Chủ Nhật, 24/11/2024 23:28 CH
Người giải mã bức điện trong Chiến dịch Hồ Chí Minh
Thứ Hai, 04/05/2020 08:39 SA

Đã 45 năm trôi qua nhưng đại úy Mai Tấn Trung, nguyên Trưởng Phòng Kỹ thuật mật mã (Cục Cơ yếu, Bộ Tổng tham mưu - Bộ Quốc phòng) vẫn còn nhớ như in về cuộc hành quân trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, vừa dịch mã bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi đến Bộ Tư lệnh chỉ huy chiến dịch. Bức điện là mệnh lệnh, là lời hịch cổ vũ tinh thần cán bộ chiến sĩ trên chiến trường bước vào thời khắc lịch sử quan trọng nhất: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Ở tuổi 86 nhưng cựu chiến binh (CCB) Mai Tấn Trung vẫn còn minh mẫn và rành rọt kể lại từng trận đánh mà ông đã tham gia cùng với Bộ Tư lệnh chỉ huy chiến dịch tiến vào dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. 

 

Ông Mai Tấn Trung năm 1970. Ảnh do nhân vật cung cấp

Nhiều lần được gặp Bác Hồ

 

Năm 1950, khi vừa tròn 16 tuổi, anh thanh niên Mai Tấn Trung quê ở xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa) xung phong vào bộ đội theo tiếng gọi thiêng liêng “Tổ quốc gọi chúng tôi lên đường” và tham gia nhiều trận đánh địch trên chiến trường Phú Yên. Đến năm 1954, ông Trung tập kết ra Bắc, sau đó làm chiến sĩ báo vụ của Phòng Kỹ thuật mật mã, Cục Cơ yếu. Thời gian đầu, ông làm nhiệm vụ trung gian, chuyển thư từ mật đã được dịch mã đến Văn phòng Trung ương và ngược lại. “Công việc này đòi hỏi phải đảm bảo tuyệt mật và nhận điện đến, chuyển điện đi nhanh, gọn, chính xác tuyệt đối”, ông Trung chia sẻ.

 

Trong thời gian ở miền Bắc, nhất là từ khi đảm nhận nhiệm vụ chiến sĩ báo vụ, sau này là Trưởng Phòng Kỹ thuật mật mã, ông Trung vinh dự được nhiều lần gặp Bác Hồ. “Công việc của chúng tôi là dịch mã những tài liệu tuyệt mật nhất nên được Văn phòng Trung ương Đảng cấp giấy phép ra vào Phủ Chủ tịch và các cơ quan chiến vụ trong và ngoài giờ hành chính để chuyển giao tài liệu kịp thời, nhanh nhất. Vì vậy mà chúng tôi thường xuyên được nhìn thấy Bác”, ông Trung tự hào cho biết. Những bức điện sau khi dịch xong, ông ghi vào sổ, rồi trực tiếp mang đi giao cho thư ký của Bác là đồng chí Vũ Kỳ. Khi thì ông thấy Bác đang ngồi đánh máy chữ; có lúc Bác đọc báo; có khi đang làm việc với đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ…

 

“Một lần tôi mang tài liệu vào Phủ Chủ tịch nhưng không gặp đồng chí Vũ Kỳ mà gặp Bác. Nhìn tôi mang cái túi bên vai thả xuống hông trái, Bác liền nhắc nhở: “Cháu à! Mang túi phải vòng cái quai qua cổ cho nó chắc. Bởi cháu hay đi ngoài đường nhiều lần, kẻ gian theo dõi tưởng có nhiều tiền bạc bên trong mà cướp giật túi thì vô cùng nguy hiểm”. Tôi chỉ biết rút chân đứng nghiêm, cúi đầu xuống dạ. Và những lần sau, trước khi mang tài liệu vào giao cho đồng chí Vũ Kỳ, tôi luôn sửa cái quai mang túi vòng qua cổ rồi mới vào. Có lần Bác lấy kẹo đưa bảo cháu ăn đi. Nhưng trước mặt Bác tôi sợ không dám ăn, chỉ lấy mấy cái đút vào túi, khi ra khỏi Phủ Chủ tịch mới dừng xe đạp lấy ra ăn. Một hôm, Bác lấy xấp phong bì đưa cho tôi và nói đây là những phong bì của chú Vũ Kỳ bỏ không dùng, cháu đưa về dùng kẻo lãng phí. Khi về nhà, tôi đếm được 12 cái, trong đó có 4 cái đã dùng rồi, còn lại là phong bì mới. Tôi mang giao lại cho bên điện báo, nói của Bác Hồ gửi và dặn phải dùng không được bỏ lãng phí. Qua những lần gặp Bác, tôi đã học được rất nhiều điều từ Người”, ông Trung nhớ lại.

 

Tết Mậu Thân năm 1968, ông Trung tháp tùng cùng trung tướng Lê Hai vào tây Quảng Bình chỉ đạo Quân khu Trị Thiên phối hợp với các đơn vị đánh địch; tham gia trận đánh giải phóng Quảng Trị năm 1972 do đại tướng Văn Tiến Dũng chỉ huy. Ông Trung kể: “Theo kế hoạch của ta, sau khi giải phóng Quảng Trị là dừng chân để củng cố lực lượng, động viên tinh thần, tư tưởng bộ đội rồi mới giải phóng Thừa Thiên - Huế. Lúc này, địch tháo chạy qua cầu Mỹ Chánh vào Thừa Thiên - Huế, nếu để kéo dài sẽ mất thời cơ. Do vậy, đồng chí Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi điện vào thúc giục ta phải tiếp tục đánh để giải phóng Thừa Thiên - Huế, tạo thế buộc Mỹ ký kết Hiệp định Paris. Tuy nhiên, kế hoạch giải phóng Thừa Thiên - Huế không thực hiện được; việc ký Hiệp định Paris dự kiến diễn ra vào ngày 31/12/1972 cũng bất thành.

 

Từ Chiến dịch Tây Nguyên

 

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình Việt Nam được ký kết, buộc Mỹ chấp nhận rút toàn bộ quân và chư hầu về nước. Đến cuối năm 1974, trên chiến trường miền Nam chỉ còn có lực lượng của ta và quân đội Việt Nam Cộng hòa của Nguyễn Văn Thiệu. Bộ Chính trị đã họp và quyết định cuộc chiến tranh ở miền Nam đến đây có thể kết thúc, càng kết thúc sớm càng tốt. Dự kiến 4 quân đoàn chủ lực tham gia là Quân đoàn 1 ở Ninh Bình, Quân đoàn 2 ở Bắc Giang, Quân đoàn 3, 4 ở miền Nam. Theo kế hoạch ban đầu, năm 1975 ta tiến hành giải phóng 3 tỉnh Tây Nguyên: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và các tỉnh đồng bằng ven biển miền Trung từ Quảng Trị đến Phú Yên, lấy đèo Cả làm ranh giới. Quân đoàn 1, 2 ngoài Bắc vào đứng chân ở Phú Yên - Bình Định; đến năm 1976 mới giải phóng tiếp toàn bộ miền Nam.

 

Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, nếu thời cơ thuận lợi, điều kiện cho phép ta có thể giải phóng miền Nam năm 1975. Muốn giải phóng 3 tỉnh Tây Nguyên thì phải giải phóng Buôn Ma Thuột trước, tạo điều kiện bất ngờ cho địch. Còn muốn giải phóng Buôn Ma Thuột thì phải nghi binh lừa Sư đoàn 23 của ngụy đóng ở Biển Hồ không được một nửa thì được 1/3, tạo điều kiện giải phóng Buôn Ma Thuột để quân ta ít tốn lực lượng, nhanh gọn hơn. Ta dùng 3 sư đoàn: Sư đoàn 10, Sư đoàn 968 và Sư đoàn 320 xuất quân. “Tất cả những bức điện chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chỉ huy chiến dịch đều được giải mã nhanh chóng, chuyển đến chuyển đi kịp thời, bảo đảm tuyệt mật”, ông Trung cho biết.

 

Tối 3/3/1975, Chiến dịch Tây Nguyên diễn ra, quân ta nổ súng đánh địch trên đường 19 tại đèo Măng Giang. Tối 8/3/1975, ta đánh địch từ cổng ga Thuận Mẫn cách Buôn Ma Thuột 80km về phía bắc (cách quốc lộ 25 bây giờ đến giáp đường 14 là 51km), địch đưa 1 tiểu đoàn ra ứng phó. Tối 10/3, ta đánh vào Buôn Ma Thuột. Sau khi các tỉnh Tây Nguyên và từ Đà Nẵng - Khánh Hòa được giải phóng, bộ phận mật mã tiếp tục tháp tùng cùng Bộ Chỉ huy chiến dịch theo đường 14 vào Nam.

 

Ông Mai Tấn Trung kể lại những trận đánh địch năm xưa. Ảnh: THU HẰNG

 

Đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

 

Ông Trung nhớ lại: Tối 14/4/1975, tôi trực tiếp dịch bức điện: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Quyết tâm giải phóng Sài Gòn - Gia Định và toàn bộ miền Nam vào năm 1975, chuyển chiến dịch Xuân 1975 thành Chiến dịch Hồ Chí Minh”, bên dưới ký tên: Ba (Tổng Bí thư Lê Duẩn) + Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Tôi trình bức điện cho Bộ Tư lệnh chiến dịch, đứng đầu là đại tướng Lê Trọng Tấn, các anh rất vui mừng phấn khởi.

 

Ngày 26/4/1975, Bộ Tư lệnh nhắc lại phải điện thúc giục các bộ phận áp sát Sài Gòn, tiến vào giải phóng Xuân Lộc. Sau khi giải phóng Xuân Lộc, Quân đoàn 2 tiếp tục đánh đến Dầu Giây rồi đánh Biên Hòa, xa lộ… Quân ta tiếp tục đánh địch đến đầu cầu Sài Gòn, rồi đánh đến ngã tư Hàng Xanh, chia 2 cánh: cánh quân 1 đánh theo đường Điện Biên Phủ, cánh quân 2 đánh theo đường Bạch Đằng, rồi đánh vô sân bay Tân Sơn Nhất. Sau đó, cánh quân 1 đánh thẳng vào dinh Độc Lập, buộc chính phủ của Dương Văn Minh đầu hàng. Ông Trung đi cùng Bộ Chỉ huy theo sau cánh quân 1 vào dinh Độc Lập sau khi bộ đội ta vừa cắm cờ giải phóng trên nóc dinh.

 

Sau ngày miền Nam giải phóng, ông Mai Tấn Trung tiếp tục làm nhiệm vụ ở Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh đến ngày 15/5/1975 thì trở ra Hà Nội cùng với 15 người khác. Sau đó, mỗi người đi mỗi nơi. Ông Trung trở lại Phòng Kỹ thuật mật mã tiếp tục công tác cho đến khi nghỉ hưu năm 1991 và trở về quê nhà sinh sống cùng với con cháu tại 43 Nguyễn Du, phường 7, TP Tuy Hòa.

 

KHÔI NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek