Chủ Nhật, 22/09/2024 20:35 CH
Phú Yên với hai bản đồ lịch sử
Chủ Nhật, 29/01/2006 09:53 SA

Giữa bản đồ mệnh danh Đại Việt thời Hồng Đức (1490) và Đại Nam nhất thống toàn đồ (1840), núi Đá Bia (Thạch Bi – Phú Yên) ở vào vị trí khác nhau so với cương vực toàn quốc. Trên bản đồ thứ nhất, Phú Yên là vùng đất tận cùng của Tổ quốc. Trên bản đồ thứ hai, Phú Yên là vùng đất địa đầu của cả phương Nam mới phát triển. Vùng đất mới này đại khái có diện tích bằng 1 phần 3 cả nước và trù phú bằng 1 phần 2 cả nước. Trong lịch sử phát triển dân tộc ở thời cận đại, đất và người Phú Yên đã giữ một vai trò tiền phương rồi hậu phương rất quan trọng. Thật đáng tự hào!

 

Nhân buổi xuân sang, chúng ta lần giở mấy trang sử kiêu hùng ấy để ôn cố tri tân mà tái lập sứ mệnh phát triển dân tộc ở tầm cao và phương hướng mới.

 

1- Từ vùng đất ràng buộc đến khi lập phủ Phú Yên (1471-1611):

 

Chính sử ghi rằng: Đời Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức năm thứ 2 (1471), sau khi thắng trận Chà Bàn, biên giới nước ta đã lấy núi Đá Bia ở đèo Cả làm cột mốc. Trên vùng đất mới, ba phủ được thiết lập. Đó là phủ Thăng Hoa (nay là tỉnh Quảng Nam), phủ Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi) phủ Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định). Còn đất từ đèo Cù Mông tới đèo Cả vẫn để dân địa phương tự trị.

 

Bản đồ Hồng Đức 1940, khu vực có đóng khung đỏ là núi Thạch Bi - Tư liệu của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu

 

Năm 1578, chúa Tiên – Nguyễn Hoàng sai ông  Lương Văn Chánh chiêu mộ lưu dân đưa đến đất Cù Mông, Bà Đài, Đà Rằng để khẩn hoang lập nghiệp. Lương Văn Chánh nguyên làm quan miền biên viễn dưới triều Lê và theo Nguyễn Hoàng vào Nam. Lương Văn Chánh thật đáng tôn thờ như một vị tiền hiền có công khai hoang lập ấp trên khắp dải đất Cù Mông – Bà Đài – Đà Rằng trở thành giàu thịnh, bình yên.

 

Năm 1611, khi thấy vùng đất mới đã phát triển quy mô và khá rộng khắp, Nguyễn Hoàng bèn sai chủ sự Văn Phong vào lập phủ Phú Yên coi hai huyện Đồng Xuân Tuy Hòa, lấy cớ là có một số dân bản địa nổi lên xâm lấn biên cảnh (!). Phủ Phú Yên thuộc dinh Quảng Nam thống quản và Văn Phong được cử làm Lưu thủ cai trị phủ Phú Yên. Từ đây xuất hiện những địa danh thuần Việt như Phú Yên, Đồng Xuân, Tuy Hòa… Còn những địa danh tiếng Chăm như Cù Mông thì để nguyên, hay Bà Đài, Đà Rằng thì Việt hóa một phần thành Xuân Đài, Đà Diễn. Những địa danh này coi như tục danh.

 

Lương Văn Chánh có công chăn dắt lưu dân khai hoang vỡ đất, mở mang công thương nghiệp trong nội địa cũng như với các buôn bản dân thiểu số trên cao nguyên thượng nguồn. Nhưng ông cũng không quên hướng dẫn dân chúng quy tụ thành làng mạc để phát triển tình nghĩa xóm ấp theo tinh thần đặc thù quê hương và văn hiến dân tộc. Theo quan niệm của các triều đại xưa, chỉ khi nào có đất rộng đủ sinh sống và có dân biết lễ nghĩa theo thuần phong mỹ tục, thì triều đình mới lập thành phủ huyện và cho hội nhập bình quyền vào cộng đồng quốc gia.

 

2- Từ khi có phủ Phú Yên tới lúc lập dinh Trấn Biên với sự nghiệp Nam tiến (1611-1698):

 

 

Phủ Phú Yên phát triển thanh bình thịnh vượng được 18 năm, bỗng năm 1629 thấy sử ghi: “Văn Phong ở Phú Yên dùng quân Chiêm Thành để làm phản. Phó tướng Nguyễn Phước Vinh (con trưởng Mạc Cảnh Huống, lấy công chúa Ngọc Liên, cho theo quốc tính sau đổi làm Nguyễn Hữu) đi đánh dẹp yên và lập dinh Trấn Biên. (Khi mới mở mang, những nơi đầu địa giới đều gọi là Trấn Biên). Vì có công ấy, đặc biệt cho dùng ấn son”. (1)

 

Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu giới thiệu các bản đồ cổ có liên quan đến Phú Yên tại hội thảo xác định mốc thời gian thành lập tỉnh Phú Yên - Ảnh: Dương Thanh Xuân

 

Đến nay chúng ta vẫn chưa biết Lưu thủ Văn Phong làm phản thế nào. Có lẽ ở miền xa triều đình, Văn Phong đã tự tung tự tác quá đáng chăng! Chúa Sãi – Nguyễn Phước Nguyên (1613-1635) phải quan tâm đến vấn đề an ninh nội địa và quốc phòng biên cương, nên đã cho lập dinh Trấn Biên ở vùng địa đầu Phú Yên. Chúng ta biết rằng đương thời xứ (hay thừa tuyên) Quảng Nam rất rộng lớn cai quản cả 5 phủ (Thăng Hoa, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên) mà chỉ có một dinh Thanh Chiêm – nơi tập trung nhiều lực lượng võ trang và chỉ huy các cuộc hành quân. Từ dinh Thanh Chiêm vào Phú Yên đường xá xa xôi. Mỗi khi có sự cố, việc can thiệp có thể chậm trễ. Cho nên nhân vụ Văn Phong làm phản, Chúa Sãi đã cho lập thêm dinh Trấn Biên ở phủ Phú Yên – nơi địa đầu của lãnh thổ.

 

Cụ thể, dinh Trấn Biên được xây dựng tại đâu? Sử cũ ghi tại thôn Hội Phú (nay thuộc xã An Ninh Tây, huyện Tuy An). Dinh có tường thành bao quanh được xây đắp ở khúc vòng cung sông Phú Ngân (cũng gọi sông Cây Dừa). Thời Pháp, phủ lỵ phủ Tuy An đặt ở phía bắc dinh Trấn Biên xưa. Ta có thể thấy rõ địa điểm này nơi trang 313, trong khung bản đồ E4, sách Nghiên cứu Địa bạ Phú Yên cùng soạn giả (2).

 

Phó tướng Nguyễn Phước Vinh là người xây dựng dinh Trấn Biên sau khi dẹp loạn Văn Phong. Thật ra, Vinh nguyên họ Mạc, con Mạc Cảnh Huống. Ông này là “em Khiêm vương Mạc Kính Điển. Năm Mậu Ngọ (1553) mùa đông, Nguyễn Hoàng vào Nam, trấn thủ Thuận Hóa, Cảnh Huống đem gia quyến đi theo, làm quan đến Thống binh, tham mưu trong màn trướng, giúp việc lúc khai quốc. Cảnh Huống mất khi đang tại chức” (3). Vinh lấy công chúa Ngọc Liên, làm con rể Chúa Sãi – Nguyễn Phúc Nguyên, Chúa Sãi có 4 con gái là: Ngọc Liên, Ngọc Vạn, Ngọc Khoa, Ngọc Đỉnh. Ngọc Liên lấy Mạc Kính Vinh, Ngọc Đỉnh lấy phó tướng Nguyễn Cửu Kiều, còn Ngọc Vạn và Ngọc Khoa thì sử ghi “không có truyện”. Một số nhà sử học đoán định là Ngọc Vạn lấy quốc vương Chân Lạp Chey Chettha II năm 1620! Phó tướng Nguyễn Phước Vinh là vị tướng tiên khởi cai quản dinh Trấn Biên vừa có oai và có uy. Ông làm cho đất Phú Yên đã giàu lại mạnh.

 

Năm 1653, vua nước Chiêm Thành là Bà Tấm xâm lấn Phú Yên, cai cơ Hùng Lộc được làm Thống binh lãnh ba ngàn quân đi đánh,… Bà Tấm chạy. Lấy được đất đến sông Phan Rang… chia đặt hai phủ Thái Khang Diên Ninh nay là tỉnh Khánh Hòa. Vua Chiêm Thành còn được tự trị ở phía nam Phan Rang.

 

Năm 1658, “vua nước Chân Lạp là Nặc Ông Chân xâm phạm biên cảnh, khâm mạng dinh Trấn Biên là Phó tướng Yến Vũ Hầu đem ba ngàn binh đi hai tuần đến thành Mô Xoài (Bà Rịa nay) đánh phá kinh thành và bắt được vua nước ấy. Vua (tức Chúa Hiền – Nguyễn Phước Tần, 1648-1687) dụ tha tội cho, và phong Nặc Ông Chân làm Cao Miên quốc vương”(4). Dinh Trấn Biên mới thiết lập được 29 năm, mà Phó tướng Chưởng dinh đã có đủ ba ngàn tinh binh hành quân hai tuần để hạ thành Mô Xoài. Thực lực của Phú Yên thật đáng kể. Nơi đây đúng là bàn đạp phát triển dân tộc cả ba phía: đông tiến, tây tiến và đặc biệt nam tiến. Nam tiến một cách hòa bình tuần tự như người xưa bàn về chính sách “tầm ăn dâu”. Từ thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII, lưu dân Việt Nam đã tự động đi khẩn hoang lập ấp lan tràn khắp vùng châu thổ sông Mêkông và rải rác trên châu thổ sông Mênam bên Xiêm La (nay là Thái Lan).  Do thực tế ấy, mới nẩy sinh biến cố “vua Chân Lạp xâm phạm biên cảnh”. Như vậy, biên cảnh của Đại Việt đã ở Nam Bộ từ xa xưa rồi. Tuy nhiên, sau khi giải quyết biến cố vừa kể, Yến Vũ Hầu lại kéo quân về dinh Trấn Biên (Phú Yên).

 

Đầu năm 1693, Thống binh Nguyễn Hữu Cảnh (cũng đọc Kính) đem quân đi chinh phạt Chiêm Thành, lấy được xứ ấy rồi đặt làm trấn Thuận Thành. Năm tháng sau, lại đổi trấn Thuận Thành làm phủ Bình Thuận.

 

Mùa xuân năm 1698, chúa Minh – Nguyễn Phước Chu “sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược đất Giản Phố Trại (Campuchia), lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên (Biên Hòa nay); lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (TP.HCM nay); mỗi dinh đều đặt các chức Lưu thủ, Cai bạ, Ký lục và các cơ đội thuyền thủy bộ tinh binh và thuộc binh. (Khi ấy) đất đã mở rộng ngàn dặm và có dân trên bốn vạn” (5). Cuối năm ấy, chúa Minh “lấy Cai cơ Nguyễn Hữu Khánh làm Lưu thủ dinh Trấn Biên”. Có lẽ đây là thời điểm chuyển dịch dinh Trấn Biên từ thôn Hội Phú (huyện Tuy An, Phú Yên) vài Biên Hòa. Chỉ trong 87 năm kể từ khi khai thác và trực trị đất Phú Yên (1611), đến lúc mở đầu công cuộc khẩn hoang và trực trị đất phương Nam (1698), cương vực đã tăng thêm được 1/3 lãnh thổ của cả nước. Nhờ có bàn đạp hậu phương trù mật và hào hùng Phú Yên, mà đất nước ta đã có thời lớn mạnh như thổi theo phép mầu Phù Đổng vậy.

 

Nhà nghiên cứu NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU

 

--------------

(1) Quốc sử quán, Đại Nam thực lục. Tiền biên. Tập 1, Viện Sử học phiên dịch. NXB Sử học, Hà Nội 1962 trang 56.

(2) Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu Địa bạ triều Nguyễn. Phú Yên. NXB TP.HCM, 1997, trang 313.

(3) Quốc sử quán, Đại Nam liệt truyện. Tập 1, Viện Sử học phiên dịch. NXB Thuận Hóa, Huế, 1993. Trang 67, 81.

(4) Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Nguyễn Tạo dịch. Nhà Văn hóa XB, Sài Gòn, 1972, tập Trong, trang 6-7.

(5) ĐNTL, Tiền Biên, sđd, trang 153-154.

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Dọc đường 25
Thứ Năm, 26/01/2006 14:57 CH
Từ dinh trấn biên đến Thành An Thổ
Thứ Ba, 20/09/2005 10:10 SA
Phú Yên xưa – Một thời Tây Sơn trung đạo
Chủ Nhật, 11/09/2005 10:41 SA
Mây trắng Dinh Phoan
Thứ Hai, 22/08/2005 16:19 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek