Thứ Bảy, 20/04/2024 14:05 CH
Hòa Xuân - bàn đạp quan trọng nối căn cứ miền Đông và phía tây huyện
Thứ Sáu, 29/07/2016 07:59 SA

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Tỉnh ủy Phú Yên đã tổ chức Huyện ủy Tuy Hòa bí mật ở căn cứ miền Đông do các đồng chí Nguyễn Đinh Thành, Công Minh lãnh đạo.

 

Từ xây dựng vững chắc cơ sở Hòa Xuân

 

Đồng chí Trần Quang Hiệu - Ảnh: THÀNH NAM

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, tháng 10/1954, đồng chí Trần Quang Hiệu về lại miền Nam. Tỉnh ủy lâm thời Phú Yên đóng ở Diêu Trì (Quy Nhơn) do đồng chí Lê Đài làm Bí thư, quyết định cử đồng chí Trần Quang Hiệu và Võ Phi Phụng bổ sung cho Huyện ủy bí mật. Tỉnh ủy đã cử 2 cán bộ giao liên là đồng chí Nguyễn Kỳ Tây và Phạm Giáo đưa đồng chí Trần Quang Hiệu và Võ Phi Phụng từ Quy Nhơn về bãi Xép bằng ghe. Lúc này các đồng chí ở xã Hòa Xuân như Đặng Văn Cang, Bùi Cương, Đặng Văn Hà đã có mặt ở căn cứ miền Đông. Tháng 4/1955, Huyện ủy Tuy Hòa bố trí đồng chí Nguyễn Khâm tổ chức cho các đồng chí Văn Gói (Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa), Bùi Cương, Huỳnh Ngọc Anh (Bí thư xã Hòa Vinh) vượt ngục giữa ban ngày. Trước sự khủng bố dã man của địch, Huyện ủy bí mật bố trí các đồng chí Bùi Cương, Lê Cầu, Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Khâm, Huỳnh Xuân Mai, Quang Thị Kỳ và một số đồng chí khác dùng thuyền ra Bình Định tập kết. Ra đến gành Đỏ (xã Xuân Thọ), thuyền bị gió bấc thổi dạt vào bờ. Mật vụ địch phát hiện, truy bắt các đồng chí Bùi Cương, Nguyễn Thị Hương, Huỳnh Xuân Mai, Quang Thị Kỳ. Các đồng chí đi chiếc thuyền khác may mắn trốn thoát.

 

Sau khi đồng chí Nguyễn Đình Thành, Bí thư Huyện ủy bị địch bắt, đồng chí Võ Phi Phụng được Tỉnh ủy cử làm Bí thư. Huyện ủy bí mật gồm các đồng chí Võ Phi Phụng, Công Minh, Trần Quang Hiệu, Nguyễn Kiết, Đinh Hiệt. Tổ chức hội nghị Huyện ủy tại hang Vàng (bãi Bàng) căn cứ miền Đông, Huyện ủy Tuy Hòa phân công đồng chí Trần Quang Hiệu phụ trách xã Hòa Xuân và 4 xã phía tây huyện (Hòa Mỹ, Hòa Thịnh, Hòa Phong, Hòa Đồng). Trước mắt, đồng chí Trần Quang Hiệu tập trung xây dựng phong trào xã Hòa Xuân để có lực lượng tiếp tế và bảo vệ căn cứ Huyện ủy. Huyện ủy chủ trương xây dựng cơ sở Hòa Xuân thành đường dây liên lạc hợp pháp của huyện, cả đường bộ và đường thủy để liên lạc với các xã phía tây huyện, nối liên lạc với các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy từ Bình Định vào Tuy Hòa bằng đường núi. Hòa Xuân trở thành bàn đạp quan trọng để nối căn cứ miền Đông và phía tây huyện. Đồng chí Trần Quang Hiệu có thuận lợi là am hiểu cán bộ xã Hòa Xuân và tình hình các xã trong huyện, có điều kiện thâm nhập xây dựng cơ sở Hòa Xuân phục vụ cho sự lãnh đạo của Huyện ủy.

 

Qua đồng chí Đặng Văn Cang giới thiệu một số cán bộ cũ, đồng chí Trần Quang Hiệu trực tiếp xây dựng cơ sở ở thôn Phước Giang và Lạc Long. Tháng 3/1955, đồng chí Trần Quang Hiệu về thôn Phước Giang, Lạc Long bắt liên lạc với cụ Lê Thám và các cơ sở tiếp tế lương thực, bảo vệ căn cứ bí mật Huyện ủy.

 

Các cơ sở xây dựng một tổ nữ quần chúng cách mạng, dùng ghe thường xuyên đi chợ Bàn Nham, bố trí đưa cán bộ đi lại hợp pháp từ Phước Giang đến cơ sở mới an toàn trước khi trời sáng.

 

Sau khi xây dựng cơ sở vững chắc ở hai thôn Phước Giang và Lạc Long, từ bàn đạp này, đồng chí Trần Quang Hiệu dùng ghe ngược dòng Bàn Thạch bắt liên lạc với đồng chí Đinh Như Ký ở thôn Phước Lương (đồng chí Ký là đảng viên trong kháng chiến chống Pháp) và bà Nguyễn Thị Đay làm cơ sở nuôi giấu cán bộ huyện, làm trạm giao liên cho các cán bộ ăn nghỉ một hai ngày để đi lên các xã phía tây. Từ gia đình cơ sở đồng chí Đinh Như Ký, đồng chí Trần Quang Hiệu xây dựng một số cơ sở khác như đồng chí Trần Thanh, Trần Kiểm ở Phước Lương, đồng chí Lưu Bình ở thôn Nam Bình… làm cơ sở liên lạc, báo tin, nuôi giấu cán bộ, đưa đón cán bộ Huyện ủy hoạt động.

 

 

Căn cứ miền Đông, huyện Tuy Hòa (nay là Đông Hòa) trong kháng chiến chống Mỹ - Ảnh: THÀNH NAM

 

Đến mở rộng xây dựng cơ sở khắp huyện, vùng lân cận

 

Từ các cơ sở ở xã Hòa Xuân, đồng chí Trần Quang Hiệu xây dựng các cơ sở phía tây huyện Tuy Hòa, về Xuân Thạnh (xã Hòa Tân) cùng đồng chí Đinh Từ (Tám Tuyến) móc nối xây dựng cơ sở mới Nguyễn Thặt, Võ Thanh Vân… và bám hai cơ sở này móc nối xây dựng đồng chí Nguyễn Liễm ở thôn Xuân Mỹ, xã Hòa Mỹ. Vợ chồng đồng chí Nguyễn Liễm và Huỳnh Thị Mơ quê gốc ở thôn Bàn Nham, xã Hòa Xuân, có quen thân với đồng chí Trần Quang Hiệu nên rất phấn khởi nhận nhiệm vụ làm cơ sở nuôi giấu cán bộ, đồng thời là địa điểm liên lạc của Huyện ủy từ Hòa Xuân lên các xã phía tây. Tại Hòa Xuân, đồng chí Trần Quang Hiệu xây dựng một cơ sở đặc biệt chuyên phục vụ đi lại bằng đường bộ do đồng chí Trình Công Ải ở thôn Phước Giang phụ trách. Cơ sở này nhiều lần dùng xe đạp đưa đồng chí Trần Quang Hiệu lên Hòa Tân gặp cơ sở Võ Thanh Vân (thôn Xuân Thạnh, xã Hòa Tân). Cơ sở Võ Thanh Vân dùng xe đạp đưa đồng chí Trần Quang Hiệu lên Hòa Mỹ móc liên lạc với đồng chí Nguyễn Liễm. Từ cơ sở Nguyễn Liễm ở Hòa Mỹ, đồng chí Trần Quang Hiệu xây dựng đồng chí Huỳnh Phước Thẩm (Ba Chiếu), Nguyễn Bích thành cơ sở nuôi giấu cán bộ và qua các cơ sở này đồng thời bắt liên lạc với đồng chí Nguyễn Duy Luân, Nguyễn Kiết và Trương Bá Lánh ở căn cứ miền Tây huyện Tuy Hòa.

 

Sau khi xây dựng thông suốt mạng lưới liên lạc của Huyện ủy Tuy Hòa từ căn cứ miền Đông (Hòa Xuân) đến Suối Phẩn (Hòa Mỹ), đồng chí Huỳnh Phước Thẩm bố trí đồng chí Trần Quang Hiệu làm việc trực tiếp với các đồng chí có nguyện vọng về căn cứ miền Đông để thống nhất phương thức hoạt động. Đồng chí Trần Quang Hiệu bố trí chiếc thuyền xuôi dòng Bàn Thạch do cơ sở Nguyễn Liễm ở Xuân Mỹ, xã Hòa Mỹ (là gốc người thôn Bàn Nham) xuất phát từ bến Trâu xuôi dòng sông Bàn Thạch xuống.

 

Cán bộ huyện Tuy Hòa từ căn cứ phía tây xuống căn cứ miền Đông và ngược lại đều nghỉ tại trạm giao liên bí mật (trạm một) đặt tại nhà đồng chí Đinh Như Ký ở thôn Phước Lương. Nhiều đồng chí lãnh đạo Huyện ủy được gia đình đồng chí Đinh Như Ký nuôi dưỡng, bảo vệ như Võ Phi Phụng, Công Minh, Nguyễn Kiết, Trần Quang Hiệu, Đinh Hiệt và các cán bộ huyện như Nguyễn Duy Luân, Đinh Từ, Trương Bá Lánh, Đặng Văn Cang, Bùi Thị Vân, Từ Liên, Nguyễn Hương, Phạm Giáo, Nguyễn Kỳ Tây. Chính nhờ những cơ sở cách mạng của Hòa Xuân đã tận tụy công tác cách mạng cho xã nhà, đồng thời phục vụ cho Huyện ủy, trong thời gian ngắn đã tạo nhiều thuận lợi giúp Huyện ủy tập hợp đông đảo những cán bộ được Tỉnh ủy Phú Yên phân công về Tuy Hòa từ sau đình chiến năm 1954, mãi đến nay mới có điều kiện đón các đồng chí ấy về căn cứ miền Đông, huyện Tuy Hòa. Hội nghị Huyện ủy đánh giá: Hòa Xuân đã tích cực góp phần giúp Huyện ủy mở ra xây dựng cơ sở khắp trong toàn huyện và TX Tuy Hòa và sự lãnh đạo của Huyện ủy Tuy Hòa đang trên đà phát triển vững chắc.

 

Năm 1956, đồng chí Trần Quang Hiệu bị địch bắt giam tại nhà lao Ngọc Lãng và đày đi Côn Đảo cùng nhiều đồng chí ở Hòa Xuân như Bùi Cương, Huỳnh Xíu, Nguyễn Lợi, Lê Đức Mai, Lê Mậu Lâm, Lê Phước, Trần Thạnh, Nguyễn Trung, Đinh Chức, Võ Công Khải, Trình Kim Ân… trong chuyến lưu đày ngày 30/4/1956. Các đồng chí đổi vùng vào hoạt động ở tỉnh Khánh Hòa như Ngô Công Duy, Ngô Công Tú, Ngô Công Chí, Lưu Tấn Huê, Lê Tấn, Phạm Sum đã bị địch bắt giam tại nhà lao Nha Trang cũng bị lưu đày ra Côn Đảo cùng chuyến tàu với các các đồng chí ở Phú Yên. Trước tổn thất của phong trào, các đồng chí còn lại vẫn tích cực hoạt động. Năm 1956, đồng chí Trần Khe đưa đồng chí Đỗ Thơm gặp đồng chí Đặng Văn Cang nhận nhiệm vụ.

 

Các đồng chí Đặng Văn Cang, Đỗ Thơm, Lưu Bình đã móc nối xây dựng lại các đồng chí Đỗ Như Bảng, Nguyễn Phó, Nguyễn Đình Chuyên, Lê Chu, Phạm Thiện, Nguyễn Nhơn, Lê Xuân Thiên, Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Trầm, Lê Thị Tre, Trần Thị Thất, Lê Nghệ, Trương Thị Thanh, Nguyễn Miên, Châu Thượng, Trần Thị Điền, Nguyễn Trung, Trần Ngọc Thọ, Huỳnh Bửu Vy, Lê Đức Mai, Lê Mậu Lâm, Trần Thị Thọ, Huỳnh Khảm, Phan Tiên Du… và nhiều đồng chí khác.

 

Năm 1957, đồng chí Đặng Văn Cang bị địch bắt dày đi Côn Đảo. Huyện ủy cử đồng chí Tư Ễnh (Nguyễn Nhựt) thay đồng chí Đặng Văn Cang phụ trách xã Hòa Xuân. Đồng chí Tư Ễnh bắt liên lạc với các đồng chí Đỗ Như Bảng, Nguyễn Lương, Nguyễn Thị Trai và qua đó tiếp tục xây dựng các cơ sở khác.

 

Đầu năm 1958, Ban cán sự Đảng các thôn được thành lập. Ban cán sự thôn Phước Lương do đồng chí Phạm Đình Vỹ phụ trách. Ban cán sự xã Hòa Xuân được thành lập cuối năm 1960 do đồng chí Đỗ Thơm làm Bí thư. Đồng chí Đỗ Thơm xây dựng mật khu Hóc Gạo làm chỗ dựa xây dựng lại phong trào, móc nối xây dựng lại cơ sở khắp các thôn trong xã.

 

Trong năm 1959, đồng chí Đỗ Như Bảng và đồng chí Lê Nghệ thoát ly ra căn cứ. Do yêu cầu phát triển của cách mạng, đầu năm 1960, một số cán bộ tiếp tục thoát ly ra căn cứ để bổ sung cán bộ cho tỉnh, huyện và chiến trường bao gồm các đồng chí Phạm Tống, Trần Mẫn, Lê Xuân Thiên, Nguyễn Thức, Nguyễn Lương, Lê Mậu Lâm, Nguyễn Lâm, Đặng Văn Hà và nhiều đồng chí khác.

 

Các đồng chí đổi vùng trở về hoạt động như Lưu Nghiệp, ở cơ sở thoát ly ra Hóc Gạo như Hồ Đậu và nhiều đồng chí khác góp phần xây dựng mật khu Hóc Gạo, Hóc Trùm, Hóc Cau…

 

Phong trào xã Hòa Xuân đã được khôi phục trong những ngày đen tối nhất của cách mạng miền Nam. Đảng vẫn tồn tại vững chắc trong lòng nhân dân xã Hòa Xuân.

 

THÀNH NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek