Thứ Hai, 25/11/2024 12:37 CH
Phú Yên những ngày đầu tái lập
Thứ Tư, 02/01/2019 11:00 SA

LTS: Hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh Phú Yên (1/7/1989-1/7/2019), Báo Phú Yên tổ chức chuyên mục về thành quả 30 năm xây dựng tỉnh Phú Yên mới bao gồm các chuyên đề: Ký ức những ngày đầu tái lập tỉnh; thay đổi địa danh hành chính; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đi vào cuộc sống; Phú Yên theo dòng thời gian; thành quả các sở ban ngành và các địa phương Phú Yên. Đất lành chim đậu; các sự kiện tiêu biểu; dấu ấn 400 năm Phú Yên theo dòng lịch sử; kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh; Phú Yên trong tổng quan khu vực Nam Trung Bộ. Phú Yên khát vọng vươn tới tương lai. Kính mời quý bạn đọc hưởng ứng và tham gia cộng tác.

 

Đồng chí Nguyễn Duy Luân - Ảnh: MINH KÝ

Ngày 4/3/1989, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) ban hành Nghị quyết 83 NQ/TW về việc phân chia tỉnh Phú Khánh thành 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Ngày 14 và 15/3/1989, Hội nghị Tỉnh ủy Phú Khánh lần thứ 14 tổ chức triển khai thực hiện việc chia tách tỉnh theo nghị quyết của Bộ Chính trị.

 

Ngày 27/4/1989, Bộ Chính trị có quyết định Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Yên có 21 ủy viên chính thức, 7 ủy viên dự khuyết. Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 7 đồng chí do đồng chí Nguyễn Duy Luân, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm Bí thư Tỉnh ủy.

 

Đầu tháng 5/1989, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lâm thời Phú Yên họp tại Nha Trang phân công cán bộ vào các chức vụ trong bộ máy lãnh đạo lâm thời chính quyền tỉnh Phú Yên. Theo đó, ông Nguyễn Tường Thuật được cử làm Chủ tịch UBND tỉnh, ông Phạm Hồng Quang làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Thành Quang làm Ủy viên thư ký UBND tỉnh.

 

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa VIII (ngày 30/6/1989) ra nghị quyết chia tỉnh Phú Khánh thành 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, tỉnh Phú Yên chính thức được tái lập và đi vào hoạt động từ ngày 1/7/1989. Ngày 30/6/1989, Tỉnh ủy Phú Yên ban hành Nghị quyết 01 về xây dựng tỉnh Phú Yên mới.

 

Tỉnh Phú Yên được tái lập trong bối cảnh tình hình thế giới đầy biến động và trong nước đang khó khăn. Tỉnh phải đối mặt với nhiều thử thách lớn. Điểm xuất phát kinh tế của tỉnh còn quá thấp, nguồn thu ngân sách quá nhỏ bé, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống còn thiếu thốn và chưa đồng bộ. Một bộ phận cán bộ không muốn về Phú Yên công tác. Khó khăn lớn nhất là việc di dời toàn bộ các cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể từ Nha Trang về Tuy Hòa - một đô thị trong thời gian dài không được đầu tư, thiếu điện, thiếu nước sinh hoạt, đường sá xuống cấp… Do đó, trong những ngày đầu tái lập, nhiều cơ quan của tỉnh phải mượn tạm cơ sở của Thị ủy, của chính quyền TX Tuy Hòa hoặc đóng tạm nhà dân. Phương tiện để làm việc thì thiếu thốn. Hệ thống thiết bị Đài Phát thanh, Đài Truyền hình, Báo Phú Yên là cơ quan ngôn luận, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Yên hư hỏng, thiếu nhân sự để truyền tải những thông tin về sự kiện tái lập tỉnh cho nhân dân trong tỉnh biết.

 

Bên cạnh những khó khăn, sau ngày tái lập tỉnh, Phú Yên có những điều kiện thuận lợi. Đó là: “… lương thực sản xuất đủ ăn và đã có dư bán ra ngoài tỉnh, đất nông nghiệp, đất rừng, mặt biển chưa khai thác còn lớn, có nguồn lao động dồi dào và với việc phân chia lại tỉnh, tỉnh có điều kiện giảm biên chế, kiện toàn bộ máy có chất lượng, khắc phục sự yếu kém về lãnh đạo và chỉ đạo không sát cơ sở, chưa sát quần chúng. Với truyền thống đoàn kết của nhân dân và Đảng bộ, với bản chất lao động cần cù và sáng tạo, chúng ta tin tưởng có thể khắc phục các khó khăn trước mắt”.

 

Việc tái lập tỉnh là sự kiện hợp lòng dân, tạo động lực cực kỳ to lớn từ các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh, giúp cho lãnh đạo tỉnh đề ra kế hoạch cùng những giải pháp thiết thực, sát hợp với tình hình để bắt tay xây dựng lại mọi mặt đời sống nhân dân, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng; phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, quyết tâm xây dựng Phú Yên thành tỉnh giàu đẹp.

 

Tháng 11/1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng có quyết định chuẩn y bổ sung 7 đồng chí vào Tỉnh ủy, nâng tổng số Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lên 33 đồng chí. Trong phiên họp ngày 9 và 10/12/1989, Tỉnh ủy bầu bổ sung 3 đồng chí ủy viên Thường vụ, bầu đồng chí Huỳnh Trúc làm Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy.

 

Số đại biểu HĐND tỉnh Phú Khánh nhiệm kỳ 1985-1989 có 43 vị được bầu ra trong 17 đơn vị bầu cử ở Phú Yên, do sự thay đổi công tác khi tách tỉnh, Hội đồng Nhà nước đã quyết định chuyển sinh hoạt cho một số vị tại 2 tỉnh mới. Số lượng đại biểu chính thức của HĐND tỉnh Phú Yên khóa I là 42 vị.

 

Đồng chí Võ Chí Công, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước về thăm và làm việc với tỉnh Phú Yên sau ngày tái lập tỉnh (8/1989) - Ảnh: MINH KÝ

 

Theo Quyết định 78 của Hội đồng Bộ trưởng về việc triệu tập hội nghị HĐND các tỉnh mới tái lập, ngày 8/7/1989, HĐND tỉnh Phú Yên họp phiên đầu tiên tại TX Tuy Hòa để bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên UBND tỉnh. HĐND tỉnh bầu đồng chí Nguyễn Tường Thuật làm Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí Phạm Hồng Quang, Nguyễn Thành Quang và Bùi Sơn Hải được bầu vào chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Tại kỳ họp này HĐND cũng bầu TAND, Trưởng Ban thư ký HĐND. Vì tình hình thực tế thời gian còn lại của nhiệm kỳ ngắn nên HĐND tỉnh không bầu các ban chuyên trách, nhiệm vụ của các ban do Ban Thư ký HĐND cùng Thường trực UBND tỉnh phối hợp thực hiện.

 

Từ sau ngày tái lập tỉnh đến ngày bầu cử HĐND tỉnh khóa II nhiệm kỳ 1989-1994, HĐND tỉnh Phú Yên khóa I tổ chức 3 kỳ họp thông qua các nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 1989. Tại các kỳ họp, HĐND tỉnh đã xem xét, đánh giá những thành tích trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trong điều kiện của một tỉnh mới chia tách. Trên cơ sở phân tích tình hình, đánh giá đúng khả năng và tiềm năng của tỉnh, HĐND tỉnh đã quyết định dự toán ngân sách 6 tháng cuối năm 1989; quyết định những chủ trương biện pháp bảo đảm việc thực hiện kế hoạch ngân sách phù hợp với những hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh làm tiền đề cho sự phát triển các năm sau.

 

Ngày 19/11/1989, thực hiện chủ trương của Trung ương, tỉnh Phú Yên tổ chức bầu cử HĐND 3 cấp, trong đó bầu 60 đại biểu HĐND tỉnh khóa II, họp phiên thứ nhất bầu đồng chí Huỳnh Trúc, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy làm Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Nguyễn Thị Miễn làm Phó Chủ tịch và đồng chí Nguyễn Hoàng Hạnh làm Thư ký HĐND tỉnh. Bầu UBND tỉnh gồm đồng chí Nguyễn Tường Thuật làm Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Trần Minh Mạch làm Phó Chủ tịch thường trực và các Phó Chủ tịch Nguyễn Thành Quang, Bùi Sơn Hải, Nguyễn Thị Nhơn.

 

UBND tỉnh kịp thời xây dựng bộ máy, bố trí cán bộ trong các cơ quan, ban ngành của tỉnh để bộ máy hành chính đi vào hoạt động bình thường. Chỉ đạo tiếp tục triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh, chăm lo đời sống nhân dân.

 

Để xây dựng TX Tuy Hòa thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, UBND tỉnh đã ra hàng loạt quyết định cấp đất, cơ cấu nhân sự, xây dựng các cơ quan phúc lợi xã hội như Đài Phát thanh, Đài Truyền hình, Trung tâm Bưu điện tỉnh, Khoa Cấp cứu Trung tâm Bệnh viện tỉnh; lập 2 khu dân cư mới ở phường 2 và phường 5 (nay là phường 7), xây dựng và cải tạo mạng lưới điện chiếu sáng, hệ thống nước sạch… Về trụ sở làm việc, cấp tỉnh tiến hành sửa chữa Tỉnh đường cũ (cơ quan hành chính của chính quyền Sài Gòn) làm nơi làm việc của UBND tỉnh; sửa chữa trụ sở Thị ủy Tuy Hòa làm cơ quan Tỉnh ủy; các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tỉnh trưng dụng những nhà do Nhà nước quản lý để làm trụ sở. Để giải quyết nơi ăn ở của hơn 1.000 cán bộ, nhân viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang từ Nha Trang chuyển về, UBND tỉnh chỉ đạo san ủi mặt bằng, phóng tuyến, phân lô, làm đường, kéo điện, giao đất cho từng hộ gia đình, cho mỗi hộ vay 2 triệu đồng để xây dựng nhà ở.

 

Kế thừa quy hoạch đô thị Tuy Hòa trước đây, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai việc chọn địa điểm xây dựng một số công trình cơ sở hạ tầng phục vụ cho nhu cầu dân sinh và hoạt động của chính quyền. Công tác chuẩn bị giải tỏa quốc lộ 1 qua TX Tuy Hòa, mở các tuyến đường mới trong nội thị, chọn địa điểm xây dựng khách sạn, xây dựng và cải tạo mạng lưới điện, thiết kế hệ thống cấp thoát nước, xây dựng công trình công cộng xen kẽ ở các phường nội thị… được xem xét phù hợp với quy hoạch. UBND tỉnh mời đoàn chuyên gia của Viện Quy hoạch Bộ Xây dựng để giúp tỉnh trong việc quy hoạch tổng thể TX Tuy Hòa và xây dựng các trung tâm như Trung tâm thương mại chợ Tuy Hòa, Trung tâm Hành chính, Trung tâm Công nghiệp và dịch vụ lớn, Trung tâm Văn hóa Núi Nhạn, Trung tâm Y tế, Trung tâm TDTT, Trung tâm Giáo dục…

 

Ngày 1/7/1989, Báo Phú Yên phát hành đặc san tháng 7 chào mừng tỉnh Phú Yên mới. Ngày 4/7/1989, Báo Phú Yên xuất bản số báo như Báo Phú Khánh cũ. Sau đó Đài Phát thanh và Đài Truyền hình Phú Yên chính thức đi vào hoạt động. Những cánh sóng tỏa đi từ núi Nhạn cùng với tờ Báo Phú Yên đã thổi luồng sinh khí mới của dáng khí Phú Yên xây dựng lại vóc dáng mới tỉnh nhà yên định trong Phú cường.

 

PHAN THANH - ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đá ở làng biển An Ninh Đông
Thứ Sáu, 09/11/2018 14:00 CH
Bình Kiến tiêu thổ kháng chiến
Thứ Sáu, 09/11/2018 09:32 SA
Hòa Xuân năm 1949-1950
Thứ Sáu, 26/10/2018 10:11 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek