Tiểu đoàn 13, tiền thân là Tiểu đoàn bộ binh 6 (d6) của Trung đoàn 95 (e95), Sư đoàn 325 (f325) Quân khu 4. Ngày 20/11/1964, e95 được lệnh vào miền Nam chiến đấu. Sau 65 ngày đêm hành quân từ Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) vào đến tỉnh Gia Lai, trung đoàn nhanh chóng ổn định, tổ chức đánh địch tại Đường 19, tiêu diệt địch ở đồn Ca Nắc (Gia Lai), đánh địch ở Phù Cát (Bình Định), hành quân lên Đắk Lắk đánh địch ở Thuận Mẫn, Đường 21 kéo dài…
Đầu tháng 8/1965, tiểu đoàn về Phú Yên theo mệnh lệnh của Quân khu 5. Do yêu cầu giữ bí mật, e95 được đổi phiên hiệu thành Trung đoàn 10 (e10, Trung đoàn Ngô Quyền), 3 tiểu đoàn bộ binh 4, 5, 6 thuộc trung đoàn đổi tên thành d11, d12, d13; các đơn vị trực thuộc giữ nguyên phiên hiệu.
Trên chiến trường Phú Yên trong đội hình chiến đấu của e10, d13 đã tham gia đánh địch trên khắp các địa bàn của tỉnh, tiêu biểu có các trận đánh như: Tháng 10/1965 đánh bại Trung đoàn 47 ngụy Sài Gòn, chặn đứng ý đồ càn quét, cướp lúa ở cánh đồng Tuy Hòa 1. Đầu tháng 11/1965, cơ động về Tuy An, tổ chức vận động phục kích tiêu diệt Chiến đoàn 47 ngụy trên quốc lộ 1 đoạn từ đèo Quán Cau (xã An Hiệp) đến Hòn Dung (xã An Chấn), diệt hàng trăm tên địch và gần 100 xe quân sự các loại. Đây là trận đánh phối hợp giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương đạt hiệu suất chiến đấu cao, làm cho quân địch hoang mang giao động, tạo điều kiện cho nhân dân vùng lên phá ấp chiến lược về lại làng cũ, giải phóng vùng đồng bằng rộng lớn của tỉnh Phú Yên.
Thất bại trong chiến lược Chiến tranh đặc biệt, mùa khô năm 1965-1966 đế quốc Mỹ tiến hành Chiến tranh cục bộ, ồ ạt đưa quân Mỹ và chư hầu vào miền Nam Việt Nam, mở cuộc phản công chiến lược trên toàn miền Nam bằng chiến dịch 5 mũi tên. Phú Yên là một hướng chiến trường trọng điểm, chúng đã đổ vào đây 12 tiểu đoàn Mỹ, 6 tiểu đoàn chư hầu Nam Triều Tiên và lực lượng ngụy quân, ngụy quyền hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng; nhưng đã bị 2 trung đoàn chủ lực của ta là e20 (Trung đoàn Hưng Đạo) và e10 (Trung đoàn Ngô Quyền) cùng với quân và dân Phú Yên chặn đánh tiêu hao, tiêu diệt. Điển hình là trận đánh quân Mỹ đổ bộ bằng trực thăng xuống gò Thì Thùng (xã An Xuân) tiêu diệt hàng trăm tên Mỹ, bắn rơi và bắn cháy 13 máy bay. Sau đó là các trận đánh ác liệt với quân Mỹ và Nam Triều Tiên ở Trường Lạc Sơn Thành, Hòa Thịnh, Hòa Mỹ (Tuy Hòa 1), Ma Lào, Ma Lẫm (Sơn Hòa), Hóc Bà Chiền (Đồng Xuân)…
Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, d12 đánh địch ở TX Tuy Hòa, lực lượng còn lại của e10 cơ động ra đèo Cù Mông (Sông Cầu) chặn đánh, cắt đứt đường số 1 không cho lực lượng của Sư đoàn Mãnh Hổ (Nam Triều Tiên) từ Bình Định vào chi viện cho quân địch ở chiến trường Phú Yên, tiêu diệt hàng trăm tên địch và hàng chục xe quân sự.
Đầu năm 1969, d13 cùng với lực lượng còn lại của trung đoàn tổ chức đánh địch ở Tổng Đạt (Tuy Hòa 2). Suốt 7 ngày đêm chiến đấu, đơn vị đã đánh bại trận càn quét của Trung đoàn 47 ngụy, Lữ đoàn dù 173 Mỹ và lực lượng của Sư đoàn Bạch Mã (Nam Triều Tiên).
Tháng 7/1969, do yêu cầu nhiệm vụ, e10 được lệnh điều động vào chiến trường miền Đông Nam Bộ, để lại d13, các đơn vị trực thuộc và một bộ phận cán bộ bổ sung cho Tỉnh đội Phú Yên. Từ đó, d13 trở thành tiểu đoàn chủ lực cơ động của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh Phú Yên từ Sông Cầu đến Tuy Hòa 1, từ miền biển Tuy An đến miền núi Sơn Hòa, Đồng Xuân, ở đâu cũng có dấu chân của cán bộ, chiến sĩ d13. Đơn vị đã trực tiếp tham gia chiến đấu hàng trăm trận đánh, điển hình như các trận đánh chống càn ở Trại Cháy (Sơn Xuân, Sơn Hòa); An Xuân, An Lĩnh (Tuy An)...; tập kích tiêu diệt đại đội Nam Triều Tiên ở đồi Đá Ong (Sơn Xuân); tiêu diệt đại đội Bảo an ở Hòn Ngang (An Nghiệp, Tuy An), Hòn Chùa (Xuân Sơn); tiêu diệt gọn đại đội biệt kích Đồng Tre - khét tiếng gian ác; hai lần tham gia giải phóng Xuân Phước năm 1972 và năm 1974 diệt hàng trăm tên, buộc địch phải rút chạy giải phóng 2 xã Xuân Quang và Xuân Phước (Đồng Xuân). Tháng 6/1971, tiểu đoàn tập kích và trụ lại đánh địch ở ấp Bắc Lý (Củng Sơn, huyện Sơn Hòa). Hơn 40 ngày đêm, tiểu đoàn trụ bám đánh địch giành dân, giữ đất ở xã Hòa Bình (nay là thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa) vào mùa xuân năm 1973 khi Hiệp định Paris được ký kết.
Mùa xuân năm 1975, tiểu đoàn vinh dự được giao nhiệm vụ tập kích cứ điểm Cầu Cháy (Hòa Đồng, Tuy Hòa...) là mục tiêu trọng yếu của chiến dịch. Sau khi hoàn thành tiêu diệt cứ điểm, đơn vị cơ động ra xã Hòa Phong cùng với các đơn vị bạn chặn đánh địch từ Tây Nguyên xuống Phú Yên làm nên chiến thắng Đường 5 lịch sử, tiêu diệt, bắt sống hàng trăm tên địch. Ngày 1/4 cùng với các đơn vị bạn, tiểu đoàn trực tiếp tấn công đánh chiếm quận lỵ Hiếu Xương (Phú Lâm), Trung tâm Chiêu hồi và bắc sân bay Đông Tác, góp phần giải phóng hoàn toàn tỉnh Phú Yên vào ngày 1/4/1975.
Sau đó, tiểu đoàn bắt tay vào nhiệm vụ tháo gỡ bom mìn, khai hoang phục hóa cánh đồng Lạc Chỉ (Hòa Mỹ, Tuy Hòa), giao cho địa phương đưa nhân dân về làng cũ, sản xuất, làm ăn, ổn định cuộc sống. Tháng 12/1976, đơn vị được lệnh giải thể, một bộ phận cán bộ chiến sĩ được bổ sung cho các đơn vị thuộc Tỉnh đội Phú Khánh, số còn lại phục viên chuyển ngành. Đã có hàng chục lượt tập thể và hàng trăm cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công và các phần thưởng cao quý khác.
Hơn 10 năm chiến đấu trên chiến trường lúc còn trong đội hình e10 (Ngô Quyền) hay về Tỉnh đội Phú Yên, dù ở đâu, trong điều kiện hoàn cảnh nào, tiểu đoàn cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà. Gắn với những chiến công to lớn của tiểu đoàn trong hơn 10 năm chiến đấu và công tác khắp các chiến trường trong tỉnh, đã có hơn 500 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và hàng trăm đồng chí bị thương.
Từ cái nôi của d13, nhiều đồng chí đã phấn đấu trở thành cán bộ cao cấp của quân đội, của các cơ quan Trung ương và địa phương trong cả nước. Dù ở đâu, làm gì, cán bộ, chiến sĩ d13 đều phát huy bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, ra sức xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.
Trong thời gian qua, các cựu chiến binh d13 đã làm được nhiều việc có ý nghĩa như: Tích cực tìm được hàng chục mộ liệt sĩ đưa về quê hoặc đưa vào nghĩa trang liệt sĩ an táng; cung cấp hàng trăm thông tin về liệt sĩ của tiểu đoàn cho thân nhân và các đồng đội; đóng góp hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà cho đồng đội; thường xuyên liên lạc, thăm hỏi và giúp đỡ nhau cả vật chất lẫn tinh thần khi đồng đội gặp khó khăn, hoạn nạn.
Ban liên lạc truyền thống tiểu đoàn đã duy trì được mối liên hệ và là cầu nối với anh chị em, các gia đình liệt sĩ của tiểu đoàn đang sinh sống trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Để tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh trong trận đánh ấp Bắc Lý, Ban liên lạc tiểu đoàn phối hợp với thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa tổ chức cúng giỗ tại mộ tập thể 57 liệt sĩ ở Bắc Lý vào ngày 18/6 hàng năm, để lại ấn tượng tốt đẹp với lãnh đạo và nhân dân địa phương.
Đại tá LƯU CÔNG THỤC
Nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 13