Thứ Sáu, 20/09/2024 04:46 SA
Chính quyền nhân dân Tổng Hòa Đồng sau Cách mạng Tháng Tám
Thứ Sáu, 11/08/2017 09:19 SA

Tổng Hòa Đồng (vùng đất phía nam sông Bàn Thạch, ngày nay là 4 xã Hòa Xuân Tây, Hòa Xuân Đông, Hòa Xuân Nam, Hòa Tâm) đã vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám, nhanh chóng xây dựng chính quyền nhân dân.

 

Ông Phan Tiên Nam và ông Bùi Cương

 

Xây dựng cuộc sống mới

 

Sau Cách mạng Tháng Tám, cùng với cả nước, nhân dân Tổng Hòa Đồng thực sự làm chủ cuộc sống, hồ hởi bắt tay xây dựng cuộc sống mới, tích cực xây dựng và bảo vệ chính quyền, xây dựng cuộc sống bình yên lành mạnh. Nạn cờ bạc, rượu chè, trộm cắp… biến mất.

 

Tháng 9/1945, Ủy ban Mặt trận Việt Minh tỉnh Phú Yên cử đồng chí Nguyễn Chấn về Tổng Hòa Đồng kiểm tra và củng cố tổ chức mặt trận, chính quyền cơ sở. Đồng chí Bùi Cương được cử làm Chủ nhiệm Ủy ban Việt Minh Tổng Hòa Đồng, đồng chí Đàm Vĩnh Long làm ủy viên thư ký, đồng chí Lưu Nghiệp làm ủy viên.

 

Trong bối cảnh chung của cả nước, bên cạnh những thuận lợi, chính quyền cách mạng Tổng Hòa Đồng đứng trước nhiều khó khăn thử thách. Chính quyền cách mạng non trẻ phải đối phó với những khó khăn về kinh tế xã hội do hậu quả của hơn 80 năm thống trị của thực dân, phong kiến. Một bộ phận quân đội Nhật còn đóng ở Tuy Hòa có những hành động khiêu khích chính quyền cách mạng. Bọn phản động Đại Việt - Quốc dân Đảng dựa vào quân Tưởng đang tràn vào miền Bắc đã cố ngóc đầu dậy chống phá cách mạng.

 

Trước tình hình đó, chính quyền cách mạng tỉnh đã chỉ đạo toàn tỉnh có biện pháp trấn áp các phần tử phản động nguy hiểm. Tại Tuy Hòa, chính quyền bắt giữ Trương Bội Hoàng, cầm đầu bọn phản động Đại Việt ở Phú Yên. Quân dân Tổng Hòa Đồng phối hợp với ty trinh sát mai phục tại ga Thạch Tuân bắt hai tên Trương Tử Nghi và Trương Tử Hãnh giao cho Công an Trung Bộ.

 

Nhân dân Tổng Hòa Đồng đã vũ trang dao mác, gậy gộc chặn đường không cho đoàn xe Nhật đi ngang qua xã. Trước khí thế cách mạng của quần chúng, giặc Nhật co lại không dám làm càn. Lực lượng tự vệ Tổng Hòa Đồng tiến vào ga xe lửa Hảo Sơn tịch thu kho gạo của phát xít Nhật.

 

Tổng Hòa Đồng phát động phong trào toàn dân vũ trang. Mỗi dân quân tự vệ đều tự trang bị kiếm, dao găm. Mỗi người dân đều có một cây gậy dài để phòng gian bảo mật.

 

Hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền cách mạng, nhân dân trong tổng đã ủng hộ tiền bạc, công sức, hồ hởi tham gia các phong trào để xây dựng chế độ mới. Cụ thể là thực hiện 6 công việc khẩn cấp do Chính phủ ban hành ngày 3/9/1945:

 

- Phát động chiến dịch tăng gia sản xuất để chống đói, mở cuộc lạc quyên giúp đỡ đồng bào thiếu ăn.

 

- Mở ngay một phong trào chống nạn mù chữ.

 

- Tổ chức tổng tuyển cử.

 

- Mở một phong trào giáo dục cần, kiệm, liêm chính, bài trừ thói hư tật xấu.

 

- Bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò, cấm hút thuốc phiện.

 

- Tuyên bố tự do tín ngưỡng, lương giáo đoàn kết.

 

UBND Cách mạng lâm thời tỉnh Phú Yên đã tổ chức thực hiện các quyền tự do, dân chủ của nhân dân, xóa bỏ các thứ thuế bất công do Pháp, Nhật đặt ra. Chia lại ruộng đất công một cách công bằng hợp lý cho mọi người dân. Để giải quyết nạn đói, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Tổng Hòa Đồng mỗi ngày nhịn ăn bớt một nắm gạo để tiết kiệm, lập hũ gạo đồng tâm để cứu đói. Những cuộc hội họp, mít tinh được giảm bớt để tập trung vào công việc đồng áng, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hiện khẩu hiệu: “Tăng gia sản xuất, tăng gia sản xuất ngay, tăng gia sản xuất nữa”, động viên toàn dân lao động sản xuất, trồng kín diện tích, không một tấc đất bỏ hoang. Các cánh đồng Bùng Binh, Đồng Bầu, Đồng Nẩy… và cả các vùng sát chân đèo Cả đều được canh tác và cuối vụ mùa thu hoạch thắng lợi. Huy động nhân dân tại Nam Bình đào mương rút nước từ Bầu Ấu ra sông Bàn Thạch, tăng thêm diện tích sản xuất ruộng từ một vụ thành hai vụ. Nhân dân phấn khởi tăng gia sản xuất, giải quyết nạn thiếu lương thực đang xảy ra trong cả nước.

 

Hơn 95% số dân mù chữ, đó là một tủi nhục do chế độ thực dân phong kiến để lại. Chỉ 1 tuần lễ sau tuyên bố độc lập, ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập cơ quan bình dân học vụ và kêu gọi toàn dân tham gia phong trào xóa nạn mù chữ. Nhiều lớp bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ mở trong nhân dân tại xã, ban đêm, người biết chữ dạy cho người không biết chữ. Bà con tự giác hăng hái theo học các lớp bình dân học vụ. Các lớp học được tổ chức trong hoàn cảnh rất khó khăn: thiếu thầy, thiếu giấy mực, thiếu dầu thắp sáng. Bà con khắc phục bằng cách dùng đèn chai, dùng than để viết; dùng nia nong, ván thay giấy, thậm chí viết cả dưới đất. Những người biết chữ đều được cử làm thầy giáo. Toàn dân đi học, đó là một trong những nét tiêu biểu nhất cho khí thế của một dân tộc đang vươn lên làm chủ vận mệnh của mình.

 

Một vấn đề khác không kém phần cấp bách là làm sao bù được lỗ trống của công quỹ trong khi Nhà nước rất cần tiền để chi vào những nhu cầu to lớn của công cuộc kháng chiến - kiến quốc. Không có cách nào khác là phải kêu gọi tinh thần tự nguyện đóng góp của nhân dân. Ngày 4/9/1945, Chính phủ Cách mạng lâm thời ban hành sắc lệnh tổ chức Quỹ Độc lập, ngày 11/9/1945 kêu gọi hưởng ứng Tuần lễ vàng. Số tiền và vàng sẽ giúp Chính phủ giải quyết những khó khăn về chi tiêu trước mắt và mua sắm vũ khí. Tại Tổng Hòa Đồng, nhân dân mang cả vòng vàng, hoa tai, nhẫn vàng của mình ủng hộ xây dựng đất nước. Riêng thôn Bàn Nham, nhân dân đã góp trên 3 lượng vàng. Ở Thạch Chẩm, cụ Nguyễn Thị Lễ, nhà nghèo trước khởi nghĩa phải đi mót lúa để sống, cụ đã dành dụm cả đời để mua được một đôi hoa tai vàng, trong Tuần lễ vàng cụ đã mang hiến cho Nhà nước. Tấm lòng của cụ đã động viên mọi người tham gia đóng góp xây dựng đất nước.

 

Củng cố chính quyền

 

Ngày 25/11/1945, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Kháng chiến - kiến quốc” bản chỉ thị viết: “Nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta là phải củng cố chính quyền, chống thực dân Pháp, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân”.

 

Ngày 6/1/1946, cuộc tổng tuyển cử Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thắng lợi rực rỡ. Tại Tổng Hòa Đồng, công dân từ 18 tuổi trở lên không phân biệt gái trai giàu nghèo, nô nức đi bỏ phiếu.

 

Tháng 2/1946, bầu cử HĐND xã và Ủy ban hành chính thực hiện chủ trương của Đảng về việc bỏ cấp tổng, liên xã được thành lập. Tổng Hòa Đồng lập thành 4 xã: xã Thạch Bình gồm các thôn Tuy Bình, Nam Bình, Thạch Chẩm, Bàn Nham. Xã Bàn Hảo gồm các thôn: Bàn Thạch, Phước Lương, Phú Khê, Hảo Sơn. Xã Tân Định gồm các thôn: Thạch Tuân, Hiệp Đồng, Mỹ Khê. Xã Đồng Tâm gồm các thôn: Phước Giang, Đa Ngư, Lạc Long, Phú Lạc. Bộ máy Ủy ban Việt Minh và Ủy ban hành chính các xã như sau:

 

- Xã Thạch Bình:

 

Ủy ban Việt Minh: Đỗ Cường: Chủ nhiệm; Lê Lượng: Phó Chủ nhiệm.

 

Ủy ban hành chính: Nguyễn Quát: Chủ tịch; Nguyễn Quang Phước: Phó Chủ tịch; Phan Truật: thư ký

 

- Xã Bàn Hảo:

 

Ủy ban Việt Minh: Trần Mẫn: Chủ nhiệm; Lưu Ngọ: Phó Chủ nhiệm.

 

Ủy ban hành chính: Bùi Cương: Chủ tịch; Nguyễn Tấn Ích: Phó Chủ tịch; Nguyễn Giáo: ủy viên quân sự; Nguyễn Đồng Khoa: thư ký.

 

- Xã Tân Định:

 

Ủy ban hành chính: Nguyễn Huân: Chủ tịch, sau một thời gian (1947) đồng chí Nguyễn Hữu Thế làm Chủ tịch; Huỳnh Ngọc Lâm: Phó Chủ tịch; Lê Xuân Thiện: thư ký; Ngô Đào: ủy viên quân sự.

 

- Xã Đồng Tâm:

 

Ủy ban Việt Minh: Đặng Văn Cang: Chủ nhiệm; Đào Khánh: Phó Chủ nhiệm: Lê Đức Tân: Phó Chủ nhiệm Việt Minh làng Phước Lạc.

 

Ủy ban hành chính: Nguyễn Kỳ Thiệp: Chủ tịch; Võ Tấn Long: ủy viên quân sự; Võ Tùng Thanh: thư ký.

 

Các chi bộ Đảng cũng được tổ chức kịp thời để lãnh đạo việc kháng chiến - kiến quốc tại xã.

 

Ngày 24/3/1946, Chi bộ Đảng Bàn Hảo - Đồng Tâm (chi bộ ghép) được thành lập, đồng chí Đặng Viết Hồng thay mặt cấp trên tổ chức chi bộ đầu tiên, chi bộ gồm 3 đồng chí: Bùi Cương, Đặng Văn Cang, Đào Kha do đồng chí Bùi Cương làm Bí thư. Ngày 24/4/1946, Huyện ủy Tuy Hòa tổ chức lễ thừa nhận chính thức chi bộ.

 

Tháng 6/1946, Chi bộ Đảng Thạch Bình được thành lập (do Đảng ủy Khu 6 tổ chức và bàn giao cho Huyện ủy Tuy Hòa) gồm các đồng chí: Đỗ Như Dạy, Đỗ Cường, Lê Lượng và Nguyễn Trọng Bình do đồng chí Đỗ Như Dạy làm Bí thư.

 

Tháng 8/1946, Chi bộ Đảng Tân Định được thành lập gồm các đồng chí: Đinh Tấn Sĩ, Nguyễn Huân, Võ Xuân Lan, Lê Nhâm do đồng chí Đinh Tấn Sĩ làm Bí thư. Đến tháng 6/1946, Huyện ủy Tuy Hòa tách chi bộ ghép Bàn Hảo - Đồng Tâm ra làm 2 chi bộ để lãnh đạo 2 xã.

 

Nhiều đồng chí được kết nạp Đảng trong năm 1946, tham gia lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống Pháp trong những ngày đầu như Bùi Cương, Đặng Văn Cang, Lưu Nghiệp, Phan Tiến Du, Lưu Ngọ, Đoàn Phước, Phan Tiên Nam, Lê Đức Lang, Nguyễn Khâm, Nguyễn Oanh, Trần Mẫn, Lê Nhâm, Lê Cầu, Võ Xuân Lan. Sau khi các chi bộ Đảng, bộ máy kháng chiến được thành lập và củng cố, mỗi xã mỗi thôn đều có tổ chức dân quân tự vệ, mỗi xã đều có một trung đội dân quân du kích. Tại xã Thạch Bình, riêng thôn Bàn Nham có 2 trung đội dân quân du kích do trưởng ban quân sự xã phụ trách.

 

Xã Bàn Hảo có 2 trung đội du kích nam và 2 tiểu đội nữ. Ban chỉ huy đại đội dân quân du kích xã Bàn Hảo do đồng chí Phan Tiên Nam làm đại đội trưởng, đồng chí Trần Giảng và Hoàng Trọng Nam làm đại đội phó, đồng chí Trần Đồng làm trung đội trưởng thôn Bàn Thạch, đồng chí Trần Quang Chiêu làm trung đội trưởng thôn Phước Lương, đồng chí Nguyễn Thị Trai làm tiểu đội trưởng tiểu đội 1, đồng chí Trương Thị Quế làm tiểu đội trưởng tiểu đội 2.

 

Hội mẹ chị binh sĩ do mẹ Phan Thị Thao làm Hội trưởng cũng hoạt động mạnh mẽ, lo cho bộ đội kháng chiến. Các mẹ, các chị tổ chức thăm hỏi bộ đội, nuôi thăm thương binh. Bộ đội hành quân qua làng, các mẹ, các chị lo nước uống, nấu cơm vắt cho bộ đội. Các cụ lão gia nhập bạch đầu quân, vận động thanh niên hăng hái gia nhập vệ quốc đoàn, tích cực luyện tập quân sự.

 

Hội cụ lão vận động tăng gia tự túc để kháng chiến, vận động giáo dục nhân dân tin vào kháng chiến thắng lợi. Tiêu biểu nhất là các cụ Nguyễn Lâm (Bàn Thạch), Đỗ Châu (Bàn Nham), Nguyễn Bộ (Thạch Tuân), Đoàn Ty (Phú Khê), Lưu Trâu (Phú Khê), Lê Thám (Phước Lạc)…

 

Thiếu niên nhi đồng tổ chức các đợt cổ động cho kháng chiến.

 

Chính quyền địa phương phối hợp cùng bộ đội tổ chức đua voi, bán vé cưỡi voi… để lấy tiền ủng hộ kháng chiến (đàn voi của bộ đội Khu 6 đóng ở Bàn Nham).

 

Tỉnh phát động “Tuần lễ đồng” để vận động nhân dân đóng góp nguyên liệu cho công binh xưởng sản xuất vũ khí. Ủy ban ủng hộ kháng chiến tại liên xã Thạch Bình, Bàn Hảo, Tân Định, Đồng Tâm được thành lập. Nhân dân mang những đồ dùng bằng đồng: mâm thau, nồi đồng, cả đèn thau thờ cúng đóng góp cho kháng chiến, nhiều gia đình xuống Phú Lạc gỡ đồng ở tàu Nhật bị chìm để mang về nộp cho Ủy ban ủng hộ kháng chiến.

 

Sau Ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, toàn tỉnh Phú Yên chia thành 6 chiến khu, các xã phía nam sông Đà Rằng là Chiến khu 1, Ủy ban kháng chiến các xã phát động tăng gia sản xuất, cày cấy hết diện tích; trừ gian bảo mật, giữ vững an ninh; xây dựng các chòi phát thanh; tiếp tế cho bộ đội; đi dân công phục vụ chiến trường; phá hoại giao thông để góp phần chặn định; tích cực chuẩn bị lực lượng để chống giặc giữ làng.

 

THÀNH NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek