Ngày 20/1/1954, địch sử dụng 22 tiểu đoàn, trong đó có 4 binh đoàn cơ động và 2 tiểu đoàn lính dù cùng hàng chục máy bay ném bom, tàu chiến tấn công Phú Yên từ ba hướng: từ đèo Cả ra, từ biển lên và từ Cheo Reo xuống. Dựa vào làng chiến đấu, hầm chông, mìn tự tạo, các đơn vị bộ đội địa phương, dân quân du kích các huyện Tuy Hòa, Sơn Hòa đã anh dũng chặn đứng các toán quân địch lùng sục cướp phá lương thực, mùa màng…
Du kích xã Hòa Hiệp đã chặn đánh một đoàn xe quân sự của địch trên 24 chiếc, thu 1 xe súng đạn. Du kích Hòa Thắng, Hòa Kiến liên tục chặn đánh quân địch đổ bộ lên TP Tuy Hòa và tập kích địch ở sân bay Tuy Hòa. Du kích huyện Tuy An ở các xã ven quốc lộ 1 vừa phá đường, phá sập cầu và liên tục chặn đánh địch, diệt hơn 30 tên. Nhân dân làm chủ nông thôn; trật tự, trị an và sinh hoạt của nhân dân vẫn được duy trì; du kích ngày đêm trực chiến, nhân dân sản xuất, nộp thuế nông nghiệp, đi dân công…
Kiên cường đánh địch
Đảng bộ Phú Yên đã lãnh đạo các đơn vị vũ trang địa phương kiên cường đánh địch, và chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh tăng cường hoạt động dân vận bảo đảm nhiệm vụ phục vụ chiến trường địch hậu. Cấp ủy đảng từ tỉnh đến chi bộ đều nêu cao quyết tâm đánh địch, phân công thêm đảng viên tăng cường những bộ phận công tác trọng yếu như xã đội, thôn đội, dân công… Toàn tỉnh phát động phong trào thanh niên gia nhập du kích và lực lượng vũ trang, nhân dân thi đua hoàn thành thuế nông nghiệp, góp quỹ nuôi du kích, tham gia phá hoại cầu đường và nhà kiên cố trên các trục đường lớn, xây dựng làng chiến đấu, dời các kho lúa, gạo, muối ra xa đường số 1 hoặc chuyển lên miền Tây và ra phía bắc tỉnh.
Sau khi củng cố lại thế trận, ngày 16/2/1954, các binh đoàn cơ động số 10, 41 và 42 của địch tiến công ra các huyện phía bắc Phú Yên. Tiểu đoàn 375 được thành lập, tăng cường cho chiến trường Phú Yên. Tiểu đoàn nhanh chóng tổ chức tiến công tiêu diệt địch. Ngày 10/3/1954, quân địch ở bắc Phú Yên theo đường bộ tiến ra Bình Định. Tiếp đó, Binh đoàn cơ động số 10 đổ bộ vào Quy Nhơn (12/3), chiếm đóng Tuy Hòa lúc này là lực lượng quân ngụy yếu kém về sức chiến đấu. Liên khu 5 tăng cường tiếp cho Phú Yên Tiểu đoàn 365/Trung đoàn 803 cùng quân dân địa phương đẩy mạnh tiến công tiêu diệt địch. Bộ Chỉ huy chiến dịch Át-lăng hốt hoảng báo động: “Chủ lực Việt Minh đã vào Phú Yên”. Qua 2 tháng hành quân vào Phú Yên, quân Pháp mất khoảng 3.000 sinh mạng để chiếm đóng một thị xã và vài thị trấn. Bộ đội chủ lực nhanh chóng tiến sâu về hướng TX Tuy Hòa. Trước sức tiến công mạnh mẽ của ta, hệ thống phòng thủ của địch ở Phú Yên lần lượt bị sụp đổ. De Beaufort buộc phải rút Binh đoàn cơ động số 41 đang ở Diêu Trì (Bình Định) quay về giữ Tuy Hòa (tháng 4/1954). Đến đầu tháng 5/1954, địch chỉ tập trung vào 4 cụm lớn: La Hai, Sông Cầu, Chí Thạnh và TX Tuy Hòa; thế chủ động trên chiến trường thuộc về ta. Quân ta liên tục tiến công, siết chặt vòng vây chuẩn bị tiêu diệt toàn bộ quân địch trong TX Tuy Hòa, giải phóng hoàn toàn Phú Yên, thì Hiệp định Genève được ký kết (tháng 7/1954). Lệnh ngừng bắn được các đơn vị chấp hành nghiêm.
Bên cạnh chiến thắng về quân sự, chiến thắng của công tác dân vận ở Phú Yên đã góp phần làm cho giặc Pháp bị sa lầy trong cuộc chiến tranh nhân dân ở Phú Yên. Phản ánh tình hình này, báo cáo 6 tháng đầu năm 1954 của Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh đã nhấn mạnh, mặc dù trong điều kiện vừa chiến đấu, vừa sản xuất, nhưng nhờ tiến hành tốt công tác vận động, nên “sản xuất vụ tháng 3 đạt 11.842 mẫu, bằng vụ 3 năm 1953; lúa tứ quý gieo 2.866 mẫu. Thanh thu thuế nông nghiệp đến cuối tháng 5/1954, thu 30,7 triệu đồng thuế công thương nghiệp. Cuối tháng 3/1954, tình hình ổn định, các chợ phục hồi. Tháng 4/1954, các luồng mậu dịch điều hòa, giá ổn định. Các đường bưu điện liên tỉnh và các huyện hoạt động đều. Huy động dân công đến cuối tháng 5/1954: 9.824 người, 936 ngựa, vận chuyển lên chiến trường 138 tấn gạo, 1,6 tấn muối, 360kg mắm… Cuối tháng 3/1954, Tỉnh ủy mở hội nghị rút kinh nghiệm sau gần 2 tháng chiến đấu ở địa phương, động viên quân và dân tiếp tục chiến đấu, đóng góp sức người, sức của phục vụ chiến trường. Cuối tháng 4/1954, Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh họp hội nghị về công tác dân công toàn tỉnh”.
“Dân vận khéo”…
Trong phong trào toàn dân đánh giặc, hoạt động công tác dân vận của các cấp ủy đảng trong tỉnh phải đi sâu đi sát, đến từng gia đình để nắm bắt tình hình, tư tưởng, nguyện vọng, đời sống của bà con… Từ đó có kế hoạch chăm lo đời sống, giải quyết những nguyện vọng chính đáng của nhân dân và vận động nhân dân triệt để tản cư, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, “vườn không nhà trống”, hay đi dân công tiếp vận chiến trường. Phong trào chăm sóc gia đình có người thân đi chiến đấu, đi dân công xa, gia đình thương binh liệt sĩ cũng được chú ý thực hiện từ những năm 1949-1950.
Các cấp ủy đảng trong tỉnh thông qua tổ chức “Hội Mẹ binh sĩ” đứng ra vận động các mẹ, các chị nhiệt tình nuôi dưỡng thương binh, vận động tiền gạo thực phẩm, giúp đỡ bộ đội; vận động “Phong trào mùa đông binh sĩ” nhằm quyên tiền, vải, may quần áo ấm tặng bộ đội. Nhiều địa phương đã vận động nhân dân triển khai tốt phong trào “Nhận con”, mỗi gia đình nhận 2, 3 chiến sĩ - do đơn vị giới thiệu - làm con nuôi. Mỗi xã bình quân các gia đình nhận 20, 30 chiến sĩ xa quê nhà và người dân xem chiến sĩ như ruột thịt.
Từ phong trào nhận chiến sĩ làm con nuôi, các cấp ủy đảng còn vận động nữ thanh niên lấy thương binh làm chồng; nhận con em vùng tạm chiếm làm con nuôi, nuôi dưỡng ăn học, dạy dỗ cho đến lớn khôn như con ruột. Đến cuối năm 1954, bà con ở Tuy An, Đồng Xuân đã nhận nuôi hơn 200 thiếu niên vùng tạm bị chiếm Khánh Hòa ăn học hết cấp 1, chuyển lên học cấp 2; số đông trở về Khánh Hòa chiến đấu.
Khi chiến trường ngày càng quyết liệt, hoạt động của công tác dân vận ở Phú Yên càng đi vào chiều sâu, phát huy cao độ trong nhiệm vụ phục vụ chiến đấu, tổ chức đưa hàng chục vạn dân công làm nhiệm vụ cứu thương, tải đạn, tiếp lương thực, vận động hàng trăm thanh niên xung phong tham gia đội vệ binh cảm tử, biệt động… làm nhiệm vụ trinh sát diệt tề, bao vây nghi binh rải truyền đơn vào đồn kêu gọi lính bỏ hàng ngũ trở về, làm giao thông liên lạc… Dù cuộc chiến đấu ngày đêm tiếp diễn, Đảng bộ Phú Yên vẫn quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta”.
Bài học lớn nhất được rút ra trong thời kỳ này là sự gần dân, đoàn kết toàn dân, lấy dân làm đối tượng trung tâm của cuộc cách mạng, vừa phải bảo vệ, chăm lo đời sống nhân dân vừa phải huy động sức dân ở mức cao nhất phục vụ công cuộc kháng chiến nhưng vẫn bồi dưỡng sức dân, không làm cạn kiệt sức dân, không được lạm dụng lòng tốt của dân, không tham ô lãng phí của cải nhân dân đóng góp.
Sau Cách mạng Tháng Tám, công tác dân vận tập trung vào ba phong trào chống giặc đói, chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm. Động viên nhân tài, vật lực của nhân dân xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ. Bồi dưỡng sức dân bằng chính sách ruộng đất, tô, tức. Phát động rộng rãi phong trào Phòng gian bảo mật bảo vệ vùng tự do (chống gián điệp, biệt kích, máy bay oanh tạc). Xây dựng bộ máy trong sạch, kiên quyết xử lý nghiêm khắc những phần tử thoái hóa biến chất. Kiên quyết sửa sai chính sách động viên quá mức đối với nhân dân trong việc thực hiện lập quỹ tổng phản công…
Chính sự đồng thuận to lớn của nhân dân trong cuộc kháng chiến, nên phong trào chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân của Phú Yên phát triển đi vào chiều sâu tạo nên sức mạnh cho cuộc kháng chiến. Bởi vậy, khi quân Pháp đến đâu và bất cứ nơi nào cũng đều bị quân và dân Phú Yên đánh trả quyết liệt bằng một ý chí quật cường của truyền thống quê hương, lòng căm thù giặc sâu sắc và niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng.
Nhìn lại những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân và dân Phú Yên đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ nhưng đã giành được chiến thắng hết sức vẻ vang. Trong cuộc đối đầu trực tiếp với thực dân Pháp, Đảng bộ Phú Yên đã tiến hành một cách toàn diện công tác dân vận, vận động toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến để chiến thắng quân thù”. Phương pháp hoạt động của công tác dân vận ở Phú Yên được tiến hành một cách linh hoạt trên cơ sở phương châm, đường lối “kháng chiến toàn dân, toàn diện” của Đảng, thể hiện thông qua hàng loạt mặt công tác như: đi dân công tiếp vận chiến trường; tòng quân nhập ngũ; thi đua sản xuất; bình dân học vụ; xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang, bán vũ trang; phong trào... |
THÀNH NAM