Thứ Tư, 27/11/2024 13:29 CH
Đập tan các phòng tuyến ngoại vi
Thứ Tư, 08/04/2015 08:04 SA

Ngày 3/4/1975, quân ta chiếm Cam Ranh

Sau khi giải phóng Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng… quân ta thừa thắng giải phóng Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Cam Ranh… Vào thời điểm đầu tháng 4/1975, ta đã tiêu diệt và làm tan rã 35% sinh lực địch, hơn 40% binh khí kỹ thuật hiện đại của chúng bị mất, 12 tỉnh, thành phố đã được giải phóng. Phần kiểm soát của địch còn lại chủ yếu là miền Đông và miền Tây Nam Bộ nhưng cũng bị ta đánh chiếm và giải phóng nhiều nơi. Trên thực tế, địch đang bị dồn vào chân tường.

 

ĐẬP TAN PHÒNG TUYẾN PHAN RANG

 

Trong cuộc họp ngày 31/3, Bộ Chính trị kết luận: “Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt mà thời cơ chiến lược để tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt địch đã chín mùi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu… Cần nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo: thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng có quyết tâm lớn thực hiện tổng công kích - tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất; tốt nhất là trong tháng 4, không để chậm.

 

…Sẵn sàng nắm đấm thật mạnh của quân chủ lực, kể cả binh khí kỹ thuật, để lúc thời cơ xuất hiện thì tức khắc đánh thẳng vào những mục tiêu hiểm yếu và quan trọng nhất ở ngay trung tâm thành phố Sài Gòn”.

 

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, từ đầu tháng 4, trên tất cả các nẻo đường đất nước đều vô cùng sôi động, nhộn nhịp hướng về phía Nam, mà mục tiêu chính là Sài Gòn. Quân đoàn 2 dưới sự chỉ huy của thiếu tướng Nguyễn Hữu An, với 2.000 xe vượt chặng đường 900km, ngày 13/4 đã tới sát Phan Rang, nơi địch đang hò hét “tử thủ”.

 

Phan Rang quả là vị trí sống còn của ngụy lúc này. Nó là tuyến phòng thủ Sài Gòn từ xa, cách Sài Gòn 342km. Tại đây có ngã ba đi Đà Lạt. Mất Phan Rang coi như Sài Gòn bị uy hiếp trông thấy. Vì thế khi một loạt tỉnh miền Trung bị mất, ngày 2/4, Cao Văn Viên tổng tham mưu trưởng quân đội ngụy, gào thét “quyết tâm giữ phần đất còn lại, cố thủ từ Phan Rang trở vào” và lập ra Bộ tư lệnh tiền phương Quân khu 3 đóng sở chỉ huy tại Phan Rang do trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi chỉ huy.

 

Trong cuộc họp của Bộ tổng tham mưu ngụy, địch phổ biến: “Theo lệnh của ông Thiệu, bằng bất cứ giá nào cũng phải cố thủ từ Ninh Thuận trở vào, nếu cần sẽ đem hết lực lượng đánh xả láng tại đó”. Quân ngụy tăng cường cho mặt trận Phan Rang một lữ đoàn dù, một liên đoàn biệt động quân, một số đơn vị thiết giáp và pháo binh. Ngoài khơi có một đội chiến hạm sẵn sàng yểm trợ hỏa lực pháo hạm theo yêu cầu, không quân cũng được ưu tiên cho việc yểm trợ giữ Phan Rang. Địch ra lệnh cho tất cả các mặt trận giữ đến mùa mưa, lúc đó xe tăng ta không cơ động được, chúng sẽ có cơ hội khôi phục lại một số sư đoàn đã bị ta tiêu diệt, để gượng dậy chống trả, ngăn chặn bước tiến của quân ta. Những nỗ lực thành lập phòng tuyến Phan Rang có gây khó khăn cho ta, nhưng hoàn toàn không thể cản được đà tiến công thần tốc của quân ta về hướng Sài Gòn.

 

Ngày 14/4, Sư đoàn 3 Quân khu 5 được tăng cường Trung đoàn 25 Tây Nguyên đã nổ súng tiến công Phan Rang, cụm phòng thủ đầu tiên của Quân đoàn 3 ngụy. Sau hai ngày chiến đấu quyết liệt, quân ta mới chiếm được một số vị trí ngoại vi. Địch dùng máy bay oanh tạc dữ dội và bộ binh chống cự quyết liệt. Trước tình hình đó, các đồng chí Lê Trọng Tấn và Lê Quang Hòa chỉ huy cánh quân “Duyên Hải” quyết định sử dụng một số bộ phận Quân đoàn 2 để tăng thêm sức đột kích.

 

Ngày 16/4, dưới sự chi viện mạnh mẽ của hỏa lực pháo binh, một bộ phận của Sư đoàn 325 thuộc Quân đoàn 2 được tăng cường xe tăng, thiết giáp cùng Sư đoàn 3 và Trung đoàn 25 từ ba hướng tiến công vào trung tâm TX Phan Rang và sân bay Thành Sơn. Trước sức tấn công mãnh liệt của quân ta, quân địch hoảng loạn bỏ chạy. Ta tiêu diệt Bộ tư lệnh tiền phương Quân đoàn 3, Bộ tư lệnh Sư đoàn 6 không quân… bắt sống trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang và nhiều sĩ quan cao cấp của địch, thu gần 40 máy bay còn nguyên vẹn.

 

Sau khi đập tan phòng tuyến Phan Rang, Quân đoàn 2 tiến theo đường số 1, vừa hành tiến vừa chiến đấu quét địch trên đường, đánh cả tàu chiến địch dưới biển và máy bay trên trời; rồi thừa thắng, phối hợp với bộ đội Khu 6 tiến đánh Phan Thiết và giải phóng luôn Hàm Tân.

 

ĐẬP TAN “CÁNH CỬA THÉP”

 

Tình hình chiến sự diễn ra hết sức nhanh chóng. Chỉ trong vòng một tháng, ta đã giải phóng Tây Nguyên và từ Quảng Trị đến cực nam Trung Bộ, đẩy địch vào thế vô cùng nguy khốn. Trong thế bí nước cùng, địch buộc phải lập phòng tuyến tử thủ Phan Rang để ngăn chặn ta từ xa, đồng thời thiết lập tuyến phòng thủ cuối cùng tạo thành vòng cung để bảo vệ Sài Gòn là Tây Ninh - Long Khánh - Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó “cốt tử” nhất là nút chặn Xuân Lộc - Long Khánh, chỉ cách Sài Gòn 80km, một cự ly quá ngắn so với tốc độ tiến công “chẻ tre” của đối phương.

 

TX Xuân Lộc trong những ngày đầu tháng 4 trở thành một khu vực phòng ngự trọng yếu của địch ở Quân khu 3. Nó bảo vệ Sài Gòn từ phía đông. Địch cố giữ Xuân Lộc để ngăn chặn hai đường tiến quân của ta vào Sài Gòn: đường số 1 và đường 20. Lúc này, quân ta đã tiến gần đến Phan Rang, còn trên trục đường 20, sau khi giải phóng Lâm Đồng, Đà Lạt, Tuyên Đức, quân ta tiến xuống gần Kiệm Tân. Địch cố giữ đường 15 đi Vũng Tàu để nhận hàng viện trợ của Mỹ vào Sài Gòn theo đường biển, cũng là đường rút chạy của địch.

 

Giữ được Xuân Lộc - Long Khánh thì tuyến Biên Hòa - Nhơn Trạch - Bà Rịa - Vũng Tàu chưa trực tiếp bị uy hiếp, sân bay Biên Hòa và cả sân bay Tân Sơn Nhất còn hoạt động được. Do tính chất cực kỳ quan trọng đó mà Tướng Weyand, Tham mưu trưởng lục quân Mỹ, xác định với Nguyễn Văn Thiệu: “Mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”. Lực lượng địch tại đây có Sư đoàn 18 (đủ 3 chiến đoàn), 8 tiểu đoàn bảo an, 20 đại đội địa phương quân. Lực lượng cơ động ứng cứu có Lữ đoàn dù số 1, Lữ đoàn 3 thiết giáp, Liên đoàn 7 biệt động quân và các Trung đoàn bộ binh, các đơn vị binh chủng của 2 quân khu 3 và 4. Như thế chưa đủ. Địch còn huy động mức cao nhất không quân còn lại ở Biên Hòa, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ vào cuộc và huy động cả một bộ máy tuyên truyền chiến tranh tâm lý trong nước và phương Tây đến Sài Gòn, Xuân Lộc để “lên dây cót tinh thần” cho ngụy quân. Chuẩn tướng Lê Minh Đảo, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 18, tuyên bố huênh hoang: “Sẽ đánh một trận oai hùng cho thế giới biết và để Mỹ cho thêm viện trợ”.

 

Thời cơ quyết tâm không cho phép ta chậm hành động. Bộ Tư lệnh Miền quyết định sử dụng lực lượng Quân đoàn 4, Trung đoàn độc lập 95B và lực lượng địa phương Long Khánh giải phóng Xuân Lộc. 5 giờ 40 ngày 9/4, Quân đoàn 4 do Thượng tướng Hoàng Cẩm chỉ huy nổ súng tiến công Xuân Lộc bằng những cơn bão lửa của pháo binh. Sau 1 giờ chiến đấu ta chiếm được căn cứ biệt động quân, trụ sở tình báo CIA của địch, cắm cờ lên dinh tỉnh trưởng Long Khánh. Tướng Lê Minh Đảo và tỉnh trưởng Phạm Văn Phúc bỏ chạy khỏi thị xã. Sau ngày chiến đấu đầu tiên, ta chiếm được phân nửa thị xã gồm khu hành chánh và tiểu khu.

 

Ngày 10/4, cuộc chiến đấu diễn ra gay go, ác liệt hơn. Sau một ngày bị đòn phủ đầu, địch tổ chức phản kích liên tục, đánh chiếm lại các mục tiêu đã mất, đẩy các lực lượng ta ra khỏi thị xã. Sư đoàn 341 quyết định tăng thêm lực lượng, đánh chiếm sân bay, nhưng 4 lần xung phong đều bị địch đánh bật trở lại. Các mũi tiến công vào trại Lê Lợi, Chiến đoàn 43 ngụy diễn ra quyết liệt. Ta và địch giằng co nhau từng góc phố, công sự. Các lực lượng ta trong thị xã bị chia cắt, có đơn vị bị địch bao vây cô lập. Tình thế rất khó khăn nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn chiến đấu cực kỳ anh dũng.

 

Ngày 11/4, chiến sự diễn ra quyết liệt ở bên trong và ngoại vi thị xã. Ngày 12/4 và những ngày tiếp theo, địch tăng cường lực lượng lớn gồm 50% bộ binh, 60% pháo binh, hầu hết xe tăng - thiết giáp của Quân đoàn 3, lực lượng tổng trù bị và lực lượng không quân từ các sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất được huy động với mức độ cao, từ 80-125 lần chiếc trong ngày, chi viện cho các mũi phản kích.

 

Qua 3 ngày chiến đấu, ta vẫn giữ được một số mục tiêu quan trọng, nhưng quân số bị tổn thất lớn: Sư đoàn 7 thương vong gần 300, Sư đoàn 341 thương vong gần 1.200; xe tăng, pháo bị hư hỏng nhiều, đạn dược không tiếp tế kịp… Trước tình hình đó, đồng chí Trần Văn Trà, Phó tư lệnh chiến dịch, cùng Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 quyết định ngưng cuộc tấn công để thay đổi cách đánh, tổ chức lại lực lượng chiếm giữ các bàn đạp, cắt rời Xuân Lộc ra khỏi Biên Hòa bằng cách đánh chiếm ngã ba Dầu Dây, cắt đường số 1, chặn quân địch từ Biên Hòa, Trảng Bom lên phản kích và đánh chiếm Tân Phong, cắt đường số 2 Bà Rịa - Vũng Tàu.

 

Trong khi ta chuyển thế trận và đổi cách đánh, địch lại tưởng là đẩy lui được cuộc tiến công của quân ta ra khỏi Xuân Lộc. Nguyễn Văn Thiệu liền tuyên truyền rùm beng chiến thắng Xuân Lộc để xin Mỹ viện trợ và củng cố tinh thần quân ngụy đang rệu rã. Mỹ thì mong có được một thắng lợi để mặc cả với ta trong một cuộc hội đàm, nếu có. Tướng Lê Minh Đảo được dịp khoác lác: “Việt cộng có thêm mấy sư đoàn nữa cũng không chiếm được Long Khánh - “cánh cửa thép” bất khả xâm phạm”.

 

Nhưng địch hí hửng không được lâu, chút hy vọng vừa lóe lên liền bị dập tắt. Trong khi cánh quân Duyên Hải của ta đập nát lá chắn Phan Rang, giải phóng hoàn toàn tỉnh Ninh Thuận và nhanh chóng tiến vào giải phóng Bình Thuận từ trong đêm 14 rạng 15/4, pháo binh ta cấp tập bắn vào Biên Hòa, đồng thời bộ binh tiến công địch ở Ngã ba Dầu Dây, tiêu diệt Chiến đoàn 52 ngụy. Địch tập trung xe tăng và phi pháo phản kích nhưng bị thảm bại. Trong khi đó, ở Xuân Lộc, ta liên tục tiến công, đánh tan tác 2 chiến đoàn 43, 48 và diệt một bộ phận quân dù. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, tối 20/4, địch bỏ Xuân Lộc rút chạy. Bộ trưởng quốc phòng ngụy Trần Văn Đôn phải cay đắng thốt lên: “Quốc gia đang trong tình trạng nguy ngập thật sự, sự sống còn chỉ tính từng tuần, từng ngày, không thể tính từng tháng…”. Thấy trước ngày diệt vong, tối 21/4, Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu lên vô tuyến truyền hình và đài phát thanh đọc một bài diễn văn dài và tuyên bố từ chức. Tổng thống Hoa Kỳ cũng công khai thừa nhận: “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc đối với Mỹ”. 

 

Gần 12 ngày đêm chiến đấu vô cùng ác liệt dưới tầm hủy diệt của hàng vạn tấn bom pháo, kể cả bom khí đốt CBU, lực lượng ta đã tiêu diệt 2.056 tên địch, bắt 2.785 tên, đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 18 và Sư đoàn 5 ngụy. “Lá chắn” Phan Rang bị đập tan, giờ đây “cánh cửa thép” Xuân Lộc bị phá vỡ, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ còn lại của địch ở xung quanh Sài Gòn, suy sụp thêm tinh thần quân ngụy đang hoang mang cực độ. 

 

Chiến thắng Xuân Lộc - Long Khánh đã tạo ra một thế trận mới cho ta, đồng thời là hồi chuông báo tử cho chế độ ngụy quyền Sài Gòn.

 

HỒ SĨ THÀNH - HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ PHÚ YÊN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek