Chủ Nhật, 22/09/2024 15:50 CH
Ngày xuân, nghĩ đến người xưa:
Nhớ ơn Nguyễn Hoàng
Thứ Bảy, 09/02/2008 13:56 CH

Văn hóa ứng xử của người Việt có nét đẹp là vào lúc vui, mừng (như dịp lễ lớn, trong ngày hội, lúc xuân về) thường hoài niệm, tri ân. Bài viết này xin bày tỏ lòng biết ơn người đã lập ra một phủ mới đặt tên là Phú Yên hồi đầu thế kỷ XVII: Chúa Tiên - Nguyễn Hoàng.

 

cung-nam-tay.jpg

Nhớ tiền nhân - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

Nguyễn Hoàng sinh năm 1525 tại Thanh Hoa, thọ 88 tuổi, có 55 năm cai trị Đàng Trong.

 

Trong thời trị nhậm của Nguyễn Hoàng nhờ “có đường lối cai trị mềm dẻo, khéo léo”, có “lòng thương dân”, với “năng lực lãnh đạo giỏi và khả năng tổ chức cao”... ông đã làm cho cả một vùng biên viễn rộng lớn nhanh chóng được ổn định, “mọi người đều an cư lạc nghiệp”. Quân dân hai phủ (Thuận Hóa và Quảng Nam) ai cũng “cảm lòng mến đức”, “thân yêu tín phục” ông. Những dòng chữ trên đây được ghi trong các sách sử. Ông được vua phong Quốc công về công trạng an dân đó.

 

Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng còn đảm đương một sứ mệnh lịch sử lớn lao là mở đầu cho hành trình mở rộng bờ cõi về phía nam thêm 5 vĩ tuyến nữa bằng việc thành lập phủ Phú Yên.

 

Trước ông hơn 100 năm, vị anh quân Lê Thánh Tông bằng chiến thắng lịch sử ở Trà Bàn năm 1471 đã đưa biên giới Chiêm Thành vào phía trong núi Đá Bia, nhưng phủ Hoài Nhân được cải đặt chỗ mới ở phía bắc đèo Cù Mông. Tình hình đất nước và khu vực hồi thế kỷ XV cho thấy quyết định đó là trong thế thắng và trên thế mạnh của vị vua từng đạt nhiều thành tích vẻ vang về văn trị cũng như võ công, đã “làm trọn đạo biến thông” như ông đã dụ cho các quan văn võ và trăm họ. Từ đó, nước Đại Việt thêm lừng lẫy, ổn định cả thế và lực.

 

Từ đó, để rồi phủ Phú Yên ra đời là một tất yếu của diễn trình lịch sử. Nguyễn Hoàng - con người “có uy danh và nhiều mưu lược”, có tầm nhìn xa và óc chiến lược cao, là người khai sinh và đặt tên cho phủ Phú Yên sau vài chục năm chuẩn bị.

 

Trước đó hơn 30 năm, vào năm 1578, trước khi ra Bắc Hà, Nguyễn Hoàng đã cử Lương Văn Chánh đem quân vào bình định Thành Hồ, ổn định vùng đất ky my mang tên “nước Hoa Anh” (tức vùng đất từ Cù Mông tới núi Đá Bia).

 

Năm 1597, khi đang ở Bắc Hà trong chuyến ra lần cuối cùng và bị giữ lại đến 7 năm (1593-1600) Nguyễn Hoàng đã giao cho Lương Văn Chánh một nhiệm vụ quan trọng.

 

Văn bản chỉ thị (nguyên văn là “thị sai”, có tài liệu gọi là “công văn”, hoặc “mệnh lệnh”) đề ngày 10 tháng 2 năm Quang Hưng thứ 20 (tức năm 1597) có đóng dấu Tổng trấn Tướng quân chứng tỏ sức mạnh và quyền uy của Nguyễn Hoàng. Trong Thị sai ghi rõ nhiệm vụ: đưa dân (với qui mô lớn) vào sinh sống (vĩnh viễn) tại các vùng Cù Mông, Bà Đài (tức Xuân Đài), Bà Diễn (Đà Diễn), Bà Nông (Đà Nông) để “khai hoang canh nhàn điền thổ, kết lập gia cư địa phận” từ thượng nguồn đến hải khẩu. Văn bản chỉ thị cũng thể hiện rõ lòng thương dân và tính nghiêm minh của Nguyễn Hoàng: “Nếu vì việc mà nhiễu dân sẽ bị xử tội”.

 

Một đại công trình di dân vào vùng đất mới trong tình hình không dễ dàng đã được Lương Văn Chánh tận tâm, tận lực hoàn thành xuất sắc.

 

Năm 1600 Nguyễn Hoàng từ giã Bắc Hà, vượt biển về lại Thuận - Quảng, đánh dấu một thời kỳ mới trong lịch sử cai trị của ông ở Đàng Trong.

 

Lúc này, Lương Văn Chánh đã ở hẳn tại vùng đất mới được 3 năm. Công cuộc khai hoang lập ấp tiến hành trên cả vùng núi và ven biển rộng cả vạn km2, mà phương tiện ngưu canh điền khí, hạ tầng cơ sở và phương tiện giao thông chưa có gì. Cơ sở xã hội còn phức tạp, cộng đồng dân địa phương (người Chăm và các dân tộc thiểu số bản địa) đã khuất phục, nhưng chưa chắc đã hoàn toàn thuận hảo. Ổn định cuộc sống cư dân và hội nhập dân tộc là công việc khó khăn mà Lương Văn Chánh với tài kinh bang tế thế đã tổ chức giỏi.

 

Khi thành lập phủ Phú Yên thì trên vùng đất này đã có ngót trăm xóm ấp với hơn ba ngàn dân Việt. Đó là điều kiện cần và đủ để cho đơn vị hành chánh mới ra đời, gồm có hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa.

 

Biết được hoàn cảnh lịch sử phức tạp, rối ren càng hiểu công lao của Nguyễn Hoàng rất to lớn.

 

Phủ Phú Yên mới được thành lập đã nhanh chóng phát triển. Nhân dân ra sức đẩy mạnh các hoạt động kinh tế, làm cho vùng đất mới trở nên trù phú, mọi người an cư lạc nghiệp...

 

Chỉ sau một thời gian rất ngắn, năm 1629 phủ Phú Yên được tách riêng ra khỏi thừa tuyên Quảng Nam, nâng lên thành dinh Trấn Biên, đảm đương vai trò quan trọng trong hành trình Nam tiến của dân tộc. Từ Phú Yên, công cuộc Tây tiến và Đông tiến cũng có được một bàn đạp và lợi thế mới.

 

Nguyễn Hoàng mất năm 1613. Trước khi qua đời, ông đã dặn dò hoàng tử thứ sáu là người nối nghiệp là Nguyễn Nguyên về vùng đất có núi Đá Bia là “nơi để người anh hùng dụng võ, nên phải biết thương yêu nhân dân, rèn luyện quân đội, hết lòng lo cho muôn nghiệp về sau”.

 

Chúa Nguyễn Phước Nguyên là người thành lập Dinh Trấn Biên ở Phú Yên vừa nói trên.

 

Trong khuôn khổ một bài báo ngắn không nói thật kỹ và đầy đủ về một thời kỳ lịch sử, một số sự kiện lịch sử và nhân vật lịch sử được. Chỉ mong bày tỏ được lòng biết ơn đối với người có công với nước, và đặc biệt với Phú Yên ta.

 

Với lòng biết ơn đó, tôi rất mong ở Phú Yên, tại thành phố Tuy Hòa, sớm có một con đường mang tên Nguyễn Hoàng.

 

GS. NGUYỄN QUỐC LỘC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Phú Xuân
Thứ Hai, 23/07/2007 15:51 CH
Kỳ Lộ - Cây Dừng
Thứ Năm, 05/07/2007 09:22 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek