Giữa năm 1956, Mỹ - Diệm đã củng cố xong bộ máy thống trị tới liên gia. Ngày 20/7/1956 đã qua, nhưng không có hiệp thương, tuyển cử giữa hai miền.
Địch tổ chức một chiến dịch tuyên truyền huênh hoang xuyên tạc rằng Hiệp định Giơ-ne-vơ đã bị xóa bỏ, cộng sản đã vĩnh viễn chia cắt Việt Nam, hô hào chuẩn bị Bắc tiến. Địch thực hiện “quốc sách tố cộng” với quy mô rộng lớn và mức độ ác liệt hơn. Trên địa bàn xã Bình Kiến, nhân dân trong xã bị địch cưỡng bức; tháng nào cũng có người bị bắt, bị tra đánh, bắt dân luân phiên canh gác các điếm canh. Cứ 9 giờ tối thiết quân luật, không ai được ra đường. Địch thiết lập một hệ thống an ninh cảnh sát, mật vụ gián điệp chìm nổi đủ loại. Chúng thay hình đổi dạng len lỏi trong từng xóm, rình rập các gia đình cán bộ, gia đình tập kết. Chúng động viên thi hành quân dịch trong thanh niên. Nhiều thanh niên nòng cốt của ta cũng trúng quân dịch.
Liệt sĩ Trần Nựu (Trần Quyền) - cơ sở cách mạng Bình Kiến 1956-1959. Sau Nghị quyết 15 thoát ly lên căn cứ gia nhập quân giải phóng, cán bộ trinh sát Tỉnh đội Phú Yên, một trong các chiến sĩ tham gia giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ thành công tháng 10/1961 và liệt sĩ Nguyễn Đảnh - cơ sở cách mạng Bình Kiến (1956-1959). Sau Nghị quyết 15 thoát ly lên căn cứ - mũi trưởng C6 (tiền thân Thị ủy Tuy Hòa), hy sinh tháng 11/1963 trên đường công tác tại quê nhà |
Tại xã Bình Kiến, địch thành lập các trung đội dân vệ, lực lượng bảo an, biệt kích. Công an di động ở tỉnh thường xuyên kéo về xã vây ráp. Các tên địa chủ, phản động, những phần tử phản cách mạng càng hống hách ra mặt. Địch hí hửng khoe: “thế giới tự do là vạn năng”, “cộng sản suy sụp tàn lụi sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn”.
Không khí nông thôn rất u buồn, ngột ngạt, bao trùm lên từng người dân yêu nước. Họ ngóng trông cách mạng, phấn khởi truyền miệng cho nhau những tin tức, những hoạt động cách mạng mà họ nghe được bất cứ từ đâu. Đảng viên cốt cán không ai dám tự ý ra khỏi xã. Chi bộ Đảng ở xã từ năm 1955-1956 không còn hoạt động được. Nhưng nhờ một số thanh niên có thành tích đấu tranh được kết nạp vào Đảng tự nguyện nhận nhiệm vụ, tìm bắt liên lạc với cấp trên, như các anh Nguyễn Đảnh, Nguyễn Xuân Thái, Lê Công Trình, Nguyễn Xuân, Nguyễn Lắng… (Phước Hậu), Phan Văn Nguyên, Nguyễn Đình Đức, Phạm Đắc Yên (Liên Trì), Hồ Mạch, Bùi Duy Mạnh, Trần Nựu (Ninh Tịnh)…
Cuối năm 1956 sang đầu năm 1957, Tỉnh ủy Phú Yên phân công các đồng chí Võ Xuân Vinh và Công Minh về phụ trách Tuy Hòa 2 và TX Tuy Hòa. Anh Ba Vinh về bám địa bàn thị xã. Anh bám lại số cơ sở cũ phía tây xã, được bà Trần Thị Xuyến (Tường Quang) nuôi giấu bảo vệ. Đồng chí Võ Xuân Vinh xuống phía đông xã, vào TX Tuy Hòa. Chi bộ đã xây dựng mỗi thôn Phước Hậu, Liên Trì, Ninh Tịnh một số cơ sở nhà ở đảm bảo bí mật an toàn.
Đồng chí Phan Văn Nguyên và Nguyễn Xuân Thái được phân công bố trí hành lang, liên lạc đưa đồng chí Võ Xuân Vinh xuống phía đông. Các đồng chí trao đổi thống nhất kế hoạch với anh Bùi Mãnh (Tường Quang) dùng mả Vôi Đen làm điểm hẹn đón anh Vinh và cũng là nơi đặt hộp thư liên lạc giữa đông và tây xã. Vào đêm hẹn đúng giờ, đúng ám tín hiệu, cơ sở ta đưa đồng chí Vinh đi bằng xe đạp (lúc này đưa, đón anh em cán bộ trên về thường bằng xe đạp). Đồng chí Nguyễn Lắng (Phước Hậu) là người có nhiều sáng kiến, dũng cảm, mưu trí, tận tụy nhất, trực tiếp đưa đón bảo vệ an toàn cho các đồng chí cán bộ bất hợp pháp về địa phương mình (đồng chí đã thoát ly năm 1960 và chiến đấu hy sinh năm 1961).
Nhà chị Nguyễn Thị Hưởng, chị Đỗ Thị Hương (Phước Hậu), nhà các anh Võ Đức Hậu, Nguyễn Thiện (Liên Trì), Nguyễn Bá Quyết (tức Chổng ở Ninh Tịnh) là những gia đình nhận nuôi giấu cán bộ cách mạng từ năm 1957-1960 rất tốt. Đặc biệt anh Nguyễn Thiện không cha mẹ, bị mù mắt từ nhỏ, ở với em, đời sống cơ cực. Sau năm 1960, em của anh là Nguyễn Chính thoát ly đi bộ đội giải phóng. Anh sống một mình vẫn nhận công tác liên lạc, báo tin tức cho cách mạng. Ở Liên Trì có anh Lương Cán cũng mù mắt từ khi mới lọt lòng mẹ đã nhận làm liên lạc cho chi bộ. Hai anh đều bị địch bắt tù, tra đánh đến mấy cũng không khai báo. Địch thả về, lại tiếp tục công tác.
Đồng chí Võ Xuân Vinh về bám cơ sở được các đồng chí cơ sở đưa đón bố trí ăn ở từ thôn này qua thôn khác. Anh Vinh trực tiếp củng cố lại các chi bộ ở các thôn: Phước Hậu, Liên Trì, Ninh Tịnh. Lực lượng thanh niên trung kiên phần lớn được kết nạp vào Đảng.
Số đảng viên cũ bị lộ, địch đang khống chế thì phân công liên lạc đơn tuyến, không sinh hoạt chung với chi bộ. Các thôn khác chưa đủ điều kiện tổ chức chi bộ thì phân công các đồng chí đảng viên các chi bộ thôn khác chịu trách nhiệm liên lạc đơn tuyến với một vài anh em đảng viên cũ nòng cốt ở thôn đó, để xây dựng phát triển lực lượng cách mạng như: Trương Soạn (Phú Vang), Đỗ Tấn Hữu (Thượng Phú)… Đảng bộ xã còn được giao nhiệm vụ móc nối xây dựng cơ sở trong nội thị và liên lạc với các xã nam Tuy An (An Chấn, An Mỹ).
Nhiệm vụ cách mạng được đồng chí Võ Xuân Vinh truyền đạt lúc này là: “Củng cố và giữ vững lòng tin Đảng, tin Bác Hồ, tin ở thắng lợi cuối cùng. Chống ảnh hưởng xấu của một số phần tử đầu hàng khai báo, kiên định lập trường, rèn luyện dũng khí cách mạng. Ra sức tuyên truyền phát triển cơ sở, phát triển lực lượng quần chúng tốt. Giữ đúng nguyên tắc bí mật, khéo công tác, khéo che giấu, bảo toàn lực lượng, chờ thời cơ”.
Hàng tháng, đồng chí Võ Xuân Vinh mang về cơ sở nhiều tài liệu cách mạng như: báo Đoàn kết của tỉnh, có cả báo Nhân Dân. Các chi bộ chuyền nhau xem và truyền miệng cho quần chúng. Nhân dân rất vui mừng, có lần ta họp chi bộ ngoài đồng, nhiều bà con đi câu, đi nhủi biết được, họ tự động canh gác bảo vệ cho chi bộ họp.
Đường dây liên lạc từ trên xuống và dưới lên bằng các hộp thư mật ở bìa núi, các gò mả, liên lạc mật bằng các ám tín hiệu qua các sinh hoạt hợp pháp như đi chợ, xem hát, gặt lúa… Có khi bằng hình thức trai gái tâm tình.
Để giữ vững lòng tin cho nhân dân qua các đợt khủng bố của địch, nhân kỷ niệm ngày 2/9/1957, đêm 10/9/1957 cơ sở xã tổ chức một cuộc rải truyền đơn treo cờ trong nội thị. Ba đồng chí Lê Banh, Hồ Mạch, Lê Hân nhận nhiệm vụ dùng 3 chiếc sõng giả đi câu, ngược dòng sông Đà Rằng, buộc cờ lên sào chống ghe, đem cờ treo cao giữa cầu Sông Chùa (Tuy Hòa). Các đồng chí Bùi Duy Mạnh, Nguyễn Bá Quyết, Nguyễn Hoành rải truyền đơn dọc đường số 7 và xung quanh chợ Tuy Hòa. Đồng chí Phan Văn Nguyên, Nguyễn Đảnh rải truyền đơn trên quốc 1 từ sân bay (cây số 2) đến cầu Ông Chừ. Địch phát hiện truyền đơn, hốt hoảng kéo còi báo động rải lực lượng cảnh sát thu nhặt trước khi trời sáng, còn lá cờ đỏ sao vàng phất phới hiên ngang chào đồng bào Tuy Hòa, nhân dân thị xã rất phấn khởi.
Đầu năm 1958, đồng chí Võ Xuân Vinh lãnh đạo một số gia đình tập kết kêu kiện buộc tòa án quận và ngụy quyền xã phải trả lại toàn xã 32 mẫu ruộng chúng đã tịch thu trái phép của một số gia đình có thân nhân tập kết. Tháng 3/1958, đồng chí Võ Xuân Vinh bị địch phục kích, hy sinh anh dũng ở Vực Dứa, xã An Thọ. Đồng chí Công Minh về thay đồng chí Võ Xuân Vinh trực tiếp chỉ đạo mọi hoạt động. Anh kiểm tra, nắm lại cơ sở, dần dần liên lạc các đồng chí đảng viên cũ. Anh thành lập Ban chấp hành xã ủy, chỉ định anh Hồ Mạch làm Bí thư, anh Lê Banh làm Phó Bí thư, anh Phạm Địch làm ủy viên, anh Banh được phân công liên lạc trực tiếp với nam Tuy An (An Chấn, An Mỹ) qua con đường hợp pháp (đi bán rượu) và tiếp tục củng cố cơ sở phía Thượng Phú - Phú Vang để tạo hành lang mới, liên lạc từ trên về qua ngả này để đánh lạc hướng theo dõi của địch. Đồng chí Công Minh ở nhà chị Đỗ Thị Hương (Phước Hậu) 3 năm.
Qua các đợt “tố cộng”, có 44 đồng chí bị thủ tiêu hoặc bị tù đày, hàng trăm đồng chí bị đánh đập, quản thúc. Nhưng Mỹ - Diệm không sao dập tắt được ngọn lửa cách mạng cứ rực cháy và lan rộng trong lòng nhân dân. Đầu năm 1959, chúng ban hành luật phát xít (10-59) đặt “Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”, tử hình và lưu đày biệt xứ là hai hình phạt dành cho những người làm cộng sản. Chúng bắt tất cả cán bộ, đảng viên cũ, gia đình tập kết chúng gọi là “cựu cán, cựu can”. Toàn quận Tuy Hòa chúng tập trung học tại núi Sầm (Hòa Trị). Chúng huênh hoang “đây là lá bùa hộ mệnh của chế độ cộng hòa”, là “khuôn vàng thước ngọc của Ngô tổng thống”, thề uống máu, ăn gan, xé xác Việt cộng… Sau đó, địch tổ chức mít tinh từng thôn phổ biến “luật 10-59” rộng rãi trong toàn dân. Nhiều cụ già như cụ Trần Chương (ở Ninh Tịnh) là một nhân sĩ yêu nước nói: “Con thú dữ trước giờ sắp chết nó càng hung hăng hơn”.
Trong lúc địch rầm rộ quảng cáo cho luật giết người 10-59 của chúng, thì tháng 7/1959, đồng chí Công Minh truyền đạt cho các cơ sở trong xã học tập tinh thần Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng - đường lối mới của cách mạng miền Nam.
THÀNH NAM