Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, chính quyền mới được thành lập đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn. Nền kinh tế nước ta vốn đã nghèo nàn lạc hậu, dưới ách thống trị của Pháp - Nhật, càng thêm xơ xác tiêu điều.
Huy động sức dân
Hậu quả khủng khiếp của hai triệu người chết đói đầu năm 1945 chưa chấm dứt thì xảy ra nạn lụt lớn làm vỡ đê ở Bắc Bộ. Sau lũ lụt đến hạn hán, ruộng đất không gieo trồng được kịp thời vụ. Đồng ruộng bị bỏ hoang, lương thực khan hiếm, các nhà máy bị đóng cửa, kho hàng trống rỗng, tài chính khánh kiệt.
Trong lúc nhân dân ta đang gặp nhiều khó khăn thì ở miền Bắc, 20 vạn quân Trung Hoa dân quốc tràn vào mượn tiếng tước vũ khí quân đội Nhật. Ở miền Nam, quân đội Anh kéo đến, mở đường cho thực dân Pháp cướp lại nước ta. Cách mạng Việt Nam đang đứng trước thử thách cực kỳ nghiêm trọng. Tình thế nước ta lúc bấy giờ như “ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường, quyết tâm “đem hết cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”.
Cũng như trong cả nước, chính quyền và các đoàn thể cách mạng ở Phú Yên mới thành lập, chưa được ổn định đã phải đối phó với bao khó khăn chồng chất. Ở phía nam, đầu tháng 10/1945, thực dân Pháp chiếm đóng Khánh Hòa, trực tiếp uy hiếp tỉnh Phú Yên. Các đoàn quân Nam tiến của ta từ Bắc vào đều phải dừng chân đồn trú ở Phú Yên, làm cho nhu cầu lương thực, thực phẩm, vũ khí… tăng vọt.
Trước những đòi hỏi cấp bách của cuộc kháng chiến, trong hai tháng 9-10/1945, các đoàn thể cứu quốc của tỉnh đã huy động hàng vạn lượt dân công tiếp tế lương thực, thực phẩm, súng đạn cho 8 chi đội (mỗi chi đội tương đương một trung đoàn ngày nay) và 7 đại đội quân Nam tiến (mỗi đại đội tương đương một tiểu đoàn ngày nay). Đồng thời, đoàn viên, hội viên đoàn thể cứu quốc các huyện Đồng Xuân, Sông Cầu, Tuy An, Tuy Hòa… đứng ra tổ chức, hướng dẫn, giúp đỡ, bố trí nơi ăn chốn ở, giải quyết việc làm cho hàng trăm đồng bào từ miền Bắc bị nạn đói phiêu dạt vào. Nhân dân Phú Yên đã tổ chức các phong trào “Ngày đồng tâm”, “Hũ gạo tiết kiệm”, tổ chức tiếp tế cơm nước quà bánh ở các ga Chí Thạnh, Hòa Đa, Tuy Hòa, lại phải lo tiếp đón hàng ngàn bộ đội, thương bệnh binh và nhân dân tản cư từ Khánh Hòa chuyển ra, từ Đắk Lắk chuyển xuống.
Bước vào thời kỳ cách mạng mới, đoàn viên, hội viên các đoàn thể cứu quốc Phú Yên hăng hái đi đầu thực hiện những nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Nếu trong Cách mạng Tháng Tám, đoàn viên, hội viên các đoàn thể cứu quốc Phú Yên từ các làng, xã đến tỉnh đều hăng hái và đóng vai trò nòng cốt trong quá trình khởi nghĩa giành chính quyền, thì trong những ngày đầu chính quyền cách mạng còn non trẻ, lực lượng này lại hoạt động tích cực và giữ các vị trí then chốt trong việc đấu tranh giữ vững và củng cố chính quyền nhân dân. Phong trào hành động cách mạng của các đoàn thể cứu quốc đã dấy lên sôi nổi, mạnh mẽ trong toàn tỉnh, như: vận động tiếp tế, ổn định đời sống nhân dân, chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm và chống các tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, trộm cắp, mê tín dị đoan… Nhờ thế, cuộc sống trong xóm làng trở nên vui tươi, lành mạnh và nhộn nhịp. Hàng ngàn thanh niên hăng hái tham gia các cuộc hội họp, học tập, mít tinh, đi bộ đội, tham gia tự vệ, du kích, luyện tập quân sự, canh gác bảo vệ xóm làng.
Cán bộ chính quyền các cấp xông xáo nhiệt tình, đảm đương những nhiệm vụ cực kỳ khó khăn của chính quyền cách mạng. Đoàn viên, hội viên các đoàn thể cứu quốc thực hiện “Tuần lễ vàng”, “Tuần lễ đồng”, xây dựng “Quỹ Độc lập”, phong trào tăng gia sản xuất, cứu đói, phong trào xóa nạn mù chữ… Nhiều người dân đã ủng hộ đồ nữ trang trong “Tuần lễ vàng”. Điển hình, chị Dương Thị Lệch ở Sông Cầu đóng góp 2 lượng vàng; anh Hai Rá dân tộc Ê Đê đóng góp 5 chỉ vàng và bộ chiêng bằng đồng; chị Võ Thị Yêm ở Hòa Thịnh ủng hộ đôi xuyến cưới 5 chỉ; chị Nguyễn Thị Yến ở Hòa Thịnh ủng hộ kiềng vàng và bông tai 4 chỉ vàng của mẹ để lại; chị Cao Thị Mè (Phong Niên, Hòa Thắng); chị Đào Thị Xanh (Mỹ Hòa, Hòa Thắng) cởi hoa tai, nhẫn vàng đang đeo để ủng hộ. Cụ Nguyễn Thị Lễ (Thạch Chẩm, Hòa Xuân) rất nghèo, trước khởi nghĩa phải đi mót lúa để sống, cụ đã dành dụm cả đời để mua một đôi hoa tai vàng, trong “Tuần lễ vàng”, cụ đã mang hiến cho Nhà nước. Tấm lòng của cụ động viên mọi người tham gia đóng góp xây dựng đất nước.
Dưới sự lãnh đạo của tỉnh, cùng với toàn Đảng, toàn dân, các đoàn thể cứu quốc của tỉnh vừa xây dựng, phát triển tổ chức, vừa ra sức vận động nhân dân sản xuất, khôi phục kinh tế, tham gia xây dựng và củng cố chính quyền dân chủ nhân dân.
Xây dựng chính quyền
Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên, Hội đồng Chính phủ đã bàn cách giải quyết nạn đói. Hồ Chủ tịch đề nghị phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất và những biện pháp cấp bách để đẩy lùi nạn đói: tổ chức lạc quyên cứu đói, hũ gạo cứu đói… Hồ Chủ tịch kêu gọi: “Lúc chúng ta nâng bát cơm ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước, cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa. Mỗi tháng nhịn ăn 3 bữa, đem gạo đó (mỗi bữa 1 bơ) để cứu dân nghèo”. Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch và việc tự mình làm gương đã nêu gương sáng về tình dân nghĩa nước trong hoàn cảnh đất nước trải qua thảm họa 2 triệu người chết đói do phát xít Nhật gây ra. Tuy nhiên, việc cứu đói chỉ là nhất thời, để đẩy lùi và ngăn chặn nạn đói lâu dài, cần có biện pháp cơ bản, tích cực hơn.
Để chấm dứt nạn đói, đẩy mạnh sản xuất lương thực, đảm bảo đủ ăn và cung cấp cho bộ đội, các đoàn thể cứu quốc Phú Yên đã vận động tổ chức lực lượng tăng gia sản xuất lương thực, thực hành tiết kiệm, xây dựng “Hũ gạo đồng tâm”, “Hũ gạo cứu đói”. Với khẩu hiệu “tấc đất tấc vàng”, các tầng lớp nhân dân Phú Yên từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi ra sức đẩy mạnh tăng gia sản xuất, bảo đảm có ăn và có dự trữ để cung cấp cho bộ đội. Toàn dân tham gia tu bổ hệ thống thủy nông Đồng Cam, đào mương, đắp đập, củng cố các “ban Yểng” (ban quản lý đập). Phát động trồng rau màu ngắn ngày, trồng bắp, sắn ở đất gò đất thổ, phát triển đàn gia súc, gia cầm. Nhân dân tự giác ăn thêm rau màu để dành gạo nuôi quân, giúp đồng bào miền Bắc. Nhờ vậy chỉ trong một thời gian ngắn, toàn tỉnh vượt qua thử thách, nạn đói được ngăn chặn.
Hơn 95% số dân mù chữ, đó là một tủi nhục do chế độ thực dân phong kiến để lại. Chỉ 1 tuần lễ sau ngày tuyên bố độc lập, ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập cơ quan bình dân học vụ và kêu gọi toàn dân tham gia phong trào xóa mù chữ. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch về chống giặc dốt: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân giàu, nước mạnh, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, phải có kiến thức mới để tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Những người chưa biết hãy gắng sức mà học cho biết đi. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo, các nhà giàu có thì mở lớp ở tư gia dạy cho những người không biết chữ ở hàng xóm láng giềng, các chủ ấp, chủ đồn điền, chủ hầm mỏ, nhà máy mở lớp học cho những tá điền, những người làm của mình”, tại Phú Yên, phong trào diệt giặc dốt được tổ chức rầm rộ, rộng khắp. Các thôn xóm đều tổ chức lớp bình dân học vụ. Phong trào được bắt đầu bằng việc người biết chữ dạy cho người chưa biết, chị dạy em, chồng dạy vợ, cha mẹ dạy con cái. Lớp học bình dân mở cửa cả ngày lẫn đêm, tổ chức phù hợp với từng đối tượng. Bước đầu trường lớp chưa có, phải mượn tạm lẫm làng, nhà dân, học dưới bóng cây to. Bà con sử dụng chai, lá chuối, than để khắc phục nạn thiếu dầu, thiếu giấy, thiếu phấn. Có người dùng nia, nong, ván thay giấy, thậm chí viết cả dưới đất. Nhiều cụ 60 tuổi, phụ nữ con bế con bồng cũng cắp vở đi học. Trên các con đường vào làng, vào chợ đều có cổng đố chữ, ai biết chữ mới được vào. Toàn dân đi học là một trong những nét tiêu biểu nhất cho khí thế của một dân tộc đang vươn lên làm chủ vận mệnh của mình.
Nhiều câu ca ra đời động viên, khích lệ người người đi học:
Không ham của cải anh đâu
Ham người biết chữ để bầu người thay
Không ham bồ lúa anh đầy
Ham anh biết chữ làm thầy bình dân.
Hoặc:
Có chồng biết chữ là tiên
Có người chồng dốt buồn phiền lắm thay.
Trong tình hình đất nước đang đứng trước muôn vàn khó khăn, thù trong, giặc ngoài âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng còn non trẻ, Đảng và Bác Hồ kiên quyết xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân, nhằm bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân về mặt nhà nước.
Ngày 6/1/1946, lần đầu tiên nhân dân Phú Yên trong niềm vinh dự và xúc động sâu sắc, cầm lá phiếu đi bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Các đoàn thể động viên đoàn viên, hội viên hăng hái đi bầu cử; tích cực tham gia công tác tuyên truyền và bảo vệ cho cuộc bầu cử.
Trong lúc nhân dân trong tỉnh ra sức củng cố xây dựng chính quyền và các đoàn thể thì thực dân Pháp từ Nam Bộ huy động 1 vạn quân mở cuộc hành quân lớn nhằm chiếm các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Đến tháng 1/1946, Phú Yên trở thành tiền tiêu, mặt trận phía nam vùng tự do Liên khu 5; bị địch bao vây ba mặt phía tây, nam và đông. Quân và dân trong tỉnh hưởng ứng phong trào toàn dân đánh giặc, hỗ trợ và phục vụ đánh địch ở vùng bị chiếm Khánh Hòa và Đắk Lắk. Hàng ngàn thanh niên Phú Yên hăng hái gia nhập các lực lượng vũ trang xung phong vào Nam Bộ chiến đấu.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, các đoàn thể cứu quốc Phú Yên đã phát động phong trào luyện tập quân sự trong tổ chức mình. Thanh niên sôi nổi luyện tập quân sự, hàng trăm anh chị em tham gia Vệ quốc đoàn, tự vệ chiến đấu, công an xung phong. Hội Nông dân cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc,… động viên hội viên tham gia luyện tập quân sự, đi dân công tiếp vận chiến trường. Ở mỗi xã, lãnh đạo các đoàn thể đã cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức từ 1-3 trung đội dân quân tập trung trang bị gươm giáo, gậy gộc, một ít lựu đạn, có 3-5 súng trường và súng săn; ở vùng đồng bào dân tộc, lực lượng tự vệ còn trang bị cung, ná… Cuối năm 1946, toàn tỉnh có hơn 4.000 người đã tham gia dân quân chiến đấu, hàng ngàn dân quân phục vụ.
Để đảm bảo nhiệm vụ chiến đấu, các đơn vị dân quân vừa tập luyện, vừa canh gác, rèn vũ khí và tham gia sản xuất. Dân quân nhiều xã tổ chức sản xuất tập thể 1-3 mẫu ruộng, gây quỹ từ 4.000-5.000 đồng và vận động xây dựng “Hũ gạo kháng chiến”.
Để kịp thời đối phó với tình hình chiến sự ngày một lan rộng. Ủy ban Việt Minh và Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh ra lời kêu gọi toàn dân tham gia làm vũ khí và chủ trương tổ chức các công binh xưởng, đáp ứng nhu cầu vũ khí trang bị cho các lực lượng vũ trang đủ sức ngăn cản bước tiến của quân thù.
PHAN THANH