Thứ Hai, 25/11/2024 12:51 CH
Thành quả ban đầu 6 tháng cuối năm 1989
Thứ Sáu, 04/01/2019 15:36 CH

Một góc thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) khởi sắc sau ngày tái lập tỉnh - Ảnh: MINH KÝ

Thực hiện Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy về những công tác cấp bách sau khi chia tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành trong toàn tỉnh phát động nhiều phong trào hành động cách mạng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đạt được những thành tựu khá quan trọng.

 

Để kịp thời động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân Phú Yên trong lúc khó khăn khi tỉnh vừa được tái lập, các đồng chí Phạm Văn Đồng, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Võ Văn Kiệt, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng; Nguyễn Đức Tâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng đã về thăm Phú Yên và có nhiều chỉ đạo quan trọng.

 

Trên cơ sở quy hoạch đô thị Tuy Hòa, một số công trình như Nhà văn hóa Diên Hồng, Trung tâm Bưu điện tỉnh, Đài Phát thanh, Đài Truyền hình… được xúc tiến đầu tư.

 

Trên mặt trận nông nghiệp, chính sách khoán 10 đã tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy sản xuất, liên tiếp vụ lúa đông xuân và hè thu năm 1989 được mùa lớn, diện tích gieo trồng đạt 12.000ha; cây công nghiệp, cây lương thực đạt kế hoạch. Tuy nhiên, giá cả nông sản thấp, việc tiêu thụ gặp khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã xin ý kiến chỉ đạo của Hội đồng Bộ trưởng về mua lúa dự trữ trên địa bàn Phú Yên nhằm bình ổn giá, đảm bảo lợi ích cho người dân. UBND tỉnh cũng triển khai chương trình thâm canh 10.000ha lúa cao sản chuẩn bị cho xuất khẩu.

 

Trong lĩnh vực thủy sản, đến cuối năm 1989, sản lượng đánh bắt được đẩy mạnh, đạt từ 6.000-7.000 tấn. Công tác quy hoạch định hướng nuôi trồng thủy hải sản được chú trọng. Một số dự án sản xuất tôm giống, tôm thịt, sản xuất thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật nạo vét ao đìa cho các vùng ven biển được triển khai.

 

Công tác bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ được tích cực đẩy mạnh. Tỉnh đã triển khai việc quản lý các khu rừng cấm theo quy hoạch, chỉ đạo việc khai thác, chế biến gỗ phục vụ cho nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, thực hiện chương trình trồng rừng, tỉnh đã trồng được 7 triệu cây; trong đó, 350ha rừng tập trung và 2 triệu cây phân tán.

 

Đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa dọc quốc lộ 1 (nay là đại lộ Nguyễn Tất Thành) sau ngày tái lập tỉnh - Ảnh: MINH KÝ

 

Về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, UBND tỉnh chỉ đạo tập trung phát triển một số ngành như: xay xát, sản xuất vật liệu xây dựng (gạch, ngói, đá chẻ), nước giải khát, giấy, vải. Ngành Điện được ưu tiên đầu tư hàng đầu. Đến cuối năm 1989, công suất Nhà máy điện Tuy Hòa tăng lên 3.500kW. Đồng thời triển khai các dự án xây dựng đường dây cao thế 110kV Nha Trang - Tuy Hòa, phát triển công nghiệp dệt, da, sản xuất hàng mỹ nghệ, chế biến và xuất khẩu diatomic, imenhic… và nghiên cứu một số dự án khác nhằm mang lại lợi ích kinh tế thiết thực.

 

Trong xây dựng cơ bản, tỉnh đã đầu tư hơn 10 tỉ đồng tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật như điện chiếu sáng, nước máy, nhà làm việc các sở, ban ngành, kho tàng, bến bãi… Tỉnh đã có chính sách giao đất ở cho hơn 1.000 hộ cán bộ công chức từ Nha Trang chuyển về để ổn định đời sống, an tâm công tác.

 

Về giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, UBND tỉnh chỉ đạo bằng nguồn vốn ngân sách đã giao tiến hành tu sửa và xây dựng một số tuyến đường, cầu trên các tỉnh lộ 7, 6, 1, nâng cấp một số đường nông thôn, đường nội ô TX Tuy Hòa. Đồng thời triển khai thực hiện văn bản của Bộ GT-VT cho phép đăng ký kinh doanh vận tải biển đã khai thác có hiệu quả tàu Phú Yên 01. Ngoài ra còn cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các tuyến dây nội thị, nội tỉnh, đưa vào khai thác tổng đài điện thoại 300 số, hoàn tất thủ tục xây dựng Trung tâm Bưu điện tỉnh.

 

Hoạt động thương mại có những bước chuyển biến rõ rệt, đảm bảo việc lưu thông hàng hóa giữa các vùng trong tỉnh và duy trì bình ổn giá. Các công ty thương nghiệp quốc doanh được sắp xếp lại cho hợp lý, đổi mới các hoạt động dịch vụ, giữ vững ổn định nguồn vật tư chiến lược như: xăng dầu, sắt thép, xi măng, phân bón…

 

Hoạt động xuất nhập khẩu được triển khai nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho hàng hóa các địa phương có thế mạnh như: gạo, hải sản, nông sản, thực phẩm, hàng lâm đặc sản, thủ công mỹ nghệ… Ngành Du lịch tuy mới hình thành sau khi tách tỉnh nhưng đã có những hoạt động theo phương châm kết hợp Nhà nước và nhân dân cùng làm để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của tỉnh.

 

Tuy nhiên, trong việc chuyển đổi sang cơ chế tự do cạnh tranh, một số đơn vị thương nghiệp quốc doanh làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh do buông lỏng việc quản lý đã trốn thuế gây thiệt hại lớn cho ngân sách.

 

UBND tỉnh đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo việc thu ngân sách. Ngành Ngân hàng đã kịp thời mở rộng đầu tư vốn cho các thành phần kinh tế và tiếp vốn cho các ngân hàng chuyên doanh hoạt động. Đại bộ phận vốn tập trung vào sản xuất, lưu thông và chi trả lương cho các đối tượng hưởng lương. Tuy nhiên, do lượng tiền mặt đưa vào lưu thông có lúc tăng đột biến trong tình hình kinh tế - xã hội một tỉnh mới tái lập nên luôn trong trạng thái bội chi. Khắc phục tình hình này, Ngân hàng Nhà nước đã hạ mức tín dụng và tiền mặt, tạo điều kiện bình ổn phục vụ nhu cầu sản xuất, lưu thông.

 

Hoạt động văn hóa thông tin có những chuyển biến tích cực, bước đầu hình thành và củng cố dần các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp; lập lại trật tự trong hoạt động chiếu video với nội dung lành mạnh.

 

Ngành Giáo dục nhanh chóng ổn định trường, lớp phục vụ nhiệm vụ giảng dạy và học tập năm học 1989-1990. Cơ sở Cao đẳng Sư phạm khai giảng ngày 14/11/1989, Trường trung học dân lập Chu Văn An thành lập, Ngày hội truyền thống Trường Lương Văn Chánh (15/10/1989) được tổ chức là những hoạt động bề nổi của ngành Giáo dục trong năm đầu tái lập tỉnh. Tuy có nhiều cố gắng nhưng do ngân sách còn khó khăn nên nhiều trường lớp vẫn hư hỏng chưa được sửa chữa, tình trạng thiếu phòng, lớp vẫn còn nhiều, thu học phí cũng đặt ra nhiều vấn đề…

 

Ngành Y tế đã tập trung chỉ đạo các địa phương thực hiện và nâng cao chất lượng nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Công tác tiêm chủng được mở rộng và triển khai khắp địa bàn tỉnh, góp phần làm giảm tỉ lệ mắc 6 bệnh nguy hiểm. Từ tháng 7-10/1989, bệnh sốt xuất huyết đang lây lan ở TX Tuy Hòa được nhanh chóng dập tắt và điều trị kịp thời các ca mắc bệnh. Các cơ sở y tế khám và điều trị dân lập được cấp phép hoạt động dưới sự quản lý của ngành Y tế.

 

Công tác LĐ-TB-XH, chế độ, chính sách cho các đối tượng được chú ý giải quyết tốt. Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 được tổ chức chu đáo. Hoạt động thể dục thể thao có nhiều thành tích nổi bật: bóng đá được công nhận lên hạng A2, đoàn vận động viên tham dự thể thao toàn lực lượng vũ trang đạt giải cao.

 

Trên lĩnh vực an ninh, triển khai đồng bộ Quyết định 135/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về truy quét tội phạm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Lực lượng Công an tỉnh đã triển khai các biện pháp tích cực, có hiệu quả được nhân dân hoan nghênh. Tuy nhiên, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội 6 tháng sau khi tách tỉnh diễn biến khá phức tạp. Số phần tử xấu tung tin chiến tranh tâm lý, viết sấm trạng nói xấu chế độ; xảy ra 19 vụ, 171 người trốn đi nước ngoài; tình hình đào đãi vàng ở huyện Tuy Hòa, Tuy An diễn biến phức tạp… Trước tình hình đó, ngày 9/10/1989, Tỉnh ủy ra Nghị quyết 02-NQ/TU về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân, lực lượng dự bị động viên và củng cố lực lượng dân quân tự vệ, giữ vững trật tự an toàn xã hội. Nghị quyết được UBND tỉnh chỉ đạo triển khai đã giải quyết cơ bản ổn định tình hình, lập lại trật tự trị an.

 

Công tác quốc phòng toàn dân được đẩy mạnh, thực hiện vượt mức kế hoạch giao quân đợt 2 năm 1989. Tổ chức việc đón quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia trở về nước và giải quyết chính sách, công ăn việc làm cho lực lượng này khi trở về địa phương. Việc giải quyết đơn thư khiếu tố của công dân được UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết kịp thời, công khai, tập trung vào các vấn đề nổi cộm là nhà cửa, ruộng đất.

 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, HĐND tỉnh đã có các nghị quyết phù hợp đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, UBND tỉnh đã mạnh dạn, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành đưa kinh tế - xã hội Phú Yên cơ bản ổn định, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội đảm bảo trong các tháng cuối năm 1989 sau ngày tách tỉnh. Thành tựu lớn nhất là đã triển khai Nghị quyết HĐND tỉnh về nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách 6 tháng cuối năm 1989 đạt kết quả trên các mục tiêu đề ra, nền tảng cho việc tiếp tục xây dựng tỉnh những năm sau.

 

PHAN THANH - ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hòa Xuân thực hiện Nghị quyết 15
Thứ Sáu, 23/11/2018 09:58 SA
Đá ở làng biển An Ninh Đông
Thứ Sáu, 09/11/2018 14:00 CH
Bình Kiến tiêu thổ kháng chiến
Thứ Sáu, 09/11/2018 09:32 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek