Chủ Nhật, 22/09/2024 20:34 CH
Phú Yên xưa – Một thời Tây Sơn trung đạo
Chủ Nhật, 11/09/2005 10:41 SA

Năm 1771, nhà Tây Sơn khởi nghiệp tại Bình Khê (Bình Định). Cũng như tất cả các cuộc khởi nghĩa trong lịch sử, nhà Tây Sơn lập căn cứ vững chắc ở những vùng núi non hiểm trở để luyện quân và che giấu lực lượng. Sử sách nói nhiều đến Tây Sơn thượng đọa (An Khê) và Tây Sơn hạ đạo (Bình Khê – nay là Tây Sơn) nhưng đề cập quá mờ nhạt về Tây Sơn trung đạo (vùng núi la Hiên Phú Yên).

 

 Miền Tây Phú Yên có dãy núi La Hiên hùng vĩ tiếp giáp với An Khê, nơi Nguyễn Nhạc chọn làm căn cứ Tây Sơn thượng đạo. Để mở rộng căn cứ, nhà Tây Sơn chọn miền tây Đồng Xuân làm căn cứ “Tây Sơn trung đạo”, lập thế ỷ dốc để khởi nghiệp lớn lâu dài. “Tây Sơn trung đạo” mở rộng từ Thồ Lồ lập tuyến hành lang mở những con đường dọc theo sông Ba đến vùng Thạch Thành ở tây nam Phú Yên.

 

 

Ôn lại tiếng trống Xưa

 

 Đất Phú Yên xưa thời Tây Sơn trung đạo có rất nhiều những hòn núi, cánh đồng, hang đá, dốc đèo… trở thành những địa danh lịch sử, gắn liền với những sự tích khác nhau thời Tây Sơn tụ nghĩa.

 

 Đồng bào Ba Na, Ê Đê theo tiếng gọi của Bok Nhạc (Nguyễn Nhạc) đã đóng góp nhiều công sức cùng với danh tướng Trần Quang Diệu mở ra những con đường thượng đạo, trung đạo nối liền Tây nguyên với hai tỉnh Bình Định, Phú Yên, gắn kết các lộ quân với sở chỉ huy nghĩa quân ở Tây Sơn hạ đạo (Bình Khê – Bình Định).

 

 Chiến công đầu tiên của phong trào Tây Sơn hạ thành Quy Nhơn năm 1773 đã ghi công đầu cho Bok Kiơm – một dũng sĩ Ba Na ở Thồ Lồ. Lực lượng hậu cần của phong trào Tây Sơn chủ yếu tập trung ở chân núi La Hiên hùng vĩ. Những địa danh “Gò Kho”, “Hòn Lãnh Lương”, “Cánh đồng Cô Hầu” ở Xuân Quang Đồng Xuân ghi dấu ấn một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc trên đất Phú Yên. Lịch sử còn ghi lại một già làng H’Rum còn lưu danh là một trong những người nuôi quân tài giỏi, có công lớn góp phần xây dựng căn cứ địa Tây Sơn trung đạo.

 Lịch sử cũng còn ghi lại thủ lĩnh dân tộc Chăm mà sử sách ghi tên là Thị Hỏa từ Thạch Thành tiến ra phối hợp với cánh quân Tây Sơn từ Eo Gió tràn xuống đánh vào Bảo La Thai (La Hai ngày nay), căn cứ quân ngũ dinh của chúa Nguyễn. Trận đánh thắng lợi nhưng Thị Hỏa bị tướng của chúa Nguyễn là Tống Phước Hiệp sát hại.

 

 Những cánh rừng từ An Khê đến Thồ Lồ là thao trường tập voi của nữ tướng Bùi Thị Xuân. Người phụ nữ Chăm Hroi ở Đồng Xuân là Chế Ava đã giúp Bùi Thị Xuân cách dùng lá rừng làm thuốc chữa lành các vết thương cho voi khi luyện tập cũng như trong chiến đấu. Đội tượng binh kiêu hùng của quân đội Tây Sơn được hình thành chủ yếu từ căn cứ “Tây Sơn trung đạo” Phú Yên. Không chỉ bà con dân tộc, các tầng lớp nhân dân Phú Yên nô nức tụ nghĩa dưới cờ của phong trào Tây Sơn, kể cả quan đầu tỉnh Phú Yên Võ Văn Cao, cai cơ Phạm Văn Điềm. Hai ông đã kéo quân về hợp lực, trở thành những trọng thần của nhà Tây Sơn trong buổi đầu dựng nghiệp.

 

Nét xưa - Ảnh: Dương Thanh Xuân

 

 Năm 1775, đạo quân tại căn cứ “Tây Sơn trung đạo” Phú Yên gồm kỵ binh do Nguyễn Quang Sáng, Lương Văn Trực cùng chúa Thủy Xá là Ma Khương tụ quân tại núi La Hiên, phối hợp cùng lực lượng thủy quân của Lưu Quốc Hùng, Trần Văn Nhâm hình thành lực lượng Tây Sơn hữu đạo cùng 2000 quân do Nguyễn Huệ chỉ huy từ Quy Nhơn kéo vào đánh úp quân của chúa Nguyễn tại Phú Yên, tiêu diệt 2 vạn quân của danh tướng Tống Phước Hiệp ở Xuân Đài, giết chết cai cơ đội Nguyễn Văn Hiền, bắt sống cai cơ Nguyễn Khoa Kiên. Tống Phước Hiệp phải bỏ thành chạy.

 

 Chúa Nguyễn đưa quân từ Bình Khang (Khánh Hòa) ra cứu nguy bị chặn đánh tan tác ở đèo Hồ Dương (đèo Cả). Đội quân “Tây Sơn trung đạo” do Phạm Văn Tham Lê Văn Thành và chúa Hỏa Xá (vua lửa) Y Thuông (Thạch Thành) cùng lực lượng thủy quân của Phạm Ngạn bắt sống tướng chúa Nguyễn là Bùi Công Kế, giết chết Tống Văn Khôi, tiêu diệt 500 quân chúa Nguyễn ở đèo Cả. Sau khi vua Quang Trung ra đời (1792) chỉ một năm sau (1793) chúa Nguyễn Ánh cùng các tướng Tôn Thất Hội, Võ Tánh dốc toàn lực đánh vào Phú Yên. Tham đốc Tây Sơn là Phạm Văn Điềm phải thua chạy. Chúa Nguyễn Ánh đắp đồn lũy, tích binh lương cố giữ cho bằng được Phú Yên.

 

 Tháng 10-1793, Tôn Thất Hội – trấn thủ Phú Yên của chúa Nguyễn hoảng sợ trước áp lực của quân Tây Sơn, dâng biểu tâu rằng: “Mùa mưa lụt nước sông Đà Diễn chảy gấp, sợ quân giặc vào, tiến thoái lưỡng nan, xin lui về sông Bàn Thạch mà đóng”. Chúa Nguyễn nổi giận, cách chức Tôn Thất Hội, cử các tướng Nguyễn Văn Nhâm, Vũ Văn Lượng cùng giữ Phú Yên.

 

 Năm 1794, tướng Tây Sơn Nguyễn Văn Hưng chỉ huy bốn vạn quân quét sạch quân chúa Nguyễn tại Phú Yên.

 Tháng 4-1794, chúa Nguyễn dốc toàn lực huy động một loạt danh tướng như Võ Tánh, Nguyễn Văn Thành, Tôn Thất Hội… chiếm lại Phú Yên, ra sức củng cố các vị trí phòng thủ chiến lược.

 

 Tháng 10-1794, danh tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Lê Trung chỉ huy hai đạo quân thủy bộ quét sạch quân chúa Nguyễn ra khỏi Phú Yên.

 Năm 1795, chúa Nguyễn cử đại binh ra đánh Phú Yên rồi chiếm giữ một số vị trí.

 Năm 1797, chúa Nguyễn và hoàng tử Cảnh cùng các tướng Võ Tánh, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Hoàng Dực tiếp tục tiến công mở rộng vùng kiểm soát ở Phú Yên để làm bàn đạp tấn công thành Quy Nhơn.

 

 Năm 1799, chúa Nguyễn đánh thành Quy Nhơn, giao Nguyễn Văn Thành đánh chiếm Phú Yên rồi đưa quân tiếp ứng cho Võ Tánh. Sau đó, tướng chúa Nguyễn trấn thủ Phú Yên là Phạm Văn Điềm đầu hàng và đem cả Phú Yên về với Tây sơn. Quân Tây Sơn xây dựng hơn 90 đồn rất kiên cố để giữ Phú Yên.

 

 Năm 1800, chúa Nguyễn lại đem quân ra đánh Phú Yên. Sau hàng loạt trận giao tranh ác liệt, tháng 5-1800 bộ binh của Nguyễn Văn Thành chiếm được Phú Yên. Chúa Nguyễn cho lập nhiều kho lương ở Vịnh Xuân Đài, vơ vét lúa gạo của nhân dân để tiếp tế cho lực lượng chúa Nguyễn ở Quy Nhơn đang nguy ngập bởi sự bao vây của danh tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu. Đèo Vận Lương (xã Xuân Thịnh – Sông Cầu) ghi lại dấu ấn lịch sử của giai đoạn này.

 

 Năm 1801, Trần Quang Diệu hạ thành Quy Nhơn, mở rộng khu vực kiểm soát vào Phú Yên để bổ sung lực lượng trở ra giải phóng Phú Xuân. Nỗ lực tiến công giải phóng Phú Yên lần cuối cùng không thu được kết quả, do thế và lực của Tây Sơn đã tổn thất nặng nề. Từ đó chúa Nguyễn đặt Phú Yên là doanh, cử quan cai trị.

 

 Dấu ấn phong trào Tây Sơn tại Phú Yên trong 30 năm (1771 – 1801) có vô vàn sự kiện bi hùng. Rất tiếc, sử sách ghi lại không nhiều chưa thể hiện đầy đủ tầm vóc đóng góp của đất và người Phú Yên cho phong trào khởi nghĩa nông dân vĩ đại của dân tộc cuối thế kỷ XVIII.

 

 Kẻ hậu thế này soi gương kim cổ và hoàn toàn chia xẻ nỗi niềm với nhà nghiên cứu Phan Long Yên (dù chính kiến có thể khác nhau):

            Đất Phú xưa kia nổi một vùng

            Nhân tài vật lực giúp Quang Trung

            Phất cờ khởi nghĩa giành công lớn

            Sử chép vô tình nghĩa thủy chung.

BA ĐÀ RẰNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Mây trắng Dinh Phoan
Thứ Hai, 22/08/2005 16:19 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek