Thứ Ba, 26/11/2024 06:33 SA
Tên đất, tên làng xưa dưới chân núi Đá Bia
Thứ Sáu, 02/06/2017 07:44 SA

Núi Đá Bia (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa) - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

Dưới chân núi Đá Bia là các làng thuộc tổng Hòa Đồng xưa. Năm 1611, phủ Phú Yên chính thức được thành lập gồm 2 huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa (hữu ngạn sông Đà Rằng), lúc đầu toàn phủ có 38 thuộc (đơn vị tương đương cấp tổng). Sau một thời gian, hầu hết đơn vị hành chính cấp thuộc đều bãi bỏ, chỉ còn thuộc Hà Bạc.

 

Địa bạ Phú Yên lập từ năm Gia Long 14-15 (1815-1816), truy dụng năm Minh Mệnh 11-12 (1830-1831) hiện còn lưu trữ tương đối tốt và đầy đủ.

 

Huyện Tuy Hòa có ba tổng: Tổng Thượng, Tổng Trung, Tổng Hạ, bao gồm 20 làng (4 xã, 16 thôn. Làng lớn gọi là xã, làng nhỏ gọi là thôn).

 

4 xã Hòa Xuân Đông, Hòa Xuân Tây, Hòa Xuân Nam, Hòa Tâm ngày nay thuộc Tổng Hạ huyện Tuy Hòa bao gồm các xã, thôn: Bàn Thạch xã, Bàn Thạch Đông thôn, Mỹ Khê thôn, Nam Bình thôn, Thạch Chẩm thôn, Thạch Khê thôn, Thạch Lương thôn, Phước Hồng thôn, An Nông thôn.

 

Năm 1832, vua Minh Mạng sắp xếp lại các đơn vị hành chính trong cả nước, Tổng Hạ huyện Tuy Hòa giải thể. Các làng thuộc Tổng Hạ sáp nhập với một số làng ở Tổng Trung và 4 làng thuộc Hà Bạc (trừ làng Phường Câu còn gọi là Phú Câu ở bắc sông Đà Rằng, nay là phường 6, TP Tuy Hòa) lập thành tổng Hòa Đa.

 

Năm 1832, vua Minh Mạng đổi rất nhiều tên làng trong cả nước. Một số làng phía nam sông Bàn Thạch được đổi tên như sau:

 

Bàn Thạch Đông thôn đổi tên là Bàn Nham thôn; Mỹ Khê thôn đổi tên là Phú Khê thôn, Thạch Khê thôn đổi tên là Thạch Tuấn thôn (nay là Thạch Tuân), Phước Hồng thôn đổi tên là Phước Giang thôn, An Nông thôn đổi tên là Lạc Nông thôn (nay là Lạc Long).

 

Năm 1899 (năm Thành Thái 12), huyện Tuy Hòa được thăng thành phủ Tuy Hòa. Tổng Hòa Đa được chia thành hai tổng: tổng Hòa Đa và tổng Hòa Đồng. Theo thống kê trước năm 1945, tổng Hòa Đồng có diện tích 159km2, dân số 10.656 người bao gồm các làng phía nam sông Bàn Thạch của tổng Hòa Đa cũ.

 

Từ năm 1899 đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tổng Hòa Đồng bao gồm các làng: Bàn Thạch xã, Bàn Nham thôn, Phú Khê thôn, Thạch Tuân thôn, Nam Bình thôn, Thạch Chẩm thôn, Thạch Lương thôn, Hảo Sơn thôn, Phước Giang thôn, Lạc Nông thôn và hai thôn thuộc Hà Bạc sáp nhập vào tổng Hòa Đồng: Đa Ngư thôn, Phú Lạc thôn và 6 ấp hộ: Tuy Bình, Tuy Tịnh, Tuy Phú, Tuy Đức, Tuy Nham, Tuy Sơn.

 

Địa bạ triều Nguyễn đã miêu tả các làng như sau:

 

An Nông thôn: Thời mở đất có tên là An Nông thôn (thôn An Nông). Năm 1832, địa danh An Nông đổi tên là Lạc Nông. Sau Cách mạng Tháng Tám đổi tên là Lạc Long.

 

Lạc Long ở phía nam sông Bàn Thạch, phía đông giáp bãi biển, phía tây có một dòng sông nhỏ hướng nam - bắc chảy vào sông Bàn Thạch. Phía nam giáp núi Hòn Bà trong dãy Thạch Bi (Đá Bia) cao 586m. Phía tây nam núi Hòn Bà là núi Đá Bia (706m) tên chữ là Thạch Bi Sơn. Dân gian còn gọi là núi Ông Bia hay hòn Ông Bia (Hòn Ông) - đối xứng với Hòn Bà.

 

Địa bạ triều Nguyễn lập năm 1815-1816 ghi rõ: An Nông thôn có diện tích sở hữu 82 mẫu 0 sào 12 thước, trong đó tư điền 61 mẫu 0 sào 12 thước (thực trưng 50 mẫu 8 sào 12 thước, lưu hoang 10 mẫu 1 sào 14 thước), đất cát kết hợp gia cư 5 mẫu, đất hoang nhàn 16 mẫu.

 

Bàn Thạch xã: Đông giáp Mỹ Khê thôn (năm 1832 đổi tên là Phú Khê) và Thạch Khê thôn (năm 1832 đổi tên là Thạch Tuấn); tây giáp Bàn Thạch Đông thôn (năm 1832 đổi tên là Bàn Nham) và Thạch Lương thôn; nam giáp núi; bắc giáp sông và Thạch Lương thôn. Địa bạ ghi rõ: Bàn Thạch xã có diện tích 296 mẫu và 7 sào 6 thước 8 tấc. Trong đó tư điền 296 mẫu 2 sào 6 thước 8 tấc (lưu hoang 296 mẫu 1 sào 3 thước 8 tấc; thực trưng một sào 3 thước), tư thổ 5 sào (trồng dâu). Phần tư điền của người nơi khác 10 mẫu 6 sào 7 thước (thực trưng 2 mẫu 7 sào 7 thước, lưu hoang 7 mẫu 8 sào 14 thước.

 

Bàn Nham thôn: Tên cũ là Bàn Thạch Đông thôn. Năm 1832 đổi tên là Bàn Nham thôn. Đông giáp địa phận xã Bàn Thạch, lấy suối Cát làm ranh giới; tây giáp Thạch Chẩm thôn lấy núi làm ranh giới; nam giáp núi; bắc giáp sông Đà Nông (sông Bàn Thạch). Bàn Nham thôn có diện tích 782 mẫu 1 sào, trong đó tư điền 760 mẫu 2 sào 12 thước (thực trưng 65 mẫu 8 sào, 3 thước; lưu hoang 694 mẫu 4 sào 4 thước); tư thổ (trồng dâu) 4 mẫu 7 sào 9 thước; mộ địa (đất làm mồ mả có 8 khoảnh gồm 8 mẫu 9 sào 6 thước; đất hoang nhàn kết lập gia cư 8 mẫu 2 sào 1 thước; tư điền của người nơi khác tới 7 mẫu 2 sào 4 thước (thực trưng 3 mẫu 0 sào 9 thước; lưu hoang 4 mẫu 1 sào 10 thước). Đường thiên lý xưa (nay là quốc lộ 1) đi qua Bàn Nham 790 tầm (một tầm khoảng 1 thước).

 

Trước khi có cầu, đường thiên lý nối với phía bắc sông bằng bến đò Trường Thịnh (tên làng ở phía bắc sông Bàn Thạch). Năm 1923, người Pháp xây dựng cầu xi măng cốt thép bắc qua sông có tên cũ là cầu Bàn Thạch (theo nguyên tắc chuyển hóa trong cấu tạo địa danh; sông Bàn Thạch - cầu Bàn Thạch, Bàn Thạch Đông thôn (Bàn Nham) - cầu Bàn Thạch).

 

Ngay đầu cầu Bàn Thạch có chợ Bàn Thạch buôn bán sầm uất. Đại Nam Nhất thống chí ghi là chợ Bàn, nơi giao lưu buôn bán nông thổ sản, gia cầm (gà, vịt) và cá đồng, lươn, ếch…

 

Phú Khê thôn: tên cũ là Mỹ Khê thôn. Năm 1832 đổi tên là Phú Khê thôn, thuộc tổng Hòa Đa huyện Tuy Hòa. Năm 1899 thuộc tổng Hòa Đồng phủ Tuy Hòa.

 

Phú Khê thôn phía đông giáp sông Bàn Thạch: phía tây giáp Bàn Thạch xã, lấy đường đá làm ranh giới; phía nam giáp núi; phía bắc giáp địa phận thôn Thạch Khê (nay là Thạch Tuân), có lập cột gỗ làm ranh giới. Phú Khê thôn có diện tích sở hữu 400 mẫu 4 sào 8 thước hoàn toàn là tư điền (ruộng tư) gồm thực trưng 26 mẫu 0 sào 11 thước, lưu hoang 374 mẫu 3 sào 12 thước.

 

Tư điền của người nơi khác tới: 5 mẫu 8 sào 7 thước (thực trưng 2 mẫu 9 sào 2 thước; lưu hoang 2 mẫu 9 sào 5 thước).

 

Phú Khê thôn nằm ở phía tây sông Bàn Thạch, đoạn này sông chảy theo hướng tây bắc - đông nam, có một con mương nối sông chính với sông nhánh. Phía nam Phú Khê thôn là sông Ván. Đường thiên lý xưa đi qua Phú Khê 921 tầm. Đại Nam nhất thống chí ghi: đường thiên lý qua Phú Khê có hai cầu: cầu Phú Khê 5 sở (nhịp) với độ dài mỗi sở 50 thước, 70 thước, 11 thước, 75 thước và 10 thước. Cầu Mỹ Khê cũng có 5 sở tương ứng với độ dài mỗi sở là 48 thước, 36 thước, 18 thước, 25 thước và 60 thước.

 

Đầu thế kỷ XX đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tại Phú Khê có trạm bưu điện do người Pháp xây dựng. Tại Phú Khê thôn có ngôi chùa Linh Sơn.

 

Nam Bình thôn: Địa bạ triều Nguyễn miêu tả: đông giáp địa phận Thạch Chẩm thôn, có lập cột gỗ làm ranh giới; tây giáp núi, nam giáp núi; bắc giáp sông. Nam Bình thôn có diện tích sở hữu 114 mẫu 3 sào 1 thước, trong đó tư điền 95 mẫu 8 sào 8 thước (thực trưng 21 mẫu 1 sào 1 thước; lưu hoang 74 mẫu, 7 sào 7 thước); tư khổ 0 mẫu 6 sào; mộ địa 1 mẫu 5 sào; đất cát kết lập gia cư 10 mẫu (2 khoảnh), đất ho­ang nhàn 6 mẫu 3 sào; quan điền cho nơi khác 12 mẫu (thực trưng 4 mẫu, lưu hoang 8 mẫu); tư điền của người nơi khác 6 mẫu 4 sào, 3 thước.

 

Do địa thế ba mặt giáp sông, giáp núi, Nam Bình thôn được bồi đắp phù sa rất thuận lợi phát triển nông nghiệp.

 

Phước Giang thôn: tên cũ là Phước Hồng thôn. Năm 1832 được đổi tên là Phước Giang thôn thuộc tổng Hòa Đa huyện Tuy Hòa. Năm 1899, Phước Giang thuộc tổng Hòa Đồng phủ Tuy Hòa. Phước Giang thôn tứ cận (đông, tây, nam, bắc) đều giáp sông. Diện tích canh tác (đất gò kết lập gia cư) chỉ có 2 mẫu.

 

Thạch Chẩm thôn: Đông giáp Bàn Thạch thôn (Bàn Nham), lấy núi làm ranh giới. Tây giáp địa phận Nam Bình thôn, có lập cột gỗ làm ranh giới, nam giáp núi, bắc giáp sông. Diện tích canh tác sở hữu 337 mẫu 8 sào 10 thước. Trong đó tư điền 331 mẫu 6 sào 8 thước (thực trưng 36 mẫu 3 sào 7 thước, lưu hoang 295 mẫu 3 sào 1 thước), tư thổ 1 mẫu, thổ phụ hoang nhàn kết lập gia cư 2 mẫu 2 sào 2 thước, mộ địa 3 mẫu (3 khoảnh), tư điền của người nơi khác 3 mẫu. Năm 1815, Thạch Chẩm thôn thuộc tổng Hòa Đa huyện Tuy Hòa. Năm 1899 thuộc tổng Hòa Đồng phủ Tuy Hòa.

 

Thạch Chẩm thôn có chùa Phước Long được xây dựng cuối thế kỷ XVIII, hiện còn long vị hai thiền sư đời thứ 43 phái Lâm Tế là hòa thượng Thiện Minh và Thiện Chánh.

 

Trong phong trào yêu nước chống thuế tại Phú Yên năm 1908 do các ông Nguyễn Hữu Dực, Lê Hanh, Huỳnh Tấn Phòng… lãnh đạo, nhân dân thôn Thạch Chẩm tham gia rất tích cực. Các ông Nguyễn Tấn Thảo và Đỗ Văn Châu (đều sinh năm Đinh Tỵ 1857) là hạt nhân lãnh đạo của phong trào này bị thực dân Pháp bắt giam, tra tấn dã man và hy sinh tại nhà lao Sông Cầu năm 1908.

 

Thạch Khê thôn (Thạch Tuân): Địa danh Thạch Khê có từ thời mở đất. Năm 1832, Thạch Khê đổi tên là Thạch Tuấn, sau Cách mạng Tháng Tám gọi là Thạch Tuân.

 

Theo Địa bạ triều Nguyễn, Thạch Khê thôn có hai giáp. Giáp Nhất: đông giáp sông, tây giáp địa phận Bàn Thạch xã, nam giáp địa phận Mỹ Khê thôn (Phú Khê), bắc giáp sông. Giáp Nhị: đông giáp núi, tây giáp suối, nam giáp núi, bắc giáp sông. Toàn diện tích sở hữu 174 mẫu 4 sào, trong đó quan điền trang trại 26 mẫu, tư điền 148 mẫu 1 sào (thực trưng 6 mẫu 8 sào, lưu hoang 141 mẫu 3 sào), tư thổ 3 sào, tư điền của người khác 8 mẫu 4 sào 2 thước (thực trưng 4 mẫu 8 sào 9 thước, lưu hoang 3 mẫu 5 sào 8 thước).

 

Đường thiên lý qua Thạch Tuân 2315 tầm. Đường sắt xuyên Việt qua Thạch Tuân có cầu Thạch Tuân và ga Thạch Tuân. Tại Thạch Tuân có chùa Đông Long. Thạch Lương thôn: Đông, tây và nam giáp Bàn Thạch xã, có lập cột gỗ làm ranh giới, phía bắc giáp sông. Toàn diện tích canh tác (1815) chỉ có 1 mẫu 4 sào, trong đó tư thổ trồng dâu 4 sào 14 thước, đất hoang nhàn kết lập gia cư 1 mẫu. Đầu thế kỷ 20, địa danh Thạch Lương được đổi tên là Phước Lương.

 

Hảo Sơn thôn: Địa bạ triều Nguyễn tỉnh Phú Yên hiện lưu trữ ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia xác định đã mất địa bạ thôn Hảo Sơn nên không có điều kiện khảo sát tình hình quản lý ruộng đất những năm đầu thế kỷ XIX.

 

Hảo Sơn nằm dưới chân đèo Cả có biển hồ chảy vào sông Mới qua cầu Sông Mới tưới đồng lúa Hảo Sơn. Sông Mới chảy qua cầu Hốc Mít hòa nhập vào sông Bàn Thạch đổ ra biển ở cửa Đà Nông. Đại Nam nhất thống chí miêu tả “Hải Hồ (Biển Hồ) - ở chân núi Thạch Bi, phía nam phủ Tuy Hòa, chu vi 120 trượng, bề ngang 13 trượng. Bên hồ có đền Thiên Y A Na (bà mẹ Xứ Sở). Hồ này phía bắc thông với sông Đà Nùng (tức Đà Nông, sông Bàn Thạch) rồi chảy ra biển, nước sâu, bùn trôi lộn vào cũng không đục, ở trong có nhiều cá sấu nhưng không quấy hại gì”.

 

Đường thiên lý (quốc lộ 1) qua Hảo Sơn vượt đèo Cả. Trên đỉnh đèo Cả có trạm dịch Phú Hòa. Trạm dịch chuyển tiếp giữa hai tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa. Tuyến đường sắt bắc - nam nối ray tại ga Hảo Sơn tại km1222 (tính từ Hà Nội vào được chính thức làm lễ khánh thành ngày 2/9/1936 tại ga Hảo Sơn với sự có mặt của vua Bảo Đại và Toàn quyền Đông Dương. Đích thân vua Bảo Đại làm động tác cầm cờ-lê siết bù lon nối hai thanh ray giữa hai đoạn đường sắt từ bắc vào và từ nam ra, khánh thành việc thông tuyến đường sắt xuyên Việt.

 

Tổng Hòa Đồng được chính thức thành lập năm 1899 tồn tại đến sau Cách mạng Tháng Tám, ngoài các làng cũ (xã, thôn) nêu trên được thể hiện trong địa bạ triều Nguyễn còn có thôn Hiệp Đồng được thành lập đầu thế kỷ XX và các thôn Đa Ngư, Phú Lạc (nay thuộc xã Hòa Hiệp Nam) cùng 6 ấp hộ Tuy Bình, Tuy Tịnh, Tuy Phú, Tuy Đức, Tuy Nham, Tuy Sơn. Sau Cách mạng Tháng Tám, chính quyền cách mạng bãi bỏ cấp tổng, thành lập cấp xã. Tổng Hòa Đồng được chia thành 4 xã: Thạch Bình, Tân Định, Bàn Hảo, Đồng Tâm.

 

Xã Thạch Bình gồm ấp hộ Tuy Bình và các thôn Nam Bình, Thạch Chẩm, Bàn Nham. Xã Bàn Hảo gồm các thôn Bàn Thạch, Phước Lương, Phú Khê, Hảo Sơn. Xã Tân Định gồm các thôn Thạch Tuân, Hiệp Đồng, Mỹ Khê. Xã Đồng Tâm gồm các thôn Phước Giang, Lạc Long, Đa Ngư, Phú Lạc.

 

Tháng 7/1947, Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Phú Yên quyết định hợp nhất 4 xã Thạch Bình, Tân Định, Bàn Hảo, Đồng Tâm thành xã Hòa Xuân. Riêng 2 thôn Đa Ngư, Phú Lạc thuộc xã Đồng Tâm cũ được sáp nhập vào xã Hòa Hiệp.

 

Địa danh xã Hòa Xuân chính thức xuất hiện tháng 7/1947 gồm 12 thôn: Nam Bình, Thạch Chẩm, Bàn Nham, Phước Lương, Bàn Thạch, Thạch Tuân, Hiệp Đồng, Phú Khê, Mỹ Khê, Hảo Sơn, Phước Giang, Lạc Long.

 

Sau ngày giải phóng, để tiện việc quản lý và yêu cầu phát triển, ngày 30/9/1981, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) có Nghị định 100-HĐBT thành lập xã mới Hòa Tâm gồm 2 thôn Phước Giang, Lạc Long được tách ra từ xã Hòa Xuân. Hiện nay, Hòa Tâm có 5 thôn là Phước Long, Phước Lộc, Phước Giang, Phước Tân, Đồng Bé.

 

Ngày 27/8/1994, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 96/CP chia xã Hòa Xuân thành 3 xã: Hòa Xuân Đông, Hòa Xuân Tây, Hòa Xuân Nam.

 

Từ thời khẩn hoang lập làng cuối thế kỷ XVI, thế kỷ XVII, kho tàng ca dao dân ca Phú Yên lưu truyền câu: “Trai Ngũ Thạch, gái Bầu Hương”.

 

Ngũ Thạch là địa danh 5 làng (làng lớn gọi là xã, làng nhỏ gọi là thôn) phía nam sông Bàn Thạch gồm: Bàn Thạch xã, Bàn Thạch Đông thôn (năm 1832, vua Minh Mạng đổi tên là Bàn Nham thôn), Thạch Chẩm thôn, Thạch Khê thôn (năm 1832 vua Minh Mạng đổi tên là Thạch Tuấn thôn, sau Cách mạng Tháng Tám đổi tên là thôn Thạch Tuân), Thạch Lương thôn (đầu thế kỷ XX đổi tên là thôn Phước Lương).

 

PHAN THANH

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek