Chủ Nhật, 22/09/2024 15:45 CH
Suối Cối một thời oanh liệt
Thứ Tư, 30/04/2008 13:05 CH

080429-linh.jpg

Về thăm lại chiến trường xưa - Ảnh: T.LIỆU

Suối Cối xung quanh toàn đồi núi, chính giữa là thung lũng, đứng trên đỉnh đèo nhìn xuống tựa như cái cối giã gạo để ngửa, lấy tên theo con suối gọi là Suối Cối. Suối Cối thuộc địa phận xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân nằm dọc theo trục lộ từ La Hai đi Phú Mỡ, phía đông giáp thôn Bình Thạnh, phía tây giáp thôn Kỳ Lộ, phía nam giáp rừng núi, phía bắc giáp sông Kỳ Lộ. Đây là địa hình rừng núi hiểm trở rất thuận lợi cho việc xây dựng căn cứ trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ tỉnh Phú Yên. Địa điểm nằm cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 70km về phía tây.

 

Năm 1954, thực dân Pháp mở chiến dịch Át Lăng với quy mô lớn chưa từng có ở Đông Dương, bắt đầu tại Phú Yên, nhằm đánh chiếm 4 tỉnh vùng tự do liên khu 5. Lực lượng trực tiếp tham gia chiến dịch gồm 22 tiểu đoàn của 4 binh đoàn cơ động số 10, 100, 41, 42 và 2 tiểu đoàn dù. Tại Phú Yên, địch tiến quân xuống Chóp Chài và từ Đắc Lắc đánh chiếm Củng Sơn và tây Tuy Hòa. Trong bối cảnh đó, toàn tỉnh Phú Yên lúc này sôi sục không khí chuẩn bị cho cuộc chiến quyết liệt nhất. Ngày 1/1/1954, Tỉnh ủy Phú Yên họp hội nghị dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Vụ (Bí thư Tỉnh ủy), đề ra phương châm chung là: tích cực, chủ động, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Hoạt động tác chiến của các lực lượng vũ trang địa phương và du kích, phải triệt để vận dụng chiến thuật du kích chủ động, linh hoạt”.

 

Trên địa bàn tỉnh, Suối Cối là địa bàn hết sức quan trọng, là căn cứ địa cách mạng của Phú Yên trong chiến dịch Át Lăng. Đây là cơ quan đầu não của tỉnh bám trụ từ Suối Cối lên Đồng Xe, Kỳ Lộ liên hoàn với các khu căn cứ kháng chiến Phú Mỡ, Thồ Lồ cần được bảo đảm bí mật an toàn. Mọi công việc được chuẩn bị khẩn trương, phương án tác chiến vạch sẵn cụ thể như: Suối Cối đoạn dưới chân núi Hòn Ông, làm trận phục kích, đại đội hỏa lực được bố trí ở chân núi dọc Suối Cối, đại đội 211 bố trí theo hướng Nam chân núi có nhiệm vụ chặn đầu không cho địch chạy về Xuân Phước, đại đội 212 bố trí tại các rẫy mía phía đông Suối Cối, đánh lướt sườn vào đội hình địch. Đại đội 213 bố trí phía bắc chân núi có nhiệm vụ khóa đuôi, không cho địch chạy về Xuân Quang, hai trung đội của đại đội hai, tiểu đoàn 375 được bố trí gần đại đội hỏa lực, tất cả các đơn vị đều ém quân quanh chân núi.

 

Đúng như nhận định của ta, 13 giờ 30 phút ngày 21/5/1954 địch hành quân càn lên Suối Cối, lập tức các đại đội theo sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Phạm Đình Dư tập trung hỏa lực súng phóng bom ĐKZ, ba Zoka, Đại liên vào hàng ngũ địch. Bất ngờ, địch chạy xuống Suối Cối và công sự, đại đội 212 xung phong, 211 nổ súng chặn đầu và 213 khóa đuôi. Nhiều tên chết ngay tại chỗ, những tên còn sống sót chụp lấy vũ khí bám vào bờ suối vừa bắn trả, vừa rút chạy. Ba đại đội của ta từ ba hướng đồng loạt xung kích chia cắt từng nhóm nhỏ địch để tiêu diệt, sau 4 giờ chiến đấu ta tiêu diệt tại chỗ 132 tên, bắt sống 90 tên, thu 300 súng các loại và 8 máy vô tuyến điện.

 

Hai ngày sau, ngày 23/3/1954, Tiểu đoàn ngự lâm quân số 1 cùng với quân Pháp hành quân càn quét Suối Cối, tại đèo Suối Cối, bị Tiểu đoàn của liên trung đoàn 80 và 83 của ta chặn đánh. Trận càn tiêu diệt 80 tên địch, bắt sống tại chỗ 99 tên. Chiến thắng Suối Cối góp phần đánh bại chiến dịch Át Lăng của Pháp, bảo vệ vùng tự do liên khu 5. Trong tất cả các trận chiến năm 1954 thì chiến thắng Suối Cối là chiến thắng oanh liệt nhất của quân và dân Phú Yên, không những bảo vệ tỉnh Phú Yên mà còn bảo vệ vùng tự do Liên khu 5, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Đại tá Nguyễn Quyết đã nói: “Trong kháng chiến thực dân Pháp ở Liên khu 5 có 3 mốc son lịch sử chói lọi thì ở Phú Yên có 2 mốc son. Năm 1946 khi mặt trận đèo Cả bị vỡ quân và dân Phú Yên chặn đánh quyết liệt, buộc địch phải co cụm ở Núi Hiềm, xã Hòa Xuân bảo vệ vùng tự do của tỉnh. Và đầu năm 1954 quân và dân Phú Yên đánh bại chiến dịch Át Lăng, có sự phối hợp với chiến trường chính ở Liên khu 5 và chiến trường cả nước là Điện Biên Phủ”. Đồng thời đây là niềm tự hào, là chiến công có ý nghĩa to lớn của quân và dân Phú Yên đầu năm 1954. Chiến thắng Suối Cối thể hiện tinh thần quyết chiến quyết thắng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết một lòng, thể hiện tinh thần yêu nước ý chí cách mạng vượt qua mọi khó khăn đánh bại chiến dịch Át Lăng của thực dân Pháp.

 

Địa danh lịch sử Suối Cối cần được các cấp thẩm quyền ra quyết định công nhận di tích cấp tỉnh, tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn và phát huy giá trị nhằm góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Từ đó, họ càng thêm trân trọng quá khứ, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống yêu nước cách mạng của đảng bộ và nhân dân Phú Yên. Nguyện ra sức học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức, góp phần xây dựng quê hương Phú Yên ngày càng giàu đẹp.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên, những trận đánh tiêu biểu của lực lượng tỉnh Phú Yên tập 2, tháng 6/2006, trang 24.

2. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên, quân dân Phú Yên góp sức đánh bại chiến dịch Át Lăng năm 2004, trang 25.

3. Nhiều tác giả – Phú Yên một thời để nhớ, hồi ký lịch sử tập 2, Thư viện tỉnh Phú Yên năm 2003, trang 22-23.

 

TRÚC LỆ

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Sâu lắng quê nhà
Thứ Tư, 09/04/2008 14:00 CH
Đến Hòa Đa ăn bánh hỏi cháo lòng
Thứ Năm, 13/03/2008 07:30 SA
Phá thế kìm kẹp trong một trại tù binh
Thứ Sáu, 07/03/2008 07:53 SA
Sông Ba - vóc dáng đại giang
Thứ Hai, 11/02/2008 14:10 CH
Nhớ ơn Nguyễn Hoàng
Thứ Bảy, 09/02/2008 13:56 CH
Trở lại Phú Yên
Thứ Năm, 07/02/2008 13:28 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek