Thứ Sáu, 03/05/2024 20:11 CH
Cuộc hành quân thần tốc
Thứ Năm, 09/04/2015 10:24 SA

Sân bay Biên Hòa bị tê liệt sau khi Xuân Lộc thất thủ - Ảnh: T.L

Khi quyết định mở cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975, ta xác định mục tiêu cuối cùng của trận quyết chiến chiến lược là đánh chiếm Sài Gòn. TP Sài Gòn - Gia Định là thành phố lớn nhất miền Nam, lúc này có khoảng 3,5 triệu dân, rộng 1.845km2, có nhiều nhà cao tầng kiến trúc phức tạp. Đây là nơi tập trung các cơ quan đầu não của ngụy quân, ngụy quyền; các kho tàng và căn cứ hậu cần quan trọng; là trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, cũng là sào huyệt cuối cùng của chúng.

 

CUỘC HÀNH QUÂN THẦN TỐC LỚN NHẤT VÀO MẶT TRẬN SÀI GÒN

 

Mùa xuân 1975, cả nước dồn sức ra trận cho thời cơ giải phóng miền Nam. Chiến trường đang thắng lớn nhưng Binh đoàn Quyết Thắng, lực lượng cơ động chiến lược của bộ vẫn còn làm nhiệm vụ đắp đê sông Đáy ở Kim Sơn (Ninh Bình). Cán bộ, chiến sĩ trong tình trạng hết sức nôn nao. Thế rồi niềm mong đợi đã tới. Thượng tuần tháng 3, binh đoàn được lệnh đi chiến đấu (Sư đoàn 308 được phân công ở lại bảo vệ miền Bắc). Tất cả reo mừng như mở hội. Cả đoàn quân 30.000 người cùng vũ khí, phương tiện chiến đấu gấp rút chuẩn bị vào Nam.

 

Từ ngày 19/3/1975, lực lượng đi đầu của binh đoàn được lệnh xuất phát. Đoàn tàu quân sự chở bộ đội hối hả chạy vào Vinh. Từ đây, một bộ phận ra Bến Thủy xuống tàu hành quân theo đường biển vào Quảng Trị, số còn lại chuyển sang xe vận tải thẳng hướng vào Nam. Ngày 1/4 khối đi đầu của binh đoàn với hàng trăm xe chở bộ binh, xe kéo pháo, xe đạn nối đuôi nhau hành tiến theo quốc lộ 1. Để đảm bảo cho binh đoàn hành quân thần tốc, Sư đoàn ô tô vận tải 571 thuộc Bộ Tư lệnh (Đoàn 559) đã huy động khẩn 1.053 xe chở quân từ Quảng Trị vào Đồng Xoài (Phước Long). Những “đại bàng Trường Sơn”, “tuấn mã đường 9”, “dũng sĩ vạn tấn” thi nhau chạy đường trường trong cơn lốc bụi mịt mù dọc chiều dài đất nước. Người và xe đều phủ lớp bụi đỏ quạch. Ai cũng hiểu rõ lúc này thời gian là lực lượng và phải thần tốc, thần tốc hơn nữa… Các lái xe thay phiên nhau chạy suốt ngày đêm. Bộ binh ngủ trên xe. Cứ thế, cả quân đoàn hành quân suốt ngày này sang ngày khác trên quãng đường dài hơn 1.200km. Ngày 12/4, đội hình đầu tiên tới Đồng Xoài; đội hình cuối tới nơi ngày 19/4. Sự có mặt của Binh đoàn Quyết Thắng ở cửa ngõ phía bắc Sài Gòn đúng thời gian đã góp phần tạo ưu thế tuyệt đối áp đảo địch, tạo cơ sở để Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn.

Trong chiến dịch lịch sử này, Binh đoàn Quyết Thắng tiến công như vũ bão ở hướng bắc và tây bắc, tiêu diệt Sư đoàn 5 ngụy, giải phóng Thủ Dầu Một, tiến về đánh chiếm Bộ tổng tham mưu địch trưa 30/4.

 

 

Chính sự “thiếu vắng” của Sư đoàn 308 đã góp phần làm cho quân ngụy bị bất ngờ lúng túng, khó phán đoán được ý đồ chiến lược của ta. Con số 308 là một dấu hỏi lớn ở góc tâm bản đồ theo dõi tình hình chiến sự miền Nam trong tháng 4/1975, tại Bộ tổng tham mưu ngụy là một minh chứng rõ ràng.

 

 

THẾ TRẬN CỦA TA TRONG TRẬN QUYẾT CHIẾN CHIẾN LƯỢC GIẢI PHÓNG SÀI GÒN

 

Địa hình thành phố khá phức tạp, xung quanh có nhiều sông rạch, bưng sình; nhất là hướng nam và tây nam có nhiều cầu lớn là đầu mối giao thông chính tỏa đi miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Ta phải chiếm được các cầu này mới đảm bảo cho xe tăng, pháo binh và các binh khí kỹ thuật nặng vào được Sài Gòn. Từ giữa tháng 5 là bắt đầu mùa mưa, các binh đoàn lớn của ta sẽ gặp khó khăn trở ngại nếu thoát ly các trục đường giao thông.

 

Để hình thành thế trận bao vây Sài Gòn, trong khi chờ đợi lực lượng của Quân đoàn 1 và Quân đoàn 3, với cả bộ binh và binh khí kỹ thuật… hành quân thần tốc vào, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã ra lệnh đẩy mạnh hoạt động ở phía tây và tây nam, chia cắt quốc lộ 4, buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó và khó phán đoán được ý định chung của ta, làm cho địch ở Sài Gòn thêm rối loạn và hoang mang. Đồng thời đưa nhanh các đội đặc công và biệt động mạnh lên để tạo điều kiện cho cuộc tiến công lớn.

 

Các đơn vị của Quân khu 8, Quân khu 9, từ vùng giải phóng đến nội đô liên tục tấn công gây cho địch nhiều thiệt hại về sinh lực và phương tiện chiến tranh; giải phóng một số vùng quan trọng ở Long An, Bến Tre, Mỹ Tho, mở hành lang nối liền miền Đông Nam Bộ qua Đồng Tháp Mười, xuống miền Tây Nam Bộ… các hoạt động của lực lượng vũ trang đã kìm giữ, thu hút một số đơn vị chủ lực của địch ở “vùng 4”, thu hút một phần hoạt động của không quân và hải quân địch.

 

Ở hướng bắc, Quân đoàn 4 và chủ lực Miền, trước kia giải phóng Xuân Lộc, đã giải phóng được chi khu Dầu Tiếng, Chơn Thành, TX An Lộc; giam chân Sư đoàn 25 ngụy ở vùng Trảng Lớn (Tây Ninh), uy hiếp Sư đoàn 5 ngụy ở Lai Khê, Bến Cát (Bình Dương).

 

Xuân Lộc được giải phóng, cánh cửa phía đông Sài Gòn mở rộng sẵn sàng đón lực lượng Quân đoàn 2, Quân đoàn 4 và Sư đoàn 3 Quân khu 5 vào Sài Gòn. Sư đoàn 3 chuẩn bị tiến về Bà Rịa, Vũng Tàu. Như vậy trước khi tổng công kích vào Sài Gòn - Gia Định, cánh quân phía Đông đã tạo được một thế chung rất thuận lợi.

 

Phía tây nam Sài Gòn, ta đã điều lực lượng xuống Bến Lức, Long An, đánh thông hành lang Tây Ninh - Kiến Tường, làm chủ một phần sông Vàm Cỏ Tây, tiếp tục xuống vùng Tân An, Thủ Thừa, áp sát và đánh giao thông quốc lộ 4, mở ra một vùng giải phóng, tạo bàn đạp cho lực lượng thuộc Binh đoàn 232 chuẩn bị tiến công vào Sài Gòn từ phía tây nam. Xe tăng, pháo, hỏa tiễn, cao xạ của các sư đoàn bộ binh, trung đoàn độc lập và hàng trăm tấn đạn, xăng dầu đã tới nơi quy định…

 

Tạo thế ở hướng tây nam Sài Gòn là một kỳ công của quân và dân miền Tây Nam Bộ, vì điều kiện địa hình ở đây khó triển khai lực lượng lớn, nhất là những binh khí kỹ thuật nặng. Tổ chức thông tin từ Sở chỉ huy chiến dịch xuống cánh tây nam chỉ có phương tiện độc nhất là vô tuyến. Việc chuẩn bị cầu, phà, đường cơ động, vận chuyển hậu cần… phải hết sức bí mật để giữ được bất ngờ ở hướng quan trọng này.

 

Ở hướng tây bắc, ta không đánh để giải quyết Tây Ninh, nhưng kìm giữ, phân tán lực lượng Sư đoàn 25 ngụy, không cho chúng tập trung để lùi dần về Sài Gòn. Một trung đoàn của Quân đoàn 3 đã vượt sông Sài Gòn cắt đứt một đoạn đường Sài Gòn đi Tây Ninh ở quãng Gò Dầu Hạ.

 

Sân bay Biên Hòa bị pháo binh ta bắn hàng ngày, địch phải đưa máy bay về Tân Sơn Nhất, nên dần dần bị tê liệt, trong khi ta chuẩn bị hỏa lực mạnh để đánh phá hai sân bay cuối cùng của địch là Tân Sơn Nhất và Cần Thơ, nhằm giảm bớt khả năng chiến đấu của không quân địch, chống phá kế hoạch “di tản” của chúng, góp phần tạo thuận lợi cho cuộc tống tiến công sắp tới.

 

Các đội biệt động, đặc công của Thành đội Sài Gòn - Gia Định cũng đã áp sát nội đô và bố trí sẵn ở các vị trí, sẵn sàng tiến công và phối hợp với các cánh quân vào giải phóng Sài Gòn.

 

Hàng trăm cán bộ quân, dân chính đảng đã vào nội thành để chỉ huy các đội võ trang và đoàn thể quần chúng nổi dậy giành chính quyền và tiếp quản thành phố, trong đó có nhiều đồng chí là Thành ủy viên, Ủy viên ban cán sự…

 

Để thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị, Trung ương Cục và Quân ủy Miền đã bàn và thông qua các kế hoạch về tổng tiến công và chuẩn bị nổi dậy trên toàn B2. Đồng chí Võ Văn Kiệt, Ủy viên Trung ương Cục, trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định chuyên trách về tổ chức và chỉ đạo kế hoạch quần chúng nổi dậy để phối hợp với cuộc tiến công của các binh đoàn chủ lực vào thành phố.

 

Như vậy, trước khi nổ súng tổng công kích vào Sài Gòn, ta đã hình thành được thế trận bao vây địch trong thành phố. Ở phía đông đã cắt đứt hoàn toàn quốc lộ 1, áp sát Trảng Bom, sẵn sàng cắt đứt đường 15, sông Lòng Tàu và khống chế Vũng Tàu, đang làm sân bay Biên Hòa tê liệt. Ở phía nam, các đơn vị của Quân khu 8 sẵn sàng cắt đứt quốc lộ 4 và kênh Chợ Gạo.

 

Ở phía đông nam, Quân đoàn 2 đã tiến sát Nước Trong, Long Thành, Bà Rịa, Vũng Tàu. Ở phía tây nam, Đoàn 232 đã áp sát vào tuyến sông Vàm Cỏ Đông và Hậu Nghĩa. Sư đoàn 5, Sư đoàn 8 đã áp sát Mỹ Tho, Cần Đước, Cần Giuộc, ở phía nam quận 8, Sài Gòn. Hướng tây bắc, Quân đoàn 1 đã vào khu vực tập kết ở nam Sông Bé, Quân đoàn 3 đã tiến đến khu vực Dầu Tiếng.

 

Tính đến sau ngày ta đập tan “cánh cửa thép” Xuân lộc, Sài Gòn đã bị bao vây mọi phía ở cự ly “tầm bắn đại bác”. Tình thế của địch đã như “cá nằm trên thớt”.

 

HỒ SĨ THÀNH - HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ PHÚ YÊN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek