Thứ Tư, 27/11/2024 11:36 SA
Lực lượng địch phòng thủ Sài Gòn
Thứ Ba, 14/04/2015 08:22 SA

Quân đội Việt Nam Cộng hòa đưa quân tăng viện cho Xuân Lộc  

Từ khi hai nút chặn sống còn là Phan Rang và Xuân Lộc bị trốc, trong cơn hoang mang, địch cố vá víu lực lượng, bố trí lại tuyến phòng thủ Sài Gòn một cách xộc xệch. Tuy lực lượng bị hao hụt nặng, đã yếu đi, nhưng địch vẫn còn những sư đoàn con cưng từng một thời “làm mưa làm gió” nay làm lực lượng tử thủ quyết bảo vệ “thủ đô Việt Nam Cộng hòa”. 

 

TUYẾN NGOẠI VI

 

Sư đoàn bộ binh 25, án ngự tuyến Tây Ninh - Củ Chi - Đức Hòa.

Sư đoàn bộ binh 5: tuyến Lai Khê - Bến Cát - Phú Lợi.

Sư đoàn bộ binh 18 (bị tổn thất nặng ở Xuân Lộc, thiếu hụt quân số): tuyến Trảng Bom - Hố Nai.

Sư đoàn thủy quân lục chiến (bị tổn thất): tuyến Long Bình.

Lữ đoàn 3: tuyến Biên Hòa - Long Thành.

Sư đoàn 1 dù: tuyến Bà Rịa.

Sư doàn 22 (mới khôi phục lại): tuyến Tân An - Bến Lức

Tuyến Sài Gòn

4 lữ đoàn dù (lực lượng tổng trù bị ).

Sư đoàn 106 biệt động quân (mới thành lập để chỉ huy các liên đoàn số 7, số 8 và số 9 biệt động quân).

Lực lượng bảo an, dân vệ

 

TẠI NỘI SÀI GÒN

 

Có 5 biệt đoàn cảnh sát dã chiến hợp với lực lượng bảo vệ “thủ đô” đảm trách 5 khu vực phòng thủ (2 quận 1 khu vực).

 

Trên các tuyến phòng thủ, địch ráo riết tổ chức bố phòng, nhất là từ khi ta tiến công giải phóng Phước Long và mở Chiến dịch Tây Nguyên.

 

Trên hướng tây bắc, địch đào hệ thống mương sâu và chiến hào từ Phú Hòa Đông (Củ Chi) đến Đức Hòa (Long An); ủi trống các địa hình nam Rạch Sơn đến Nhuận Đức… đóng thêm đồn bót dọc quốc lộ 1 và lộ 2; bố trí thêm các cụm pháo bảo vệ các căn cứ quân sự, chi khu, tiểu khu và trục đường 1 (Tây Ninh đi Sài Gòn).

 

Trên hướng nam và tây nam (thuộc địa bàn Tân Bình, Bình Chánh, Nhà Bè), địch tăng cường hủy diệt địa hình, xóa vũng lõm du kích, tập trung dân vào các dinh điền Hiệp Phước, Bà Lác, đóng thêm đồn bót để ngăn chặn hành lang của ta, cố đánh trốc các đơn vị xa vùng ven, ngoài tầm bắn pháo không giật vào nội đô, giữ chặt quốc lộ 4 (Sài Gòn đi miền Tây) và sông Nhà Bè, sông Lòng Tàu đi ra biển.

 

Trên hướng đông bắc (địa bàn Thủ Đức), trọng điểm đánh phá là vùng Bưng Sáu Xã. Địch bắt dân đi đốn lá, phá địa hình, mở rộng “vùng tự do bắn phá”, bịt cửa khẩu tiếp tế, cố đánh bật ta ra khỏi cửa ngõ xung yếu, bảo vệ xa lộ Sài Gòn. Rạch Chiếc, sông Đồng Nai.

 

Trên hướng bắc (Gò Vấp - Hóc Môn), địch tăng cường hành quân cảnh sát, chặt trống cây cối. Sư đoàn không quân sẵn sàng tác chiến trên toàn bộ khu vực Sài Gòn - Gia Định và giữ an ninh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, đầu mối giao thông đường không sống còn của chúng.

 

Ở nội đô, “Biệt khu thủ đô” nắm 2 sư đoàn hỗn hợp (gồm các lữ dù từ Quân khu 1 kéo về và thủy quân lục chiến, biệt động quân, bảo an, dân vệ…). Để kiểm soát chặt chẽ tình hình, địch chia ô, xắt nhỏ khóm, bố trí mạng lưới kìm kẹp, đồng thời triển khai lực lượng cảnh sát dã chiến sẵn sàng đàn áp mọi báo động, cố gắng giữ cho được trật tự thành phố, tăng cường bảo vệ các vị trí trọng yếu về chính trị, quân sự…

 

Trong thế tiến công như nước vỡ bờ của quân ta, địch đã ở thế tuyệt vọng hoàn toàn, khó có thể chống đỡ, nhưng với bản chất ngoan cố và còn nuôi ảo tưởng “tìm một giải pháp chính trị cho Nam Việt Nam”, địch vẫn tập trung mọi cố gắng phòng thủ Sài Gòn với một lực lượng không nhỏ. Do đó, cuộc bao vây tiến công của ta vào sào huyệt cuối cùng của địch vẫn còn gặp nhiều trở ngại khó khăn…

 

NỘI TÌNH MỸ NGỤY TRONG CƠN NGUY KHỐN

 

Khi Xuân Lộc, vị trí then chốt nhất bảo vệ Sài Gòn từ xa bị mất, tình hình của tớ thầy Mỹ - ngụy trở nên u ám hơn cả. Trong ngày 20/4, nhận được chỉ thị từ Nhà Trắng, đại sứ Mỹ Graham Martin, người ủng hộ Nguyễn Văn Thiệu từ nhiều năm nay, vào thăm dinh Độc Lập buộc Thiệu phải từ chức.

 

Ngày 21/4, các chính khách chóp bu và tướng lĩnh như Nguyễn Văn Ngữ, Đặng Văn Quang, Nguyễn Văn Toàn, Cao Văn Viên có mặt tại phủ tống thống đều nêu tình hình tuyệt vọng. Nguyễn Văn Thiệu bàn giao quyền tổng thống cho Trần Văn Hương và tuyên bố: “Tôi từ chức nhưng tôi vẫn không đào ngũ. Từ giờ phút này tôi tự đặt mình dưới quyền tân tổng thống và đồng bào…”. Nhưng chỉ hôm sau, Nguyễn Văn Thiệu và Trần Thiện Khiêm cùng gia đình bí mật khuân vàng bạc lên phi cơ của quân đội Hòa Kỳ chuồn đi Đài Loan. Chính quyền Sài Gòn càng thêm rối loạn và lâm vào cảnh khủng hoàng chưa từng có.

 

Đây chính là thời cơ cho ta tiến công giải phóng Sài Gòn. Thời cơ sẽ nhân sức mạnh lên thành gấp bội. Lúc này thời cơ chính là lực lượng của ta.

 

So sánh lực lượng quân sự và tình thế chính trị chuyển biến đưa đến một bước ngoặt hoàn toàn bất lợi cho địch. Phó tổng thống Mỹ Rochfeller đã phải thú nhận “đã quá muộn để có thể làm bất cứ việc gì nhằm lật ngược tình thế”. Nhưng ngoan cố và xảo quyệt vốn là bản chất của đế quốc Mỹ và tay sai. Chúng vẫn còn cố sức bày mưu lập kế hòng cứu vãn tình hình, ngăn chặn “một trận Oateclô thứ hai” có thể chôn vùi uy danh của trùm đế quốc Mỹ.

 

Thời gian càng trôi qua, chiến trường càng thu hẹp, binh lính, tướng tá địch thua trận, chạy trốn về Sài Gòn càng làm cho bọn còn lại hoảng hốt, lo sợ. Tình cảnh thật vô cùng nguy khốn. Trước đây vài tuần, chính phủ Mỹ thống thiết chia sẻ với Thiệu về “nỗi niềm không vui và tiếc cho những cuộc rút lui bắt buộc” đã hứa hẹn “Mỹ sẽ đứng vững đằng sau Việt Nam Cộng hòa” nay lại ra sức thúc ép quốc hội tăng khối lượng viện trợ khẩn cấp lên 722 triệu đô la, yêu cầu được sử dụng lực lượng quân sự để” di tản và bảo vệ di tản”.

 

Được quan thầy Mỹ vẽ vời hà hơi cổ vũ, nhưng chính quyền Sài Gòn đã đến ngày tận số. Ngụy quân không còn mấy thời gian và không còn tinh thần để tử thủ, cũng như ổn định vòng đai phòng thủ cho 1/3 phần đất “quốc gia” còn lại.

 

Trong tinh thần đó, bối cảnh chính trị ở Đông Dương càng thúc đẩy nhanh đà sụp đổ của “Nam Việt Nam” mà những chính khách chóp bu Sài Gòn đang cố nắm giữ.

 

Từ giữa 4/1975, quân đội cách mạng Campuchia đã áp sát Phnôm Pênh. Lon Non (tên độc tài đã lật đổ quốc trưởng Xihanúc ngày 18/3/1970, do Mỹ giật dây đảo chính) bỏ cả sản nghiệp trốn ra nước ngoài theo chủ Mỹ. Lầu Năm Góc mở cuộc hành quân “diều hâu” để rút lui. Đại sứ Mỹ, các cố vấn và tay sai đầu sỏ cũng tranh nhau lên máy bay chạy khỏi Phnôm Pênh. Ngày 17/4, quân cách mạng Campuchia tiến vào thành phố, ngụy quyền đầu hàng vô điều kiện. Mỹ tỏ ra hoàn toàn không còn khả năng tham chiến trở lại để cứu vớt bọn tay sai, không phải do thiếu lực lượng mà do thấy rằng, dù có đổ vào bao nhiêu vũ khí, đô la, hoặc liều lĩnh dùng lực lượng quân sự trở lại xâm lược Campuchia và miền Nam Việt Nam thì cũng hoài công, không sao đảo ngược được tình thế mà chỉ chuốc lấy thất bại lớn hơn. Lúc này, dư luận thế giới cho rằng cuộc rút lui của Mỹ ở Campuchia là cuộc “diễn tập” của Nhà Trắng để chuẩn bị rút khỏi Nam Việt Nam. Có phóng viên phương Tây còn ví canh bạc của Mỹ ở Đông Dương giống như ván cờ đôminô, tất cả đổ theo nhau cho đến hết.

 

Thất bại ở Campuchia trong chiến lược “Khơ Me hóa chiến tranh” cho thấy thế suy yếu thảm hại của đế quốc Mỹ ở bán đảo Đông Dương. Điều đó báo trước thất bại hoàn toàn của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Ngụy quyền Sài Gòn nhìn vào Camphuchia với nỗi lo sợ, hoang mang “nhỡn tiền” và nghi ngờ, thất vọng đối với chủ Mỹ. Trong khi đó tình hình cách mạng Lào đang phát triển rất thuận lợi và trên đà thắng thế. Số phận của bọn phản động cực hữu Lào, tay sai đế quốc Mỹ đang được Đảng cách mạng và nhân dân yêu nước Lào định đoạt. Chúng khó tránh khỏi một cục diện bi thảm như Lon Non ở Campuchia.

 

Mỹ - ngụy trong bước đường cùng, bề ngoài tiếp tục gào thét tử thủ, nhưng bên trong cực kỳ dao động, hốt hoảng. Dinh Độc Lập trở thành một cứ điểm phòng thủ được tăng cường gấp ba lần so với trước đây. Bộ trưởng Quốc phòng ngụy Trần Văn Đôn sau khi đi kiểm tra một số khu vực phòng thủ xung quanh Sài Gòn đã phải thốt lên: “Quốc gia đang nguy ngập thực sự, sự sống còn chỉ tính từng ngày…”.

 

Đại sứ Mỹ Martin ngày 19/4 cũng mật báo tình hình tuyệt vọng về Washington: “Các đơn vị đối phương đang cùng lúc hội tụ về khu vực Sài Gòn từ mọi hướng với một lực lượng hậu bị to lớn hơn lực lượng Chính phủ (ngụy quyền Sài Gòn) rất nhiều, có khả năng bao vây và cô lập thành phố trong vòng một hay hai tuần nữa. Mặc dù phía Chính phủ có thể tăng viện một hoặc hai mặt trận bằng cách rút lực lượng từ Cần Thơ hoặc Mỹ Tho trong châu thổ, nhưng việc này cũng không thể làm gì hơn là kéo dài thêm sự tồn tại của Sài Gòn khoảng một tuần, bởi vì quân đối phương hầu như ngay tức khắc sẽ có khả năng loại trừ những lực lượng tăng cường này với lực lượng gấp bội của họ”.

 

Đến lúc này, những ảo tưởng mong manh của Mỹ - ngụy gần như tiêu tan trước sức tiến công như bão táp của quân ta

 

HỒ SĨ THÀNH - HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ PHÚ YÊN

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cuộc hành quân thần tốc
Thứ Năm, 09/04/2015 10:24 SA
Đập tan các phòng tuyến ngoại vi
Thứ Tư, 08/04/2015 08:04 SA
Vì môi trường không rác
Chủ Nhật, 05/04/2015 09:46 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek