp trèo lên đỉnh Tháp Nhạn treo lá cờ chiến thắng.

 

Lá cờ Mặt trận nửa đỏ nửa xanh sao vàng tung bay trên bầu trời Tuy Hòa lộng gió trưa ngày 1/4/1975 mãi mãi là biểu tượng đầy tự hào của quân và dân Phú Yên, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại quê hương.

 

Sau khi sáp nhập tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa thành tỉnh Phú Khánh tháng 11/1975, Nguyễn Sĩ Kỳ được Tỉnh đội Phú Khánh điều động về làm Đại đội phó Đại đội 202 đặc công anh hùng. Năm 1978, Tỉnh đội Phú Khánh thành lập lại Đại đội 22 súng máy cao xạ12,7 ly và phân công ông làm Đại đội trưởng, sau đó đề bạt chức vụ Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 78 pháo cao xạ 37 ly thuộc Tỉnh đội Phú Khánh.

 

bdoc.jpg

Và trở lại thăm tháp Nhạn xuân 2010  - Ảnh: M.KÝ

 

Trong những năm 1979-1983, quân đội cử ông đi học ở Học viện Lục quân Đà Lạt đào tạo cán bộ chỉ huy cấp Trung đoàn. Tháng 6/1983, sau khi tốt nghiệp, ông được điều động về Phòng Quân huấn Quân khu Thủ đô. Năm 1988, Nguyễn Sĩ Kỳ được Quân khu Thủ đô giao nhiệm vụ Phó chỉ huy trưởng kiêm tham mưu trưởng Huyện đội Thanh Trì. Từ năm 1991, ông được Quân khu Thủ đô đề bạt làm Chỉ huy trưởng Huyện đội Thanh Trì cho đến khi về hưu (năm 2003) với quân hàm đại tá.

 

Cựu chiến binh Nguyễn Sĩ Kỳ đã trải qua những năm tháng thanh xuân đẹp nhất ở chiến trường Phú Yên mà ông luôn tâm niệm là quê hương thứ hai với tất cả tình cảm Bắc – Nam thiêng liêng tha thiết. Lúc tại ngũ cũng như khi trở về với đời thường, ông thường xuyên về Phú Yên thăm lại chiến trường xưa gặp gỡ đồng đội cũ và đi về nhiều miền quê thăm hỏi bà con một thời nuôi dưỡng chở che bộ đội cách mạng để có ngày toàn thắng.

 

Trên đỉnh núi Nhạn mùa xuân này, bên cạnh đồng đội Lý Công Nhị - người em nhỏ của Đại đội 22 súng cao xạ năm xưa – ông bồi hồi nhắc lại từng kỷ niệm, từng vùng đất Phú Yên một thời trận mạc.

 

Ngước nhìn Tháp Nhạn cao vời vợi, người bạn đời của ông, bà Nguyễn Thị Nhật, thảng thốt: “Cao thế làm sao ngày xưa anh leo lên được để cắm cờ?”. Ông mỉm cười dung dị nhắc lại lời thề của người bộ đội Cụ Hồ “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua...” và nói vui: “Khi trèo lên thì rất nhanh nhưng khi cắm xong lá cờ mới thấm mệt và leo xuống rất khó khăn, gian nan. Nhạn Tháp rêu phong trơn trợt rất khó bám. Ngày ấy còn trẻ chứ bây giờ thì chịu...”. Chúng tôi cũng nói vui với ông: “Lá cờ ấy đến ngày Quốc khánh 2/9/1975 đã bạc hết màu, bác Nguyễn Phùng - Trưởng Ty Thông tin – văn hóa cử anh Nguyễn Văn Trinh, nay là Trưởng Đài phát thanh TP Tuy Hòa – leo lên đỉnh thay lá cờ mới, với nhiều sự hỗ trợ, nhưng phải rất khó khăn anh Nguyễn Văn Trinh mới hoàn thành nhiệm vụ này. Chính anh Trinh cũng hết sức cảm kích người đã treo lá cờ Mặt trận lên trước đó.

 

Trong cái bắt tay thật chặt sau bữa cơm thân mật do Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đình Cự và Thành ủy Tuy Hòa tổ chức tiễn vợ chồng cựu binh Nguyễn Sĩ Kỳ về Bắc, người cựu binh xưa rưng rưng: “Phú Yên ấm mãi trong tim tôi”.

 

35 năm lùi xa sau cuộc chiến, hình ảnh một người lính Cụ Hồ ưu tú như vẫn lồng lộng trên đỉnh núi Nhạn khép lại một thời lịch sử đau thương và oai hùng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Quá khứ, hiện tại, tương lai là một dòng chảy liên tục; lá cờ và người lính sống mãi trong tâm khảm của các thế hệ hôm nay và mai sau.

 

PHAN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ngọc Lãng - đất và người
Thứ Tư, 24/03/2010 08:00 SA
Hoang sơ Hòn Nưa
Thứ Ba, 23/02/2010 14:33 CH
Phước Hậu quê hương tôi
Thứ Năm, 18/02/2010 11:00 SA
Về năm tháng hổ có mặt ở Sông Hinh
Thứ Hai, 15/02/2010 11:00 SA
Quyến rũ Vịnh Xuân Đài
Chủ Nhật, 14/02/2010 19:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek