Chủ Nhật, 22/09/2024 14:47 CH
Về thăm quê hương Phú Yên thân yêu
Thứ Bảy, 13/09/2008 14:30 CH

Trong hơn 50 năm hoạt động cách mạng, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã bị thực dân Pháp, đế quốc Mỹ bắt giam, đày ải ở nhiều nơi như khám lớn, bót Catinat, Chí Hòa, nhà lao Gia Định ở Sài Gòn, Hải Phòng, Sơn Tây, Lai Châu… song nơi luật sư bị giam giữ, quản thúc lâu nhất là tỉnh Phú Yên, thời gian hơn 6 năm, từ tháng 4/1955 đến tháng 10/1961.

 

huu-tho.jpg

Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ về thăm Phú Yên năm 1993

Nhân dịp kỷ niệm 33 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, kỷ niệm 118 năm ngày sinh nhật Bác, tôi có dịp cùng đoàn đại biểu Ban liên lạc của 24 cơ quan dân chính Đảng Trung ương Cục miền Nam gồm trên 400 người, đại diện cho hàng vạn thanh niên thời chống Mỹ cứu nước về thăm tỉnh Phú Yên- một miền đất anh hùng đã và đang phát triển mạnh mẽ trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phú Yên còn là nơi đã cưu mang, yêu thương, đùm bọc, giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ để sau này trở thành Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Đối với mảnh đất, con người Phú Yên sâu nặng nghĩa tình, luật sư Nguyễn Hữu Thọ luôn coi Phú Yên là quê hương thứ hai của mình và trọn đời mãi mãi chịu ơn những người con của mảnh đất thân yêu này. Ngoài việc thăm lại Phú Yên với tư cách là thành viên thường trực  Ban liên lạc, tôi còn về thăm quê hương Phú Yên mang tình cảm của người con trở về với gia đình.

 

Tôi chợt nhớ cách đây hơn 50 năm, ngày 31/3/1956, tổng thống ngụy Ngô Đình Diệm đã ký nghị định đưa cha tôi đi an trí tại Củng Sơn, quận Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Kể từ ngày ấy, một phần cuộc đời của cha tôi đã gắn liền với nhân dân Phú Yên trong suốt hơn 6 năm trời. Tuy nhiên ý đồ của Mỹ- Diệm đưa cha tôi đến đây là để cha tôi chết dần chết mòn trong thời gian ngắn nhất bằng mọi thủ đoạn nham hiểm, độc ác như hành hạ, đánh đập, cấm người dân tiếp tế thức ăn, nước uống, thuốc men, quần áo… Và vào một ngày của năm 1959, theo đúng ý đồ của kẻ thù, ba tôi bị bệnh rất nặng, tưởng không qua khỏi. May mắn thay, một cô y tá đã kịp thời tiêm một mũi thuốc để giữ lại sự sống cho cha tôi. Nhân dân Phú Yên bằng mọi cách tiếp tế thức ăn, thuốc men, quần áo cho cha tôi. Tôi còn nhớ rất rõ, năm 1959, một chiếc xe đò chở cha tôi nằm trên võng về một nhà thương ở thị xã Tuy Hòa để chữa trị tiếp.

 

Ở Tuy Hòa, chúng càng kiểm soát chặt chẽ từng bước đi của cha tôi. Trong tình hình căng thẳng như vậy, một anh thợ cắt tóc, một cậu bé đi ngoài đường, một cụ già ở tiệm cà phê, những người đánh cờ tại một quán ăn… đều trở thành người bạn, người thân của cha tôi. Chính điều này đã tiếp cho cha tôi vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vượt lên tất cả. Năm 1959, Mỹ Diệm với luật 10/59 lê máy chém đi khắp nơi, giết hại hàng chục vạn đồng bào, chiến sĩ cách mạng. Tức nước vỡ bờ, giữa năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã nhận định: “Cách mạng miền Nam cần lập mặt trận sớm và rộng rãi để tập hợp các tầng lớp nhân dân chống Mỹ, cứu nước. Phải có người trí thức, có tiếng tăm tiêu biểu nhưng vững vàng để lãnh đạo”. Đảng bộ miền Nam, các tầng lớp nhân dân đồng tình. Và lịch sử đã chọn luật sư Nguyễn Hữu Thọ.

 

Mặc dù có sự chỉ đạo của Trung ương nhưng hai lần giải thoát luật sư đều không thành công, trong khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập vào ngày 20/12/1960 nhưng Chủ tịch vẫn còn bị địch giam giữ. Nhiều đồng chí, đồng bào đã phải hy sinh, bị tù đày, bị tra tấn dã man khi tham gia giải thoát luật sư. Đến lần thứ ba, ngày 30/10/1961, lực lượng vũ trang giải phóng Phú Yên cùng với lực lượng an ninh với quyết tâm rất cao đã giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ thành công và đưa cha tôi ra vùng giải phóng. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã trở thành Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, góp phần lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của nhân dân miền Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn. Sự kiện quan trọng này đã được đưa vào lịch sử của cách mạng Việt Nam. Sau ngày giải phóng, ba tôi tiếp tục phục vụ nhân dân với các cương vị Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 

Năm 1993, mặc dù bận trăm công ngàn việc, sức khỏe giảm sút nhiều, sau hai lần bị tai biến mạch máu não, cha tôi quyết tâm về Phú Yên để thăm đồng bào, đồng chí, đồng đội, đặc biệt những đồng chí, đồng bào đã cưu mang, cứu sống và giải thoát cha tôi, nhất là những đồng chí bị tra tấn, đánh đập đến tàn phế, gia đình những đồng chí đã hy sinh. Trong cuộc gặp gỡ nhân dân Phú Yên ngày 11/2/1993, cha tôi đã phát biểu: “Xin chúc Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Phú Yên đoàn kết, xây dựng tỉnh nhà ngày càng tươi đẹp: kinh tế phát triển, an ninh trật tự ổn định, mọi gia đình hạnh phúc”. Ngày 24/12/1996, trái tim cha tôi đã ngừng đập.

 

Để không phụ lòng công lao to lớn của nhân dân Phú Yên và nhân dân cả nước, cha tôi đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn luôn giữ một nếp sống giản dị, gần gũi với nhân dân. Ra đi, cha tôi không hề có một ngôi nhà riêng do mình làm chủ sở hữu và tài sản không có gì đáng giá ngoài mấy chục triệu đồng tiết kiệm được từ đồng lương. Đối với cha tôi, lý tưởng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân là trên hết, chức vụ chỉ là trách nhiệm của dân giao.

 

Phú Yên - mảnh đất sâu nặng nghĩa tình sẽ mãi mãi là quê hương thứ hai thân yêu của tôi. Một lần nữa thay mặt gia đình cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ, tôi xin ngàn lần tạ ơn nhân dân Phú Yên thân yêu.

                                                           

NGUYỄN HỮU CHÂU

Trưởng nam cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ

Phó trưởng Ban thường trực Ban liên lạc Đoàn Thanh niên Dân Chính Đảng Trung ương cục miền Nam
BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek