Chủ Nhật, 22/09/2024 15:48 CH
Phú Yên những ngày tháng 4/1975 lịch sử
Thứ Tư, 30/04/2008 14:00 CH

Ngày 1/4/1975, trong thế tiến công của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Phú Yên đã đồng loạt tấn công giải phóng thị xã Tuy Hòa. Đúng 10 giờ, cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên đỉnh Nhạn Tháp, tỉnh Phú Yên hoàn toàn giải phóng.

 

080429-NDL.jpg

Đồng chí Nguyễn Duy Luân

Ngay sau khi giải phóng, Phú Yên bắt tay vào việc hợp nhất giữa hai bộ phận cơ bản và tiền phương, đồng thời củng cố bộ máy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, nhằm đủ sức giải quyết các công việc do nhu cầu đặt ra. Mặt khác, trước đây, ở vùng căn cứ ta chỉ có các cơ quan của Đảng, UBND cách mạng có các ban chuyên môn, như Ban An ninh, Ban Tài chính, Ban Giao bưu… Nay phải thành lập các cơ quan trực thuộc chính quyền, gọi là các ty. Trong đó, một số ty phải thành lập mới hoàn toàn, như Ty Lao động, Ty Nhà đất, Ty Bưu điện, Ủy ban Kế hoạch… Đi đôi với  việc thành lập các bộ phận mới là việc bố trí chỗ ăn, ở, làm việc cho cán bộ các cơ quan của chính quyền, các ban của Đảng. Trụ sở làm việc  của các cơ quan chủ yếu là mượn nhà dân, sử dụng những nhà vắng chủ. Cơ quan Đảng, cơ quan chính quyền cũng phải hoạt động riêng biệt. Lúc đó, trụ sở cơ quan Đảng bộ đặt tại số 202 Trần Hưng Đạo bây giờ, còn trụ sở của UBND cách mạng, chính quyền tỉnh đặt tại tỉnh đường của ngụy quyền để lại (sau này là UBND tỉnh cũ). Riêng thị xã Tuy Hòa thì thành lập Ban Quân quản do đồng chí Ba Diệu (tức Cao Kỳ Trí, Phó Bí thư Tỉnh ủy) làm chủ tịch, chính thức ra mắt nhân dân ngày 3/4/1975 tại trường Bồ Đề (nay là trường THCS Nguyễn Văn Trỗi).

 

Phú Yên đã được giải phóng, quân địch đã tháo chạy và một bộ phận lẩn trốn. Vì vậy, một trong những công việc phải tiến hành đồng thời với việc củng cố bộ máy chính quyền cách mạng là tập trung truy quét tàn quân ngụy và thu nhặt vũ khí, tài liệu địch, phá nhà lao giải thoát tù chính trị. Trong đợt truy quét này ta đã bắt và thẩm vấn tại chỗ chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, Phó Tư lệnh Quân đoàn 2 của ngụy, sau đó giao lại cho Sư đoàn 320 bộ đội chủ lực; đồng thời khai thác nhanh đại tá Nguyễn Văn Hoàng, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn thiết giáp và trung tá Nguyễn Như Kiên, Tham mưu trưởng Tiểu khu Kon Tum tháo chạy từ Tây Nguyên xuống bị ta bắt giữ. Tài liệu thu giữ được thì chuyển lên căn cứ cất giữ, theo chế độ bảo mật, phục vụ chiến dịch giải phóng các tỉnh Nam Trung Bộ và Chiến dịch Hồ Chí Minh.

 

080429-mitting2.jpg

Biểu dương lực lượng tại mít tinh mừng ngày miền Nam hoàn toàn  giải phóng, do tỉnh Phú Yên tổ chức sáng 1/5/1975 tại sân vận động Tuy Hòa. - Ảnh: T.K.QUANG

 

Nhiệm vụ rất quan trọng trong những ngày đầu tháng 4/1975 của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Yên là phục vụ các đoàn quân đang thần tốc tiến vào giải phóng miền Nam trên đường số 1. Tất cả những gì có thể huy động được tỉnh và thị xã Tuy Hòa đều huy động, từ xe cộ, xăng dầu đến nước uống, lương thực, thực phẩm… Bộ phận tiếp đón tại các trạm Xuân Lộc, Bình Kiến, Hòa Vinh được bố trí đầy đủ các thành phần, từ cán bộ của Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể đến tài chính, y tế… Bên cạnh tiếp tế lương thực, thuốc men… các mẹ, các chị  tại các trạm còn nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thương bệnh binh cho đến khi bình phục. Chính nhờ việc làm này mà những đoàn quân giải phóng được tiếp thêm sức mạnh, tiến vào miền Nam nhanh hơn, thần tốc hơn.

 

Một nhiệm vụ khác hết sức nặng nề của Phú Yên lúc này là chăm lo ổn định đời sống cho nhân dân, đưa dân bị dồn vào thị xã và những nơi tập trung trước đây trở về quê. Việc tưởng đơn giản mà không đơn giản chút nào, bởi nhiều người sau ngày giải phóng, trở về quê hương chỉ có hai bàn tay trắng. Nhà cửa thì đổ nát, ruộng vườn bị hoang hóa do bom đạn chiến tranh. Trong ngổn ngang trăm ngàn thứ khó khăn, địch tháo chạy mang theo toàn bộ ngân khoản, không để lại đồng nào trong ngân khố nên việc làm này càng thêm phức tạp. Cùng với vận động, huy động cả cộng đồng, nhất là những gia đình khá giả ở những vùng ít bị chiến tranh tàn phá đóng góp, chính quyền cách mạng tổ chức lực lượng (bộ đội, công an, thanh niên xung phong…) đưa dân về quê cũ, cùng bà con khai hoang vỡ hóa, xây lán, dựng nhà, làm đường, đắp đập, dựng trường… Tất cả mọi thứ đều làm lại từ đầu với yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm có đất sản xuất, có cái ăn, chỗ ở cho dân trong những ngày đầu, tháng đầu và có thể tự túc sau ba tháng. Rồi phải lo giấy tờ, giải quyết phương tiện, lương thực cho số bà con di tản từ Pleiku, Kon Tum xuống sau khi địch thất bại ở Tây Nguyên về lại địa phương; giải quyết cho số vợ con lính về với gia đình họ…

 

080429-mitting1.jpg

Đông đảo nhân dân Phú Yên đến dự mít tinh mừng ngày toàn thắng. - Ảnh: T.K.QUANG

 

Mặt khác, tuy Phú Yên đã được giải phóng hoàn toàn, nhưng từ Phan Rang vào Nam chưa được giải phóng, nghĩa là địch vẫn còn ở bên cạnh. Trong khi đó, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố sẽ xây dựng tuyến phòng thủ thép và quyết tử thủ ở Ninh Thuận. Vì vậy, cùng với những việc làm trên, tỉnh ta đặc biệt chú trọng xây dựng lực lượng du kích, dân quân tự vệ, bổ sung quân cho các đơn vị bộ đội, tổ chức huấn luyện; đồng thời tiến hành xây dựng hệ thống hầm hào, công sự khắp nơi trong tỉnh, phục vụ công tác phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu nếu địch phản công trở lại.

 

Gần cuối tháng 4, thêm nhiều tỉnh được giải phóng, quân địch bị dồn vào sát chân tường. Lúc này tỉnh ta tiếp tục truy quét số ngụy quân, ngụy quyền còn ẩn sâu trong rừng và số lẩn trốn chưa ra trình diện với chính quyền cách mạng. Riêng số đang tập trung trong trại thì tổ chức phân loại. Đối tượng nào đáng giam giữ thì tổ chức giam giữ cẩn thận để cải tạo, giáo dục. Số không đáng giam giữ thì cho về đoàn tụ với gia đình, tạo điều kiện cho họ làm ăn sinh sống.

 

080429-mitting3.jpg

Thanh niên thị xã Tuy Hòa viết lời cổ động mừng ngày giải phóng 30/4/1975. - Ảnh: T.K.QUANG

 

Ngày 30/4/1975, được tin quân giải phóng đã tiến vào dinh Độc Lập, Tổng thống Dương Văn Minh và nội các đã đầu hàng vô điều kiện, Sài Gòn và miền Nam được hoàn toàn giải phóng, chúng tôi vui mừng khôn xiết. Ngay ngày hôm sau, nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5, tại thị xã Tuy Hòa, Đảng bộ, Chính quyền, Mặt trận tỉnh và thị xã Tuy Hòa đã tổ chức mít tinh trọng thể mừng ngày đất nước thống nhất, Bắc-Nam sum họp một nhà và chính thức ra mắt UBND cách mạng tỉnh. Hôm đó, cả thị xã Tuy Hòa tràn ngập và rực rỡ cờ hoa, người dân khắp nơi trong tỉnh đổ về dự mít tinh đông chưa từng thấy, ai ai cũng nói cười hớn hở, ăn mặc rất đẹp.

 

Nhớ lại những ngày tháng tư lịch sử của 33 năm trước, tôi càng thấy tự hào về tinh thần tự lực, tự cường, sự chủ động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền cách mạng và nhân dân Phú Yên trong thời điểm Chiến dịch Hồ Chí Minh chưa kết thúc. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương, Khu ủy V, UBND cách mạng khu Trung Trung Bộ, Tỉnh ủy và chính quyền cách mạng non trẻ Phú Yên nhanh chóng tiếp quản, sớm ổn định tổ chức bộ máy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, quản lý tốt vùng giải phóng, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, ổn định đời sống cho nhân dân, huy động sức người, sức của phục  vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn  miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

 

NGUYỄN DUY LUÂN

Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên

XUÂN HIẾU (ghi)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Suối Cối một thời oanh liệt
Thứ Tư, 30/04/2008 13:05 CH
Sâu lắng quê nhà
Thứ Tư, 09/04/2008 14:00 CH
Đến Hòa Đa ăn bánh hỏi cháo lòng
Thứ Năm, 13/03/2008 07:30 SA
Phá thế kìm kẹp trong một trại tù binh
Thứ Sáu, 07/03/2008 07:53 SA
Sông Ba - vóc dáng đại giang
Thứ Hai, 11/02/2008 14:10 CH
Nhớ ơn Nguyễn Hoàng
Thứ Bảy, 09/02/2008 13:56 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek