Sinh ra đúng vào năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, mỗi người mỗi nhiệm vụ khác nhau nhưng ở họ đều có điểm chung đó là luôn nỗ lực hết mình để góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.
* THẠC SĨ NGUYỄN THỊ KIM THOA, PHÓ TRƯỞNG BAN BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY: Sống xứng đáng với lịch sử là trách nhiệm của chúng ta
40 năm đất nước hoàn toàn được giải phóng cũng là 40 năm tuổi đời của tôi. Điều đó làm tôi hiểu rõ hơn những giá trị của mình khi được sống trong môi trường hòa bình, độc lập của đất nước. Vì vậy, phải sống làm sao cho xứng đáng với lịch sử là trách nhiệm của tất cả chúng ta, trong đó có tôi và những người được sinh vào năm 1975.
TP Tuy Hòa, quê hương Phú Yên đang từng ngày phát triển, nhiều căn nhà mới mọc lên, những con đường được mở rộng, nhiều công trình phục vụ dân sinh hơn... Những đổi thay đó là động lực để những người con Phú Yên tiếp tục cống hiến sức lực và tâm trí để xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Riêng bản thân tôi, may mắn sinh ra trong hòa bình, có nhiều điều kiện thuận lợi để học tập, nghiên cứu. Tháng 10/2012, tôi được bổ nhiệm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Là phụ nữ và là một trong những lãnh đạo trẻ trong ngành Tuyên giáo khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tôi rất tự hào, song lại cảm nhận được trách nhiệm to lớn. Bởi công tác tư tưởng - văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng trong mọi thời kỳ cách mạng. Hy vọng với tinh thần vững vàng, kiên định, đoàn kết, tôi cùng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo các cấp sẽ hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng giao. Đặc biệt, trong năm 2015, chúng tôi sẽ tập trung vào đợt sinh hoạt chính trị tuyên truyền sâu rộng về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Dẫu biết rằng phía trước còn nhiều khó khăn và thách thức, song, tôi tin rằng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, cùng với sự đồng lòng, quyết tâm của nhân dân tỉnh nhà, Phú Yên sẽ ngày càng phát triển bền vững và giàu mạnh.
* PHÓ CHỦ TỊCH HỘI NÔNG DÂN PHÚ YÊN PHAN ĐẠI THẮNG: Giữ ngọn lửa nhiệt tình, gắn bó với cơ sở
Sinh ra đúng vào năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, sau khi làm Phó bí thư Tỉnh đoàn, năm 2012, Phan Đại Thắng về giữ chức Phó chủ tịch Hội Nông dân Phú Yên. Khi được hỏi về sự khác biệt giữa hai môi trường công tác, anh cười: Dù ở Tỉnh đoàn hay Tỉnh hội thì tôi cũng đều làm công tác vận động, tập hợp quần chúng. Khi ở Đoàn thì gắn với sự trẻ trung, sôi nổi, nhiệt huyết, với các đợt ra quân tình nguyện, xung kích vì cộng đồng của các bạn đoàn viên, thanh niên. Còn hiện nay, hoạt động hội lại gắn với bà con nông dân, đi vào chiều sâu với các mô hình làm ăn rất cụ thể. Điều quan trọng nhất là ở hoàn cảnh nào cũng phải giữ cho được ngọn lửa nhiệt tình, sâu sát, gắn bó với cơ sở. Có như vậy thì mới hoàn thành được chức trách, nhiệm vụ được giao, góp sức chung tay cùng tập thể để đưa phong trào phát triển ngày càng bền vững.
Hiện anh Thắng được phân công phụ trách ba mảng quan trọng của hội là nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới.
Do trước đây được đào tạo chuyên môn khác, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, anh thường xuyên tìm hiểu, trang bị kiến thức về nông thôn, nông nghiệp, nông dân qua sách báo, tư liệu, qua học hỏi lãnh đạo và đồng nghiệp cơ quan, qua các chuyến thực tế ở cơ sở. Anh cho rằng để xây dựng nông thôn mới thành công, vấn đề quan trọng nhất là bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, phải khơi dậy cho được sự tự giác, tự nguyện tham gia của nông dân trong các vấn đề kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Muốn vậy, hội phải làm tốt vai trò cầu nối, động viên bà con bằng những chương trình hành động, việc làm thiết thực và hiệu quả.
* VÕ THỊ NHẤT, GIÁO VIÊN TRƯỜNG THCS HÙNG VƯƠNG (TP TUY HÒA): Không ngừng trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn
Sinh năm 1975, cô giáo Võ Thị Nhất, Trường THCS Hùng Vương, TP Tuy Hòa, có 18 năm gắn bó với bục giảng. Ngần ấy năm công tác trong ngành Giáo dục, cô Nhất không nhớ hết những danh hiệu mà mình đã đạt được, cô chỉ đúc kết: Giáo viên là một trong những nhân tố quan trọng, then chốt để thực hiện đổi mới dạy và học, tiến tới đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo.
Năm 1996, sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm Tiếng Anh, Trường cao đẳng Sư phạm Phú Yên (nay là Trường đại học Phú Yên), cô Nhất về giảng dạy tại Trường THCS Hòa An. Năm 1997, cô chuyển về giảng dạy tại Trường THCS Hùng Vương cho đến nay. Cô Nhất cho biết: Ngày ấy, không nhiều học sinh lẫn phụ huynh quan tâm đến môn Tiếng Anh vì môn học này chưa được ứng dụng nhiều trong thực tiễn nên giáo viên giảng dạy môn học này ít chịu áp lực. Những năm gần đây, vấn đề ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh đang trở thành chìa khóa trong vốn tri thức cần thiết nên học sinh, phụ huynh rất quan tâm đến việc học ngoại ngữ của con. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giáo viên phải biết tự đổi mới, nâng cao tay nghề, nâng cao trách nhiệm với nghề. Với bản thân tôi, mỗi khi sơ kết học kỳ hay tổng kết một năm học, bên cạnh những thành tích đạt được, tôi luôn nhìn nhận lại những tồn tại, hạn chế, từ đó có chủ trương, biện pháp khoa học, khả thi để khắc phục và phát triển.
Để nâng cao trình độ chuyên môn, cô Nhất vừa đi dạy vừa đi học đại học tại chức sư phạm Tiếng Anh. Tư duy chủ động, sẵn sàng giúp học sinh hội nhập thể hiện rất rõ trong quá trình nỗ lực giảng dạy của cô Nhất và tập thể giáo viên Tổ Tiếng Anh - Giáo dục công dân - Tin học do cô Nhất làm tổ trưởng. Minh chứng cho điều này là năm học nào, học sinh Trường THCS Hùng Vương cũng đạt giải cao trong các kỳ thi cấp thành phố, cấp tỉnh, quốc gia. Chia sẻ về điều này, cô Nhất nói: “Học xong sư phạm là cơ bản đủ điều kiện làm nghề dạy học, nhưng để dạy tốt, người giáo viên phải học tập suốt đời. Ngoài ra, khi đổi mới chương trình sách giáo khoa thì giáo viên phải được đào tạo bổ sung hoặc đào tạo lại để đáp ứng với chương trình sách giáo khoa. Cô nhất là một trong hai giáo viên dạy Tiếng Anh của Phòng GD-ĐT TP Tuy Hòa được Sở GD-ĐT chọn đi tập huấn giảng dạy bộ môn này tại Malaysia theo đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020.
Theo cô Nhất, dù chặng đường 40 đã qua, ngành Giáo dục Phú Yên nói riêng, cả nước nói chung có nhiều thành tựu lớn, nhưng để Việt Nam có một nền giáo dục tiên tiến sánh ngang với các nền giáo dục lớn trên thế giới thì chặng đường phía trước còn dài, còn nhiều gian khó. Nhưng chỉ cần chúng ta có lập trường tư tưởng vững vàng, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước, yêu ngành, yêu nghề thì tôi nghĩ nhất định ngành Giáo dục sẽ thực hiện thành công đổi mới dạy và học, tiến tới đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT.
* THẠC SĨ ĐÀO TẤN TRỰC, GIÁO VIÊN TRƯỜNG THPT LÊ THÀNH PHƯƠNG: Người đa năng
Sinh năm 1975, Đào Tấn Trực hiện là giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THPT Lê Thành Phương (huyện Tuy An). Thế nhưng dân viết lách biết đến Đào Tấn Trực nhiều hơn với vai trò người cầm bút. Anh viết báo, tùy bút, làm thơ đã 20 năm.
Quê ở vùng núi An Xuân (huyện Tuy An), cha mẹ mất sớm, mấy anh em Trực sống với nhau. Trong nhà chỉ có Trực học hành “sáng sủa” nên được… phân công đi học. Xong phổ thông, Trực theo học khóa đào tạo y sĩ nhưng rồi không tìm được việc làm, đành ở nhà chích thuốc dạo và làm nông. Thế nhưng, giữa kham khó núi rừng An Xuân, anh lặng lẽ ôn thi và tiếp tục khăn gói ra Huế thi đỗ, theo học đại học sư phạm rồi lên cao học.
Đam mê nghề báo, Trực đã từng gửi đơn vào một số tờ báo và được chấp nhận. Thế nhưng, rốt cuộc anh vẫn ăn lương nghề giáo. “Tôi suy tính rồi, muốn làm báo không hẳn phải “ở luôn” trong một tòa soạn nào đó. Tôi thích vừa đi dạy, vừa viết cộng tác tự do. Quan trọng là mình phải tạo được niềm tin nơi các tòa soạn. Dù không ít nhọc nhằn nhưng việc viết báo đã đem đến cho tôi rất nhiều niềm vui, trong đó có việc tăng thêm thu nhập cho gia đình”, Trực chân tình thổ lộ.
Nhà báo Huỳnh Hiếu - Trưởng văn phòng Báo Tuổi Trẻ khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên nhìn nhận: “Trực nhanh nhạy, xông xáo, có tố chất nghề báo. Anh đã viết được nhiều thể loại cho các báo có tiếng khắt khe trong lựa chọn bài vở. Đặc biệt, với thế mạnh là người đang đứng trên bục giảng nên anh rất sắc sảo về các thông tin mảng giáo dục”. Nhà báo Huỳnh Thúc Giáp - Trưởng văn phòng Báo Thanh Niên tại Bình Định thì nói: “Trực là một cộng tác viên “ruột” của văn phòng tôi. Ngoài tin bài thời sự, anh là một cây bút rất có duyên ở các trang mục giới thiệu văn hóa du lịch, ẩm thực. Nhiều năm qua, anh liên tục có nhiều bài viết ấn tượng về những thanh niên, học sinh, sinh viên giàu ý chí vượt qua số phận”.
Một lúc, Đào Tấn Trực chiêm nghiệm về sự “đa hệ” của mình: “Nghề giáo, báo, văn đều phải dùi mài bằng niềm đam mê, thế mới theo được, theo đủ con đường đã chọn. Thông tin, chữ nghĩa không hề dễ dàng. Nếu không trui rèn, cẩn trọng thì rất dễ bị hổng, bị vấp, dẫn đến chán nản. Với báo chí, tôi viết theo thế mạnh của mình. Đó như là sự lôi cuốn tự nhiên buộc tôi phải lao theo. Tất nhiên, tôi phải tranh thủ làm ngoài giờ dạy học”.
Nhóm PV-CTV (thực hiện)