Chủ Nhật, 22/09/2024 14:49 CH
Nhớ mãi một chuyến công tác
Thứ Sáu, 22/08/2008 07:34 SA

Vào đầu tháng 7/1963, Thường vụ Tỉnh ủy phân công tôi đi công tác Tuy Hòa 1, trọng tâm giải quyết hai vấn đề: Một là: Xoi luồng mở khẩu, phá thế bao vây phong tỏa kinh tế của địch, thu mua lương thực, muối, hàng hóa nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ cách mạng. Hai là: Giải quyết đời sống cho đồng bào chạy ra núi chống địch dồn dân lập “ấp chiến lược”.

 

ra-tran-080822.jpg

Hành quân ra trận - Ảnh: MAI NAM

 

Cùng đi với tôi có đồng chí Dương Thành Dũng, cán bộ thương nghiệp, đồng chí Nguyễn Bá Trãi, đồng chí Nguyễn Phó (tức Thi) cán bộ lương thực. Tôi mang theo 10 lượng vàng chuyển cho huyện Tuy Hòa 1 bán lấy tiền mua lương thực và nhu yếu phẩm cung cấp cho lực lượng vũ trang và cán bộ địa phương.

 

Khó khăn huyện Tuy Hòa 1 lúc bấy giờ cũng như cả tỉnh là địch ra sức dồn dân lập “ấp chiến lược” lập vành đai trắng thực hiện khẩu hiệu “Tát nước bắt cá” triệt nguồn cung cấp người và của cho cách mạng.

 

5 giờ sáng ngày 5/7/1963 sương mù còn dày đặc, tổ công tác xuất phát từ Gộp Đá xã Phước Tân, nơi Ban Tài mậu tỉnh ở làm việc. Hành trang mỗi người mang theo quần áo, nylông che mưa, che nắng dài 3m và tấm nylông đi mưa dài 1,5m, chiếc võng nằm, một cà mèn nấu ăn, một ống đựng lương khô. Về trang bị vũ khí, tôi mang khẩu súng Colt 12 từ miền Bắc về, 2 súng Carbin cho đồng chí Trãi, đồng chí Dũng, 2 quả lựu đạn cho đồng chí Phó. Chúng tôi vào đến đồi núi buôn Ma Y, xã Phước Tân lúc trời vừa sáng thì phát hiện lực lượng từ Đất Bằng Quan Hiển thuộc tỉnh Đắc Lắc, sau này Khu 5 giao lại cho tỉnh Gia Lai quản lý, đi về hướng Phước Tân. Chúng tôi nghi ngờ không rõ đơn vị nào? Vì ở Đất Bằng Quan Hiển cũng có lực lượng vũ trang của Phú Yên đứng chân ở đó, lại bị sương mù không phân biệt được, nhưng chúng tôi vẫn cảnh giác đề phòng bất trắc xảy ra. Nếu là địch, chúng tôi bàn tìm nơi lẩn tránh bảo toàn lực lượng, để thực thiện đúng chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy phải đến cho được huyện Tuy Hòa 1. Tôi nói vừa dứt lời thì hàng loạt đạn của địch bắn xối xả lên đồi. Chúng nghi có bộ đội ta. Tôi ra lệnh tìm ngay nơi ẩn náu. Đồng chí Dũng, đồng chí Trãi, đồng chí Thi chạy tản mỗi người mỗi ngả, còn tôi trụt xuống đám rừng nhiều gai, cây bông bay dày đặc khó đi. Nhân dân thường ví cây bông bay là “cộng sản bay”, đến đâu thì mọc đến đó.

 

Bọn địch tràn lên chiếm lĩnh đồi núi. Tên chỉ huy ra lệnh cắm trại tìm củi nấu ăn. Súng tôi đã lên đạn sẵn sàng, 10 lượng vàng tôi giấu dưới bụi cây. Nếu địch phát hiện định bắt thì tôi nổ súng, thà hy sinh không cho chúng bắt, vàng không để chúng lấy. Tôi suy nghĩ miên man, còn 3 anh kia ở đâu không nghe động tĩnh gì cả, tôi mừng vì tình hình như vậy nghĩa là địch chưa phát hiện được. Thình lình, tên chỉ huy ra lệnh lên đường hành quân cấp tốc. Tôi thở phào nhẹ nhõm, vì nếu một mình phải chống chọi với cả lực lượng của chúng thì hy sinh là cầm chắc.

 

Trước khi địch rút, chúng đốt kho thóc của đồng bào cất giấu ngoài rừng. Tôi nằm cách kho thóc khoảng 30m. Địch đi khỏi, tôi chạy đến dập tắt ngọn lửa đang bốc cháy, cứu được kho thóc. Đồng chí Ma Rành, Huyện ủy viên huyện Miền Tây, chạy đến cho biết, kho thóc bị địch đốt chính là kho thóc của anh. Nhân dân trong buôn cảnh giác thấy địch rút, dân chạy ra tìm có ai bị thương bị chết không. Họ vui mừng, ríu rít khi thấy cách mạng còn sống, kho thóc chỉ cháy sơ. Câu chuyện râm ran gần tiếng đồng hồ, chúng tôi chia tay tiếp tục lên đường.

 

Sau đồng chí Ma Rành kể lại, Thường vụ Tỉnh ủy cử đồng chí Lương Thúc Mậu (Tám Yên) cùng hai cán bộ vào nắm tình hình, mang theo cuốc, xẻng vào tìm xác chúng tôi nếu bị hy sinh thì chôn cất. May quá, cả tổ không ai bị thương hay hy sinh.

 

Chiều hôm ấy, chúng tôi đến trạm liên lạc sông Ba, các anh ở đây chờ tối trời mới đưa chúng tôi qua sông. Sáng 6/7/1963, cả tổ đi vào sông Chống Gậy, chiều thì đến căn cứ cơ quan huyện Tuy Hòa 1 đóng ở khu rừng già phía tây xã Hòa Thịnh. Cuộc gặp mặt có đồng chí Nguyễn Duy Luân (Chín Cao) - Bí thư Huyện ủy huyện Tuy Hòa 1, đồng chí Huỳnh Phước Thẩm (Ba Chiếu) - Trưởng ban Tài mậu huyện, đồng chí Châu Sum (Ba Hổ) - Phó ban Tài mậu huyện. Tôi giao 10 lượng vàng cho đồng chí Huỳnh Phước Thẩm. Chúng tôi bàn việc thực hiện hai nội dung: - Xoi luồng mở khẩu thu mua lương thực, hàng hóa, thực phẩm và Kế hoạch giải quyết đời sống cho dân chạy ra núi. Đồng chí Nguyễn Duy Luân cùng các đồng chí trong Ban Tài mậu huyện Tuy Hòa 1 nhất trí. Huyện sẽ chọn một số cán bộ làm công tác lương thực, thương nghiệp, sản xuất có sức khỏe, tinh thần xông xáo chịu khó, chịu khổ, thông thạo địa bàn, hiểu biết dân và biết vận động quần chúng.

 

Xây dựng cho được cơ sở là những người có người thân đi tập kết, cán bộ thoát ly và vợ con ngụy quân, ngụy quyền ở các xã Hòa Thịnh, Hòa Mỹ ở trong “ấp chiến lược” làm nòng cốt, đòi địch được về làng cũ sản xuất, phá cho được tuyến trắng, tạo thế hợp pháp cho dân đi lại làm ăn.

 

Chọn hai địa điểm mở 2 khẩu là bến Đá, suối Phẩn vì có địa thế thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế giữa hai vùng.

 

Phân công cán bộ sản xuất bám theo đồng bào tản cư ra núi, hướng dẫn họ khai thác lâm sản bán xuống vùng địch để giải quyết đời sống.

 

Nhờ có những biện pháp trên đã đem lại một số kết quả.

 

1- Phá được tuyến trắng, dân bung về làng cũ sản xuất, lúc đầu diện hẹp càng về sau dân về làng cũ càng đông, trên cơ sở đó dân đưa mắm, muối, lương thực hàng hóa từ vùng địch ra vùng giáp ranh. Lúc đầu thì rỉ rả, nhưng càng về sau, lương thực, hàng hóa, thực phẩm càng khá, thương nhân ngày thêm đông. Vợ con ngụy quân, ngụy quyền ham lời mang nhiều hàng ra bán cho cách mạng và thu mua nông lâm sản vùng căn cứ về bán lại cho dân địa phương.

 

2- Nhân dân tản cư khai thác lâm sản như: Dầu rái chai cụt, hạt ươi, trái xay, mây, song mây, lá nón, mật ong, tô hạp trên cơ sở đổi lưu hai chiều để cải thiện đời sống nhân dân, giảm bớt một phần do chính quyền cách mạng đài thọ và nó còn tác dụng rất lớn duy trì lâu dài các cửa khẩu bởi vì nhân dân vùng địch tạm kiểm soát kể cả ngụy quân, ngụy quyền rất ưa thích lâm đặc sản nói trên.

 

3- Hai cửa khẩu chủng loại hàng hóa dồi dào lương thực, muối, thực phẩm, thuốc tây, dụng cụ y tế, văn phòng phẩm… vùng bến Đá, suối Phẩn trở thành hai cửa khẩu nhộn nhịp của huyện Tuy Hòa và cả tỉnh Phú Yên, nơi trao đổi mua bán hàng hóa giữa hai vùng giải phóng và vùng địch kiểm soát. Cán bộ nhân dân Bắc Khánh, Đắk Lắk nô nức tấp nập ngày đêm kẻ lên người xuống buôn bán nhộn nhịp đến mức cán bộ nhân dân đặt tên cho bến Đá là Sài Gòn, suối Phẩn là Chợ Lớn, người mua kẻ bán tạo nên sức sống kỳ diệu của vùng giải phóng phía Tây đồng bằng Tuy Hòa.

 

NGUYỄN HỮU ÁI

Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek