Chủ Nhật, 22/09/2024 14:51 CH
Phỏng vấn Phó Giáo sư Nguyễn Quốc Lộc:
Dấu ấn phong trào Tây Sơn trên đất Phú Yên thời khởi nghiệp
Chủ Nhật, 25/01/2009 07:03 SA

Đất Phú xưa kia nổi một vùng

Nhân tài vật lực giúp Quang Trung

 

Phất cờ khởi nghĩa thành công lớn

 

Sử chép vô tình nghĩa thuỷ chung

 

Đó là những vần thơ cảm khái của ông Phan Long Yên (dù chính kiến có thể khác nhau) mà tôi tâm đắc khi ông nghiên cứu trước năm 1975 về dấu ấn phong trào Tây Sơn trên đất Phú Yên.

 

Lịch sử ghi nhận Tây Sơn thượng đạo và Tây Sơn hạ đạo nhưng đề cập khá mờ nhạt về Tây Sơn trung đạo (đất Phú Yên) trong quá trình khởi nghiệp của phong trào Tây Sơn.

 

Báo Phú Yên đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư Nguyễn Quốc Lộc (Hội đồng Khoa học xã hội TPHCM) chủ biên công trình nghiên cứu “Lịch sử Phú Yên thế kỷ XVII -XVIII” về dấu ấn phong trào Tây Sơn trên đất Phú Yên giữa cuối thế kỷ XVIII.

 

tay-son-thu.jpg
Tập trống trận để chuẩn bị lễ hội Đống Đa nhân Tết Kỷ Sửu - Ảnh: TRƯỜNG ĐẠT

 

* Thưa phó giáo sư, phong trào Tây Sơn giữa cuối thế kỷ XVIII đã tác động đến Phú Yên như thế nào?

 

 - Phó giáo sư Nguyễn Quốc Lộc:

 

Cuộc khởi nghĩa dấy lên năm 1771 ở ấp Tây Sơn vang dội đến Phú Yên và nhân dân Phú Yên đã hướng về cuộc khởi nghĩa ngay từ đầu. Miền Tây Phú Yên là miền núi rộng lớn Trường Sơn cận kề và liền mạch với núi rừng ở Tây Sơn Thượng đạo. Việc mở rộng căn cứ, xây dựng lực lượng nghĩa quân, những người lãnh đạo khởi nghĩa Tay Sơn đã nhắm đến vùng rừng núi Phú Yên. Người Bana ở Thồ Lô (Phú Yên) sớm có mặt trong “đội quân ở trần  đóng khố, đi đầu xung trận” của nghĩa quân Tây Sơn.

 

Năm Quý Tỵ (1773), ngay sau khi đánh chiếm được thành Qui Nhơn, Nguyễn Nhạc đã thừa thắng đưa nghĩa quân ra chiếm Quảng Ngãi, đồng thời cử Nguyễn Lữ vào ngay Phú Yên thăm dò tình hình, liên lạc với các tù trưởng ở miền núi, vận động các thân hào nhân sĩ ở miền xuôi, chuẩn bị để nghĩa quân Tây Sơn vào giải phóng Phú Yên.

Mùa đông năm 1773, Ngô Văn Sở được cử làm Chinh Nam đại tướng quân đưa lực lượng vào đánh chiếm và làm chủ hoàn toàn Phú Yên.

 

Đông đảo các tầng lớp nhân dân ở Phú Yên đã hăng hái hưởng ứng, tích cực tham gia phong trào Tây Sơn. Từ vùng đồng bằng đến miền núi, người Kinh cũng như các dân tộc thiểu số, đều ủng hộ cuộc khởi nghĩa Tây Sơn.

 

Cùng đi với Nguyễn Lữ vào Phú Yên có Nguyễn Văn Lộc và Võ Văn Cao (quê ở huyện Đồng Xuân, Phú Yên). Nguyễn Văn Lộc được cử làm Trấn thủ phủ Phú Yên đầu tiên thời Tây Sơn. Còn Võ Văn Cao tham gia phong trào Tây Sơn từ đầu, có công xây dựng lực lượng Tây Sơn hữu đạo ở núi La Hiên (Phú Yên). Sau làm đến chức Quốc tử giám trực giảng, dưới triều Quang Trung thăng Thái tử trung doãn.

 

Lê Văn Hưng là một võ sĩ nức tiếng ở Phú Yên, sớm có mặt trong hàng ngũ nghĩa quân do Ngô Văn Sở chỉ huy vào đánh chiếm Phú Yên.

 

Võ Văn Dũng làm nghề buôn ngựa ở Phú Yên, là người có võ nghệ cao cường, được võ sư Lương Văn Cương (hậu duệ Lương Văn Chánh, ở Tuy Hoà) dạy cho môn trường kiếm và đoản đao. Tham gia khởi nghĩa từ đầu và Võ Văn Dũng trở thành một đại công thần lập quốc của triều Tây Sơn.

 

Nguyễn Công Lang quê ở làng An Nhơn, tổng Hạ, huyện Đồng Xuân. Ông là người tham gia lập Hưng Quốc hội, sớm tham gia phong trào Tây Sơn, có công trong việc xây dựng phong trào Tây Sơn hữu đạo ở Phú Yên. Sau được cử làm Phòng ngự sử huyện Đồng Xuân rồi An phủ sứ Phú Yên. Dưới triều vua Thái Đức, ông được giao làm Thượng thư bộ Hộ, tước Kiến quốc công.

 

Lưu Quốc Hưng, người Phú Yên, chỉ huy lực lượng thuỷ quân trong Tây Sơn hữu đạo, có công trong trận đánh quân Nguyễn ở Xuân Đài năm 1775. Là một võ tướng có tài tham gia phong trào Tây Sơn từ đầu. Ở đất Phú Yên còn có Nguyễn Quang Huy (quê ở Cù Mông), sau làm Trấn thủ Phú Yên năm 1794. Vợ ông là bà Lương Phụng Tường (con gái của võ sư Lương Văn Cương) tham gia nghĩa quân Tây Sơn, trở thành một đô đốc kỵ binh tài giỏi.

 

Từ vùng rừng núi Phú Yên ra tham gia nghĩa quân từ đầu có Nguyễn Nhưng Huy và Bốn Linh (không rõ họ) cũng là những người võ nghệ cao cường.

 

Ở phía tây Phú Yên, các dân tộc thiểu số tham gia đông đảo vào nghĩa quân Tây Sơn. Đó là những thanh niên người Bana ở Thồ Lồ, Y Thông và Ma Khương người Êđê ở nguồn Hà Duy.

Bà Thị Hỏa là nữ chúa người Chăm ở Thạch Thành (tây nam Phú Yên) đã hết lòng ủng hộ nghĩa quân Tây Sơn từ lúc mới khởi nghĩa. Khi quân Tây Sơn kéo vào Phú Yên, bà đã đưa đàn voi của mình từ Thạch Thành ra phối hợp, tạo thành thế ỷ dốc cùng nghĩa quân đánh thắng lớn ở La Hai.

Ở Phú Yên lưu truyền bài ca dao nói về nữ chúa Thị Hỏa như sau:

 

“Thạch Thành voi ngựa kéo ra,

 

Eo Gió kéo xuống, quân đà hội quân.

 

Chúa Chàm Thị Hoả chí nhân

 

Giúp ông Hai Nhạc định phần Phú Yên

 

La Hai quyết chí đôi bên

 

Phúc Hiệp trúng kế chạy liền vô Nam

 

Sa trường gươm giáo ngổn ngang

 

Thây phơi thành lũy máu loang gò đồi.”

 

Được đông đảo nhân dân Phú Yên tích cực hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ, chỉ trong thời gian ngắn Tây Sơn đã hoàn toàn làm chủ Phú Yên. Đô đốc Nguyễn Văn Lộc được giao làm Trấn thủ phủ Phú Yên. Tướng Ngô Văn Sở đưa nghĩa quân Tây Sơn từ Phú Yên tiến vào đánh chiếm các phủ Diên Khánh, Bình Khang rồi Bình Thuận.

 

Đên cuối năm 1773, khu vực giải phóng của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã được mở thành một vùng rộng lớn từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận.

 

Năm 1774, Trấn thủ phủ Phú Yên Nguyễn Văn Lộc vây đánh Chu Văn Tiếp nổi dậy ở núi Chà Rang. Chu Văn Tiếp là người ở huyện Phù Ly, Qui Nhơn. Khi Tây Sơn đánh chiếm Qui Nhơn, Tiếp không theo, đem gia đình vào Phú Yên cất nhà ở chân núi Chà Rang (Trà Lương). Nay Tây Sơn chiếm Phú Yên, Chu Văn Tiếp dựng cờ “Lương sơn tá quốc” chống lại Tây Sơn. Đô đốc Nguyễn Văn Lộc vây đánh, quân Tiếp tan rã. Chu Văn Tiếp tẩu thoát lên núi.

 

Cuối năm 1774, quân Tây Sơn ở vào tình thế hết sức bất lợi. Lợi dụng sự suy yếu của họ Nguyễn, quân Trịnh tiến vào Đàng Trong.

 

Đầu năm 1775, quân Trịnh bắt đầu tiến công vào khu vực kiểm soát của quân Tây Sơn. Ở mặt nam, quân Nguyễn cũng ra sức tập hợp lực lượng phản công chiếm lại vùng đất từ Bình Thuận đến Phú Yên.

 

Các thế lực phong kiến thù địch, cả Đàng Trong và Đàng Ngoài, đã dồn cuộc khởi nghĩa vào hoàn cảnh phân tán lực lượng, cùng một lúc phải đối phó với hai kẻ thù ở hai mặt bắc, nam. Để thoát khỏi thế bị bao vây nguy hiểm đó, Nguyễn Nhạc đã kịp thời đề ra chủ trương sáng suốt: tạm thời hoà hoãn với quân Trịnh để tập trung lực lượng đánh quân Nguyễn trước.

Tạm yên mặt bắc, Tây Sơn dồn lực lượng tấn công quân Nguyễn ở phía nam, trước hết là lấy lại Phú Yên.

 

* Phó giáo sư đánh giá chiến công đầu tiên của thiên tài quân sự Nguyễn Huệ trong trận ra quân đầu tiên ở Vịnh Xuân Đài năm 1775?

 

- Phó giáo sư Nguyễn Quốc Lộc:

 

Từ tháng 6 năm 1775, tướng của chúa Nguyễn là Tống Phước Hiệp, đưa hơn hai vạn quân ngũ dinh (năm dinh là: Bình Khang, Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn và Long Hồ) đánh chiếm Phú Yên.

 

ban-do-tay-son.jpg
Tống Phước Hiệp đóng đại bản doanh chỉ huy ở thành cổ Phú Yên gần Hội Phú, bên bờ sông Cái, trên cửa biển Tiên Châu. Hai cánh quân lớn, quân bộ đóng ở Xuân Đài, quân thuỷ đóng ở Vũng Lấm, mỗi nơi hơn một vạn người, dựa vào nhau tạo thế ỷ dốc, cách đại bản doanh khoảng 10 cây số. Một đồn nhỏ tiền tiêu  đóng xa hơn tại La Hai, án ngữ con đường từ Qui Nhơn vào và kiểm soát đường thuỷ sông Cái đến Tiên Châu.

 

Quân của Tống Phước Hiệp không chỉ cố thủ đất Phú Yên mà sẵn sang uy hiếp thành Qui Nhơn, tiêu diệt căn cứ trung tâm của Tây Sơn khi thời cơ đến.

 

Chỉ huy quân Tây Sơn trong các trận đánh lấy lại Phú Yên năm 1775 được giao cho Nguyễn Huệ, lúc đó mới 23 tuổi. Trận thắng to và có ý nghĩa hết sức lớn lao ở Phú Yên lần này là mở đầu quan trọng cho thiên tài quân sự của người anh hùng áo vải Tây Sơn Nguyễn Huệ.

 

Để tạo yếu tố bất ngờ, bảo đảm đánh thắng nhanh, Tây Sơn đã làm cho Tống Phước Hiệp chủ quan, sơ hở. Nhân nắm con bài Đông cung Nguyễn Phước Dương đã bắt được trong tay, Nguyễn Nhạc gả con gái là Thọ Hương cho Phước Dương rồi cử Tôn Thất Chí vào Phú Yên điều đình với Tống Phước Hiệp việc lập Nguyễn Phước Dương làm chúa và cùng chống Trịnh, khôi phục lại Phú Xuân.

 

Cuộc thương lượng còn đang tiếp diễn, Nguyễn Huệ đã bí mật đưa hai ngàn quân từ Qui Nhơn vào Phú Yên theo đường núi đến đóng ở Ma Thiên động – La Hiên. Miền núi La Hiên (cao 1.318m) là căn cứ Tây Sơn trung đạo, để lại nhiều dấu tích lịch sử Tây Sơn ở Phú Yên. Nghĩa quân tại chổ được gọi là lực lượng Tây Sơn hữu đạo mà Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Công Lang, Võ Văn Cao… có nhiều công xây dựng. Ở căn cứ La Hiên lúc này có đội kỵ binh do Nguyễn Quang Sáng và Lương Văn Trực chỉ huy cùng với lực lượng thuỷ quân do Trần Văn Nhâm và Lưu Quốc Hưng điều khiển.

 

Hơn hai ngàn quân tinh nhuệ từ Qui Nhơn vào cùng với lực lượng hùng hậu tại La Hiên dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ đã lập công xuất sắc.

 

Quân Tây Sơn từ núi La Hiên tràn xuống, nhanh chóng tiêu diệt gọn đồn tiền tiêu của quân Nguyễn ở La Hai do Đội Lăng chỉ huy. Một số tàn quân sống sót định chạy về bản doanh ở Hội Phú nhưng khi đến vùng An Thổ thì bị phục binh của Tây Sơn đón lỏng ở Mỹ Dự, Mỹ Lương, Gò Tượng tiêu diệt sạch nên quân Nguyễn ở Hội Phú và Xuân Đài, Vũng Lấm không hay biết gì.

 

Đạo quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy gồm cả bộ binh, kỵ binh và tượng binh tấn công hai căn cứ lớn của quân Nguyễn ở Xuân Đài và Vũng Lấm vào lúc nửa đêm và nhanh chóng thắng trận. Quân Nguyễn trong thành Phú Yên ra ứng chiến cũng bị đánh tan. Sau đó, Nguyễn Huệ cho quân đánh chiếm thành Hội Phú. Tướng của quân Nguyễn là Nguyễn Văn Hiền bị tử trận, Nguyễn Khoa Kiên bị bắt sống. Chủ tướng Tống Phước Hiệp bỏ thành chạy trốn.

 

Được tin Tống Phước Hiệp bại trận, Phú Yên thất thủ, Chúa Nguyễn điều binh từ các nơi ra ứng cứu nhưng đều bị quân Tây Sơn đánh bại. Tướng Bùi Công Kế đưa quân từ Bình Khang ra bị quân Tây Sơn mai phục sẵn, đánh bất ngờ phải tháo chạy tan tác. Bùi Công Kế bị bắt sống. Sau đó Tống Văn Khôi đem quân từ Diên Khánh ra cứu viện, bị quân của Nguyễn Huệ phục kích đánh tan ở gần đèo Cả. Quân Chúa Nguyễn không còn sức phản công nữa, Phú Yên được giải phóng.

 

Thắng lợi của chiến dịch giải phóng Phú Yên năm 1775 có ý nghĩa hết sức to lớn và có tác dụng rất quan trọng, làm thay đổi hẳn cục diện tình hình, hoàn toàn có lợi cho phong trào Tây Sơn; làm cho nghĩa quân thoát khỏi thế bị kẹp trong hai gọng kềm nguy hiểm của hai thế lực Trịnh - Nguyễn, vĩnh viễn ngăn chặn bước tiến vào Nam của quân Trịnh, làm suy yếu hẳn lực lượng của quân Nguyễn, mở rộng vùng căn cứ địa và mở đường cho sự phát triển rộng lớn ra toàn quốc của phong trào Tây Sơn. từ đây, Nguyễn Huệ một vị tướng tài giỏi trở thành linh hồn của phong trào Tây Sơn.

 

* Xin cảm ơn Phó giáo sư.

 

PHAN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek