Đến tháng 2/1965, số quân Mỹ và quân các nước chư hầu Mỹ trên chiến trường miền Nam lên đến 18 vạn, quân ngụy 52 vạn.
Riêng phạm vi chiến trường Quân khu 5, quân Mỹ và chư hầu có 13 vạn, gần 40 tiểu đoàn cơ động của các đơn vị. Hai sư đoàn lính thủy đánh bộ ở khu vực Đà Nẵng, Chu Lai, Phú Bài. Lữ đoàn dù 1 thuộc Sư đoàn dù 101, Sư đoàn Mãnh Hổ Nam Triều Tiên ở Bình Định, Khánh Hòa. Sư đoàn không vận số 1 và Lữ 3 Sư 25 Mỹ ở An Khê, Lữ đoàn Thanh Long (Rồng Xanh) Nam Triều Tiên ở Hòa Hiệp (Tuy Hòa). Chúng xây dựng Đà Nẵng, Cam Ranh thành căn cứ quân sự liên hợp hải, lục, không quân và là căn cứ hậu cần lớn của Mỹ ở miền Nam.
Tiêu diệt nhiều đại đội của địch
Với sức mạnh binh khí kỹ thuật hiện đại và đội quân xâm lược nhà nghề ồ ạt đưa vào miền Nam, từ tháng 1/1966, đế quốc Mỹ bắt đầu mở cuộc phản công chiến lược mùa khô trên toàn miền Nam với 5 hướng phản công chính nhằm mục đích làm thay đổi tương quan lực lượng, đảo lộn cục diện chiến tranh, giành thế chủ động chiến trường, tiêu diệt chủ lực quân giải phóng, kết thúc chiến tranh theo ý đồ của Mỹ. Riêng chiến trường khu 5, Mỹ mở 3 hướng phản công ở Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên. Hướng phản công ở Phú Yên địch lấy Tuy Hòa 1 làm trọng điểm.
Mờ sáng 19/1/1966 (28/12 năm Ất Tỵ), địch bắt đầu mở cuộc phản công chiến lược mùa khô trên chiến trường Tuy Hòa 1. Lực lượng gồm Lữ đoàn 101 Mỹ, Lữ đoàn Rồng Xanh Nam Triều Tiên, Trung đoàn bộ binh 47 ngụy (vừa xây dựng lại), 2 tiểu đoàn pháo, 2 chi đoàn xe bọc thép, nhiều phi đội phản lực chiến đấu và máy bay trực thăng. Tổng cộng 14 tiểu đoàn. Địch đặt tên là cuộc hành quân Van-bua-ren, kế hoạch của địch là dùng 2 gọng kìm lớn kẹp chặt quân ta ở giữa đồng bằng Tuy Hòa 1 để tiêu diệt. Địch dùng trăm lượt máy bay trực thăng, đổ bộ Lữ đoàn dù 1 Mỹ dọc ven núi các xã Hòa Mỹ, Hòa Phong, Hòa Thịnh hình thành gọng kìm thứ nhất. Ở hướng đông, Lữ đoàn Nam Triều Tiên từ đường số 1 chia thành nhiều cánh tấn công lên hình thành gọng kìm thứ hai.
Với lực lượng tập trung hơn 1 sư đoàn càn quét vào một huyện đồng bằng, được sự chi viện rất mạnh của các phi đội phản lực chiến đấu, chúng tưởng có thể nhanh chóng tiêu diệt được các lực lượng vũ trang ta ở Tuy Hòa 1. Nhưng thực tế diễn ra trên chiến trường ngược lại. Gần 2 tháng chiến đấu chống lại cuộc phản công ồ ạt của quân Mỹ và quân Nam Triều Tiên ở Tuy Hòa 1, ta đã gây cho địch nhiều thiệt hại về sinh lực. Một đại đội Mỹ, 2 đại đội Nam Triều Tiên bị ta tiêu diệt, 3 máy bay bị bắn rơi, 9 xe quân sự bị phá hủy, ta thu 53 súng các loại. Lần đầu tiên các lực lượng vũ trang của ta ở Tuy Hòa 1 đọ sức với một đội quân xâm lược nhà nghề vừa có số quân đông, trang bị vũ khí phương tiện hiện đại, lại chiến đấu trên chiến trường đồng bằng. Ta vận động dân đấu tranh đòi về làng cũ hoặc gần với làng cũ. Phát động đồng bào vùng sâu phối hợp với đồng bào bị dồn tham gia cuộc đấu tranh trở về làng. Một lần nữa tư tưởng gần dân, sát dân lại được chứng minh tính hiệu quả trong một cuộc chiến khốc liệt nhất từ trước đến nay.
Với tinh thần chia lửa với huyện Tuy Hòa và những nơi bị địch càn quét đánh phá, nhân dân các huyện Sông Cầu, Đồng Xuân, Sơn Hòa, Tuy An bất chấp bom đạn, hiểm nguy, động viên nhau nhường cơm sẻ áo dành lương thực, tiền bạc để ủng hộ cách mạng; tổ chức động viên, vận chuyển hàng trăm tấn lương thực phục vụ chiến trường.
Đấu tranh bằng công tác dân vận
Trước tình hình địch đánh phá ác liệt, nhân dân phải chạy vào rừng, một số chạy vào vùng địch kiểm soát để lánh nạn làm cho một số vùng nông thôn trở thành vùng trắng, đất đai bị bỏ hoang, sản xuất bị đình trệ; lương thực, thực phẩm thuốc men bị thiếu nghiêm trọng. Tỉnh ủy chủ trương:
- Giáo dục và sắp xếp cho bà con chạy vào vùng căn cứ trở về làng cũ. Nòng cốt trong phong trào này là phụ nữ. Cán bộ, đảng viên phải bám dân trở về làng, hoạt động hợp pháp, lãnh đạo nhân dân sản xuất, đấu tranh với địch để hạn chế chúng đàn áp, giết hại dân.
Lãnh đạo đưa số dân chạy vào vùng địch kiểm soát trở về quê cũ làm ăn, sinh sống. Cán bộ cốt cán làm công tác dân vận phải học tiếng Anh, Nam Triều Tiên và giao tiếp với bọn chúng để tạo quan hệ bình thường, từng bước tuyên truyền, thuyết phục, đấu tranh, làm cho chúng hiểu được cuộc đấu tranh chính nghĩa của ta.
- Xáp vào vận động lính Mỹ và Nam Triều Tiên không tham gia đàn áp, bắn giết dân thường.
- Phân phát truyền đơn bằng tiếng Mỹ và Nam Triều Tiên.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác dân vận được triển khai mạnh mẽ trong hoàn cảnh rất cam go bởi đấu tranh chính trị lúc này không chỉ với ngụy mà chủ yếu là quân xâm lược Mỹ và chư hầu Nam Triều Tiên.
Khởi đầu cho phong trào đấu tranh chính trị với bọn lính Mỹ và Nam Triều Tiên là cuộc đấu tranh của gần 1.000 đồng bào xã Hòa Hiệp (Tuy Hòa 1) tháng 2/1966. Quần chúng biểu tình đòi cấp chỉ huy Nam Triều Tiên trừng trị những tên giết người man rợ. Trước những bằng chứng không thể chối cãi, bọn lính Nam Triều Tiên đã phải chấp nhận bồi thường cho thân nhân những người bị giết hại và cạo trọc đầu tên lính đã gây ra tội ác.
Cuộc đấu tranh thắng lợi đã cho thấy việc đấu tranh chính trị với bọn lính Nam Triều Tiên vẫn có thể mang lại kết quả tốt, bất chấp trở ngại ngôn ngữ bất đồng. Qua cuộc đấu tranh đã giải quyết được tư tưởng ngại tiếp xúc với quân Mỹ và Nam Triều Tiên của một bộ phận quần chúng nhân dân.
Từ ngày 18-20/3/1966, hơn 1.000 đồng bào Sông Cầu tổ chức biểu tình chống lại việc bọn địch rải chất độc hóa học phá hoại vườn tược của dân. Bọn địch cho lính mang vũ khí ra chặn lại nhưng trước lý lẽ sắc bén của dân, địch phải chấp nhận cho dân vào quận đường để đưa yêu sách cho tên quận trưởng.
Giữa quận đường, tên quận trưởng nạt nộ, sai lính đánh đập, lột áo một số chị em, lấy sơn phết vào lưng, ngực nhưng chị em vẫn không nao núng. Bọn địch phải chùn tay, nhận đơn, hứa bồi thường và không rải chất độc hóa học vào khu dân cư. Phụ nữ xã Xuân Lộc tổ chức nhiều cuộc đấu tranh yêu cầu địch phải để nhân dân tự do đi lại làm ăn, được ra Bình Định mua bán lương thực, thực phẩm. Chị em đã mang truyền đơn bằng tiếng Triều Tiên vào tận đồn địch để tuyên truyền giác ngộ bọn lính đánh thuê. Kết quả đạt được là bọn địch bớt hung hăng, nhượng bộ trước những đề nghị của dân, cho dân đi lại qua đèo Cù Mông làm ăn buôn bán. Có một trung sĩ lính Nam Triều Tiên mang một súng garand sang phòng tuyến của ta đầu hàng quân giải phóng.
Trong hai ngày 6 và 7/4/1966, hơn 8.000 đồng bào theo đạo Phật và học sinh TX Tuy Hòa tổ chức một cuộc tuần hành ủng hộ cuộc đấu tranh của đồng bào phật tử ở Huế và Đà Nẵng làm bọn ngụy quyền tỉnh đường Phú Yên rúng động.
Cuộc càn quét lớn của địch ở Phú Yên chấm dứt vào tháng 4/1966. Lúc này, địch xây dựng một số cứ điểm do quân Nam Triều Tiên chốt giữ ở đèo Cù Mông (Xuân Lộc), Hòn Dù (Xuân Phương), Phước Mỹ (Hòa Bình), Cầu Cháy (Hòa Đồng); tăng cường cứ điểm biệt kích Đồng Tre (Xuân Phước), Hòa Đa (An Mỹ)…
Mục tiêu chính của địch sau cuộc càn quét ở Tuy Hòa 1 là đánh phá vùng phía tây các huyện Tuy An, Sơn Hòa. Địch nhận định lực lượng và cơ quan đầu não của tỉnh dồn về đứng chân tại đó. Chủ trương của tỉnh và Bộ Tư lệnh Phân khu Nam là quyết đánh địch, ngăn chặn không cho chúng tấn công ra phía bắc tỉnh; đồng thời tập trung lực lượng nhằm tiêu diệt nhiều sinh lực địch, thực hiện một cách hiệu quả việc “chia lửa” với chiến trường Tuy Hòa 1, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân trong tỉnh.
Đêm 23/6/1966, một số đơn vị bộ đội tỉnh phối hợp với lực lượng vũ trang các huyện tấn công tiêu diệt quân ngụy ở Tuy An, Đồng Xuân. Các trung đoàn bộ đội chủ lực của ta như Trung đoàn 10, Trung đoàn 20 bám chắc địa đạo, công sự ở Sơn Hòa, Tuy An chuẩn bị sẵn sàng chờ Mỹ đến để đánh.
Đúng như dự đoán của ta, sáng 25/6/1966, Mỹ tập trung lực lượng, dùng pháo binh bắn phá Tuy An, Sơn Hòa, Đồng Xuân. Sáng 26/6/1966, Lữ đoàn 173 của Mỹ tập trung hàng chục chiếc trực thăng đổ quân xuống An Nghiệp, An Xuân (Tuy An).
Tại địa đạo Gò Thì Thùng - An Xuân, bộ đội chủ lực của ta sử dụng công sự, địa đạo, bất ngờ đánh giáp lá cà với địch ngay từ khi máy bay trực thăng vừa hạ cánh. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt suốt từ sáng tới chiều tối.
Địa đạo Gò Thì Thùng đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hào hùng của quân và dân Phú Yên. Nhờ có địa đạo này đã tạo điều kiện bất ngờ cho hai tiểu đoàn quân giải phóng, bí mật bất ngờ đánh giáp lá cà diệt bọn lữ đoàn dù của Mỹ. Địa đạo Gò Thì Thùng đã trở thành chiến tích lịch sử của Phú Yên.
THÀNH VIỆT