Chủ Nhật, 22/09/2024 14:28 CH
Miền tây Phú Yên, những dấu ấn lịch sử thời Tây Sơn
Thứ Sáu, 09/01/2009 08:07 SA

Nhân dân Phú Yên với tinh thần yêu nước nồng nàn và bản lĩnh kiên cường đã làm nên những trang sử vẻ vang góp phần xứng đáng vào lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc.

 

Cuối thế kỷ XVIII phong trào nông dân Tây Sơn đã nổi lên từ vùng Nam Trung bộ. Phong trào Tây Sơn là một cuộc đấu tranh giai cấp dưới hình thức khởi nghĩa và chiến tranh cách mạng. Khẩu hiệu của cuộc khởi nghĩa được nêu lên từ đầu là “lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo” và ghi trong lời hịch: “Kéo cùng dân ra khỏi chốn lầm than” rõ ràng và dễ hiểu.

 

Những người “áo vải” đứng đầu cuộc khởi nghĩa, trước khi là “anh hùng” đã có quan hệ mật thiết với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Trường Sơn – Tây Nguyên, trước hết là người Bana.

 

“Cái nôi” của cuộc khởi nghĩa là địa bàn cư trú của người Bana. Căn cứ ban đầu sớm được mở rộng, bao gồm vùng đông bắc tỉnh Gia Lai – Kon Tum, tây nam tỉnh Bình Định và tây bắc tỉnh Phú Yên ngày nay.

 

Mảnh đất được chọn làm “cái nôi” đó thật đúng là vị trí chiến lược, thế lợi hại của Trường Sơn, địa hình và điều kiện xây dựng, phát triển lực lượng để đảm bảo quy mô và sự an toàn ban đầu cũng như hỗ trợ sự phát triển sau này ra cả nước.

 

Nhưng, mảnh đất căn cứ, cái nôi của cuộc khởi nghĩa được chọn đúng, điều quan trọng hơn là ở con người, lòng người cư dân sinh tụ trên địa bàn.

 

Những người lãnh đạo khởi nghĩa Tây Sơn ngay từ đầu đã chú ý tổ chức lực lượng trong các dân tộc thiểu số ở Trường Sơn – Tây Nguyên, trong đó có bà con các dân tộc miền tây Phú Yên.

… “Phía tây dân Thượng hiền hòa

 

Kết minh cùng họ coi là bình phong”.

 

Và ngay từ mùa xuân năm 1771, trong hàng ngũ nghĩa quân đã có đông đảo các dân tộc thiểu số sát cánh cùng nghĩa quân:

 

… “Thượng du lớn nhỏ đồng tình

Theo ông Hai Nhạc luyện binh đêm ngày

Lập đoàn cung thủ rất hay

Đợi khi lâm trận sau này ra oai…”

 

Suốt cả quá trình chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa lịch sử vĩ đại đó và bao nhiêu công việc to lớn, phức tạp, nguy nan để dựng nên cơ đồ… diễn ra ở đây. Người Bana ở vùng Thồ Lồ tỉnh Phú Yên ngày nay đã sớm tham gia phong trào Tây Sơn và có đóng góp tích cực.

 

Trên cả vùng đất rộng lớn từ An Khê, Mang Giang, Vĩnh Thạnh vào đến Thồ Lồ… ngày nay còn lưu truyền bao nhiêu dấu tích và di tích về khởi nghĩa Tây Sơn. Những hòn núi, cánh đồng, hang đá, dốc đèo… trở thành những địa danh lịch sử, gắn liền với những sự tích khác nhau với thời Tây Sơn tụ nghĩa.

 

Lực lượng vũ trang ban đầu của khởi nghĩa Tây Sơn được tổ chức và huấn luyện cấp tốc ở trong các khu rừng Trường Sơn này. Trong đó, số thanh niên dân tộc thiểu số khá đông và rất hăng hái. Thư của các giáo sĩ phương Tây có mặt ở Đàng Trong hồi bấy giờ nói khá tỉ mỉ về những “đội quân ở trần, đóng khố, đi đầu xung trận” trong hàng ngũ nghĩa quân Tây Sơn.

Trận đấu hạ thành Quy Nhơn đầu tiên năm 1773 diễn ra có một đêm và nghĩa quân Tây Sơn đã thắng lợi rực rỡ. Người lập công đầu là Bok Kiơm, một dũng sĩ Bana, được thưởng lớn và trở thành người chỉ huy cả khu căn cứ của cuộc khởi nghĩa.

 

Trong cuộc khởi nghĩa lịch sử vĩ đại, việc xây dựng lực lượng chiến đấu rất quan trọng. Nhưng, việc xây dựng căn cứ, tổ chức lực lượng hậu cần, nuôi quân, tiếp tế, bảo đảm cho chiến đấu thắng lợi cũng quan trọng không kém. Trong công tác này đồng bào các dân tộc thiểu số Phú Yên là những người có đóng góp to lớn. Với “Gò Kho”, với “Hòn Lãnh Lương”… người hậu thế có thể hình dung được một quy mô hậu cần khá lớn của quân Tây Sơn ngay từ buổi ban đầu. “Cánh đồng Cô Hầu” là một trong những di tích minh chứng cho điều đang nói. Và một già H’Rum còn lưu danh là một trong những người nuôi quân tài giỏi, có công lớn trong việc xây dựng căn cứ địa của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn hơn hai trăm năm trước.

 

Nghĩa quân Tây Sơn đã giỏi sử dụng những con đường rừng. Nhờ đó mà đội quân vận động thần tốc, bất ngờ đánh địch và thắng nhanh nhiều trận. Những con đường “thượng đạo” đó do tướng nổi tiếng Trần Quang Diệu chỉ huy, nhưng lực lượng thực hiện và công lao to lớn chính là đồng bào các dân tộc thiểu số. Các nhà lãnh đạo khởi nghĩa Tây Sơn cũng sớm biết sử dụng những con đường dọc theo sông Ba.

 

Do vậy, không chỉ Thồ Lồ mà đến tận vùng Thạch Thành ở Tây Nam Phú Yên cũng sớm in dấu ấn lịch sử thời Tây Sơn dấy nghiệp. Năm 1773 – 1774, khi cánh quân chính của Tây Sơn từ Eo Gió tràn xuống, thì lực lượng người Chăm từ Thạch Thành tiến ra phối hợp, đánh thắng lớn ở La Hai. Tiếc thay, người nữ thủ lĩnh dân tộc Chăm mà sử sách ghi tên là Thị Hỏa đó đã bị Tống Phước Hiệp sát hại.

 

Nói về quân đội Tây Sơn, về nghệ thuật quân sự, về cuộc khởi nghĩa và toàn bộ lịch sử chiến tranh mà quân đội Tây Sơn đã tiến hành, phải nhắc đến một binh chủng quan trọng đó là Tượng binh.

 

Trong khi người Xê Đăng mang đến cho Tây Sơn những con ngựa rừng thông minh, thì đồng bào Bana, Êđê đã từng “thớt” voi góp lại để sớm có đội Tượng binh lợi hại. Đàn voi chiến mà người Chăm ở Phú Yên cống hiến đã làm cho lực lượng voi tăng cả chất và lượng.

 

Những khu rừng từ An Khê vào đến Thồ Lồ là thao trường tập voi và nữ tướng Bùi Thị Xuân là người chỉ huy. Một phụ nữ người Chăm ở Phú Yên là Chế Ava đã giúp Bùi Thị Xuân cách dùng các lá rừng làm thuốc chữa lành các vết thương cho voi khi luyện tập cũng như trong chiến đấu. Những quản tượng (nài) tài ba là những chàng trai dân tộc Bana (Phú Yên) đóng khố ngồi trên những thớt voi chiến oai hùng trong bao lần xung trận, trong lễ đăng quang đồng thời là lễ xuất quân tổ chức vào ngày 22/12/1788 tại Núi Bân (Phú Xuân) và dũng mãnh tấn công quân xâm lược nhà Thanh ở Ngọc Hồi – Đống Đa vào những ngày đầu xuân Kỷ Dậu (1789).

 

Cuối năm 1773, khu vực giải phóng của khởi nghĩa Tây Sơn đã được mở rộng từ Quảng Nam đến Bình Thuận. Từ 1776 đến 1783, quân Tây Sơn 5 lần tấn công vào Gia định và cả 5 lần đều thắng lợi giòn giã. Đầu năm 1785, quân Tây Sơn do vị tướng lừng danh Nguyễn Huệ, lúc bấy giờ mới 32 tuổi, chỉ huy tiến vào đánh tan 5 vạn quân xâm lược Xiêm mà chiến công Rạch Gầm – Xoài Mút là điểm son rực rỡ trong lịch sử giữ nước của Tổ quốc ta.

 

Mùa hè năm sau, năm 1786, Nguyễn Huệ lại thống lĩnh 3 vạn quân Tây Sơn tiến quân ra Thuận Hóa. Trong trận đánh chưa đầy 1 ngày 1 đêm quân Tây Sơn đã hạ thành Phú Xuân, rồi tiến ra tận Sông Gianh, giải phóng toàn bộ đất Đàng Trong.

 

Nguyễn Huệ không dừng lại ở Sông Gianh mà thừa thắng tiến quân ra Bắc Hà lật đổ chế độ họ Trịnh, lập lại nền thống nhất đất nước.

 

Rồi đến đầu xuân năm Kỷ Dậu (1789), chỉ trong vòng 5 ngày đêm, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Quang Trung đã vùng lên quét sạch 20 vạn quân Thanh xâm lược. Đó là chiến công hiển hách vào bậc nhất trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

 

Như vậy, bắt đầu từ cuộc đấu tranh chống áp bức bóc lột, chống cường hào quan lại, khởi nghĩa Tây Sơn đã lan nhanh ra cả nước thành phong trào rộng lớn của toàn dân tộc. Kết quả là đánh tan các thế lực phong kiến phản động Trịnh – Nguyễn, thống nhất lại giang sơn, đánh tan quân xâm lược ở mặt Nam và từ phía Bắc, bảo vệ độc lập dân tộc.

 

Mảnh đất Phú Yên tự hào là vùng đất căn cứ của khởi nghĩa Tây Sơn từ buổi đầu, là vùng giải phóng ngay trận thắng đầu, và bà con các dân tộc Phú Yên đã là những người sớm có mặt và có nhiều đóng góp trong phong trào Tây Sơn lịch sử đó.

VĂN CÔNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek