Hòn Kén thuộc thôn Thân Bình Đông, xã Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa). Trước năm 1975, nơi đây là một cứ điểm của ngụy quyền Sài Gòn. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, Hòn Kén và đường 5 đã đi vào lịch sử, góp phần đập tan ý đồ rút lui, co cụm về đồng bằng của ngụy quyền Sài Gòn. Sau giải phóng, người dân Hòn Kén bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới, từng bước đưa vùng đất này trở nên trù phú.
HÒN KÉN XƯA
Theo người dân địa phương, Hòn Kén là một ngọn đồi cao khoảng 70m so với mực nước biển, từ đây có thể bao quát được toàn bộ khu vực xung quanh với bán kính từ 5km đến 7km. Địch chọn Hòn Kén làm nơi đóng quân. Giai đoạn 1960- 1963, địch biến nơi đây thành ấp chiến lược và dồn toàn bộ dân cư khu vực Hòn Kén vào sinh sống. Đến năm 1964, lực lượng vũ trang huyện Tuy Hòa 1 và xã Sơn Thành cùng người dân đứng lên phá ấp chiến lược, về làng cũ sinh sống. Vào năm 1967, một trung đội Nam Triều Tiên tiếp tục chiếm đóng Hòn Kén, biến nơi đây thành vùng “trắng” dân. Sau Hiệp định Paris năm 1973, trung đội Nam Triều Tiên rút quân, giao cứ điểm Hòn Kén lại cho quân đội ngụy.
Ông Hồ Quang Trung năm nay 65 tuổi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thành (huyện Tuy Hòa 1) cho biết: Tháng 3/1975, địch bị đánh tan tác ở Tây Nguyên, phải tháo chạy xuống đồng bằng qua đường 7 (nay là quốc lộ 25). Chúng vượt cầu phao qua sông Ba rồi co cụm tại cứ điểm Hòn Kén, chờ cơ hội rút lui. Ðể bảo đảm an toàn cho đội quân thất trận này, địch điều thêm hai tiểu đoàn lính biệt động từ Nha Trang ra mở đường, đồng thời cho máy bay, pháo binh bắn phá dọc đường 5. Phía ta đã sẵn sàng đón đánh địch từ Tây Nguyên xuống nên đêm 18/3/1975, bộ đội chủ lực phối hợp cùng quân dân địa phương tập kích tiêu diệt các cứ điểm Cầu Cháy (xã Hòa Ðồng), Hòn Sặt (xã Hòa Phong), giải phóng được 5 xã phía tây huyện Tuy Hòa 1; đồng thời bao vây, làm chủ cứ điểm Hòn Kén. Lực lượng ta bố trí mai phục trên Đường 5, từ ga Gò Mầm đến cầu Ðồng Bò, để chặn đánh địch tiếp viện từ Phú Lâm lên và sẵn sàng chia cắt, bao vây tiêu diệt đoàn quân địch rút từ Tây Nguyên xuống, góp phần làm nên chiến thắng Đường 5 lịch sử. Nhân đà chiến thắng, quân dân xã Sơn Thành đã vùng lên giải phóng quê hương, góp phần cùng quân dân các địa phương khác giải phóng tỉnh nhà vào ngày 1/4/1975.
Ông Hồ Quang Trung kể lại trận đánh tại cứ điểm Hòn Kén năm xưa - Ảnh: L.HẢO |
THAY DA ĐỔI THỊT
Sau giải phóng, nhân dân về quê cũ, khai hoang dựng nhà, vỡ đất canh tác, ổn định cuộc sống. Tuy lúc bấy giờ, khu vực này dân cư còn thưa thớt, điều kiện tự nhiên không ưu đãi nên cuộc sống của người dân vô cùng cơ cực. Hơn 90% hộ gia đình trong vùng là hộ nghèo, sống trong chòi tranh, vách che, sản xuất vẫn tự cung tự cấp. Sau khi Nhà nước mở rộng đường 5 thành ĐT645, rồi thành quốc lộ 29 hiện nay thì cuộc sống người dân Hòn Kén nói riêng và xã Sơn Thành Đông nói chung mới bắt đầu có điều kiện phát triển.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Loan ở thôn Thân Bình Đông, năm nay 75 tuổi, cho biết: Bà về làm dâu ở Hòn Kén đã hơn 50 năm. Trong xóm lúc đó chỉ có 7 nóc nhà; vì sau nhiều lần bị dồn vào ấp rồi chạy loạn, người dân đã tứ tán khắp nơi. Đến khi quê nhà giải phóng, gia đình bà trở về thì nhà cửa, ruộng vườn tan hoang. “Ngày hòa bình, tinh thần của một người dân tự do át hết những khó khăn cơ cực trước mắt. Ai nấy động viên nhau, cùng bắt tay dựng lại nhà cửa, cải tạo đất để trồng trọt, chăn nuôi. Dần dà, vùng Hòn Kén có thêm nhiều hộ dân từ các nơi đến sinh sống, thế là thành xóm, thành làng. Cũng mau thiệt, trước đây khi nghe đến cái tên Sơn Thành đất đỏ, ai cũng sợ, không dám đến. Thế mà nay, vùng đất đỏ ấy đã thay da đổi thịt từng ngày. Như gia đình tôi, giờ đã có nhà ở kiên cố, được cấp 4 sào ruộng, các cháu được học hành, có công ăn việc làm ổn định”, bà Loan vui vẻ chia sẻ.
Hiện nay, khu vực Hòn Kén thuộc thôn Thân Bình Đông, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa. Thôn có khoảng 150 hộ dân sinh sống, lấy việc trồng lúa, sắn, tiêu và buôn bán nhỏ làm nguồn thu nhập chính. Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới của xã, đời sống người dân thôn Thân Bình Đông và cả xã Sơn Thành Đông thực sự thay da đổi thịt.
Ông Thái An Nam, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Thành Đông, cho biết: Trên địa bàn xã, nhiều công trình hạ tầng cơ sở phục vụ dân sinh và phát triển sản xuất được đầu tư xây dựng, như công trình nước sạch tập trung thôn Thành An, tu sửa trường mầm non, trường tiểu học của xã, 8/8 thôn trong xã đều có nhà văn hóa; đặc biệt hệ thống giao thông nông thôn gồm 9,2km tuyến đường xã, 26km đường thôn; 4,3km đường nội đồng đã được nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận lợi, không còn lầy lội vào mùa mưa. Sản xuất cũng từ đó phát triển, hình thành một vùng chuyên canh trồng cây công nghiệp và chăn nuôi tập trung. Dân có điện thắp sáng, có nhà ở kiên cố, được sử dụng nước hợp vệ sinh, 92% người dân có việc làm thường xuyên, cho thu nhập bình quân khoảng 20 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo hàng năm giảm 3%...
“Trước đây, mỗi khi đến ngày kỷ niệm giải phóng quê hương, UBND xã Sơn Thành Đông thường tổ chức đưa đoàn cựu chiến binh và thanh thiếu niên đến cứ điểm Hòn Kén để ôn lại truyền thống đấu tranh anh hùng của xã nhà. Tuy nhiên, hiện Hòn Kén xuống cấp nhưng địa phương không đủ khả năng và thẩm quyền để triển khai trùng tu, tôn tạo cứ điểm Hòn Kén. Vì vậy, chúng tôi mong muốn ngành Văn hóa - Thông tin quan tâm, xác định đúng vai trò, vị trí quan trọng của cứ điểm Hòn Kén trong chiến thắng Đường 5, công nhận Hòn Kén là một điểm di tích để địa phương có điều kiện bảo vệ, phát huy giá trị lịch sử”, ông Thái An Nam kiến nghị.
L.HẢO - M.DUYÊN