Thứ Năm, 19/09/2024 23:32 CH
Tàu Không số tham gia vận chuyển phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968
Thứ Sáu, 02/03/2018 16:07 CH

Cùng với quân và dân trong cả nước quyết tâm dồn sức người sức của phục vụ cho cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1968, Bộ Tổng tham mưu chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Hải quân chuẩn bị tàu làm nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Bộ Tư lệnh Hải quân đã chỉ đạo cho Đoàn 125 Hải quân khẩn trương chuẩn bị 4 tàu sẵn sàng vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường trong thời điểm đặc biệt này.

 

Tác giả Hồ Đắc Thạnh trước di tích Tàu Không số Vũng Rô - Ảnh: NGUYÊN LƯU

 

Đó là các tàu 165 vận chuyển hàng vào bến Vàm Lũng (Cà Mau); tàu 235 vào bến Hòn Hèo (Khánh Hòa); tàu 43B vào bến Đức Phổ (Quảng Ngãi); tàu 56 vào bến Lộ Giao (Bình Định). 4 tàu xuất phát ở 4 địa điểm khác nhau, múi giờ khác nhau nhưng vào các bến cùng một giờ. Tàu nào thuận lợi thì vào bến giao hàng, tàu nào gặp địch thì phải nghi binh thu hút địch để tàu khác vào bến.

 

Thực hiện kế hoạch trên, từ ngày 25-27/2/1968, các tàu lần lượt lên đường. Tàu 165 gồm 18 cán bộ, thủy thủ do Nguyễn Chánh Tâm làm thuyền trưởng, Nguyễn Ngọc Lương làm chính trị viên, chở 64 tấn vũ khí xuất phát đêm 25/2/1968.

 

Trên đường đi, tàu nhiều lần gặp máy bay theo dõi. Ngày 29/2/1968, tàu chuyển hướng vào bờ thì gặp 8 tàu địch bao vây. Tàu ta vẫn tiến, tàu địch nổ súng bắn vào tàu ta. Một trận chiến đấu ác liệt nổ ra, cho đến 21 giờ ngày 29/2, Sở chỉ huy nhận được bức điện cuối cùng rồi sau đó mất liên lạc hoàn toàn.

 

Sau này, các đồng chí ở bến Cà Mau kể lại rằng: Đêm 29/2, họ thấy phía biển có nhiều ánh lửa và đường đạn vạch lên trời. Địch thả pháo sáng sáng rực cả một khoảng trời trên vùng biển. Mấy ngày sau đó, bến cử anh em đi dọc bãi biển tìm kiếm, song chỉ thấy nhiều mảnh gỗ có vết đạn nham nhở trôi dạt vào bờ.

 

Còn tàu 56 do Nguyễn Văn Ba làm thuyền trưởng, Đỗ Như Sạn làm chính trị viên cùng 18 thủy thủ chở 37 tấn vũ khí vào bến Lộ Giao (Bình Định), xuất phát ngày 26/2/1968. Tàu chạy trên đường biển quốc tế thường xuyên gặp máy bay, tàu chiến Mỹ bám sát theo dõi. Ngày 29/2, tàu chuyển hướng vào bến gặp máy bay lượn vòng quanh tàu. Đến 17 giờ, tàu 56 phát hiện một tàu địch chặn trước mũi nên đã tránh sang trái. 17 giờ 30 phút, máy bay lại xuất hiện và liên tục đeo bám.

 

Qua bức điện báo cáo của tàu, cả Sở chỉ huy căng thẳng, tập trung theo dõi tình hình. Một cuộc chiến đấu có thể diễn ra trong giây lát. Theo chỉ đạo từ Sở chỉ huy, tàu ta nghi binh lách tránh. Tàu địch bám sát, rọi đèn pha và gọi dừng máy, máy bay thả pháo sáng sáng rực cả một góc trời nhưng tàu 56 vẫn tiếp tục hành trình, bí mật chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Lúc này, tàu 56 cách bờ 40 hải lý.

 

Qua các bức điện của tàu báo cáo về, Sở chỉ huy phán đoán có thể địch chưa biết chính xác đó là tàu của ta nên chỉ đạo tàu 56 ngụy trang kỹ, tìm cách tránh né quay ra công hải chờ lệnh. Trên đường quay ra, 3 tàu địch tăng tốc đuổi theo hòng chặn lại.

 

Cuộc đấu trí diễn ra mỗi lúc một căng thẳng, mà đỉnh điểm là tàu địch nổ súng bắn dọa, kêu gọi đầu hàng. Trong quá trình xử lý tình huống luôn có sự theo dõi động viên và chỉ đạo của Sở chỉ huy càng làm cho tàu 56 tin tưởng vững vàng bảo đảm yếu tố bí mật, giữ đúng đối sách, giữ thế hợp pháp trên vùng biển quốc tế, vượt ngoài kiểm soát của địch, quay về bến an toàn.

 

Tàu 43B do Nguyễn Đắc Thắng làm thuyền trưởng, Trần Quốc Tuấn làm chính trị viên cùng 17 thủy thủ chở 37 tấn vũ khí vào bến Ba Làng An (Đức Phổ, Quảng Ngãi) xuất phát ngày 26/2/1968 (sau tàu 56 một giờ). Khoảng 14 giờ ngày 29/2 có một máy bay địch đến lượn vòng mấy phút rồi biến mất. Tàu ta vẫn tiếp tục hành trình đến cách bờ 12 hải lý thì gặp 6 tàu chiến địch hình thành thế bao vây và nổ súng bắn vào tàu ta. Trên trời mấy chiếc trực thăng phối hợp với tàu chiến xối xả nhả đạn vào tàu 43B, buộc tàu ta phải chiến đấu. Tất cả các loại súng trên tàu tập trung đánh trả quyết liệt.

 

Vừa chiến đấu, thuyền trưởng vừa cơ động cho tàu vào bờ. Một máy bay trực thăng trúng đạn rơi xuống biển, chiếc khác bị thương rời khỏi khu vực, một tàu PCF của địch trúng đạn DKZ của ta bốc cháy, một số chiếc khác vội vàng giãn ra. Mạn tàu 43B bị nhiều vết đạn bắn thủng, 3 đồng chí hy sinh, còn lại hầu hết đều bị thương.

 

Sau nhiều giờ đọ súng, biết lực lượng địch đông, nếu tiếp tục chiến đấu, anh em sẽ thương vong rất nhiều, thuyền trưởng Thắng lệnh cho thuyền phó Thơm đập thùng khói mù làm màn che khuất cho tàu lao vào bờ, đưa thương binh liệt sĩ xuống rồi điểm hỏa phá hủy tàu, dìu nhau bơi vào bờ. Được du kích và bà con thôn Quy Thiện, xã Phổ Hiệp, Đức Phổ, Quảng Ngãi cấp cứu đưa về hầm bí mật che giấu, sau đó dẫn đường vượt quốc lộ 1 lên căn cứ Ba Tơ được vào bệnh xá điều trị. Sau hơn 1 tháng điều trị, sức khỏe hồi phục, toàn bộ cán bộ, thủy thủ tàu vượt Trường Sơn về lại miền Bắc.

 

Thanh niên Phú Yên dâng hương tại di tích Tàu Không số Vũng Rô, huyện Đông Hòa - Ảnh: NGUYÊN LƯU

 

Cũng trong đêm 27/2 tại một địa điểm khác, tàu 235 do Nguyễn Phan Vinh làm thuyền trưởng, Nguyễn Văn Tương làm chính trị viên cùng 20 thủy thủ lên đường chở 16 tấn vũ khí chi viện cho Khánh Hòa vào bến Hòn Hèo.

 

Hòn Hèo là một khu vực biển hiểm trở thuộc hai xã Ninh Phước, Ninh Vân, huyện Ninh Hòa, cách Nha Trang 12km và cách Vũng Rô 10km. Nơi đây luồng hẹp nhiều đá ngầm, có núi bao bọc phía ngoài. Thuyền trưởng phải là người giỏi chuyên môn, nhiều kinh nghiệm mới ra vào khu vực này an toàn. Một tài liệu của Pháp đã viết: “Muốn ra vào Hòn Hèo, thuyền trưởng phải có tay nghề lão luyện trên dưới 20 năm”.

 

Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh sinh năm 1933 tại Điện Bàn, Quảng Nam, được đào tạo cơ bản ở một học viện hải quân Trung Quốc rồi được bổ sung về Đoàn 759 làm thuyền phó rồi thuyền trưởng, chỉ huy tàu hoàn thành xuất sắc nhiều chuyến, vào nhiều bến, được lãnh đạo chỉ huy đoàn tin tưởng giao trọng trách chuyến đi này.

 

Tàu 235 là tàu chuyên dùng để vận chuyển chi viện cho các bến Khu 5, được lắp 2 máy, tốc độ 24 hải lý/giờ, được trang bị 3 khẩu 14 ly 5 loại 2 nòng nhằm lợi dụng ưu thế về tốc độ cao vào bến thả hàng rồi ra trong đêm. Sau 2 ngày hành quân trên vùng biển quốc tế, đến ngày 29/2, tàu ở ngang vùng biển Nha Trang, 18 giờ - một máy bay trinh sát bay ngang qua tàu.

 

Tàu ta vẫn theo hành trình tuyến đi kế hoạch và chuyển hướng vào bờ. Đến 22 giờ, tàu 235 cách bờ 19 hải lý. Phát hiện tàu ta, địch huy động 3 tàu chiến có phiên hiệu Ngọc Hồi, HQ12, HQ617 cùng 4 tàu khác bao vây hòng bắt gọn tàu 235. Thuyền trưởng Vinh lệnh tắt hết đèn trên tàu và tiếp tục hành trình vào bến. Các tàu địch cũng tắt hết đèn phục kích đợi ta vào với ý đồ khi chúng đồng loạt bật đèn sáng, tàu nào không đèn là tàu Bắc Việt.

 

Tàu 235 và các tàu địch vờn nhau như chơi trò rượt đuổi kiếm tìm. Tàu 235 luồn lách qua đội hình tàu địch đang phục kích ở phía ngoài và vào được đến xã Ninh Phước. Không gặp bến đón, thuyền trưởng cho anh em nhanh chóng thả hàng xuống biển để bến vớt sau. Khoảng 2 giờ 20 ngày 1/3/1968, phát hiện tàu 235 gần bờ, các tàu địch đồng loạt nổ súng, một số bắn vào tàu ta, một số bắn chặn lên bờ ngăn không cho anh em ta chạy thoát. Hỏa lực của địch làm cho tàu ta thủng nhiều lỗ hai bên mạn tàu. 5 thủy thủ hy sinh, 7 người bị thương.

 

Thuyền trưởng Vinh cũng bị thương ở đầu nhưng anh đã tự băng bó và chỉ huy anh em chiến đấu. Khoang máy tàu bị trúng đạn, tàu không cơ động được nữa, thuyền trưởng cho anh em đưa liệt sĩ, thương binh vào bờ, còn mình ở lại cùng thợ máy Ngô Văn Thứ chuẩn bị bộc phá phá tàu rồi bơi vào bờ sau. Hai người lên bờ lợi dụng hố bom làm công sự tiếp tục chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh. 20 thủy thủ còn lại, 5 người len lỏi trong rừng rậm Hòn Hèo, đói cơm lạt muối cho đến 5 ngày sau mới gặp được người của bến đưa về cứu chữa vết thương, dần dần hồi phục rồi hành quân trở về miền Bắc.

 

Sau trận đánh, tạp chí Lướt sóng của hải quân ngụy đã viết: “12 chiến hạm và hàng chục hải thuyền của Hoa Kỳ cùng quân lực Việt Nam Cộng hòa có phi cơ yểm hộ đụng độ ác liệt với một tiểu đoàn Việt Cộng (thực chất chỉ có 20 cán bộ chiến sĩ trên tàu) gan góc và thiện chiến trên con tàu chở vũ khí từ Bắc Việt thâm nhập tiếp tế cho mặt trận giải phóng. Họ đã nổ súng đến viên đạn cuối cùng, đến người cuối cùng và hy sinh với con tàu bằng khối lượng hàng tấn bộc phá do chính tay họ tự hủy không để lại dấu vết”.

 

Kết thúc chiến dịch vận chuyển phục vụ cho cuộc tổng Tấn công và nổi dậy xuân 1968, bốn con tàu Không số vào chiến trường nhằm chia lửa cùng quân và dân miền Nam trên bộ, cả bốn con tàu đều gặp địch, ngoan cường dũng cảm chiến đấu, 1 tàu gặp địch nhưng đã ngụy trang khôn khéo, kiên gan đấu trí nhiều ngày đã chiến thắng trở về bến an toàn.

 

Với những thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển chi viện chiến trường và anh dũng trong chiến đấu bảo vệ bí mật con tàu, bí mật con đường vận chuyển trên biển Đông, 4 con tàu lần lượt được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân và 4 đồng chí là Nguyễn Phan Vinh, Nguyễn Chánh Tâm, Nguyễn Đắc Thắng và Đỗ Như Sạn được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Sau này một hòn đảo vinh dự được mang tên anh hùng Phan Vinh.

 

HỒ ĐẮC THẠNH

Anh hùng LLVT nhân dân, Thuyền trưởng Tàu Không số (mang ký hiệu 41) anh hùng

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Người xưa đã về
Thứ Năm, 22/02/2018 09:30 SA
Những mùa xuân chiến khu
Thứ Sáu, 16/02/2018 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek