Thứ Ba, 26/11/2024 23:25 CH
Hòa Quang - mùa khô 1966-1967
Thứ Sáu, 15/07/2016 07:55 SA

Ảnh minh họa

Tháng 1/1966, 5 tiểu đoàn quân Mỹ, 7 tiểu đoàn Nam Triều Tiên, 1 tiểu đoàn công binh Úc đã tràn vào Phú Yên - một chiến trường trọng điểm ở Khu 5. Chúng sử dụng 9 tiểu đoàn quân Mỹ thuộc Lực đoàn dù số 1, một Lực đoàn “Rồng Xanh” thủy quân lục chiến Nam Triều Tiên, cùng với Trung đoàn 47 ngụy mở cuộc càn quét dài ngày từ 19/1/1966 đến cuối tháng 4/1966, ở vùng Tuy Hòa 1 và Tuy Hòa 2.

 

Hòa Quang là xã thuộc huyện Tuy Hòa 2 bị đánh phá ác liệt nhất trong cuộc càn quét này. Thiệt hại nặng nề nhất là thôn Thạnh Lâm, Phú Thạnh, Đồng Mỹ, Ngọc Lãnh, Hà Bình, chúng quét sạch 3.000 dân ra khỏi làng, thiêu hủy toàn bộ nhà cửa, cây cối, vườn tược, giếng nước đều xóa sạch, biến nơi này thành “vành đai trắng”, không có bóng dáng người và súc vật. Tháng 3/1966, trong trận chống càn, đồng chí Nguyễn Đình Hiển, Bí thư chi bộ xã và đồng chí Trần Rõ, Trưởng Ban công an xã, bị địch bắt. Chỉ 3 ngày sau, đồng chí Hiển bị địch tra tấn dã man, hy sinh tại nhà tù trung tâm, chi bộ xã cử đồng chí Trần Đình Tạo lên thay.

 

Trước sự khốc liệt của cuộc càn quét, một số cán bộ và du kích xã, nhất là một số đảng viên do khiếp nhược trước sự khủng bố, đã đánh mất khí tiết của người cách mạng, nhục nhã chiêu hồi. Mặc dù vậy, nhiều cán bộ, đảng viên và du kích trong xã vẫn một lòng vì cách mạng, kiên cường bám trụ, chiến đấu vì quê hương. Tiêu biểu là những người con anh hùng của xã Hòa Quang thà hy sinh chứ nhất định không chịu để lọt vào tay giặc như: Bí thư chi bộ Trần Đình Tạo, Xã đội trưởng Đào Văn Hiếu, Hội trưởng Hội Phụ nữ giải phóng xã Nguyễn Thị Trúc tại một căn hầm bí mật ở xóm 3 Phú Thạnh.

 

Để kịp thời tiếp tục lãnh đạo và chỉ đạo phong trào, chi bộ đã cử đồng chí Nguyễn Tử Tiện (phụ trách Nông hội xã) lên làm Bí thư Chi bộ xã Hòa Quang. Đồng chí Lê Văn Lục được cử làm Xã đội trưởng. Lúc này, huyện chủ trương vẫn tiếp tục bố trí đồng chí Nguyễn Tuần trực tiếp công tác ở cơ sở. Với phương châm “Bám quần chúng - trụ đánh địch” các đảng viên kiên cường của xã vẫn lăn lộn tìm mọi cách gầy dựng lại phong trào. Tình hình rất khó khăn, quần chúng chạy dạt, cơ sở cách mạng dao động, không liên lạc được với lãnh đạo bên ngoài. Vành đai trắng ngăn chặn sự hoạt động, cán bộ bất hợp pháp ngại ác liệt, hy sinh.

 

Đây là một thời kỳ thử thách khắc nghiệt đối với chi bộ, bởi vì dân bị cào sạch, cán bộ đi lại móc nối cơ sở quần chúng thường bị phục kích, gây tổn thất thương vong. Lúc này, Huyện ủy phân công đồng chí Nguyễn Tuần trực tiếp công tác tại xã Hòa Quang.

 

Thực hiện phương châm “Bám quần chúng - trụ đánh địch”, chi bộ xã họp đánh giá tình hình: Địch bên ngoài đóng quân chốt giữ càn quét dữ dội, ác liệt; bên trong địch lơi lỏng, quần chúng chịu bị kìm kẹp nhưng một lòng trung thành với cách mạng. Nhận định đúng tình hình, chi bộ quyết định bám trụ xóm lẫm Đại Bình, xây dựng hầm bí mật và tổ chức cơ sở nuôi giấu. Gia đình cụ Bùi Ngại Ngôn là cơ sở bảo vệ cán bộ và lực lượng vũ trang bám trụ hoạt động. Anh Trịnh Minh Thông và chị Trịnh Thị Mận là hai cơ sở hợp pháp trung thành, thực hiện nhiệm vụ móc nối liên lạc xây dựng cơ sở ở các thôn khác trong toàn xã. Từ đó, khí thế phong trào cách mạng trong xã từng bước khôi phục, vận động được nhiều gia đình lần lượt về làng cũ làm ăn. Nòng cốt là gia đình cụ Nguyễn Thị Nữ, cụ Nguyễn Thị Trúc, chị Bảy Bổ (ở Phú Thạnh), bà Hà Thị Đàm (ở xóm Bầu Tròn), chị Bốn Dương (ở Trí Đức) không ngại bom đạn, bất chấp càn quét và lùng sục của địch, vẫn một lòng một dạ cùng lực lượng cách mạng trong xã bí mật hoạt động đấu tranh. Vành đai trắng dần dần được xóa, du kích mật bên trong lần lượt hoạt động đánh địch. Bọn tề ngụy lẩn trốn ban đêm chui rúc vào vùng sâu, trong thị xã, ban ngày theo lính về làng cướp bóc.

 

Tháng 10/1966, lữ đoàn dù thuộc Sư đoàn 101 Mỹ cùng với Lữ đoàn 173 thuộc Sư đoàn 4 bộ binh Mỹ phối hợp với Sư đoàn Mãnh Hổ Nam Triều Tiên và Trung đoàn 47 ngụy tiến hành càn quét đánh phá ác liệt dài ngày thực hiện mưu đồ “tìm và diệt”, đốt sạch, giết sạch nhằm khủng bố người dân các vùng giải phóng; xã Hòa Quang nằm trong địa bàn càn quét mà quân Mỹ và quân chư hầu Nam Triều Tiên đánh phá khốc liệt.

 

Địa bàn xã Hòa Quang địch cho là một địa bàn hiểm trở. Mất xã Hòa Quang là mất căn cứ của Tỉnh đường TX Tuy Hòa.

 

Hòa Quang là một xã bị địch cào đi xới lại nhiều lần. Pháo của địch từ Hạm đội 7, từ các căn cứ Gò Mũi (Hòa Thắng), từ Gò Đá (Chóp Chài) và từ Nhạn Tháp tập trung bắn dồn về Hòa Quang suốt cả ngày lẫn đêm, đến mức có thể ví cảnh tàn phá do đạn pháo ở đây bằng câu “Hòa Quang - thước đất - thước máu”.

 

Căn cứ của Huyện ủy Tuy Hòa 2 và của xã Hòa Quang lại nằm ở vùng ven núi. Vì vậy, địch luôn luôn sử dụng lực lượng lớn để càn đi quét lại. Một lần, hai tiểu đoàn quân Mỹ và Nam Triều Tiên càn vào cơ quan Huyện ủy đóng ở chân dốc Gò Sân - Trung đội võ trang an ninh của huyện Tuy Hòa 2 và du kích xã Hòa Quang đã anh dũng đánh bật nhiều đợt phản công của địch, bảo vệ an toàn cho các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy.

 

Vì thế mà Hòa Quang phải chịu đựng sự đánh phá của địch rất dữ dội. Chúng càn quét liên tục và quy mô, càn quét dài ngày với lực lượng lớn, chúng hủy diệt liên tục và hủy diệt sạch (như chúng giết sạch gia đình anh Đỗ Nhuận, hai vợ chồng với 8 đứa con, xác chết nằm la liệt trước sân nhà).

 

Để đối phó chiến dịch mùa khô thứ 2 “tìm và diệt” của địch, lực lượng xã Hòa Quang chuyển hướng xuống đồng bằng với tinh thần kiên cường bám trụ, khẩu hiệu được nêu ra lúc này là “bám dân, quần địch, trụ trong làng”.

 

Mùa khô 1967, đồng chí Lê Thị Hãnh được cử làm Xã đội trưởng, lãnh đạo lực lượng du kích võ trang bám trụ trong dân, quần nhau với địch, lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh, tổ chức được nhiều cách đánh táo bạo và mưu trí như: gài mìn, gài chông tre, gài chông sắt những nơi địch thường qua lại (ác chiến điểm) gây cho địch thất tổn nặng nề về sinh lực, ngăn chặn được sự càn quét lùng sục của chúng. Từ đó xây dựng được lòng tin, củng cố và tổ chức nhiều cơ sở cách mạng trong quần chúng. Nâng cao được tinh thần giác ngộ cách mạng đồng bào trong xã. Thời gian này, việc nuôi giấu cán bộ trong quần chúng gặp nhiều thuận lợi kể cả gia đình binh sĩ có chồng con đi lính và làm việc cho địch cũng hưởng ứng nuôi giấu cán bộ bám trụ hàng tháng trời. Điển hình như cụ Trần Trọng, cụ Phan Đẩu ở Đại Bình, ông Võ Câu ở Đồng Mỹ.

 

Hòa Quang thực hiện đúng chiến thuật “bám thắt lưng địch mà đánh”. Du kích Hòa Quang lúc ẩn, lúc hiện, theo phương châm: “Địch bước ra, ta bước vào” gây cho địch hoang mang dao động và tổn thất thiệt hại nặng.

 

Tháng 8/1967, lực lượng võ trang của ta có 3 tiểu đoàn đánh sâu vào Đông Bình, Đông Phước Hậu, Minh Đức và vùng ven thị xã, địch chỉ chống trả một cách yếu ớt.

 

Đầu tháng 10/1967, ta mở chiến dịch bám trụ đồng bằng, trong đó một tiểu đoàn chủ lực thuộc Trung đoàn 10 của ta đã hạ quyết tâm bám trụ tại Đại Bình và Quang Hưng phối hợp với lực lượng du kích xã nhằm tiêu diệt lực lượng phản kích của địch. Quân ngụy sử dụng Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 47 từ Hòa Thắng hành quân ồ ạt tấn công sang. Với sự yểm trợ của không quân và pháo binh…, chúng cố gắng tổ chức liên tiếp các đợt phản kích trong ngày hôm đó, nhưng hầu hết đều bị chững lại do gặp phải hỏa lực quyết liệt của quân ta. Chiều tối, chúng phải rút lui về thị xã, bỏ lại nhiều xác chết…

 

Sáng hôm sau, địch tổ chức phản kích bằng trực thăng vận, đổ bộ quân xuống Gò Quýt, bao vây từ phía sau lưng ta. Nhưng lực lượng chủ lực của ta đã được bố trí sẵn sàng chờ đánh địch. Quân đổ bộ của địch vừa đặt chân xuống đất, quân ta đã kịp thời nổ súng diệt địch. Cuộc chiến đấu kéo dài gần 2 ngày gay go và ác liệt, quân ta đã đánh tan hai đại đội của Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 47 ngụy. Phía ta có một đồng chí hy sinh và một bị thương. Trận thắng này khẳng định được thế bám trụ đồng bằng của lực lượng cách mạng và là nguồn cổ vũ lớn lao đối với đồng bào.

 

Sau trận đánh phục kích tiêu diệt quân địch tại Gò Quýt (Nho Lâm), lực lượng của ta vẫn kiên cường bám trụ đồng bằng. Địch mở nhiều đợt đưa bộ binh càn quét nhưng đều thất bại, chúng phải dùng lực lượng càn quét quy mô lớn hơn, điều chi đội xe bọc thép M113 phối hợp với Trung đoàn 47 ngụy cùng lực lượng bảo an dân vệ mở đợt càn quét bao vây lùng sục. Trên 10 chiếc xe M113 chia làm hai cánh; Phía nam từ Hòa Thắng qua Hòa Định tấn công vào Phú Thạnh; cánh phía bắc từ Bến Lội (Hòa Trị) tấn công lên Hà Bình bọc qua Đồng Hòa, Ngọc Sơn tiến vào Mậu Lâm hình thành thế gọng kìm bao vây lực lượng ta. Quân ngụy gồm bảo an, dân vệ lùng sục khắp hang cùng ngõ hẻm xâm tìm hầm bí mật.

 

Cánh quân xe bọc thép M113 phía bắc tràn lên địa phận Hòa Quang vấp phải đoàn quân đấu tranh chính trị, chị em phụ nữ, gia đình binh sĩ xông ra cản đầu xe. Hàng trăm chị em dùng gậy gộc bao vây siết chặt đoàn xe bọc thép, đấu tranh có lý có tình, cản được bước tiến quân của chúng. Dẫn đầu đoàn đấu tranh chính trị là chị Lê Thị Hớn và chị Bùi Thị Tỵ.

 

Cánh quân xe bọc thép phía nam gặp phải chị em phụ nữ ở Đồng Trại, Quang Hưng chặn lại nhưng chúng dã man bắn chết vợ anh Nguyễn Bộng, rồi tiến vào cầu Bảy Đông, bị lực lượng ta truy kích, chúng phải bỏ xác tại trận địa hàng chục tên. Mặc chúng cho máy bay yểm trợ oanh kích vào núi Bà Đạo vùng thổ mít Phú Thạnh bị lực lượng vũ trang ta bắn rơi một máy bay tại trận địa.

 

THÀNH NAM

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek