Thứ Ba, 26/11/2024 04:24 SA
Phong trào cách mạng Hòa Xuân năm 1935-1945
Thứ Sáu, 14/07/2017 10:42 SA

Cuối năm 1935, đồng chí Nguyễn Chấn và đồng chí Lê Tấn Thăng được Tỉnh ủy Phú Yên phân công về tổng Hòa Đồng (ngày nay là 4 xã Hòa Xuân Đông, Hòa Xuân Tây, Hòa Xuân Nam, Hòa Tâm) hoạt động.

 

Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Chấn, những người thanh niên yêu nước tổng Hòa Đồng đã tham gia tổ chức thanh niên tiến bộ (thanh niên dân chủ), gồm các đồng chí Bùi Cương, Đặng Văn Cang, Đào Kha, Phan Tiên Du, Phan Tiên Nam, Lê Cầu, Lưu Nghiệp, Lưu Ngọ, Nguyễn Huân, Võ Xuân Lan, Phan Bá Khoản, Phan Khóa, Lê Lượng. Đồng chí Nguyễn Chấn phân công đồng chí Nguyễn Liêm, phái viên liên lạc của Tỉnh ủy thường xuyên về tổng Hòa Đồng.

 

Đồng chí Nguyễn Chấn (Tỉnh ủy viên 1936-1939, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên năm 1951) được Tỉnh ủy phân công về tổng Hòa Đồng (Hòa Xuân) hoạt động năm 1935 - Ảnh: TƯ LIỆU

 

Những thanh niên yêu nước tổng Hòa Đồng còn tổ chức được Hội Đọc sách báo Hảo Tâm gồm 25 hội viên là thanh niên và nông dân, phổ biến rộng rãi những tờ báo cách mạng như Sông Hương, Nhành Lúa, Đời Mới, Đời Nay, Tiếng Dân, Hà Thành thời báo, Dân Chúng, Dân Muốn và một số sách tiểu thuyết có nội dung hiện thực của Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố như Bước đường cùng, Tắt đèn, Ngựa đã thuần mời ngài lên.

 

Ngoài sách báo công khai, dưới sự lãnh đạo của Đảng (thông qua các đồng chí Nguyễn Chấn, Nguyễn Liêm), các tổ chức đoàn thể cách mạng tại tổng Hòa Đồng còn khuyến khích và tổ chức cho thanh niên học sinh đọc sách chính trị nói về đấu tranh giai cấp, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, đặc biệt là tập sách “Vấn đề dân cày” của Qua Ninh (Trường Chinh) và Vân Đình (Võ Nguyên Giáp). Ở tổng Hòa Đồng còn có Hội Đá bóng quy tụ các hội viên Phan Văn Hiệu, Đỗ Như Bút, Đỗ Như Dạy, Lưu Ngọ, Lê Đức Vân, Nguyễn Hưng Nhơn, Nguyễn Chuyên, Nguyễn Hành… tại sân bóng đá Vườn Thành ở xã Bàn Nham.

 

Trong những năm 1935-1940, những người yêu nước tổng Hòa Đồng đã sớm tiếp cận với lý tưởng cộng sản và tập hợp vào một tổ chức quần chúng cách mạng. Được Đảng giác ngộ, nhân dân tổng Hòa Đồng đã đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, chống bọn lý hương cường hào thu thuế đinh, thuế điền quá nặng.

 

Những hình thức đấu tranh của nhân dân Hòa Xuân trong thời kỳ này rất phong phú. Trong cuộc vận động thu thập ý nguyện nhân dân gởi phái đoàn điều tra của Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp, nhân dân tổng Hòa Đồng đã ký tên vào bản dân nguyện nêu những quyền lợi thiết thực của người lao động bị xâm hại, đồng thời tố cáo tội ác của thực dân Pháp. Sau cuộc vận động ký tên vào bản Dân nguyện, tháng 8/1937, theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, khắp Hòa Xuân diễn ra cuộc vận động dồn phiếu cho ông Phạm Đàm là nhân sĩ trí thức tiến bộ trúng cử vào Nghị viện Trung Kỳ (ông Trương Bội Hoàng rất cay cú vì bị thất cử).

 

Đồng chí Bùi Cương, Chủ nhiệm Ủy ban Việt Minh tổng Hòa Đồng tháng 9/1945, Bí thư Chi bộ đầu tiên - Ảnh: TƯ LIỆU

 

Tháng 9/1939, chiến tranh Thế giới thứ 2 bùng nổ. Ngày 28/9/1939, toàn quyền Đông Dương Catroux ra nghị định giải tán các tổ chức nghiệp đoàn và Hội Tương tế, Hội Ái hữu. Ngày 5/10/1939, Chính phủ Nam Triều ra đạo dụ cấm hội họp, cấm tuyên truyền cộng sản, tịch thu sách báo tiến bộ. Tại phủ Tuy Hòa, thực dân Pháp mở đầu cuộc khủng bố đàn áp bằng việc khám nhà và bắt giam đồng chí Huỳnh Nựu, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, sau đó chúng bắt hơn 30 người nữa gồm nhiều đảng viên và quần chúng cốt cán.

 

Năm 1940, đồng chí Nguyễn Thái (quê Quảng Nam), là cán bộ thoát ly bị địch truy nã gắt gao từ Sài Gòn về làng Thạch Tuân ẩn tại nhà ông Ngô Đào (còn gọi là giáo Đào), được ông Ngô Đào và quần chúng yêu nước che giấu nuôi dưỡng gần một năm. Đồng chí Nguyễn Thái đóng vai thợ mộc, thành lập trại mộc ở nhà ông Ba Lang để tiện hoạt động.

 

Do kẻ địch kiểm soát quá gắt gao, đưa cả lính phủ về làng khám xét nên đồng chí Nguyễn Thái phải tạm lánh vào làng Hảo Sơn nhờ gia đình ông Nguyễn Phong nuôi giấu. Trong thời gian này, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Bí thư Thị ủy Hội An, Tỉnh ủy viên Quảng Nam, thỉnh thoảng có vào Thạch Tuân liên lạc với các đồng chí Nguyễn Thái bàn biện pháp xây dựng cơ sở và xây dựng phong trào.

 

Tháng 2/1944, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Thái, ông Ngô Đào tuyên truyền về Mặt trận Việt Minh với các thanh niên yêu nước thôn Thạch Tuân như Võ Xuân Lan, Ngô Công Duy, Huỳnh Ngọc Lâm, Lê Xuân Thiên, Nguyễn Hữu Thế, Lê Công Uẩn… và hình thành Đoàn Thanh niên cứu quốc gồm những đồng chí trên tại làng Thạch Tuân. Đây là lực lượng nòng cốt tham gia cướp chính quyền tại làng Thạch Tuân trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

 

Ngoài tuyến của đồng chí Nguyễn Thái, sự chỉ đạo chính thức của Tỉnh ủy và Phủ ủy Tuy Hòa đối với tổng Hòa Đồng vẫn giữ vững thông qua đường dây liên lạc trực tiếp với đồng chí Nguyễn Chấn hoặc thông qua đồng chí Nguyễn Liêm cho đến ngày tổng khởi nghĩa tháng 8/1945.

 

Trong những năm 1940-1945, nhân dân tổng Hòa Đồng đã đấu tranh chống bọn quan lại, tổng lý bắt nông dân bán lúa, đậu phộng cho giặc Nhật. Để phục vụ chiến tranh xâm lược tại Đông Dương, phát xít Nhật ép nông dân bán lúa, bông, đậu phụng cho chúng với giá rẻ mạt. Để đối phó với giặc, nhiều nông dân tổng Hòa Đồng chuyển lúa cất giấu nơi khác. Có nông dân làm giấy cam đoan không trồng bông, đậu phộng để có cớ không bán cho Nhật. Nhân dân đã phản kháng đánh lại bọn lý hương làm tay sai cho phát xít Nhật đàn áp đánh đập nhân dân để buộc dân bán lúa, bán bông. Ông Lưu Nhạn ở Phú Khê đã chống lại bọn lý hương và không chịu bán.

 

Các chủ xe ngựa ở Bàn Thạch chống lệnh không chịu vận chuyển hàng hóa không công cho Nhật. Khi bị bọn quan lại Nam Triều bắt phạt vạ bằng tiền thì làm đơn kiện lên quan trên kiên quyết không chịu nộp phạt vạ cho chúng. Trong cuộc đấu tranh này, quần chúng cách mạng vận động cụ Ngô Luận (chánh tổng Hòa Đồng) tích cực tham gia. Cụ Ngô Luân đồng tình với nông dân ký đơn kêu kiện lên cấp trên xin bỏ lệnh thu mua bông và đậu phộng. Bà con đã đấu tranh cương quyết tẩy chay việc tuyển phu hành dịch cho Nhật ở Pleiku.

 

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, lập chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim. Trung ương Đảng đã kịp thời ra chỉ thị lịch sử: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tại tổng Hòa Đồng, bà con quan tâm theo dõi tình hình và luôn hướng về cách mạng, đồng thời bày tỏ sự phẫn uất đối với bọn giặc Nhật dã man.

 

Tại thôn Phước Giang, đồng chí Đặng Viết Hồng cán bộ Việt Minh (người Hà Tĩnh) trong vai thầy thuốc Bắc cùng ông Đặng Văn Cang - lý trưởng làng Phước Giang (có xu hướng cộng sản) tuyên truyền nhân dân về tội ác của phát xít Nhật. Một quả bom của Đồng Minh rơi tại xóm dưới thôn Lạc Long làm chết bà Nứt (em ruột đồng chí Đỗ Thất). Nhân dân hướng về Mặt trận Việt Minh, hưởng ứng lời kêu gọi của cán bộ Việt Minh.

 

Tháng 5/1945, tổ chức Đảng ở nhà lao Buôn Ma Thuột phân công 4 đồng chí về Phú Yên hoạt động do đồng chí Trương Kiểm phụ trách. Sau đó, một số đồng chí ở nhà tù Buôn Ma Thuột tiếp tục về Phú Yên hoạt động. Đồng chí Trương Kiểm phân công đồng chí Đặng Viết Hồng (người Hà Tĩnh) là tù chính trị ở Buôn Ma Thuột về Hòa Xuân trú tại nhà anh Đàm Vĩnh Long, thôn Bàn Nham để vận động quần chúng chuẩn bị tổng khởi nghĩa.

 

Trong thời gian này có một số chính trị phạm ở nhà lao Côn Đảo cùng tìm về Phú Yên bắt liên lạc với Tỉnh ủy lâm thời về cơ sở hoạt động. Trong số này có đồng chí Trần Quỳnh (sau này là Phó Thủ tướng Chính phủ) về Hòa Xuân cũng tham gia phát động quần chúng với đồng chí Đặng Viết Hồng.

 

Ngày 17/7/1945, Tỉnh ủy lâm thời tổ chức Đại hội Việt Minh tỉnh ở làng Phước Hậu, xã Bình Kiến để bàn việc chuẩn bị tổng khởi nghĩa.

 

Được lệnh của Tỉnh bộ Việt Minh, nhân dân tổng Hòa Đồng đứng lên tổng khởi nghĩa, cướp chính quyền. Nhà nhà, người người khí thế sôi sục, hồ hởi may cờ đỏ sao vàng, trang bị gậy gộc triệt hạ bộ máy chính quyền tổng và các làng, xã chỉ trong một ngày, bắt bọn chánh tổng, lý hương phải giao nộp đồng triện, hồ sơ hộ tịch, đinh điền và tài sản công. Đồng thời tham gia cùng các đoàn biểu tình kéo về phủ Tuy Hòa chiếm phủ đường, nhà bưu điện.

 

Tại phủ Tuy Hòa, ngày 25/8/1945, ta chiếm đồn khố xanh, thu nhiều súng. Binh sĩ đều ngả theo cách mạng. Nhà dây thép (bưu điện), phủ đường đều do cách mạng chiếm giữ. Hàng ngàn quần chúng tuần hành biểu tình thị uy, hô vang khẩu hiệu “Đả đảo phát xít Nhật”, “Đả đảo chính phủ Trần Trọng Kim”, “Việt Nam độc lập muôn năm”. Trước đó, tri phủ Tuy Hòa Hồ Đắc Giai hoảng sợ chạy trốn. Mấy ngày sau, cách mạng tìm được Hồ Đắc Giai, buộc ông ta phải giao ấn tín, tài liệu và công quỹ trên 1.000 đồng Đông Dương.

 

Ngày 31/8/1945, UBND Cách mạng lâm thời phủ Tuy Hòa do đồng chí Trần Suyền làm Chủ tịch được thành lập, đồng chí Trần Đình San làm ủy viên quân sự, đồng chí Trần Quỳnh làm Chủ nhiệm Việt Minh.

 

Tại tổng Hòa Đồng, Mặt trận Việt Minh phân công đồng chí Đặng Viết Hồng về địa phương xây dựng chính quyền và mặt trận, đồng thời chuẩn bị tích cực phát triển Đảng để thành lập chi bộ Đảng đầu tiên. Ông Phan Bá Từ được cử làm Chủ tịch tổng Hòa Đồng. Ông Đàm Vĩnh Long được phân công làm thư ký Ủy ban Việt Minh, ông Bùi Cương được phân công làm ủy viên. Ủy ban Việt Minh tổng Hòa Đồng (khu vực phía nam sông Bàn Thạch) ra sức tổ chức các đoàn thể cứu quốc như: Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc và các đội tự vệ làng để bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ. Các đội tự vệ của ta đã chặn xe và đấu tranh với quân Nhật không cho họ vận chuyển đường trắng ở Đồng Bò chuyển đi nơi khác. Đoàn xe Nhật bị chặn ở Bàn Thạch đến Hảo Sơn. Lính Nhật phải bỏ lại hàng hóa và xin phép chính quyền ta mới được đi.

 

Như vậy, trước Cách mạng Tháng Tám 1945, Tỉnh ủy Phú Yên phân công một số đảng viên về tổng Hòa Đồng hoạt động ở những thời điểm khác nhau để tuyên truyền vận động quần chúng và thành lập các tổ chức quần chúng do Đảng lãnh đạo.

 

Ngày 2/9/1945, hàng ngàn bà con tổng Hòa Đồng phấn khởi cầm cờ đỏ sao vàng, băng rôn, khẩu hiệu tập trung về phủ tại sân Hội Ích Trí dự mít tinh đón mừng bản tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. 

 

THÀNH NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek